KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA: CHỐNG LẠI SỰ ĐỘC TÀI CỦA CÁI TÔI TRONG GIA ĐÌNH

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 27th, 2021. Posted in Gia đình, Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

“Để bảo vệ sự hài hòa trong gia đình, cần phải đấu tranh chống lại sự độc tài của cái “tôi” – khi cái “tôi”phồng lên”. Đức Phanxicô đưa ra lời khuyên như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Lễ Thánh Gia, hôm Chúa Nhật 26/12/2021, và đồng thời mời gọi noi gương Thánh Gia đặt tha nhân lên trước cái “tôi” của mình, bằng cách “hoán cải bản thân từ “tôi” đến “bạn””.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha không lý tưởng hóa gia đình vì biết rằng “chúng ta có thể không được sinh ra trong một gia đình ngoại lệ, một gia đình không có vấn đề”. Vì thế, đối với ngài, cần phải quan tâm đến “hai khía cạnh cụ thể” của gia đình, vốn là một “thách thức hàng ngày”: “gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó” và “mỗi ngày chúng ta cần học cách trở thành một gia đình”.

Và đối diện với những điều đó với xác tín: “Chúng ta đến từ một câu chuyện bao gồm những mối dây liên kết tình yêu, và con người của chúng ta hôm nay được sinh ra không quá nhiều từ của cải vật chất mà chúng ta dùng, nhưng từ tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận, từ tình yêu trong trái tim của gia đình”.

Dưới đây là bài suy niệm của dtc:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, chúng ta cử hành Lễ Thánh Gia Nadarét. Thiên Chúa chọn một gia đình khiêm tốn và đơn sơ để đến giữa chúng ta. Chúng ta hãy ngạc nhiên chiêm ngắm vẻ đẹp của mầu nhiệm này, nhấn mạnh hai khía cạnh cụ thể cho các gia đình của chúng ta.

Khía cạnh  đầu tiên: gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó. Mỗi một chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình. Không ai trong chúng ta được sinh ra một cách ma thuật, với một cây đũa thần. Tất cả chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình và gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn  từ đó. Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả Chúa Giêsu là con của một câu chuyện gia đình. Chúng ta thấy Ngài đi đến Giêrusalem với Đức Maria và thánh Giuse để dự lễ Vượt Qua; rồi Người khiến cho cha mẹ mình lo lắng khi các ngài không tìm thấy Người; được tìm thấy lại, Người trở về nhà cùng với các ngài (x. Lc 2, 41-51). Thật đẹp khi thấy Chúa Giêsu được hội nhập vào mối dây liên kết của những tình cảm gia đình vốn được sinh ra và lớn lên trong sự âu yếm và quan tâm của cha mẹ Người. Điều này cũng quan trọng đối với chúng ta: chúng ta đến từ một câu chuyện bao gồm những mối dây liên kết tình yêu, và con người của chúng ta hôm nay được sinh ra không quá nhiều từ của cải vật chất mà chúng ta dùng, nhưng từ tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận, từ tình yêu trong trái tim của gia đình. Chúng ta có thể không được sinh ra trong một gia đình ngoại lệ, một gia đình không có vấn đề, nhưng đây là câu chuyện của chúng ta – mọi người phải nghĩ: đây là câu chuyện của tôi – đây là cội nguồn của chúng ta: nếu chúng ta cắt bỏ nó, thì cuộc sống sẽ khô héo! Thiên Chúa đã không tạo dựng chúng ta trở thành những biệt kích đơn độc, nhưng để bước đi cùng nhau. Chúng ta cảm ơn Ngài và cầu nguyện với Ngài cho gia đình chúng ta. Thiên Chúa nghĩ về chúng ta và muốn chúng ta ở với nhau: biết ơn, hiệp nhất, có khả năng gìn giữ cội nguồn của chúng ta. Chúng ta  cần nghĩ về điều này, về câu chuyện của chính chúng ta.

Khía cạnh thứ hai: mỗi ngày chúng ta cần học cách trở thành một gia đình. Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy rằng ngay cả trong Thánh Gia, mọi sự cũng không suôn sẻ: có những vấn đề bất ngờ, nỗi lo lắng, đau khổ. Thánh Gia trên những tấm thiệp thánh không tồn tại. Đức Maria và thánh Giuse lạc mất Chúa Giêsu và tìm kiếm Người cách lo lắng, chỉ tìm thấy Người ba ngày sau. Và khi, ngồi giữa các thầy dạy trong Đền Thờ, Người trả lời rằng Người phải lo việc của Cha Người, thì các ngài không hiểu. Họ cần thời gian để học biết người con của mình. Đối với chúng ta cũng thế: Mỗi ngày, một gia đình cần học cách lắng nghe nhau để hiểu nhau, học cách bước đi cùng nhau, học cách đối mặt với những xung đột và khó khăn. Đó là một thách thức hàng ngày và nó được vượt qua với thái độ đúng đắn, qua những hành động đơn giản, quan tâm đến các chi tiết của các mối tương quan của chúng ta. Và điều này cũng giúp chúng ta rất nhiều để nói chuyện trong gia đình, nói chuyện ở bàn ăn, đối thoại giữa cha mẹ và con cái, đối thoại giữa anh chị em. Nó giúp chúng ta cảm nghiệm về cội nguồn gia đình của chúng ta vốn đến từ ông bà của chúng ta. Đối thoại với ông bà!

Và điều này được thực hiện như thế nào? Chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria, trong bài Tin Mừng hôm nay Mẹ đã nói với Chúa Giêsu: “Cha của con và mẹ đang tìm con” (c. 48). Cha của con và mẹ; ngài không nói, mẹ và cha của con. Trước chữ “mẹ” (“tôi”) là chữ “con” (“bạn”)! Chúng ta hãy học điều này: trước chữ “tôi” là chữ “bạn”. Trong ngôn ngữ của tôi, có một tính từ cho những người đặt chữ “tôi” trước chữ “bạn”: “Bản thân tôi, chính tôi và tôi, vì chính tôi và vì lợi ích của riêng tôi”. Những người vốn như thế này – trước tiên là “tôi” và sau đó là “bạn”. Không, trong Thánh Gia, đầu tiên là “bạn” và sau đó là “tôi”. Để bảo vệ sự hài hòa trong gia đình, cần phải đấu tranh chống lại sự độc tài của cái “tôi” – khi cái “tôi”phồng lên. Thật nguy hiểm khi, thay vì lắng nghe nhau, chúng ta lại đổ lỗi cho nhau; khi, thay vì thể hiện sự quan tâm dành cho nhau, chúng ta lại tập trung vào những nhu cầu của chính chúng ta; khi, thay vì đối thoại, chúng ta tự cô lập bản thân bằng điện thoại di dộng của mình – Thật buồn tại bữa ăn tối trong gia đình khi mọi người đều tập trung vào điện thoại  của mình mà không nói chuyện với nhau, mọi người nói trên điện thoại của mình; khi chúng ta buộc tội nhau, luôn lặp lại những câu nói như nhau, đào bới lại một trận cãi lộn trong đó mỗi người đều muốn mình có lý và luôn chấm dứt bằng sự im lặng lạnh lùng, sự im lặng đó anh chị em có thể cắt bằng một con dao, lạnh lùng, sau một cuộc tranh cãi trong gia đình. Điều này thật kinh khủng, thật sự kinh khủng! Tôi lặp lại một lời khuyên: vào buổi tối, khi mọi thứ đã kết thúc, thì hãy luôn làm hòa. Đừng bao giờ đi ngủ mà không làm hòa, nếu không sẽ có một cuộc “chiến tranh lạnh” vào ngày hôm sau! Và điều này thật nguy hiểm vì nó tạo nên một loạt nhũng lời quở trách, một loạt những lời oán hận. Thật không may, biết bao nhiêu lần các cuộc xung đột bắt nguồn và phát triển trong các bức tường tại gia do thời gian im lặng kéo dài và do sự ích kỷ không được chế ngự! Đôi khi thậm chí nó kết thúc bằng bạo lực thể lý và tinh thần. Điều này làm xói mòn sự hòa hợp và giết chết gia đình. Chúng ta hãy hoán cải bản thân từ “tôi” đến “bạn”. Điều phải quan trọng hơn trong một gia đình là “bạn”. Và mỗi ngày, xin hãy cầu nguyện cùng nhau một chút – nếu anh chị em có thể cố gắng – để xin Thiên Chúa món quà bình an. Và tất cả chúng ta hãy cam kết – cha mẹ, con cái, Giáo hội, xã hội – duy trì, bảo vệ và gìn giữ gia đình vốn là kho tàng của chúng ta!

Xin Đức Trinh Nữ Maria, hiền thê của thánh Giuse, Mẹ của Chúa Giêsu, bảo vệ gia đình chúng ta.

———————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31