KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C : NHƯ NGƯỜI SAMARITANÔ, HỌC NHÌN THẤY VÀ CHẠNH LÒNG THƯƠNG
« Theo chân Chúa Kitô, người môn đệ trở thành người lữ hành và – giống như người Samaritanô – học nhìn thấy và chạnh lòng thương. » Đức Phanxicô mời gọi các Kitô hữu như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 10/7/2022, và đồng thời cảnh giác rằng « rất nhiều người tín hữu ẩn núp đằng sau những giáo điều để bảo vệ mình khỏi thực tại ».
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng đứng trước dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu, chúng ta dễ « đổ lỗi cho người khác hay đổ lỗi cho chính mình ». Thay vào đó, Đức Thánh Cha đề nghị lời cầu nguyện này : xin được ơn nhìn thấy và chạnh lòng thương : “Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy, xin cho con biết chạnh lòng thương như Chúa nhìn thấy và chạnh lòng thương con”.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay kể lại dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10, 25-37) – tất cả chúng ta đều biết nó. Trong bối cảnh là trên con đường đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, một người đã bị bọn cướp đánh nhừ tử và cướp sạch. Một thầy tư tế đi ngang qua nhìn thấy người ấy nhưng không dừng lại ; ông tiếp tục đi. Một thầy Lêvi, người phục vụ trong đền thờ, cũng làm như thế. « Nhưng một người Samaritanô », Tin Mừng nói, « đang đi đường, tới chỗ nạn nhân, và thấy vậy thì chạnh lòng thương » (c. 33). Chúng ta đừng quên lời này – « ông chạnh lòng thương ». Đây là điều Thiên Chúa cảm thấy mỗi khi Ngài thấy chúng ta có vấn đề, chúng ta phạm tội, chúng ta trải qua sự khốn khổ. « Ông chạnh lòng thương ». Thánh sử chỉ rõ rằng người Samaritanô này đang đi đường. Vì thế, mặc dù ông đã có kế hoạch riêng và đang hướng tới một đích đến xa xôi, người Samaritanô đó không viện cớ nhưng đã can dự vào, ông đã tự mình can dự vào những gì đã xảy ra dọc đường. Chúng ta hãy nghĩ về điều này : Chúa không dạy chúng ta làm điều đó sao ? Nhìn về phía xa, nhìn về đích đến cuối cùng của chúng ta, trong khi vẫn chú ý đến các bước cần thực hiện ở đây và bây giờ để đến được đó.
Thật ý nghĩa khi các Kitô hữu đầu tiên được gọi là « các môn đệ của Con Đường » (những người theo Đạo, x. Cv 9, 2). Trên thực tế, người tín hữu rất giống người Samaritanô – giống như ông, người tín hữu đang trong một cuộc hành trình, một người lữ hành. Người tín hữu biết rằng họ chưa « đến đích », nhưng muốn học hỏi mỗi ngày, bước theo Chúa Giêsu, Đấng đã nói : « Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống » (Ga 14, 6), « Thầy là Đường ». Người môn đệ của Chúa Kitô bước theo Ngài và do đó trở thành « môn đệ của Con Đường ». Họ đi sau Chúa, không ru rú ở nhà, không, nhưng luôn trên đường đi. Trên đường đi, họ gặp gỡ mọi người, chữa lành bệnh tật, thăm các làng mạc và thành thị. Đây là những gì Chúa đã làm, Ngài luôn di chuyển.
Vì thế, « người môn đệ của Con Đường », tức là, các Kitô hữu chúng ta nhận thấy rằng cách suy nghĩ và hành động của mình dần dần biến đổi, càng ngày càng tuân theo lối sống của Thầy hơn. Theo chân Chúa Kitô, người môn đệ trở thành người lữ hành và – giống như người Samaritanô – học nhìn thấy và chạnh lòng thương. Họ nhìn thấy và chạnh lòng thương. Trước tiên, nhìn thấy : mắt họ mở ra với thực tại, không khép kín cách ích kỷ trong những suy nghĩ của mình. Trái lại, thầy tư tế và thầy Lêvi nhìn thấy người bất hạnh, nhưng họ đi qua như thể họ không nhìn thấy người đó, họ nhìn theo hướng khác. Tin Mừng dạy chúng ta nhìn thấy – dẫn mỗi người chúng ta đến chỗ hiểu đúng thực tại, vượt qua những thành kiến và chủ nghĩa giáo điều. Rất nhiều người tín hữu ẩn núp đằng sau những giáo điều để bảo vệ mình khỏi thực tại. Rồi, Tin Mừng dạy chúng ta bước theo Chúa Giêsu, bởi vì bước theo Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết chạnh lòng thương – nhìn thấy và chạnh lòng thương – trở nên ý thức về người khác, đặc biệt những ai đang đau khổ, những ai đang gặp khó khăn, và can thiệp như người Samaritanô, không đi qua nhưng dừng lại.
Đối diện với dụ ngôn này trong Tin Mừng, có thể xảy ra rằng chúng ta đổ lỗi cho người khác hay đổ lỗi cho chính mình, chỉ tay về phía người khác, so sánh họ với thầy tư tế hay thầy Lêvi – « Con người đó, người đó tiếp tục đi, người đó không dừng lại… » – hoặc thậm chí đổ lỗi cho chính chúng ta, đếm những lần thất bại của bản thân vì đã không quan tâm đến người thân cận của mình. Nhưng tôi muốn gợi ý một loại bài tập khác cho tất cả anh chị em, không phải loại bài tập tìm ra lỗi lầm của mình, không. Chắc chắn, chúng ta phải nhận ra khi chúng ta từng dửng dưng vô cảm và tự biện minh cho mình. Nhưng chúng ta đừng dừng lại ở đó. Chúng ta phải thừa nhận điều này, đó là một sai lầm. Nhưng chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta vượt qua sự dửng dưng vô cảm ích kỷ của chúng ta và đặt mình vào Con Đường. Chúng ta hãy xin Ngài được nhìn thấy và chạnh lòng thương, đây là một ân sủng. Chúng ta cần cầu xin Chúa, “Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy, xin cho con biết chạnh lòng thương như Chúa nhìn thấy và chạnh lòng thương con”. Đây là lời cầu nguyện mà tôi đề nghị cho anh chị em hôm nay. “Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy, xin cho con biết chạnh lòng thương như Chúa nhìn thấy và chạnh lòng thương con” – ước gì chúng ta biết chạnh lòng thương đối với những người mà chung ta gặp gỡ trên đường đi, đặc biệt những người đau khổ và đang gặp khó khăn, để đến gần họ và làm những gì chúng ta có thể làm được để giúp họ một tay. Nhiều lần, khi tôi gặp một Kitô hữu đến nói chuyện thiêng liêng, tôi hỏi họ có bố thí không. “Có”, người đó nói với tôi.
“Vậy, cho tôi biết, bạn có chạm vào tay của người mà bạn cho tiền không?”
“Không, không, con ném tiền vào đó.”
“Và con có nhìn vào mắt người đó không?”
“Không, con không để ý tới.”
Nếu anh chị em bố thí mà không chạm đến thực tại, không nhìn vào mắt của người nghèo túng, thì của bố thí đó là cho anh chị em, chứ không phải cho người đó. Hãy suy nghĩ về điều này. Tôi có chạm đến sự khốn khổ, thậm chí cảnh khốn khổ mà tôi đang giúp đỡ không? Tôi có nhìn vào mắt của người đau khổ không, của người mà tôi giúp đỡ không? Tôi để cho anh chị em suy nghĩ về điều này – nhìn thấy và chạnh lòng thương.
Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên hành trình trưởng thành này. Xin Mẹ, Đấng “chỉ bảo Đàng Lành”, tức là Chúa Giêsu, cũng giúp chúng ta càng ngày càng trở thành “các môn đệ của Con Đường” hơn.
——————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(theo Vatican.va)
Tags: Angelus, bác ái-liên đới, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ