GIÁO THUYẾT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ PHẢI LÀ BẤT BIẾN KHÔNG?

Written by xbvn on Tháng Hai 22nd, 2025. Posted in Thế Giới, Tín lý, Tý Linh

Trong việc khẳng định những chân lý mà Giáo hội Công giáo tuyên bố, việc gắn bó với Thánh Kinh và truyền thống là điều không thể bàn cãi. Làm thế nào Giáo hội có thể tiến hành đưa vào một cái gì đó mới mẻ, đôi khi cần thiết mà không từ bỏ cái cũ? Giải thích.

 

Các tín điều, giáo thuyết, huấn quyền… Chúng ta đang nói về điều gì?

“Dogme” (tín điều) xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là ý kiến, sự phán quyết, niềm tin. Trong Giáo hội Công giáo, nó ám chỉ sự khẳng định về đức tin thiết yếu mà các tín hữu buộc phải tuân theo. Đối với nhà thần học Dòng Tên Michel Fédou, giáo sư danh dự tại Phân khoa Loyola Paris (1), chúng tạo thành “căn cước của cộng đồng Công giáo”. Trong khuôn khổ giáo thuyết và giáo huấn của Giáo Hội, chúng là sự thể hiện trái tim vô hình của đức tin: Nhập Thể, Phục Sinh, thần tính của Chúa Kitô…

Tại sao và ai đã tuyên bố các tín điều này?

Một số tín điều, chẳng hạn như tín điều về việc Chúa Kitô cứu chuộc nhân loại, hiện diện rõ ràng trong Tân Ước và chưa bao giờ được đưa ra một định nghĩa long trọng trong Giáo hội xưa. Michel Fédou chỉ rõ: “Một số tín điều luôn là đối tượng của sự đồng thuận và thuộc huấn quyền “thông thường và phổ quát. Những tín điều khác được ban hành bởi một công đồng hoặc bởi một Giáo hoàng, là đối tượng của một “phán quyết trọng thể”.”

Khi một số công đồng phải làm sáng tỏ hoặc tinh chỉnh ý nghĩa của một số tín điều, đó là để chống lại những sai lệch về giáo lý của các trào lưu khác nhau. Chẳng hạn, thần tính của Chúa Kitô, được khẳng định trong Tân Ước, là chủ đề được giải thích tại Công đồng Nixê vào thế kỷ thứ IV, bởi vì phong trào do Ariô lãnh đạo đã phản đối điều đó. Cha Michel Fédou đảm bảo: “Các tín điều không thêm gì vào Mặc Khải”.

Giáo hội biện minh thế nào cho việc ban hành các tín điều mới?

Vậy có thể nói gì về những tín điều được ban hành vào thế kỷ XIX và XX? Các tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854), Ơn bất khả ngộ của Đức Thánh Cha (1870), Đức Mẹ Lên Trời (1950) nói lên những “chân lý” không xuất hiện trong Thánh Kinh. Trên thực tế, theo nhà thần học Dòng Tên, những tín điều này vốn được tranh luận qua nhiều thế kỷ “được Mặc khải ám chỉ. Nếu Đức Maria có thể bằng lòng sinh ra Đấng Cứu Thế, thì Mẹ phải được bảo vệ khỏi tội lỗi ngay từ khi được thụ thai. Nếu Mẹ thực sự là Mẹ Thiên Chúa, thì không thể tưởng tượng được rằng Mẹ đã không được nâng lên vinh quang trên trời ngay từ lúc chết”.

Đối với tín điều về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng, nó bắt nguồn từ tính đặc biệt và thẩm quyền của Tông đồ Phêrô, được thấy rõ trong các sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ và chỉ có thể được áp dụng trong những trường hợp rất hiếm hoi. Kể từ năm 1870, nó chỉ được viện dẫn một lần, chính là để ban hành tín điều Đức Mẹ Lên Trời.

Trong những lý do được đưa ra để đưa các tín điều mới vào huấn quyền Công giáo, mối liên hệ với Thánh Kinh hoặc lịch sử do đó vẫn rất quan trọng, ngay cả khi nó chỉ thuộc trật tự ngầm ẩn hoặc lôgic.

Làm thế nào Giáo hội duy trì được cả tính liên tục lẫn tính mới mẻ trong giáo thuyết của mình?

Trong một hội nghị được tổ chức tại Paris vào tháng 12 vừa qua, Cha Michael Seewald, giáo sư lịch sử các tín điều tại Đại học Münster, Đức (2), đã xác định ba quá trình trong quá trình tiến triển giáo thuyết: “quên”, “sửa đổi rõ ràng” và “che giấu sự đổi mới”.

Lịch sử của thuyết độc nguồn là biểu tượng của sự lãng quên. Theo học thuyết rất cổ xưa này, vốn không phải là một tín điều, tất cả loài người đều có nguồn gốc từ Adam và Eva. Nhưng không có nó, cách hiểu truyền thống về tội nguyên tổ, được truyền sang mọi người qua hành vi sinh sản, có nguy cơ sụp đổ. Đây là lý do tại sao Đức Giáo hoàng Piô XII, trong thông điệp Humani Generis, muốn khẳng định tính cách dứt khoát của nó vào năm 1950. Lúc đó ngài đã làm nhiều nhà khoa học Kitô giáo bối rối. Từ đó, Giáo hội có đảo ngược quyết định này không? Michael Seewald giải thích: “Giáo hội đã không bằng lòng nói về điều đó nữa”.

Ví dụ về “sự sửa đổi rõ ràng”, vào năm 1947, cũng vị giáo hoàng này đã sửa đổi trong Sacramentum dinis hai điều khoản của bí tích truyền chức thánh: ngài tuyên bố rằng chỉ cần đặt tay là cần thiết cho bí tích thành sự, chứ không phải việc trao chén thánh và đĩa thánh cho tân linh mục, và ngài thay thế những lời diễn nghĩa về việc sử dụng chúng bằng lời nguyện truyền chức. Theo nhà thần học người Đức, đó là “một sự thay đổi cơ bản”, có thể ảnh hưởng đến tính hiệu lực của các bí tích khác. Nhưng không ai phản đối điều đó.

Ngược lại, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo Dignitatis humanae (1965) lại gây ra sự phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo Michael Seewald, bản văn này đã cố gắng che giấu sự rạn nứt mà nó mang lại, “bằng cách khẳng định rằng tự do tôn giáo và tự do lương tâm phát sinh từ bản tính của con người và từ Mặc Khải”.

Những cuộc tranh luận hiện nay có thể khiến Giáo hội sửa đổi giáo thuyết của mình không?

Vào năm 2023, tuyên ngôn Fiducia supplicans, cho phép chúc lành cho các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh bất hợp pháp, cũng gây ra nhiều phản ứng. Các cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề độc thân linh mục hay truyền chức cho phụ nữ. Đối với cả hai nhà thần học, điều quan trọng là phải phân biệt được điều cốt yếu với điều thứ yếu. Michel Fédou lưu ý: “Có một phẩm trật giữa các chân lý được huấn quyền trình bày, và thậm chí giữa các tín điều”. Đối với đức tin, tín điều Đức Mẹ Lên Trời không có cùng tầm quan trọng như tín điều về mầu nhiệm Nhập Thể hay Phục Sinh. Càng ít hơn nữa những vấn đề về đồng tính luyến ái hay đời sống độc thân của các linh mục vốn không thuộc các tín điều.

Tý Linh

(theo Christel Juquois, nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Hai 2025
H B T N S B C
« Th1    
  1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28