KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: Ý NGHĨA CỦA SỰ THANH SẠCH

Written by xbvn on Tháng Chín 2nd, 2024. Posted in Cồ Ngọc Hải, Luân lý, Năm B, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới

Thanh sạch, như Chúa Giêsu cho hay, không phải là nối kết với những nghi lễ bên ngoài, nhưng trước hết là kết nối với những ý định bên trong, những khuynh hướng nội tâm”. Đức Phanxicô nhấn mạnh như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 1/9/2024, khi giải thích đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô kể lại cách hành xử của người Pharisêu, qua đó ngài cảnh giác chống lại thói nên nghi thức “đôi khi có thể dẫn chúng ta đến việc xao lãng, hay thậm chí là bao biện, nơi bản thân và nơi người khác, những chọn lựa và thái độ nghịch lại với lòng bác ái, vốn gây thương tổn cho tâm hồn và làm khép kín cõi lòng”.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, mừng ngày Chúa Nhật!

Hôm nay, trong Tin Mừng của phụng vụ (x. Mc 7, 2-8, 14-15, 21-23), Đức Giê-su nói về người thanh sạch và kẻ ô uế: một vấn đề rất thường thấy với thời của Ngài, điều chủ yếu liên hệ đến việc tuân giữ những nghi lễ và quy tắc ứng xử, nhằm tránh bất kỳ sự tiếp xúc nào với những vật hay người bị coi là ô uế, và nếu điều này xảy ra, thì để xoá bỏ đi ‘vết nhơ’ (x. Lv 11-15). Thanh sạch và nhơ uế gần như là một sự ám ảnh đối với một số tôn giáo thời đó.

Một vài kinh sư và người Pharisêu, vốn bị ám ảnh và là những người tuân thủ khắt khe những quy tắc luật lệ, buộc tội Đức Giê-su vì đã cho phép các môn đệ của Ngài dùng bữa với đôi bàn tay ô uế, mà không rửa tay. Và Chúa Giê-su dùng lời quở trách này của những người Pharisêu đối với các môn đệ của Ngài để nói với chúng ta về ý nghĩa của ‘sự thanh sạch’.

Thanh sạch, như Chúa Giê-su cho hay, không phải là nối kết với những nghi lễ bên ngoài, nhưng trước hết là kết nối với những ý định bên trong, những khuynh hướng nội tâm. Vì vậy, để được thanh sạch, chẳng ích gì khi rửa tay một vài lần và rồi, trong lòng ta, chất chứa những xúc cảm xấu xa như tham lam, ganh tị hay kiêu ngạo, hoặc những ý định ác hại như dối lừa, bội phản và vu cáo (x. Mc 7, 21-22). Chúa Giê-su thu hút sự chú ý đến sự cần thiết phải cẩn thận với thói nệ nghi thức, vốn không làm cho ta lớn kên trong sự tốt lành; trái lại, thói nệ nghi thức này đôi khi có thể dẫn ta đến sự xao lãng, hay thậm chí bao biện, nơi mình lẫn nơi người khác, những chọn lựa và thái độ nghịch lại với lòng bác ái, vốn gây thương tổn cho tâm hồn và làm khép kín cõi lòng.

Và thưa anh chị em, điều này cũng thật quan trọng đối với chúng ta: chẳng hạn, nếu một người không thể rời bỏ Thánh Lễ, vẫn ở trước nhà thờ, dừng lại và ngồi lê đôi mách một cách độc ác và nhẫn tâm về mọi sự và mọi người. Lời nói đó làm tan nát cõi lòng, nát tan tâm hồn. Và anh chị em không thể làm điều đó! Nếu anh chị em đến với Thánh lễ và rồi làm những việc đó ngay tại lối vào, thật là một điều tệ hại! Hoặc để chứng tỏ mình đạo đức trong việc cầu nguyện, nhưng rồi lại cư xử với những người thân thuộc ở gia đình với sự lạnh nhạt và xa cách, hay bỏ mặc cha mẹ già yếu, những người đang cần đến sự trợ giúp và đồng hành (x. Mc 7, 10-13). Đó quả là một đời sống nước đôi, và ta không thể làm như vậy. Đây chính là điều mà những người Pharisêu đã từng làm. Sự thanh sạch bên ngoài, mà không có được những thái độ tử tế, đầy xót thương hướng đến người khác. Người ta bề ngoài không thể tử tế với hết mọi người, và ngay cả có thể làm một chút công việc tình nguyện và một số cử chỉ từ thiện, nhưng rồi trong thâm tâm ủ ấp lòng hận thù với người khác, coi khinh người nghèo và người yếu kém nhất, hoặc đối xứ bất lương trong công việc của mình.

Hành động theo cách này, mối tương quan với Thiên Chúa bị giản lược thành những cử chỉ bên ngoài, và bên trong người ta vẫn chưa được nhuần thấm với hoạt động thanh tẩy của ân sủng Người, đắm chìm trong những tư tưởng, thông điệp và thái độ thiếu vắng tình yêu. Chúng ta được tạo thành cho một điều gì đó khác hơn. Chúng ta được dựng nên cho sự thanh sạch của cuộc đời, cho sự dịu dàng, cho tình yêu.

Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có sống đức tin của mình theo cách thế phù hợp, tức là những gì tôi làm trong Giáo Hội, tôi có cố gắng thực hiện ở bên ngoài với cùng một tinh thần không? Nhờ vào tình cảm, lời nói và việc làm của mình, tôi có biến những gì bản thân thưa lên trong cầu nguyện trở nên hiển hiện trong sự gần gũi và tôn trọng đối với anh chị em mình không? Chúng ta hãy nghĩ suy về điều này.

Và xin Đức Maria, người Mẹ thanh sạch nhất, giúp chúng ta biến đời mình trở thành sự thờ phượng đẹp lòng Chúa (x. Rm 12, 1), bằng một tình yêu chân thành và thiết thực.

——————————————

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31