HIỂU MẦU NHIỆM NHẬP THỂ CÙNG VỚI MADELEINE DELBRÊL

Written by xbvn on Tháng Mười 14th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Các Kitô hữu tuyên xưng Thiên Chúa nhập thể nơi Chúa Giêsu thành Nadarét hơn hai ngàn năm trước… Điều này liên quan đến chúng ta như thế nào? Khi đọc lại cuộc đời của Madeleine Delbrêl (24 tháng 10 năm 1904 – 13 tháng 10 năm 1964), cha Raphaël Buyse (1), thành viên của Huynh đoàn Giáo phận Parvis ở Lille, giải thích cách chúng ta có thể thể hiện cuộc sống của chính mình, theo hình ảnh của Chúa Kitô .

Sophie de Villeneuve: Chúng ta thường nói về mầu nhiệm Nhập Thể. Phải chăng nó chỉ liên quan đến Chúa Giêsu thành Nadarét?

Raphaël Buyse: Nhập Thể là một mầu nhiệm rộng lớn hơn nhiều. Nó nói về một Thiên Chúa quan tâm đến con người đến mức thiết lập giao ước với con người, đến gần con người. Đó là toàn bộ lịch sử của dân Israel, vốn đạt đến đỉnh cao nơi con người Chúa Giêsu, Đấng đối với chúng ta là khuôn mặt tối hậu của Thiên Chúa trong lịch sử của chúng ta. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người.

Sophie de Villeneuve: Trong đời thường, điều này liên quan đến chúng ta như thế nào?

Raphaël Buyse: Điều này cũng mời gọi chúng ta nhập thể cuộc sống của mình nhiều hơn một chút. Chúng ta thường sống trên bề mặt của chính mình, và mầu nhiệm Nhập Thể thúc đẩy chúng ta trở nên nhân bản hơn một chút. Nếu chúng ta chấp nhận nhìn vào Chúa Kitô và đi theo Người, thì chính Người dạy chúng ta trở thành nhân bản trọn vẹn.

Sophie de Villeneuve: Phải chăng nói về “mầu nhiệm” Nhập Thể có nghĩa là chúng ta không thể hiểu được?

Raphaël Buyse: Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được tất cả. Cần phải để mình được dạy dỗ một cách lặng lẽ. Và nếu chúng ta tin rằng mình đã hiểu hết tất cả về một mầu nhiệm, thì đó chính là vì chúng ta chưa hiểu được tất cả.

Sophie de Villeneuve: Cha gợi lên con người của Madeleine Delbrêl như về một người phụ nữ rất nhập thể…

Raphaël Buyse: Quả thực, Bà rất dấn thân. Sinh năm 1904, bà lớn lên trong đức tin Kitô giáo, mà bà hoàn toàn nghi ngờ vào năm 17 tuổi, trải qua một thời kỳ vô thần. Lúc đó bà viết: “Thiên Chúa đã chết, tử thần muôn năm”. Sau đó, ở tuổi 20, bà đã khám phá lại vị Thiên Chúa mà bà đã thoáng thấy vào thời thơ ấu. Nhất là, khi đọc Tin Mừng, bà khám phá ra con người của Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta trở nên như Người.

Sophie de Villeneuve: Bà đã thay đổi cuộc đời mình vào thời điểm đó. Việc trở nên giống Chúa Giêsu có liên quan đến việc thay đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta không?

Raphaël Buyse: Bà đã thay đổi cuộc đời mình, như tất cả chúng ta. Chúng ta tin rằng cuộc sống sẽ đưa chúng ta đến đây, nhưng nó lại đưa chúng ta đến đó. Chúng ta thường xuyên bối rối, bất an trước cuộc sống. Madeleine Delbrêl giống chúng ta, hay đúng hơn, chúng ta giống bà. Trong Tin Mừng, bà khám phá ra bốn điểm quan trọng. Khi Chúa Giêsu ở với ai đó, Người thực sự hiện diện với người đó. Đối với bà, đó là một lời mời gọi sống những cuộc gặp gỡ, không để bất cứ điều gì trôi qua cái ngày hôm nay của Thiên Chúa vốn đang ngang qua những người khác. Bà cũng khám phá ra rằng chúng ta trở nên nhập thể hơn, nhân bản hơn, gần gũi hơn, huynh đệ hơn bằng cách cố gắng đơn giản hóa cuộc sống của mình. Điều đó không có nghĩa là trở nên nghèo: nghèo đối với bà không thú vị chút nào. Nhưng ngày nay chúng ta cảm thấy rằng nhân loại sẽ có hạnh phúc và tương lai nếu chúng ta cố gắng đơn giản hóa cuộc sống của mình. Bà cũng khám phá ra rằng chúng ta chỉ thực sự nhân bản nếu chúng ta lắng nghe người khác, như Chúa Giêsu đã lắng nghe người khác và Cha của Người. Madeleine rất quan tâm đến cuộc sống của người khác. Cuối cùng, bà học cách yêu thương mà không cần nằm lấy người khác hoặc cố gắng hoán cải họ. Điều quan trọng đối với bà, đó là lặng lẽ làm chứng cho đức tin của mình đối với những người mà cuộc sống đặt trên đường đi của bà. Đó là một tình yêu không chiếm lấy và làm cho chúng ta trở nên nhân bản vô cùng.

Sophie de Villeneuve: Madeleine Delbrêl có thể nói về mầu nhiệm Nhập Thể như thế nào?

Raphaël Buyse: Bà có thể làm cho chúng ta hiểu rằng Nhập Thể không phải là một lý thuyết tôn giáo cũng không phải là một lịch sử của thời quá khứ. Đó là một lời mời gọi hưởng nếm cuộc sống một cách mới mẻ theo Chúa Giêsu. Mong muốn duy nhất của Thiên Chúa, đó là chúng ta trở thành nhân bản hoàn toàn.

Sophie de Villeneuve: Do đó, Nhập Thể, đó là hưởng nếm cuộc sống như nó xảy đến và một cách đơn giản?

Raphaël Buyse: Đó là chào đón cuộc sống, trung thành với cuộc sống. Đó là vâng phục cuộc sống, theo nghĩa từ nguyên của vâng phục có nghĩa là “lắng nghe”.

Sophie de Villeneuve: Trong cuốn sách của Cha, Cha đọc lại cuộc đời của Madeleine Delbrêl bằng cách nói chuyện với một chàng trai trẻ mà Cha nói: “Hãy yêu cuộc sống, phơi bày cuộc sống của bạn”. Yêu và phơi bày cuộc sống của mình, đó có phải là một phần của mầu nhiệm Nhập Thể không?

Raphaël Buyse: Tất nhiên rồi. Mong muốn của Thiên Chúa là chúng ta được sống. Ngài không muốn chúng ta sống thế này hay thế kia, nhưng chúng ta sống và hưởng nếm cuộc sống được ban cho chúng ta. Và chúng ta chỉ hưởng nếm nó nếu chúng ta chấp nhận mở ra cho người khác. Chúng ta không thể hưởng nếm cuộc sống một mình. Cuộc sống luôn được khám phá qua những người khác.

Sophie de Villeneuve: Phải chăng điều này có nghĩa là Thiên Chúa không mong đợi những điều lớn lao nơi chúng ta?

Raphaël Buyse: Ngài mong đợi ở chúng ta những gì chúng ta có thể trao ban. Ngài không có những kế hoạch lập trình trước. Chính những hoàn cảnh của cuộc sống dẫn dắt chúng ta làm những việc nhỏ hay việc lớn. Điều quan trọng không phải ở đó, điều quan trọng là lắng nghe cuộc sống và trung thành với những tiếng gọi chúng ta nghe được.

Sophie de Villeneuve: Madeleine Delbrêl sống rất giản dị ở một vùng ngoại ô thuộc tầng lớp lao động và cộng sản, ở Ivry-sur-Seine, giữa mọi người. Bà chưa bao giờ tìm kiếm điều gì khác ngoài việc tiếp xúc với những người này sao?

Raphaël Buyse: Chính bà nói rằng bà muốn “được đặt ở giao lộ của cuộc đời”. Đó là một phụ nữ của các giao lộ. Người ta tìm thấy bà ở nơi có cuộc sống: tại chợ Ivry-sur-Seine, gặp gỡ những người buôn bán mà bà đã kết bạn. Gần gũi với những người lao động dấn thân trong Đảng Cộng sản, cho dù cbà vẫn giữ khoảng cách với đảng này. Lắng nghe những người phụ nữ đến gõ cửa nhà mình vì họ cần sự giúp đỡ, sự an ủi hoặc tình bạn. Bà ở nơi nào cuộc sống diễn ra.

Sophie de Villeneuve: Do đó, Madeleine Delbrêl trả lời cho các vấn đề của chúng ta về mầu nhiệm Nhập Thể…

Raphaël Buyse: Mong muốn của bà là trở thành phần kéo dài của Chúa Kitô. Trong một quán cà phê nơi bà thích đến, bà đã viết một bài rất hay có tựa đề La Liturgie des sans office, một lời cầu nguyện trong đó bà nói: “Chúa đã dẫn chúng con đến quán cà phê này vì Chúa muốn ở đó, trong chúng con.” Toàn bộ chiều kích tâm linh của Madeleine Delbrêl được thừa hưởng trong câu này. Chúng ta không được mời gọi làm gì khác hơn là trở thành sự hiện diện của Chúa ở bất cứ nơi nào cuộc sống đưa chúng ta đến.

————————————–

 (1) Tác giả của cuốn Toute cette foule dans notre cœur. Prendre la route avec Madeleine Delbrêl (Bayard, 2020, 160 p., 16,90 €).

————————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười 2024
H B T N S B C
« Th9    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30 31