GIA ĐÌNH
Một phần lớn diễn từ xã hội của Giáo Hội về gia đình bàn đến những chủ đề khá bất ngờ : lương bổng công bằng, quyền tư hữu, di sản gia đình… Việc quan tâm đến các thực tại kinh tế và xã hội của gia đình đem lại một tính thời sự tuyệt vời cho giáo huấn xã hội Công giáo.
Xa với mọi lối tiếp cận mang tính giáo hóa hay đầy tình cảm, diễn từ xã hội của Giáo Hội đề cập đến gia đình xuyên qua thực tại kinh tế và vai trò xã hội của nó. Dĩ nhiên, Thông điệp Rerum novarum khẳng định « quyền kết hôn tự nhiên và nguyên sơ của mọi người » và nhắc lại rằng mục đích chính yếu của nó là sinh sản (RN, số 9). Nhưng những dòng này được lồng vào trong một tổng thể những đoạn bàn về lao động, quyền tư hữu, di sản gia đình và lương bổng công bằng. Việc quan tâm đến thực tại kinh tế và xã hội này của gia đình tạo nên một khía cạnh chưa được đánh giá đúng của diễn từ của Giáo Hội và trao cho nó một tính thời sự tuyệt vời. Những mối liên hệ giữa gia đình, lao động và sự nghỉ ngơi – ngày nay người ta nói đến « sự dung hòa giữa đời sống nghề nghiệp và đời tư » – được gặp thấy trong hầu hết các bản văn.
Chỉ từ thập niên 1960, với sự xuất hiện của việc ngừa thai nhân tạo, rồi sự tranh chấp mô hình gia đình truyền thống, mà những vấn đề luân lý tính dục gặp gỡ diễn từ xã hội và Giáo Hội nhấn mạnh đến các nền tảng của hôn nhân. Vấn đề này che khuất tính hiện thực kinh tế và xã hội mà thế nhưng Giáo Hội tiếp tục cho thấy. Chính Thông điệp Laborem exercens nhấn mạnh cách rõ rệt nhất mối liên hệ thâm sâu này giữa thực tại kinh tế và vai trò xã hội của gia đình :
« Lao động là nền tảng xây dựng đời sống gia đình, vốn là một quyền tự nhiên và là một ơn gọi của con người. Hai phạm vi giá trị này – một gắn liền với lao động, một phát xuất từ tính chất gia đình của đời sống con người – phải liên kết với nhau và ảnh hưởng tới nhau một cách đúng đắn. Có thể nói, lao động là điều kiện giúp cho gia đình có thể thành hình, vì gia đình đòi hỏi những phương tiện sinh sống mà con người thông thường đạt được nhờ lao động. Tất cả tiến trình giáo dục trong gia đình cũng chịu ảnh hưởng của lao động và của lòng nhiệt thành trong lao động, lý do chính là vì mỗi người trở nên người một phần nhờ lao động, và sự kiện trở nên người diễn tả đúng đắn mục tiêu chính yếu của mọi tiến trình giáo dục » (LE, số 10).
Trước tiên, thực tại kinh tế quyết định sự tồn tại của một đời sống gia đình xứng với danh xưng này, rồi cách thức mà gia đình có thể đảm nhận vai trò xã hội của nó, xuyên qua giáo dục và việc tạo nên các mối liên hệ. Vai trò xã hội này là chủ yếu đối với xã hội. Vì thế, gia đình phải dựa vào một sự dấn thân mạnh mẽ của đôi bạn và phải được nâng đỡ bởi công quyền. Đó là trọng tâm của diễn từ xã hội của Giáo Hội liên quan đến gia đình.
Gia đình, một thực tại kinh tế
Gia đình không sống cách vô lo. Sự khốn khổ hay những điều kiện sống quá khó khăn gây nên sự tan rã của nó và ngăn cản nó đóng vai trò xã hội của mình. Do đó, diễn từ xã hội trước hết nhắm đến những điều kiện sống tốt đẹp nhất cho các gia đình nghèo. Điều đó ngang qua một lương bổng công bằng và quyền tư hữu.
Đòi hỏi lương bổng công bằng
Mọi công nhân phải nhận được một đồng lương công bằng, cho phép họ sống và nuôi sống gia đình của họ. Đòi hỏi này liên tục vang vọng trong giáo huấn của các Đức Giáo Tông, từ Rerum novarum (1891) đến Caritas in veritate (2009). Các bản văn tìm cách lượng giá sự khó khăn đạt được những gì xem ra là một đòi hỏi cơ bản của công bằng xã hội. Vào năm 1891, Đức Lê-ô XIII tố giác sự ham hố của ông chủ muốn khai thác sự khốn khổ của con người (RN, số 17) và nhấn mạnh mối nguy đối với giới công nhân khi chấp nhận một đồng lương quá ít ỏi. Từ bổn phận bảo tồn cuộc sống « nhất thiết phát sinh quyền kiếm được những sự cần thiết cho cuộc sống mà người nghèo chỉ kiếm được nhờ tiền lương của công việc của mình » (RN, số 34). Do đó, ngài chấp nhận sự can thiệp của các nghiệp đoàn hay của Nhà Nước để bảo vệ quyền lợi của công nhân.
Vào năm 1931, Đức Pi-ô XI sẽ khai triển những điều kiện xác định lương bổng công bằng đối với ba đòi hỏi cấp bách : việc nuôi sống công nhân và gia đình, hoàn cảnh của doanh nghiệp và những đòi hỏi của công ích (Quadragesimo anno, QA, số 76-82). Những đòi hỏi này sẽ được Đức Pi-ô XI lấy lại vào năm 1937 (Divini redemptoris, DR, số 52) và vào năm 1941 bởi Đức Pi-ô XII (Radio-message, RM 19). Vào năm 1961, Đức Gioan XXIII nhắc lại :
« Việc quy định giá lương bổng không thể được để mặc cho sự cạnh tranh tự do hay cho sự độc đoán của kẻ mạnh, nhưng phải được quy định theo luật công bằng và lẽ phải. Các công nhân phải lãnh nhận một đồng lương đủ để sống một cuộc sống xứng với nhân phẩm và để chu cấp cho những trách vụ gia đình của họ » (Mater et magistra, MM, số 71).
Ngài lấy lại chính những tiêu chí của Đức Pi-ô XI, tức là hoàn cảnh tài chính của doanh nghiệp và những đòi hỏi của công ích, cách riêng đề cập đến những đòi hỏi có việc làm đầy đủ. Những khẳng định tương đương còn được tìm thấy dưới ngòi bút của Đức Gioan XXIII vào năm 1963 (Pacem in terris, PT, số 20), của Công đồng Vatican II vào năm 1965 (Gaudium et spes, GS, số 67-72) hay của Đức Gioan-Phaolô II vào năm 1981 (LE, số 19) và năm 1991 (Centesimus annus, CA, số 8).
Sau cùng, vào năm 2009, Đức Bênêđictô XVI sẽ khai triển những gì cần phải hiểu qua từ ngữ « có phẩm giá » khi nó được áp dụng vào lao động. « Lao động vốn mang lại những phương tiện chu cấp cho các nhu cầu của gia đình và cung cấp học vấn cho con cái, mà không bắt chúng phải làm việc » và « một sự lao động vốn dành đủ thời gian cho việc tìm lại nguồn cội của mình trên bình diện cá nhân, gia đình và thiêng liêng » (Caritas in veritate, CV, số 63). Đó chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đích thực toàn bộ diễn từ xã hội của Giáo Hội. Nhưng tính hiện thực kinh tế không dừng lại ở chỗ đòi hỏi lương bổng công bằng. Giáo Hội cũng nhấn mạnh, và theo cách ngạc nhiên hơn đối với chúng ta hôm nay, đến tầm quan trọng của quyền tư hữu đối với gia đình.
Tầm quan trọng của quyền tư hữu
Những bản văn đầu tiên của diễn từ xã hội trình bày quyền tư hữu như là điều bảo đảm đối với những bấp bênh của cuộc sống vào một thời kỳ vốn không có những hệ thống bảo hiểm xã hội. Do đó, Rerum novarum khẳng định :
« Thiên nhiên đòi buộc đối với người cha trong gia đình bổn phận linh thiêng nuôi dưỡng và giáo dục con cái. […] Thiên nhiên truyền khiến cho người cha phải biết lo liệu cho tương lai của con cái và tạo lập cho chúng một gia sản có thể giúp chúng tự bảo vệ, trong khi trải qua cuộc sống hiểm nghèo, trước mọi bất ngờ của rủi may. Vậy mà, người cha chỉ có thể tạo lập cho con cái gia sản này nhờ việc thủ đắc và sở hữu những của cải lâu bền và có giá trị pháp lý mà ông có thể truyền lại cho con cái qua đường thừa kế » (RN, số 10).
Thông điệp biện hộ cho việc khai triển sự dành dụm tiết kiệm và tinh thần sở hữu nơi dân chúng để giảm thiểu những bất bình đẳng xã hội (RN, số 35). Mối bận tâm này được lấy lại trong Thông điệp Quadragesimo anno, bày tỏ mong muốn rằng các công nhân « nhờ sự dành dụm tiết kiệm, gia tăng một gia sản mà, một khi được quản lý cách khôn ngoan, sẽ làm cho họ có khả năng đối mặt cách dễ dàng và chắc chắn với những trách vụ gia đình của mình. Như thế, họ sẽ thoát khỏi một cuộc sống bấp bênh vốn là số phận của giai cấp vô sản, họ sẽ được trang bị chống lại những bấp bênh của số phận và họ sẽ mang theo, khi rời bỏ thế giới này, niềm tin tưởng đã chu cấp trong chừng mực nào đó cho những nhu cầu của những ai đang còn sống ở trần gian này » (QA, số 68).
Sự xuất hiện của các hệ thống bảo hiểm xã hội làm giảm thiểu sự bấp bênh của các gia đình. Những biện pháp này được khuyến khích bởi Giáo Hội (DR, số 52), vốn bênh vực tầm quan trọng của quyền tư hữu, như là phương tiện đấu tranh chống lại sự nghèo đói, như là điều bảo đảm cho phẩm giá và tự do của con người, cho sự ổn định của gia đình và hòa bình của xã hội, với điều kiện được mọi người có thể tiếp cận (MM, số 111-115). Giáo Hội nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa quyền tư hữu và sự tự do :
« Quyền tư hữu hay một quyền nào đó làm chủ của cải bên ngoài bảo đảm cho mỗi người một lãnh vực cần thiết cho quyền tự trị của cá nhân và gia đình. Các quyền này cũng phải được coi như nối dài quyền tự do của con người. Sau cùng, những quyền này còn là một điều kiện tạo nên tự do của người công dân, khi khuyến khích họ thực thi trách nhiệm của mình » (GS, số 71,2).
Nhưng Hiến chế cũng cẩn thận nhắc nhở rằng quyền tư hữu không phải là một quyền tuyệt đối : « Do bởi bản chất của nó, quyền tư hữu cũng có một đặc tính xã hội, được đặt nền tảng trên luật mục đích chung của của cải » (GS, số 71,5).
Sự nhấn mạnh đến các khía cạnh vật chất này cắt đứt với lối tiếp cận gia đình chủ yếu tình cảm vốn thắng thế hôm nay. Nhưng cũng chính sự nhấn mạnh này làm cho giáo huấn của Giáo Hội hết sức thời sự. Quả thế, xã hội của chúng ta khám phá những hậu quả kinh tế của sự bất ổn vợ chồng và phải đối mặt với những sự đói nghèo mới, vốn xuất hiện ở nơi đâu những liên đới gia đình bị thiếu đi (chẳng hạn, các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ). Tính bấp bênh kinh tế này trói buộc khả năng của các gia đình đóng vai trò xã hội cần thiết của họ.
Gia đình, một vai trò xã hội
Những bản văn đầu tiên của diễn từ xã hội không dừng lại trên chức năng rõ ràng nhất của gia đình. Chức năng này đảm bảo những học biết căn bản về cuộc sống và nằm ở trung tâm của một mạng lưới xã hội, vốn không có gì là ảo cả. Nhưng với sự leo thang của chủ nghĩa cá nhân và sự tranh chấp mô hình gia đình truyền thống, nên, từ những năm 1960, các bản văn làm nổi bật hơn những đóng góp xã hội của nó.
Vào năm 1965, Công đồng Vatican II đã nói về gia đình như là « nguồn mạch của đời sống xã hội » (GS số 32,2) và là « trường dạy làm phong phú nhân tính » (GS số 52,1). Công đồng nhấn mạnh việc học biết chung sống mà gia đình đảm bảo xét như là « nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ cùng giúp nhau đạt tới một sự khôn ngoan rộng lớn hơn và giúp hòa hợp các quyền của con người với những đòi hỏi khác của đời sống xã hội » (GS số 52,2). Giáo Hội cũng hiểu sự tranh chấp mà gia đình truyền thống là đối tượng và khát vọng được tự do cá nhân hơn. Do đó, từ năm 1967, Đức Phaolô VI cho thấy : « Con người chỉ là chính mình trong môi trường xã hội của nó, trong đó gia đình đóng một vài trò chủ yếu. Có những lúc và tùy một vài nơi, vai trò này là quá đáng khi nó được thực thi đến độ làm tổn hại đến các quyền tự do căn bản của con người » (Populorum progressio, PP số 36).
Sự căng thẳng giữa ước muốn được tự do cá nhân ngày càng lớn hơn và những cưỡng ép của đời sống gia đình đã làm thay đổi nhận thức về gia đình. Ngày nay, gia đình được xem như là một mạng lưới nhằm phục vụ sự triển nở bản thân mỗi người. Vai trò xã hội của nó đã bị quên đi rất nhiều. Vào năm 1971, các giám mục đã cho rằng vai trò này chỉ được nhìn nhận cách hiếm hoi và thiếu sót bởi công quyền (Justitia in mundo, JM số 28). Theo dòng các văn kiện, người ta có thể nêu bật một vài mặt của vai trò xã hội này. Gia đình đảm bảo việc giáo dục về công bằng (JM, số 57), là trường dạy lao động đầu tiên (LE, số 10,3), mang lại những khái niệm xác định đầu tiên liên quan đến chân lý và sự thiện, dạy cho biết những gì là yêu thương và được yêu thương và, do đó, những gì muốn nói cách cụ thể là một nhân vị (CA, số 39). Gia đình là một cộng đồng lao động và liên đới vì nó mở ra cho « sự dấn thân liên đới và bác ái cụ thể, vốn bắt đầu […] bằng sự nâng đỡ nhau của các vợ chồng, rồi được thực thi bằng việc các thế hệ lãnh lấy trách nhiệm đối với nhau » (CA, số 49). Một sự liên đới vốn có nguy cơ không còn được đảm bảo nữa khi các gia đình trở nên quá nhỏ (CV, số 44).
Vì thế, diễn từ xã hội làm nổi bật tất cả « những năng lực ẩn giấu (1) » của gia đình. Đó là những lợi ích của một nền giáo dục vốn đã cho phép đào tạo những người trưởng thành có trách nhiệm, có khả năng thắt chặt những mối liên hệ, mang lại điều tốt nhất của chính mình trong đời sống các nhân và nghề nghiệp của mình. Những lợi ích của việc tạo nên những mạng lưới đa dạng qua đó tình liên đới có thể hình thành. Vai trò xã hội này của gia đình phải được tái khám phá và nâng đỡ, nhưng từ nay nó sẽ được đảm nhận bởi cả người chồng lẫn người vợ.
Gia đình, người vợ và người chồng
Cho đến quá khứ gần đây, vài trò xã hội này chủ yếu thuộc về người vợ. Thực tại kinh tế, thuộc về người chồng. Như thế, trong lối tiếp cận nhất là di sản của mình, Giáo Hội hiểu gia đình bởi người chồng, « gia trưởng », có phận sự nuôi sống vợ con. Tuy nhiên, từ ban đầu, các văn kiện cũng nói về công việc của người vợ và của các con cái. Nhưng công việc của người vợ không được xem xét dưới khía cạnh kinh tế như công việc của người chồng. Nó được đánh giá so với vai trò xã hội của nó và những nghĩa vụ của nó xét như là người vợ và người mẹ.
Sự tiến triển tu duy có thể được vạch lại xuyên qua diễn từ của Giáo Hội. Vào năm 1891, trước tiên Giáo Hội tìm cách bảo vệ những người nữ và trẻ em khỏi một công việc quá vất vả hay quá nặng nhọc:
« Những gì mà một người nam khỏe mạnh có thể thực hiện và trong sức lực của tuổi tác, không thể được đòi hỏi cách ngang bằng với một người nữ hay trẻ em. Cách riêng trẻ em – và điều này đòi hỏi phải tuân giữ nghiêm nhặt – chỉ được vào xưởng máy sau khi tuổi tác đã đủ phát triển nơi nó những sức lực thể lý, trí tuệ và luân lý. […] Cũng thế, có những công việc ít thích ứng với người nữ hơn mà bản tính dành cho những công việc nội trợ hơn ; vả lại những công việc vốn bảo vệ danh dự của nữ giới cách tuyệt vời và, tự bản chất, đáp ứng tốt nhất cho những gì mà việc giáo dục tốt con cái và sự thịnh vượng của gia đình đòi hỏi » (RN, số 33,2).
Cùng những nhận định đó vẫn còn được dùng vào những năm 1930, khi Đức Pi-ô XI nêu rõ :
« Tuyệt đối không được phép lạm dụng tuổi tác của trẻ em hay sự mềm yếu của nữ giới. Trước tiên, chính ở nhà, hay những phần phụ thuộc của nhà, và trong những bận tâm nội trợ, mà công việc của các bà mẹ gia đình thể hiện. Bởi thế, đó là một lạm dụng tai hại, và bằng mọi giá phải đánh tan, mà các bà mẹ gia đình, do đồng lương ít ỏi của người cha, đã bị bó buộc tìm kiếm bên ngoài căn nhà một việc làm có lợi, và rồi chểnh mảng những bổn phận riêng của mình – trước tiên là giáo dục con cái » (QA, số 77).
Việc giải phóng phụ nữ, như được chủ nghĩa cộng sản cổ võ, đã bị Giáo Hội lên án cách nghiêm khắc vào năm 1937 (DR, số 11). Phải đợi đến năm 1963 để thấy Đức Gioan XXIII khẳng định sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng (PT, số 15) và việc đánh giá tích cực sự tham gia của nữ giới vào đời sống công cộng (PT, số 41).
Đức Gioan-Phaolô II sẽ đặt công việc do nữ giới thực hiện ở nhà và đối với việc giáo dục con cái cùng hàng với mọi công việc khác và sẽ biện hộ cho việc khôi phục lại giá trị xã hội của các chức năng làm mẹ (LE, số 19,4). Chúng ta đang ở năm 1981 và, dù hoàn toàn nhấn mạnh đến các nhu cầu của con cái, nhưng chính sự tự do chọn lựa của người vợ mới được làm tăng giá trị. Trong đường hướng của Công đồng Vatican II (GS, số 67,3), Đức Gioan-Phaolô II đã biện hộ cho việc thích nghi việc làm với những đòi hỏi của đời sống gia đình :
« Việc thăng tiến nữ giới đích thực đòi hỏi công việc phải được tổ chức thế nào để họ không bị buộc phải trả giá cho sự thăng tiến của mình bằng việc từ bỏ tính đặc thù của mình và gây tai hại cho gia đình mình trong đó, với tư cách là mẹ, họ có một vai trò bất khả thay thế » (LE, số 19,5).
Nếu các điều kiện lao động phải gìn giữ đời sống gia đình, thì Giáo Hội cũng đã luôn đòi hỏi một thời gian nghỉ ngơi. Trước tiên để phục hồi sức lực của công nhân và tôn trọng ngày của Chúa (RN, số 33,3). Cũng để « tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiệp nhất gia đình, trong đó các thành viên phải có thể gặp nhau thường xuyên trong niềm vui thanh bình của đời sống chung » (MM, số 250). Sau cùng, với sự xuất hiện của nhiều thú vui giải trí, để « duy trì một đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo » (GS, số 67,3). Sự dung hòa giữa đời sống nghề nghiệp và đời sống riêng tư là một sợi chỉ đỏ khác xuyên suốt diễn từ xã hội. Nhưng sự dung hòa này không được suy nghĩ để phục vụ cho sự triển nở cá nhân, nó có đích nhắm tập thể hơn : giáo dục con cái và sống chung.
Gia đình, một công việc công và tư
Bởi thế, gia đình đảm bảo một vai trò xã hội cần thiết, xuyên qua việc giáo dục con cái cũng như sự liên đới được vận dụng và, với danh nghĩa này, gia đình phải được công quyền bảo vệ. Giáo Hội đã thường xuyên nhấn mạnh đến sự cần thiết có một chính sách gia đình đích thực (cuối cùng CV, số 44), đồng thời cấm Nhà Nước can thiệp vào những lãnh vực mà, theo Giáo Hội, thuộc về trách nhiệm duy nhất của nó hay trách nhiệm của vợ chồng. Đức Lê-ô XIII cho rằng hôn nhân thuộc thẩm quyền chuyên nhất của Giáo Hội và phản đối thẩm quyền của Nhà Nước tổ chức một hôn nhân dân sự (2). Ngài thừa nhận sự can thiệp của Nhà Nước trong trường hợp có sự bất lực của gia đình hay những vi phạm nghiêm trọng các quyền lợi. Nhưng Nhà Nước không thể làm tiêu tan quyền bính của người cha (RN, số 11).
Giáo Hội cũng đã luôn nhấn mạnh đến sự tự do và trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái theo đức tin của mình (Mit brennender Sorge, số 39 ; MM, số 195 ; Dignitas humanae, số 5). Giáo Hội đòi hỏi Nhà Nước nâng đỡ hôn nhân và gia đình : « Gia đình, được xây dựng trên hôn nhân được tự do ký kết, duy nhất và bất khả phân ly, là và phải được coi là tế bào đầu tiên và tự nhiên của xã hội. Từ đó, buộc phải có những biện pháp thuộc trật tự kinh tế, xã hội, văn hóa và luân lý, để củng cố sự ổn định của gia đình và giúp cho gia đình thực thi vai trò của mình » (PT, số 16, và GS, số 52,2 ; CA, số 49). Nhưng, Giáo Hội dứt khoát cấm Nhà Nước can thiệp vào việc kiểm soát sinh sản (GS, số 87,3). Một vấn đề sẽ chiếm một chỗ quan trọng kể từ những năm 1960.
Gia đình, nơi truyền sinh
Gia đình đã luôn là nơi nơi truyền sinh và việc truyền sinh nay được đóng khung bởi hôn nhân. Việc ly dị, một khi được du nhập, từ lâu vẫn là một hiện tượng bên lề. Những thực hành ngừa thai vẫn gần như là ở trong bí mật phòng the. Do đó, diễn từ xã hội trước những năm 1960 chỉ đề cập cách nhanh chóng tầm quan trọng của hôn nhân và mối liên hệ của nó với việc sinh sản hay tham chiếu đến những văn kiện khác (3).
Nhưng việc bác bỏ hôn nhân như là bước chuyển bó buộc để xây dựng một gia đình và sự xuất hiện các phương tiện ngừa thai nhân tạo đã có một tác động xã hội rộng lớn hơn nhiều. Điều đó dẫn Giáo Hội đến chỗ đề cập các vấn đề này trong diễn từ xã hội của mình.
Giáo Hội ý thức rằng để đóng vai trò xã hội của nó cách trọn vẹn, gia đình phải ổn định. Sự ổn định này, chính hôn nhân đảm bảo nó. Từ năm 1965, Gaudium et spes đã nêu lên những tấn công và những biến dạng mà thể chế này là đối tượng và bảo vệ nó bằng cách nhắc lại những đặc tính của nó : một cộng đồng sự sống và tình yêu, sự đồng thuận tự do và bất khả hủy bỏ giữa vợ chồng, sự đòi hỏi chung thủy hoàn toàn và việc đón nhận con cái sắp sinh ra. Bản văn nói cách rõ ràng : « Vì lợi ích của vợ chồng, của con cái và cả của xã hội, mối liên hệ linh thiêng này không thể đặt dưới sự tùy tiện của con người » (GS, số 48,1). Một lời khẳng định rõ ràng đặt một giới hạn cho sự tự do cá nhân trong việc quan tâm đến công ích, nhưng đã không được lắng nghe. Từ đó, tính bất ổn hôn nhân gia đình đã càng nghiêm trọng thêm, vì một sự bất ổn cá nhân, nhưng cả do sự bất ổn từ nay ngự trị trong tất cả đời sống xã hội. Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh mối nguy hiểm này :
« Khi sự bất ổn về các điều kiện lao động, do những tiến trình thất thường thay đổi và xáo trộn, trở nên hoành hành, thì khi đó nổi lên những hình thức bất ổn về tâm lý, những khó khăn để xây dựng một hành trình cá nhân hài hòa trong cuộc sống, bao hàm cả trong hôn nhân » (CV, số 25).
Đồng thời với tính bất ổn gia đình, hôn nhân đảm bảo đặc tính rõ ràng của dòng dõi. Việc ngừa thai sẽ cho phép tách rời hôn nhân và sinh sản. Vấn đề sử dụng nó được đặt ra ở bình diện cá nhân, nhưng còn ở bình diện tập thể nữa. Dân số tăng nhanh của một số nước được xem như là một sự hãm phanh cho việc phát triển và một số chính phủ đưa ra những chiến dịch để hạn chế việc sinh sản. Đức Phaolô VI nhìn nhận :
« Công quyền, trong những giới hạn thẩm quyền của mình, có thể can thiệp, bằng cách phát triển một chỉ dẫn thích hợp và có những biện pháp thích ứng, miễn sao chúng phù hợp với những đòi hỏi của luật luân lý và tôn trọng sự tự do chính đáng của đôi bạn » (PP, số 37).
Gần đây hơn, Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định :
« Coi việc gia tăng dân số như là nguyên nhân đầu tiên của việc kém phát triển là không đúng, ngay cả theo quan điểm kinh tế. […] Rõ ràng cần quan tâm đến việc sinh sản có trách nhiệm vốn đóng góp cách hữu hiệu vào việc phát triển con người toàn diện. […] Quả thế, trách nhiệm này không cho phép xem tính dục chỉ như nguồn khoái lạc, cũng như điều chỉnh nó bởi các chính sách kế hoạch hóa sinh sản ép buộc. Trong hai trường hợp này, người ta đang đứng trước những quan niệm và những chính sách duy vật chủ nghĩa, trong đó con người cuối cùng phải chịu những hình thức bạo lực khác nhau. Đối với tất cả điều đó, người ta phải đối lập, trong lãnh vực này, thẩm quyền hàng đầu của các gia đình với thẩm quyền của Nhà Nước và những chính sách cưỡng bức của nó, cũng như một nền giáo dục thích đáng của các bậc cha mẹ » (CV, số 44).
Trên bình diện tập thể, Giáo Hội canh chừng bảo vệ các gia đình khỏi sự len lỏi của Nhà Nước vào chốn thân mật của vợ chồng và đối lập trách nhiệm của vợ chồng với trách nhiệm của Nhà Nước. Trên bình diện cá nhân, « sự tự do chính đáng của đôi bạn » vẫn là một sự tự do được Giáo Hội giám sát sít sao.
Gaudium et spes nhắc lại : « Trong bổn phận truyền sinh và giáo dục […], đôi vợ chồng biết rằng họ là những người cộng tác và diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa » (GS, số 50,2). Bản văn liệt kê các tiêu chí cần được quan tâm để đào tạo phán đoán mà đôi vợ chồng cuối cùng phải dừng lại trước Thiên Chúa bằng cách luôn nghe theo lương tâm của mình. Công đồng định lương tâm như là « trung tâm sâu kín nhất của con người, là cung thánh nơi mà con người một mình với Thiên Chúa và là nơi mà Tiếng của Ngài được lắng nghe » (GS, số 16). Nhưng Công đồng cẩn thận làm rõ rằng, đối với việc điều hòa sinh sản, các tín hữu không được phép sử dụng các phương tiện « mà Huấn quyền, trong việc giải thích luật của Thiên Chúa, không tán thành » (GS, số 51,3).
Gaudium et spes không thể đi xa hơn, vì Đức Phaolô VI đã dành riêng cho mình vấn đề ngừa thai và đã rút nó khỏi Công đồng. Nó sẽ là đối tượng của Thông điệp Humanae vitae vào năm 1968, mà bất hạnh thay, đã tạo nên một sự thiếu hiểu biết sâu xa giữa Giáo Hội và thế giới, vốn kéo dài đến hôm nay. Công chúng chỉ biết đến, từ diễn từ của Giáo Hội, sự đối lập của Giáo Hội đối với viên tránh thai và bao cao su, mà không hiểu sự đối lập này. Về điểm này, nhiều người Công giáo đã giữ khoảng cách với giáo huấn của Giáo Hội. Họ không hiểu hơn lập trường của Giáo Hội đối với những người ly dị tái hôn. Đối với người Công giáo, cũng như đối với công chúng, diễn từ về luân lý tính dục đã hoàn toàn làm lu mờ diễn từ xã hội.
Một vài thách đố hiện nay
Lướt qua các văn kiện của diễn từ xã hội của Giáo Hội cho thấy tính thời sự của tư tưởng của nó. Đối lại với lối tiếp cận gia đình nghiêng về tình cảm vốn vẫn còn tiếp diễn hôm nay, Giáo Hội đối lại tính hiện thực kinh tế của toàn thể đời sống gia đình. Đứng trước quan niệm rất cá nhân chủ nghĩa về gia đình nổi lên trong các cuộc tranh luận xã hội, Giáo Hội nhắc nhớ vai trò xã hội của nó. Sự quân bình giữa đời sống nghề nghiệp và đời sống riêng tư vẫn nằm ở trung tâm của những bận tâm của Giáo Hội, hôm qua cũng như hôm nay : Thông điệp Caritas in veritate năm 2009, cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình được Hội đồng Tòa Thánh về gia đình tổ chức ở Milan vào năm 2012 hay sáng kiến « Gia đình 2011 » được Hội đồng Giám mục Pháp phát động, chứng thực điều đó.
Thật đáng tiếc luân lý tính dục và, cách cụ thể hơn, vấn đề ngừa thai, về điểm này, đã che khuất tất cả những gì mà Giáo Hội có thể nói về gia đình trong lãnh vực kinh tế và xã hội. Một nỗ lực sư phạm là cần thiết để giúp hiểu tốt hơn sự mạch lạc giữa diễn từ xã hội và luân lý cá nhân. Vả lại, khi vẫn tập trung vào vấn đề các phương tiện ngừa thai, Giáo Hội đã không biết đồng hành với sự thay đổi sâu xa đã được thực hiện trong những mối tương quan giữa người nam và người nữ. Chắc chắn, ngày nay, các mối quan hệ là tự do hơn và bình đẳng hơn, nhưng, đối với các thế hệ trẻ, chúng cũng thường gay go hơn, khiêu khích hơn, mãnh liệt hơn. Thế nhưng, những thế hệ trẻ này lại khát khao một đời sống gia đình hài hòa và tiếp tục mơ về một tình yêu lớn lao hơn sẽ bền lâu suốt đời.
Vì thế, diễn từ xã hội phải tiếp tục được soạn thảo trong khung cảnh các mối quan hệ gia đình mỏng giòn hơn. Tính hiện thực của nó có thể giúp nắm bắt sức mạnh của lời hứa qua đó các đôi vợ chồng trao cho nhau một tương lai. Nó cũng có thể giúp cho hiểu rằng hạnh phúc gia đình được xây dựng, ngày qua ngày, xuyên qua một nghìn lẻ một cử chỉ thường nhật trong đó mỗi người học biết thế nào là yêu thương. Trong một xã hội được đánh dấu bởi tính chốc lát, một lời hy vọng như thế thực sự được mong đợi.
Monique Baujard
Ủy ban « Gia đình và xã hội », HĐGM Pháp.
———————-
(1) M. Baujard, « Les familles, miroir de la société », Documents Épiscopat, n° 5, 2011.
(2) Xem Thông điệp Arcanum divinae (1880), nó không thuộc về các văn kiện của học thuyết xã hội.
(3) Chẳng hạn, DR, số 28 tham chiếu đến Thông điệp Casti connubii của Đức Pi-ô XI (1930), kết án mạnh mẽ việc ly dị và mọi thực hành ngừa thai.
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ
Xem thêm phần về Đức Phanxicô mà tác giả viết bổ sung cho bài này ở đây.
Nguồn : CERAS
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO