KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA NĂM A : CUỘC PHÁN XÉT CUỐI CÙNG SẼ DỰA TRÊN TÌNH YÊU
Trong Lễ Trọng Chúa Kitô, Vua Vũ trụ, tương ứng với Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, Đức Phanxicô đã đọc Kinh Truyền Tin từ nhà nguyện Nhà Thánh Mátta hôm 26/11/2023. Trước Kinh Truyền Tin, trong bài suy niệm được đọc bởi một trong những cộng tác viên thân cận của mình, ngài đã đề cập đến vương quyền của Thiên Chúa, hiện thân nơi Con của mình để phục vụ những người nghèo khổ nhất bằng tình yêu. Và ngài nhắc nhở rằng việc phán xét cuối cùng sẽ dựa trên tình yêu. Và đó là tiêu chuẩn của Chúa Giêsu, một Đức Vua tự đồng hóa với những người nhỏ bé nhất.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em ngày Chúa Nhật hạnh phúc !
Hôm nay, tôi không thể xuất hiện bên cửa sổ vì tôi mắc bệnh viêm phổi, và Đức ông Braida sẽ đọc bài suy niệm. Ngài biết rõ các bài suy niệm vì chính ngài là người viết chúng và ngài luôn làm rất tốt! Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì sự hiện diện của anh chị em.
Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ và Lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ trụ, Tin Mừng nói với chúng ta về cuộc phán xét cuối cùng (Mt 25, 31-46) và nói với chúng ta rằng cuộc phán xét sẽ dựa trên đức ái.
Khung cảnh mà bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta là khung cảnh của một đại sảnh vương giả, trong đó Chúa Giêsu, “Con Người” (c. 31), ngự trên ngai. Tất cả dân chúng tập trung dưới chân Người và nổi bật trong số họ là những “người được chúc phúc” (c. 34), những người bạn của Đức Vua. Nhưng họ là ai? Điều gì đặc biệt ở những người bạn này trong mắt Chúa của họ? Theo tiêu chuẩn của thế gian, bạn bè của nhà vua phải là những người đã cho ông ta sự giàu có và quyền lực, những người đã giúp ông chinh phục các lãnh thổ, giành chiến thắng trong các trận chiến, khiến ông trở nên vĩ đại so với những người cai trị khác, có lẽ xuất hiện như một ngôi sao trên các trang nhất của các tờ báo hoặc trên mạng xã hội, và với họ, ông nên nói: “Cảm ơn các bạn, vì các bạn đã khiến tôi trở nên giàu có và nổi tiếng, khiến người ta phải ghen tị và kính sợ tôi”. Đây là theo tiêu chuẩn của thế gian.
Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của Chúa Giêsu, bạn bè là những người khác: họ là những người đã phục vụ những người yếu đuối nhất. Điều này là vì Con Người là một vị Vua hoàn toàn khác, Đấng gọi những người nghèo là “anh em”, Đấng đồng hóa với những người đói khát, những người khách lạ, bệnh tật, bị tù đày và nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Người là một vị Vua nhạy cảm với vấn đề đói khát, nhu cầu nhà ở, bệnh tật và tù đày (x. các câu 35-36): thật không may, tất cả những thực tại này đều quá phổ biến. Những người đói khát, những người vô gia cư, thường ăn mặc như họ có thể, tụ tập trên các đường phố của chúng ta: chúng ta gặp họ mỗi ngày. Và cũng liên quan đến bệnh tật và tù đày, tất cả chúng ta đều biết bệnh tật, phạm sai lầm và phải trả giá cho những hậu quả có ý nghĩa như thế nào.
Vâng, bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta rằng “những người được chúc phúc” là những người đáp lại những hình thức nghèo khó này bằng tình yêu, bằng sự phục vụ: không phải bằng cách quay lưng lại, nhưng bằng cách cho ăn, uống, quần áo, chỗ ở, thăm viếng; tóm lại là ở gần những người đang cần giúp đỡ. Và điều này là vì Chúa Giêsu, Vua của chúng ta, Đấng tự xưng là Con Người, nhận thấy những người anh chị em yêu quý của mình nơi những người nam và người nữ mỏng manh nhất. “Buổi chầu hoàng gia” của Người được tổ chức, nơi có những người đau khổ và cần được giúp đỡ. Đây là “buổi chầu” của Đức Vua chúng ta. Và phong cách mà bạn bè của Người, những người lấy Chúa Giêsu làm Chúa, được mời gọi được nổi bật chính là phong cách của Người: lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự dịu dàng. Chúng làm cho trái tim trở nên cao thượng và đổ xuống như dầu trên vết thương của những người bị cuộc đời làm tổn thương.
Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có tin rằng vương quyền thực sự hệ tại ở lòng thương xót không? Chúng ta có tin vào sức mạnh của tình yêu không? Chúng ta có tin rằng đức ái là biểu hiện cao quý nhất của con người và là một đòi hỏi không thể thiếu đối với người Kitô hữu không? Và cuối cùng, một câu hỏi cụ thể: tôi có phải là bạn của Đức Vua không, nghĩa là tôi có cảm thấy bản thân mình liên quan đến nhu cầu của những người đau khổ mà tôi gặp trên đường đi của mình không?
Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Trời Đất, giúp chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, Đức Vua của chúng ta, nơi những anh chị em nhỏ bé nhất của Người.
—————————————————–
Sau Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay tại các Giáo hội địa phương, chúng ta cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 38 với chủ đề Vui mừng trong niềm hy vọng. Tôi chúc lành cho những ai đang tham dự vào các sáng kiến được tổ chức trong các giáo phận, tiếp nối Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon. Tôi ôm lấy những người trẻ, hiện tại và tương lai của thế giới, và tôi khuyến khích họ trở thành những nhân vật chính vui tươi trong đời sống của Giáo hội.
Hôm qua, đất nước Ucraina đau khổ đã tưởng niệm Holodomor, nạn diệt chủng do chế độ Xô Viết gây ra, 90 năm trước, đã khiến hàng triệu người chết đói. Vết thương rách nát ấy, thay vì lành lại, lại càng đau đớn hơn bởi sự tàn ác của chiến tranh vốn đang tiếp tục làm cho dân tộc thân yêu ấy đau khổ. Đối với tất cả những người bị chia cắt bởi các cuộc xung đột, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện không mệt mỏi, bởi vì lời cầu nguyện là sức mạnh hòa bình ngăn chặn vòng xoáy hận thù, phá vỡ vòng xoáy báo thù và mở ra những con đường hòa giải bất ngờ. Hôm nay, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì cuối cùng đã có sự thỏa ước ngừng bắn giữa Israel và Palestin, và một số con tin đã được phóng thích. Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả họ sẽ được phóng thích càng sớm càng tốt – hãy nghĩ đến gia đình họ! – để viện trợ nhân đạo sẽ đến Gaza nhiều hơn, và để việc đối thoại được nhấn mạnh: đó là con đường duy nhất, con đường duy nhất để đạt được hòa bình. Những người không muốn đối thoại, thì không muốn hòa bình.
Bên cạnh chiến tranh, thế giới của chúng ta còn bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm lớn khác, đó là khí hậu, khiến sự sống trên Trái đất, đặc biệt là các thế hệ tương lai, gặp nguy hiểm. Và điều này trái với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mọi sự cho sự sống. Vì vậy, cuối tuần tới, tôi sẽ đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để phát biểu vào thứ Bảy tại hội nghị thượng đỉnh COP 28 ở Dubai. Tôi cảm ơn mọi người sẽ đồng hành với cuộc hành trình này bằng lời cầu nguyện và với sự cam kết thực tâm gìn giữ ngôi nhà chung.
…
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Angelus, bác ái-liên đới, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?