JEAN GUITTON, NGƯỜI GIÁO DÂN ĐẦU TIÊN Ở CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Written by xbvn on Tháng Tám 20th, 2021. Posted in Giáo dân, Thế Giới, Tý Linh

Người bạn và là người tâm giao của Đức Phaolô VI, Jean Guitton, nhà trí thức người Pháp, sinh cách đây 120 năm, đã là người giáo dân đầu tiên được bổ nhiệm làm dự thính viên ở Công đồng Vatican II. Sự tỏa sáng trí thức của ông vẫn còn rất lớn trong tư tưởng Công giáo, ở Pháp cũng như ở Rôma.

Ông sinh ra ở Saint-Etienne, ngày 18/8/1901, trong một gia đình Công giáo, thuộc giai cấp tư sản. Việc học tập xuất sắc của ông sẽ đưa ông đến trường đại học École Normale Supérieure (một trường danh giá nhất của Pháp) ; tiếp đến, ông thi đỗ ở vị trí thứ hai của kỳ thi thạc sĩ triết học năm 1923. Luận án của ông bàn về « Thời gian và vĩnh cửu nơi Plotin và thánh Augustin ».

Trong suốt những năm làm giáo viên và trí thức, hình ảnh của ông sẽ trở thành một trong những tiếng nói Công giáo quan trọng nhất của thế kỷ XX. Nhưng sự nổi tiếng của ông ở bờ sống Seine cũng lớn như ở bờ sông Tibre. Quả thế,  lịch sử trí thức của Guitton cũng ghi dấu Paris cũng như Rôma. Ông kết bạn với Giovani Battista Montini, Đức Giáo hoàng Phaolô VI tương lai, đến độ đã trở thành một trong những người bạn tâm giao với ngài. Một cuộc gặp gỡ lên tới năm 1950, trước khi ĐHY Montini được bầu lên ngôi giáo hoàng. Lúc đó đang là Phụ tá Phủ Quốc Vụ Khanh lo các công việc chung ở Vatican, vị Giáo hoàng tương lai đã muốn chúc mừng nhà triết học về việc xuất bản tác phẩm « Đức Trinh Nữ Maria » của ông, vào năm 1949.

Một người giáo dân ở Công đồng

Thập niên 1960 là một thập niên cách mạng trong Giáo hội với việc triệu tập Công đồng Vatican II. Jean Guitton sẽ góp phần quyết định vào việc này. Đức Gioan XXIII đã quyết định về việc tham dự của các giáo dân vào các khóa họp của Công đồng. Vào tháng 9/1962, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã thiết lập một danh sách 12 người, sớm được bổ sung thêm ba người khác, trong số đó có Guitton. Ông sẽ là người giáo dân Công giáo đầu tiên hiện diện ở khóa họp đầu tiên. Một vài tháng sau, ông xuất bản cuốn « Giáo hội và người giáo dân », một suy tư quan trọng trong đó ông đặc biệt trở lại với trực giác của Đức Hồng y Newman, tiên báo về việc tham khảo ý kiến giáo dân về mặt đức tin.

Ông tuyên bố trong một chương trình truyền hình năm 1963 : « Thật nghịch lý, giáo dân là một người vô danh, đang khi họ lại là đại đa số của nhân loại ». Ông giải thích, sự mới mẻ của Công đồng là ở chỗ cái nhìn về người giáo dân, cho đến đây được coi là một người « không phải giáo sĩ », một người « được định nghĩa cách tiêu cực », sẽ được xem xét cách tích cực. Giáo dân là toàn thể dân Thiên Chúa, lữ hành từ Abraham, « đoàn lữ hành nhân loại vĩ đại này đi đến tận cõi vĩnh hằng ».

Kết thúc khóa họp thứ ba, theo yêu cầu của các dự thính viên, Jean Guitton sẽ viết một tổng hợp về vai trò của giáo dân trong  thế giới. Ông viết : « Trong tất cả các hình thức đời sống gia đình, nghề nghiệp, dân sự và văn hóa của mình, người giáo dân nỗ lực thể hiện, thích nghi, hội nhập ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa vào các cơ cấu cũ và mới, luôn trên đường cải cách và tiến bộ ».

Một cuộc đối thoại liên tục với Rôma

Sự đồng hành về trí tuệ của Guitton với Tòa Thánh sẽ luôn bền chặt cho đến khi ông qua đời vào năm 1999, ở tuổi 97. Bằng chứng là 350 bài viết do ông ký tên hay được dành cho ông trong các trang của nhật báo Osservatore Romano. Ông đã thề sẽ đến thăm Đức Phaolô VI vào ngày 8/9 hàng năm, ngày gặp gỡ đầu tiên của họ. Một lời mà ông đã giữ suốt 27 năm, không kể những lần gặp gỡ khác.

Guitton cũng là một họa sĩ, ưu tư thể hiện Đấng Tuyệt Đối trong các tác phẩm tranh ảnh của mình. Đặc biệt ông đã thực hiện tác phẩm Đường Thánh Giá mà người ta có thể chiêm ngưỡng thán phục trong Nhà thờ Saint-Louis des Invalides ở Paris. Chính trong ngôi nhà thờ này mà sẽ diễn ra thánh lễ an táng của ông vào ngày 25/3/1999 do Đức Hồng y Jean-Marie Lustiger chủ tế. Đức Tổng Giám mục Lustiger đã gợi lên tác phẩm này của ông trong bài giảng của mình : « Jean Guitton đã vẽ bức tranh thứ mười lăm và là bức tranh cuối cùng, không phải về chính ông, nhưng bởi vì ông đã được yêu cầu như thế. Và Jean Guitton viết : « Tôi về với Cha tôi ».  Đó là đức tin của Jean Guitton. Đó là đức tin của chúng ta. Đó là lời cầu nguyện của chúng ta dành cho ông ».

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31