KHAI MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ – LỄ CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ

Written by xbvn on Tháng Mười 5th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới

Vào thứ Tư ngày 2 tháng 10, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã chủ sự thánh lễ khai mạc khóa họp thứ hai của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành. Ngài nêu rõ phương pháp và đưa ra những cảnh giác để tránh căng thẳng. Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ nhớ các Thiên Thần Hộ thủ, và tái mở Phiên họp toàn thể của Thượng Hội đồng Giám mục. Sau khi lắng nghe Lời Chúa, chúng ta hãy rút ra ba hình ảnh khi bắt đầu những điểm cho suy tư của chúng ta: tiếng nói, nơi trú ẩn và trẻ thơ.

 Trước hết, tiếng nói. Trên đường về miền Đất Hứa, Thiên Chúa khuyên bảo dân lắng nghe ‘tiếng của thiên sứ’ mà Người đã sai đến (x. Xh 23, 20-22). Đó là một hình ảnh liên hệ đến chúng ta. Khi chúng ta bước đi con đường của Thượng Hội đồng này, Chúa đặt để trong bàn tay chúng ta lịch sử, những ước mơ và niềm hy vọng về một dân tộc vĩ đại. Họ là những anh chị em của chúng ta đang tản mác khắp thế giới, được truyền cảm hứng bởi cùng một đức tin, được thúc đẩy bởi cùng một niềm khát khao nên thánh. Với họ và vì họ, chúng ta cố gắng thấu hiểu con đường chúng ta phải bước theo để đạt tới đích điểm mà Chúa hằng ước mong cho chúng ta. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể lắng nghe ‘tiếng của thiên sứ’?

Phương cách chính là đón nhận mọi đóng góp thâu lượm được trong ba năm qua với sự tôn trọng và chú tâm, trong cầu nguyện và trong ánh sáng của Lời Chúa. Những đóng góp này đã trải qua những năm làm việc, chia sẻ và bàn thảo, được thực hiện với một nỗ lực không ngừng để thanh tẩy lòng trí chúng ta. Với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải lắng nghe và thấu hiểu những tiếng nói này – là những ý tưởng, mong đợi, đề xuất – để cùng nhau phân định tiếng của Thiên Chúa đang nói với Giáo Hội (x. Renato Corti, Quale prete?,  Appunti inedita). Như chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh, đây không phải là cuộc họp quốc hội, nhưng hơn hết là nơi lắng nghe trong hiệp thông, nơi mà, như thánh Grêgôriô Cả nói, những gì người này có trong mình một phần, thì người khác có hoàn toàn, và mặc dù một số người có được những tư chất đặc biệt, nhưng mọi sự đều thuộc về mọi người trong ‘tình bác ái của Thần Khí’ (x. Homilies on the Gospels, XXXIV).

Để điều này xảy ra, cần có một điều kiện: chúng ta phải giải phóng mình khỏi mọi thứ vốn cản ngăn ‘lòng bác ái của Thần Khí’ tạo nên sự hoà hợp trong tính đa dạng nơi chúng ta và giữa chúng ta. Những ai kiêu căng đòi hỏi có được đặc quyền để nghe tiếng Chúa thì chẳng thể nghe được tiếng đó (x. Mc 9, 38-39). Mọi lời cần phải được đón nhận với lòng biết ơn, sự đơn sơ và có thể trở nên một âm vang về những gì mà Thiên Chúa đã trao ban vì lợi ích của anh chị em mình (x. Mt 10, 7-8). Chúng ta hãy cẩn thận đừng nhìn những đóng góp của bản thân như những điểm cần phải bảo vệ bằng mọi giá hoặc những chương trình nghị sự buộc phải chấp nhận. Tôi hy vọng mỗi một chúng ta sẽ đưa ra đóng góp của cá nhân như món quà được chia sẻ, thậm chí sẵn sàng hy sinh quan điểm riêng của mình để trao tặng điều gì đó mới mẻ cho cuộc đời, tất cả theo kế hoạch của Thiên Chúa. Bằng không, chúng ta sẽ kết thúc qua việc khoá mình lại trong những cuộc đối thoại giữa người điếc, nơi mà những tham dự viên tìm đưa ra những lý lẽ hoặc chương trình nghị sự của riêng mình mà không cần lắng nghe người khác, và trên hết, chẳng màng lắng nghe tiếng Chúa.

Chúng ta chẳng hề có được những giải pháp cho những vấn đề chúng ta đối mặt, nhưng Chúa có (x. Ga 14, 6). Hãy nhớ rằng, trong sa mạc, anh chị em không thể mất tập trung. Nếu anh chị em không để tâm đến người hướng dẫn, nếu nghĩ rằng duy mình là đủ, thì anh chị em có thể mất mạng vì đói khát và kéo theo người khác đi cùng. Vì thế, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa và các thiên sứ của Người để chúng ta có thể bước đi an toàn trên nẻo đường của mình, vượt qua những giới hạn cùng những khó khăn (x. Tv 23, 4).

Điều này đưa chúng ta đến hình ảnh thứ hai: nơi trú ẩn, hình ảnh có thể được biểu trưng bằng đôi cánh che chở chúng ta – ‘dưới cánh Người bạn có chỗ ẩn thân’ (Tv 91, 4). Đôi cánh chính là khí cụ đầy sức mạnh, có thể nâng cơ thể lên khỏi mặt đất qua chuyển động đầy mạnh mẽ. Mặc dù chúng tượng trưng cho một sức khoẻ kiện cường, nhưng đôi cánh cũng có thể hạ thấp xuống để quy tụ, trở nên khiên mộc và nơi náu nương chào đón những chú chim non đang cần hơi ấm và sự chở che.

Đây là điều tượng trưng về những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta, và cũng là một kiểu thức cho chúng ta noi gương, đặc biệt khi chúng ta quy tụ cùng nhau trong những ngày này. Giữa chúng ta, thưa anh chị em, vẫn có nhiều người mạnh mẽ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể vươn đến những đỉnh cao với các hoạt động suy tư sôi nổi cũng như với những hiểu biết sâu sắc. Tất cả điều này là một ưu thế lớn cho chúng ta. Nó khích lệ, thách thức và đôi khi thôi thúc chúng ta suy nghĩ một cách cởi mở hơn và tiến bước quyết đoán hơn. Nó cũng giúp chúng ta giữ vững đức tin ngay cả khi đối mặt với những thách thức và khó khăn. Chúng ta phải có trái tim rộng mở, trái tim đối thoại.  Một con tim khép kín trong những lý lẽ cá nhân chẳng hề thích hợp với Thần Khí của Chúa. Nó không thuộc về Chúa. Đó là quà tặng để khai mở chính mình, và món quà này phải được kết hợp, khi cần thiết, với khả năng nới giản cơ bắp của chúng ta và hạ mình xuống để trao cho nhau một cái ôm nồng thắm cũng như một nơi trú ẩn. Bằng cách đó, như Thánh Phao-lô VI đã nói, chúng ta sẽ trở thành “một ngôi nhà (…) của anh chị em, một công xưởng hoạt động sôi nổi, một căn phòng thiêng liêng nồng cháy” (Address to the Presidential Council of the C.E.I., 9/5/1974).

Chúng ta càng nhận ra rằng mình được bao quanh bởi những người bạn hằng luôn yêu thương, tôn trọng và đánh giá cao chúng ta, những người bạn muốn lắng nghe những gì chúng ta phải nói, thì chúng ta sẽ càng cảm thấy thoải mái để biểu lộ bản thân một cách tự nhiên và cởi mở.

Việc tiếp cận này không chỉ là một kỹ thuật để ‘tạo thuận lợi’ cho những động lực đối thoại và giao tiếp nhóm. Trong Thượng Hội đồng, có những ‘người tạo thuận lợi’, nhưng họ ở đây để giúp chúng ta tiến về phía trước một cách tốt hơn. Ôm lấy, bảo vệ và chăm sóc thực sự là một phần nơi bản chất của Giáo Hội. Ôm lấy, bảo vệ và chăm sóc. Giáo Hội, nhờ ơn gọi của mình, là một nơi quy tụ chào đón, nơi mà ‘tình bác ái hợp đoàn đòi hỏi sự hoà hợp trọn vẹn, vốn dẫn tới sức mạnh đạo đức, vẻ đẹp thiêng liêng và sự thể hiện lý tưởng’ (ibid). Sự hoà hợp: đó là một từ quan trọng. Nó không nói về đa số và thiểu số; nhưng có thể là một bước tiến đầu tiên. Điều trọng yếu và nền tảng chính là sự hoà hợp, một sự hoà hợp mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thực hiện được. Người chính là bậc thầy của sự hoà hợp và có khả năng tạo nên một tiếng nói giữa rất nhiều những tiếng nói khác. Hãy xem cách mà Thần Khí tạo nên sự hoà hợp giữa những sự khác biệt vào sáng ngày Lễ Hiện Xuống. Giáo Hội cần ‘một nơi cởi mở và bình an’ được tạo nên trước tiên nơi tâm hồn của chúng ta, nơi mỗi người cảm thấy được chào đón, như con thơ trong cánh tay mẹ hiền (x. Is 49, 15; 66, 13) và như trẻ thơ được nâng lên áp vào má của người cha (x. Hs 11, 4; Tv 103, 13).

Điều này đưa chúng ta đến hình ảnh thứ ba: trẻ thơ. Chính Đức Giê-su, trong Tin Mừng, là người ‘đã đặt một em nhỏ giữa các môn đệ’, đưa em đến cho các ông xem, mời gọi họ biến đổi và trở nên bé nhỏ như em này. Các môn đệ đã hỏi Đức Giê-su xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời và Ngài đã đáp lời qua việc khích lệ các ông trở nên nhỏ bé như trẻ thơ. Nhưng không chỉ điều này, Đức Giê-su cũng thêm vào rằng khi tiếp đón một em nhỏ nhân danh Ngài, thì chúng ta đón tiếp chính Ngài (x. Mt 18, 1-5).

Nghịch lý này cần thiết cho chúng ta. Do tầm quan trọng của Thượng Hội đồng, theo nghĩa nào đó, chúng ta phải cố gắng trở nên ‘lớn lao’ trong tinh thần, trong tâm hồn, trong tầm nhìn, bởi những vấn đề mà chúng ta phải giải quyết thật ‘lớn lao’ và tế nhị, cũng như những tình huống thật sự rộng lớn và mang tính hoàn vũ. Nhưng chính vì lẽ này mà chúng ta không được quên lãng đi đứa trẻ mà Chúa Giê-su không ngừng đặt vào trung tâm của những cuộc họp và làm việc bàn tròn của chúng ta. Ngài làm như vậy để nhắc nhớ chúng ta rằng cách duy nhất để được xứng đáng với nhiệm vụ được trao phó chính là hạ mình xuống, làm cho bản thân nên nhỏ bé và khiêm tốn tiếp đón nhau. Người lớn nhất trong Giáo Hội phải là người cúi mình xuống thấp nhất.

Chính bằng cách trở nên bé nhỏ mà Thiên Chúa ‘tỏ cho chúng ta thấy sự cao cả đích thực là gì, và ngay cả ý nghĩa của việc trở thành Thiên Chúa” (Bênêđíctô XVI, Hbài giảng Lễ Chúa chịu phép rửa, 11/1/2009). Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su nói rằng các thiên thần của những em nhỏ này ‘không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời’ (Mt 18, 10). Nói cách khác, chúng như ‘những chiếc kính viễn vọng’ về tình yêu của Chúa Cha.

Anh chị em thân mến, chúng ta bắt đầu lại con đường hiệp hành với đôi mắt hướng về thế giới, khi cộng đồng Ki-tô hữu luôn phục vụ nhân loại để loan báo niềm vui Tin Mừng. Trong thời điểm bi thương như thế trong lịch sử của chúng ta, khi những ngọn gió của chiến tranh và ánh lửa của bạo lực vẫn tiếp tục tàn phá hết thảy người dân và các quốc gia, thì vẫn luôn cần đến sứ điệp này.

Để khẩn nài sự chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh cho ơn bình an, tôi sẽ lần chuỗi Mân Côi và thành tâm cầu xin Đức Trinh Nữ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả vào ngày Chúa Nhật tới. Nếu có thể, tôi cũng xin mọi thành viên của Thượng Hội Đồng tham gia với tôi vào dịp này.

Ngày hôm sau, 7 tháng 10, tôi xin mọi người tham gia ngày cầu nguyện và ăn chay vì hoà bình trên thế giới.

Chúng ta hãy cùng nhau bước đi. Hãy lắng nghe Chúa và để Người hướng dẫn chúng ta bằng ‘hơi thở’ của Thần Khí.

———————————–

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười 2024
H B T N S B C
« Th9    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30 31