GESTIS VERBISQUE: THÔNG TRI CỦA BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN VỀ TÍNH THÀNH SỰ CỦA CÁC BÍ TÍCH

Written by xbvn on Tháng Hai 3rd, 2024. Posted in Thế Giới, Tín lý, Tý Linh

Đối mặt với tình trạng lạm dụng phụng vụ kéo dài, Thông tri “Gestis Verbisque” của Bộ Giáo lý Đức tin tái khẳng định rằng các lời và yếu tố được thiết lập trong nghi thức cốt yếu của mỗi Bí tích không thể được sửa đổi, điều này sẽ làm bí tích không thành sự.

Thông tri của Bộ Giáo lý Đức tin được công bố, vào thứ Bảy 3/2/2024, có tựa đề Gestis Verbisque (Về các cử chỉ và lời nói) là một bản văn được thảo luận bởi phiên họp toàn thể gần đây của Bộ và đã được Đức Thánh Cha phê chuẩn, trong đó nhắc nhở rằng các công thức và các yếu tố chất thể được thiết lập trong nghi thức cốt yếu của Bí tích không thể được thay đổi tùy thích nhân danh sự sáng tạo. Bất kỳ hành động nào như vậy theo nghĩa này sẽ làm cho bí tích không thành sự.

Lời giới thiệu của Đức Hồng y Fernández

Trong phần giới thiệu tài liệu, ĐHY Victor Fernández, Tổng trưởng của Bộ, giải thích nguồn gốc của nó, cụ thể là “sự gia tăng của các hoàn cảnh trong đó việc không thành sự của các bí tích được cử hành đã được ghi nhận”, với những sửa đổi “khi đó đã dẫn đến việc phải tìm ra những người liên quan đến việc lặp lại nghi thức của Bí tích Rửa Tội hoặc Thêm Sức, và một số lượng đáng kể các tín hữu đã bày tỏ sự phật lòng của họ một cách đúng đắn”. Những sửa đổi trong công thức rửa tội được trích dẫn làm ví dụ: “Cha rửa con nhân danh Đấng Tạo Hóa …” và “Nhân danh cha và mẹ của con … chúng tôi rửa tội cho con.” Những trường hợp cũng liên quan đến các linh mục, những người “đã được rửa tội bằng những công thức thuộc loại này, đã đau đớn nhận ra sự không thành sự của việc truyền chức của mình và của các bí tích được cử hành cho đến lúc đó”. Đức Hồng Y giải thích rằng “nếu trong các lĩnh vực khác của hoạt động mục vụ của Giáo hội có nhiều chỗ cho sự sáng tạo”, thì trong lĩnh vực cử hành các bí tích, điều này “biến thành một ‘ý chí thao túng’”. Đức Hồng y Victor Fernández kết luận bằng cách nhắc lại rằng “chúng ta, những thừa tác viên, phải vượt qua cám dỗ cảm thấy mình là chủ sở hữu của Giáo hội” và “các tín hữu có quyền lãnh nhận chúng như Giáo hội xếp đặt”.

Ưu tiên cho hành động của Thiên Chúa

Thông tri nói rõ : “Với những sự kiện và lời nói được liên kết chặt chẽ, Thiên Chúa mặc khải và thực hiện kế hoạch cứu rỗi của Ngài cho mỗi người và nam nữ”. Thật không may, “chúng ta phải ghi nhận rằng các việc cử hành phụng vụ, đặc biệt là các Bí tích, không phải luôn luôn được diễn ra hoàn toàn trung thành với các nghi thức do Giáo hội quy định”. Tài liệu nhắc lại rằng “Giáo hội, kể từ khi thành lập, đã đặc biệt quan tâm đến các nguồn mạch mà từ đó Giáo hội kín múc được sức mạnh sống còn cho sự tồn tại và chứng tá của mình: Lời Chúa, được Thánh Kinh và Truyền Thống chứng thực, và các Bí tích, được cử hành trong phụng vụ, qua đó phụng vụ liên tục được đưa trở lại với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô”.

Đây là lý do tại sao sự can thiệp của Huấn quyền vào các vấn đề bí tích “luôn luôn được thúc đẩy bởi mối quan tâm cơ bản về lòng trung thành với mầu nhiệm được cử hành. Thật vậy, Giáo hội có nhiệm vụ đảm bảo quyền ưu tiên của hành động của Thiên Chúa và bảo vệ sự hiệp nhất của Thân Mình Chúa Kitô trong những hành động vốn không có gì sánh bằng vì chúng thánh thiêng “tuyệt đỉnh” với hiệu quả được đảm bảo bởi hành động tư tế của Chúa Kitô”. Giáo hội cũng “ý thức được rằng việc phân phát ân sủng của Thiên Chúa không có nghĩa là chiếm đoạt nó, nhưng trở thành một công cụ của Chúa Thánh Thần để truyền tải hồng ân Chúa Kitô Phục Sinh. Đặc biệt, Giáo hội biết rằng năng quyền (potestas) của mình liên quan đến các Bí tích đều dừng lại khi đối diện với bản chất của chúng” và “trong các cử chỉ bí tích, Giáo hội phải tuân giữ các cử chỉ cứu độ mà Chúa Giêsu đã giao phó cho mình”.

Chất thể và mô thể

Tiếp đến, Thông tri giải thích rằng “chất thể của Bí tích hệ tại ở hành động con người qua đó Chúa Kitô hành động. Nó đôi khi bao gồm một yếu tố chất thể (nước, bánh, rượu, dầu), đôi khi là một cử chỉ đặc biệt hùng hồn (dấu thánh giá, đặt tay, dìm vào nước, rót nước vào, sự ưng thuận, xức dầu)”; một tính hữu hình “không thể thiếu được vì nó bén rễ bí tích không chỉ trong lịch sử nhân loại, mà còn, một cách cơ bản hơn, trong trật tự biểu trưng của Công trình tạo dựng và đưa nó trở lại với mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời và mầu nhiệm Cứu chuộc do Người thực hiện”. Về mô thể của Bí tích, nó “được cấu thành bởi lời nói, vốn mang lại cho chất thể một ý nghĩa siêu việt, biến đổi ý nghĩa thông thường của yếu tố chất thể và ý nghĩa thuần túy nhân bản của hành động được thực hiện. Lời này luôn được Thánh Kinh linh hứng, ở những mức độ khác nhau, bắt nguồn từ Truyền Thống sống động của Giáo hội và đã được Huấn quyền của Giáo hội xác định một cách có thẩm quyền.” Vì vậy, chất thể và mô thể “không bao giờ phụ thuộc và không thể phụ thuộc vào ý chí của cá nhân hay của một cộng đồng”.

Không có bất kỳ sửa đổi nào

Tài liệu tái khẳng định rằng “đối với tất cả các bí tích, trong mọi trường hợp, việc tuân giữ chất thể và mô thể luôn luôn được đòi hỏi để việc cử hành được thành sự, biết rằng những thay đổi tùy tiện về chất thể và/hoặc mô thể – mà mức độ nghiêm trọng và sức mạnh tàn phá của chúng đôi khi phải được chứng thực – làm tổn hại đến hiệu quả của việc ban ân sủng bí tích, gây bất lợi rõ ràng cho các tín hữu”. Những gì được đọc thấy trong các sách phụng vụ đã được ban hành phải được tuân giữ một cách trung thành, không được “thêm, bớt hay sửa đổi”. Bởi vì nếu mô thể hoặc chất thể bị sửa đổi thì không còn Bí tích nữa. Về vấn đề này, trong Thông trí số 31 của tài liệu này, có sự phân biệt quan trọng giữa tính hợp pháp và tính thành sự, giải thích rằng “bất kỳ sửa đổi nào về công thức của một Bí tích luôn luôn là một hành vi trái phép nghiêm trọng”, ngay cả khi đó là một điều rất nhỏ vốn không thay đổi ý nghĩa nguyên thủy của nó và không làm cho nó trở nên không thành sự. Việc sửa đổi các yếu tố cốt yếu cho việc cử hành Bí tích cũng gây ra “sự nghi ngờ về ý định thực sự của thừa tác viên, làm tổn hại đến tính thành sự của Bí tích được cử hành”.

Nghệ thuật cử hành

Phụng vụ cho phép có sự đa dạng nhằm bảo vệ Giáo hội khỏi “sự đồng nhất cứng nhắc”. Như chúng ta đọc trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vatican II. Nhưng sự đa dạng và tính sáng tạo này, vốn thúc đẩy tính dễ hiểu hơn của nghi thức và sự tham gia tích cực của các tín hữu, không thể liên quan đến điều cốt yếu trong việc cử hành các Bí tích. Thông tri khẳng định: “Do đó, điều trở nên luôn luôn cấp bách hơn là phải giúp trưởng thành một nghệ thuật cử hành vốn, thoát khỏi thói nệ chữ đỏ cứng nhắc và trí tưởng tượng quá đáng, dẫn đến một kỷ luật cần được tôn trọng, chính xác là trở thành những môn đệ đích thực”. Thông tri lấy lại câu trích dẫn này từ Đức Thánh Cha: “Vấn đề không phải là tuân theo một cuốn sách về những cách thức phụng vụ tốt. Đúng hơn, đó là một “kỷ luật” – theo nghĩa mà Guardini hiểu – mà, nếu được tuân giữ, sẽ huấn luyện chúng ta một cách đích thực. Đó là những cử chỉ và lời nói mang lại trật tự cho thế giới nội tâm của chúng ta bằng cách khiến chúng ta sống một số cảm xúc, thái độ và hành xử. Chúng không phải là lời giải thích về một lý tưởng mà từ đó chúng ta tìm cách lấy cảm hứng, nhưng trái lại, chúng là một hành động vốn dấn thân thân xác trong tổng thể của nó, nghĩa là trong hữu thể hợp nhất giữa xác và hồn » (Tông thư Desiderio desideravi).

Bảo vệ sự phong phú của các Bí tích

Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4, 7). Trong phần kết luận của mình, tài liệu của Bộ Giáo lý Đức tin trích dẫn những lời của thánh Phaolô, một phản đề được sử dụng “để nhấn mạnh làm thế nào sự cao cả của quyền năng Thiên Chúa được biểu lộ qua sự yếu đuối trong thừa tác vụ loan báo của ngài, điều này cũng mô tả những gì xảy ra trong các Bí tích. Toàn thể Giáo hội được kêu gọi bảo vệ sự phong phú mà chúng chứa đựng, để tính tối thượng của hành động cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử không bao giờ bị lu mờ, ngay cả trong sự trung gian mong manh của các dấu hiệu và cử chỉ đặc trưng cho bản tính con người”.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30