“GIÁM MỤC LÀ MỘT MỤC TỬ GẦN GŨI VỚI DÂN CHÚNG, KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI QUẢN LÝ”
Vatican News đăng lại cuộc phỏng vấn với Đức cha Robert Francis Prevost, hiện là Đức Giáo hoàng Lêô XIV. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi giám đốc biên tập truyền thông của Tòa thánh, ông Andrea Tornielli, vào tháng 5 năm 2023, ngay sau khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục.
Ở tuổi 67, ngài sống “thời kỳ tập viện” với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giám mục: Robert Francis Prevost, sinh ra tại Chicago (Hoa Kỳ), nhà truyền giáo sau đó là Giám mục của Chiclayo (Peru), là tu sĩ dòng Augustinô được Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn để kế nhiệm Đức Hồng y Marc Ouellet. Trong cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Vatican, ngài phác họa chân dung của Giám mục trong thời đại chúng ta đang sống.
Andrea Tornielli: Đối với Đức Cha, việc chuyển từ cương vị Giám mục truyền giáo ở Mỹ Latinh sang cương vị đứng đầu bộ giúp Đức Giáo hoàng lựa chọn Giám mục có ý nghĩa như thế nào?
Đức cha Prevost: Tôi vẫn coi mình là một nhà truyền giáo. Ơn gọi của tôi, giống như mọi Kitô hữu khác, là trở thành nhà truyền giáo, rao giảng Tin Mừng ở bất cứ nơi nào chúng tôi hiện diện. Chắc chắn, cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều: tôi có cơ hội phục vụ Đức Thánh Cha, phục vụ Giáo hội ngày nay, tại đây, trong Giáo triều Rôma. Một nhiệm vụ rất khác so với nhiệm vụ trước, nhưng cũng là cơ hội mới để sống một chiều kích trong cuộc sống của tôi, vốn đơn giản là luôn trả lời “xin vâng” khi được yêu cầu phục vụ. Với tinh thần này, tôi đã kết thúc sứ mạng của mình tại Peru, sau tám năm rưỡi làm Giám mục và gần hai mươi năm truyền giáo, để bắt đầu sứ mạng mới tại Rôma.
Andrea Tornielli: Đức Cha có thể phác thảo chân dung điển hình của một giám mục cho Giáo hội trong thời đại chúng ta không?
Đức cha Prevost: Trước hết, cần phải là “Công giáo”: đôi khi Giám mục có nguy cơ chỉ tập trung vào chiều kích địa phương. Nhưng một Giám mục phải có tầm nhìn rộng hơn nhiều về Giáo hội và thực tại, và trải nghiệm tính phổ quát của Giáo hội. Ngài cũng phải có khả năng lắng nghe người khác và xin lời khuyên, cũng như thể hiện sự trưởng thành về mặt tâm lý và tinh thần. Một yếu tố cơ bản của bức chân dung này là trở thành một mục tử, có khả năng gần gũi với các thành viên trong cộng đồng, bắt đầu từ các linh mục mà Giám mục vừa là người cha vừa là người anh em; sống sự gần gũi này với mọi người, mà không loại trừ bất kỳ ai. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về bốn sự gần gũi: gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với các anh em giám mục, gần gũi với các linh mục và gần gũi với toàn thể dân Chúa. Không được nhượng bộ trước cám dỗ sống cô lập, tách biệt trong cung điện, thỏa mãn với một đẳng cấp xã hội nào đó hoặc một đẳng cấp nào đó trong Giáo hội. Và chúng ta không được ẩn mình đằng sau một ý niệm về quyền bính mà ngày nay không còn ý nghĩa nữa. Quyền bính chúng ta có, đó là quyền bính phục vụ, đồng hành với các linh mục, trở thành mục tử và giáo viên. Chúng ta thường bận tâm đến việc giảng dạy giáo lý, đến cách sống đức tin, nhưng chúng ta có nguy cơ quên rằng sứ mạng chính của chúng ta là giảng dạy ý nghĩa của việc biết Chúa Giêsu Kitô và làm chứng về sự gần gũi của chúng ta với Chúa. Đây là điều đầu tiên cần làm: truyền đạt vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp và niềm vui được biết Chúa Giêsu. Điều này ngụ ý rằng chúng ta tự mình sống điều đó và chúng ta phải chia sẻ kinh nghiệm này.
Andrea Tornielli: Đâu là tầm quan trọng của việc phục vụ của Giám mục đối với sự hiệp nhất xung quanh người kế vị Thánh Phêrô vào thời điểm mà sự phân cực cũng đang gia tăng trong cộng đồng giáo hội?
Đức cha Prevost: Ba từ mà chúng ta sử dụng trong công việc của Thượng Hội đồng – tham gia, hiệp thông và sứ mạng – mang lại câu trả lời. Giám mục được kêu gọi theo đặc sủng này, để sống tinh thần hiệp thông, thúc đẩy sự hiệp nhất trong Giáo hội, sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng. Điều này cũng có nghĩa là phải là Công giáo, vì nếu không có Phêrô thì đâu là Giáo? Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho điều này trong Bữa Tiệc Ly: “Xin cho tất cả nên một,” và đây chính là sự hiệp nhất mà chúng ta muốn thấy trong Giáo hội. Ngày nay, xã hội và văn hóa đang khiến chúng ta xa rời tầm nhìn này của Chúa Giêsu, và điều này đang gây ra rất nhiều tác hại. Sự thiếu hiệp nhất là một vết thương mà Giáo hội phải gánh chịu, một vết thương rất đau đớn. Sự chia rẽ và luận chiến trong Giáo hội chẳng giúp ích gì. Trên hết, chúng tôi, các Giám mục, có trách nhiệm đẩy nhanh chuyển động hướng tới sự hiệp nhất này, hướng tới sự hiệp thông trong Giáo hội.
Andrea Tornielli: Có thể cải thiện thủ tục bổ nhiệm Giám mục mới không? Trong Tông hiến “Praedicate Evangelium”, có nêu rằng “các thành viên của dân Thiên Chúa” cũng phải được tham gia. Có phải vậy không?
Đức cha Prevost: Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thú vị giữa các thành viên của Bộ về chủ đề này. Từ một thời gian qua, chúng tôi không chỉ lắng nghe một số giám mục hay linh mục, mà còn lắng nghe những thành viên khác trong dân Thiên Chúa. Điều này rất quan trọng, vì Giám mục được kêu gọi phục vụ một Giáo hội cụ thể. Đây cũng chính là lý do tại sao việc lắng nghe dân Thiên Chúa lại quan trọng. Nếu một ứng viên không được ai trong dân Chúa biết đến, thì thật rất khó – không phải là không thể, nhưng là khó – để người đó thực sự trở thành mục tử của một cộng đồng, của một Giáo hội địa phương. Vì vậy, điều quan trọng là quá trình này phải cởi mở hơn để lắng nghe những thành viên khác nhau trong cộng đồng. Điều này không có nghĩa là Giáo hội địa phương phải chọn mục tử của mình, như thể việc được kêu gọi trở thành giám mục là kết quả của một cuộc bỏ phiếu dân chủ, một quá trình gần như “chính trị”. Cần có một tầm nhìn rộng hơn nhiều, và các tòa sứ thần đóng góp rất nhiều vào tầm nhìn này. Tôi tin rằng, từng chút một, chúng ta phải cởi mở hơn, lắng nghe nhiều hơn các tu sĩ, các giáo dân.
Andrea Tornielli: Một trong những điều mới mẻ được Đức Giáo hoàng đưa vào là việc bổ nhiệm ba phụ nữ vào số thành viên của Bộ Giám mục. Đức Cha có thể nói gì về sự đóng góp của họ?
Đức cha Prevost: Chúng ta đã nhiều lần thấy rằng quan điểm của họ rất bổ ích. Hai nữ tu và một giáo dân. Quan điểm của họ thường trùng khớp hoàn toàn với những gì các thành viên khác trong Bộ phát biểu, trong khi đôi khi ý kiến của họ lại đưa ra một quan điểm khác và trở thành đóng góp quan trọng cho quá trình này. Tôi nghĩ việc bổ nhiệm họ không chỉ là một cử chỉ của Đức Giáo hoàng nhằm nói rằng hiện nay cũng có phụ nữ ở đây. Họ mang đến sự tham gia thực sự và có ý nghĩa vào các cuộc họp của chúng tôi khi thảo luận về hồ sơ ứng viên.
Andrea Tornielli: Quy định mới về chống lạm dụng đã gia tăng trách nhiệm của các Giám mục, những người được mời gọi hành động nhanh chóng và chịu trách nhiệm về bất kỳ sự chậm trễ hoặc thiếu sót nào. Giám mục sống nhiệm vụ này như thế nào?
Đức cha Prevost: Chúng tôi cũng đang đi đúng hướng trong lĩnh vực này. Có những nơi mà công việc tốt đã được thực hiện trong nhiều năm và các quy tắc đang được đưa vào thực hiện. Đồng thời, tôi tin rằng vẫn còn nhiều điều cần phải học. Tôi đang nói đến tính cấp bách và trách nhiệm của việc đồng hành với các nạn nhân. Một trong những khó khăn thường nảy sinh là Giám mục phải gần gũi với các linh mục của mình, như tôi đã nói, và ngài phải gần gũi với các nạn nhân. Một số người khuyên rằng Giám mục không nên trực tiếp tiếp nhận nạn nhân, nhưng chúng ta không thể đóng cửa trái tim mình, cánh cửa của Giáo hội, trước những người đã phải chịu đau khổ vì bị lạm dụng. Trách nhiệm của Giám mục rất lớn và tôi nghĩ chúng ta vẫn cần phải nỗ lực hết sức để ứng phó với tình hình đang gây ra nhiều đau khổ cho Giáo hội này. Điều đó sẽ mất thời gian, chúng tôi đang cố gắng cùng nhau làm việc với các Bộ khác. Tôi tin rằng việc đồng hành với các Giám mục chưa nhận được sự chuẩn bị cần thiết để đối mặt với tình huống này là một phần trong sứ mạng của Bộ chúng tôi. Việc chúng tôi có trách nhiệm hơn và nhạy cảm hơn với vấn đề này là hết sức cấp thiết và cần thiết.
Andrea Tornielli: Hiện đang có luật. Thay đổi não trạng thì khó hơn…
Đức cha Prevost: Tất nhiên, có nhiều sự khác biệt giữa các nền văn hóa về cách phản ứng trong những trường hợp này. Ở một số quốc gia, điều cấm kỵ khi thảo luận về chủ đề này đã phần nào bị phá vỡ, trong khi ở những quốc gia khác, nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân không muốn nói về sự lạm dụng mà họ phải chịu đựng. Dù sao đi nữa, im lặng không phải là câu trả lời. Im lặng không phải là giải pháp. Chúng ta phải minh bạch và trung thực, đồng hành và giúp đỡ các nạn nhân, nếu không vết thương của họ sẽ không bao giờ lành lại. Có một trách nhiệm rất lớn ở đó. Tất cả chúng ta đều liên quan.
Andrea Tornielli: Giáo hội đã dấn thân trên con đường dẫn đến Thượng hội đồng về tính hiệp hành. Đâu là vai trò của Giám mục?
Đức cha Prevost: Có một cơ hội lớn trong công cuộc đổi mới liên tục Giáo hội mà Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta thúc đẩy. Một mặt, có những Giám mục công khai thể hiện sự sợ hãi của mình, vì họ không hiểu Giáo hội đang đi về đâu. Có lẽ họ thích sự an toàn của những câu trả lời đã được cảm nghiệm trong quá khứ. Tôi chân thành tin rằng Chúa Thánh Thần hiện diện rất nhiều trong Giáo hội vào thời điểm này và Ngài đang thúc đẩy chúng ta hướng tới sự đổi mới. Đây là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi thực hiện trách nhiệm lớn lao là sống những gì mà tôi gọi là một thái độ mới. Đó không chỉ là một quá trình, đó không chỉ là việc thay đổi một số cách làm hoặc tổ chức nhiều cuộc họp hơn trước khi đưa ra quyết định. Còn hơn thế nữa. Nhưng có lẽ đây chính là điều gây ra một số khó khăn bởi vì tự sâu xa, chúng ta phải có khả năng lắng nghe Chúa Thánh Thần trước hết, lắng nghe những gì Ngài yêu cầu đối với Giáo hội.
Andrea Tornielli: Làm thế nào để đạt được điều này?
Đức cha Prevost: Chúng ta cần có khả năng lắng nghe nhau, nhận ra rằng đây không phải là vấn đề thảo luận về chương trình nghị sự chính trị hay chỉ cố gắng thúc đẩy các vấn đề mà tôi hoặc người khác quan tâm. Đôi khi có vẻ như chúng ta muốn giảm thiểu mọi thứ lại chỉ còn muốn bỏ phiếu để làm những gì đã được bỏ phiếu. Trái lại, đây là điều gì đó sâu xa hơn và rất khác biệt: chúng ta phải học cách thực sự lắng nghe Chúa Thánh Thần và tinh thần tìm kiếm chân lý đang sống trong Giáo hội. Chuyển từ kinh nghiệm trong đó quyền bính lên tiếng và mọi việc đều được thực hiện, sang kinh nghiệm Giáo hội vốn coi trọng các đặc sủng, các ân huệ và các thừa tác vụ hiện diện trong Giáo hội. Thừa tác vụ Giám mục thực hiện một phục vụ quan trọng, nhưng tiếp đến chúng ta phải đặt tất cả những điều này vào việc phục vụ Giáo hội theo tinh thần hiệp hành này, điều này có nghĩa đơn giản là cùng nhau bước đi, tất cả cùng nhau, và cùng nhau tìm kiếm những gì Chúa đòi hỏi chúng ta, trong thời đại của chúng ta.
Andrea Tornielli: Trong chừng mực nào các vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến cuộc sống của các giám mục?
Đức cha Prevost: Giám mục cũng được yêu cầu phải là người quản lý tốt, hoặc ít nhất phải có khả năng tìm được một người quản lý tốt để giúp mình. Đức Thánh Cha nói với chúng ta rằng ngài muốn có một Giáo hội nghèo và cho người nghèo. Trong một số trường hợp, các cơ cấu và cơ sở hạ tầng của quá khứ không còn cần thiết nữa và rất khó để duy trì chúng. Đồng thời, ngay cả ở những nơi tôi từng làm việc, Giáo hội chịu trách nhiệm về các tổ chức giáo dục và y tế vốn cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân vì Nhà nước thường không đảm bảo được những điều này. Cá nhân tôi không nghĩ rằng Giáo hội nên bán mọi thứ “chỉ” để rao giảng Tin Mừng trên các đường phố. Tuy nhiên, đây là một trách nhiệm rất lớn và không có câu trả lời độc nhất. Cần phải thúc đẩy tốt hơn sự tương trợ huynh đệ giữa các Giáo hội địa phương. Trước nhu cầu duy trì các cơ cấu có mức thu nhập không còn như trước nữa, Giám mục phải rất thực tế. Các nữ tu kín luôn nói: “Cần phải có tin tưởng và giao phó mọi sự cho Chúa Quan Phòng, vì chúng ta sẽ tìm ra phương tiện đáp ứng điều đó.” Điều quan trọng nữa là chúng ta không bao giờ được quên chiều kích tâm linh trong ơn gọi của mình. Nếu không, chúng ta có nguy cơ trở thành nhà quản lý và lý luận như nhà quản lý; điều đó đôi khi xảy ra.
Andrea Tornielli: Bạn nhận thấy mối quan hệ giữa Giám mục và mạng xã hội như thế nào?
Đức cha Prevost: Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một công cụ quan trọng để truyền tải sứ điệp Tin Mừng và tiếp cận hàng ngàn người. Chúng ta phải chuẩn bị để sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Tôi e rằng sự chuẩn bị này đôi khi còn thiếu sót. Đồng thời, thế giới luôn tiến triển ngày nay đặt ra những tình huống mà chúng ta thực sự phải suy nghĩ nhiều lần trước khi nói hoặc viết một tin nhắn trên Twitter, trả lời hoặc thậm chí chỉ cần đặt câu hỏi ở dạng công khai, dưới cái nhìn của mọi người. Đôi khi có nguy cơ gây ra chia rẽ và tranh cãi. Sử dụng mạng xã hội và truyền thông một cách đúng đắn là một trách nhiệm lớn, vì đây là cơ hội nhưng cũng là rủi ro. Và điều này có thể gây tổn hại đến sự hiệp thông của Giáo hội. Đây là lý do tại sao chúng ta phải rất cẩn thận khi sử dụng những phương tiện này.
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican News)
Tags: Lêo XIV, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- TIỂU SỬ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
- THÁNH LỄ KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC LÊÔ XIV VÀO NGÀY 18 THÁNG 5
- “GIÁM MỤC LÀ MỘT MỤC TỬ GẦN GŨI VỚI DÂN CHÚNG, KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI QUẢN LÝ”
- ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV KÊU GỌI HÒA BÌNH VÀ GIẢI TRỪ VŨ TRANG TRÊN THẾ GIỚI
- HABEMUS PAPAM
- GIỮA SỰ TRANG NGHIÊM VÀ LONG TRỌNG, MẬT NGHỊ BẮT ĐẦU
- KHÓI ĐEN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TỪ ỐNG KHÓI NHÀ NGUYỆN SISTINE
- THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU CHỌN GIÁO HOÀNG : « CẦU NGUYỆN LÀ THÁI ĐỘ DUY NHẤT THÍCH HỢP »
- MẬT NGHỊ: ĐỨC GIÁO HOÀNG ĐƯỢC BẦU NHƯ THẾ NÀO?
- “EXTRA OMNES!”, “XIN MỌI NGƯỜI RA NGOÀI!”
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ 12 TẬP TRUNG VÀO NHỮNG PHẨM CHẤT CẦN THIẾT CHO MỘT GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI
- CÁC HỒNG Y TIẾP TỤC SUY NGHĨ VÀ PHÁC HỌA HÌNH ẢNH VỀ MỘT « GIÁO HOÀNG MỤC TỬ »
- ĐỨC GIÁO HOÀNG QUYẾT ĐỊNH TÔNG HIỆU CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
- TẤT CẢ 133 HỒNG Y ĐÃ ĐẾN RÔMA KHI CÁC HỒNG Y TỔ CHỨC PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ MƯỜI
- ĐHY MAMBERTI: ĐỨC PHANXICÔ TRUNG THÀNH VỚI SỨ MẠNG CỦA MÌNH BẰNG TẤT CẢ SỨC MẠNH
- CHIẾC XE CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG: MÓN QUÀ CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ DÀNH CHO GAZA
- “TẠI MẬT NGHỊ, CHÚA QUAN PHÒNG CŨNG CAN THIỆP QUA CHÍNH TRỊ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI
- ĐỨC HỒNG Y PAROLIN, KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ CÂN BẰNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VATICAN
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 9 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ NHU CẦU HY VỌNG TRONG NĂM THÁNH NÀY