KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: SỰ GIÀU CÓ ĐÍCH THỰC LÀ ĐƯỢC THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG

Written by xbvn on Tháng Mười 14th, 2024. Posted in Năm B, Tâm linh, Thế Giới

Làm thế nào chúng ta làm thỏa mãn nỗi khao khát sự sống và hạnh phúc?”, Đức Phanxicô tự hỏi trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 13/10/2024, và đồng thời cảnh giác chống lại ảo tưởng mà việc sở hữu của cải vật chất mang lại. Ngài nhắc nhở các tín hữu rằng điều tốt lành mà tất cả chúng ta khao khát là chính Thiên Chúa, và “sự giàu có đích thực là được Thiên Chúa yêu thương và học biết yêu thương như Người”. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu mời gọi “bỏ mình và những sự an toàn giả tạo” để “mạo hiểm yêu thương”.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chúc một ngày Chúa Nhật an lành!

Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (Mc 10, 17-30) nói với chúng ta về một người giàu có gặp gỡ Đức Giê-su và hỏi Người: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (c. 17). Chúa Giê-su mời gọi anh ta bỏ hết mọi sự và theo Người, nhưng người này, buồn rầu, bỏ đi bởi vì, như bản văn cho biết: “Anh ta có nhiều của cải” (c. 23). Phải trả giá để bỏ mọi sự.

Chúng ta có thể thấy được hai hành động của người này: lúc đầu anh chạy lại, tiến đến Đức Giê-su; tuy vậy, cuối cùng, anh buồn rầu bỏ đi, đi trong buồn bã. Thoạt đầu, anh ta chạy lại, và sau đó bỏ đi. Chúng ta hãy dừng lại ở điều này.

Trước hết, người thanh niên này chạy đến với Đức Giê-su. Như thể có một điều gì đó trong lòng thôi thúc anh: thật vậy, mặc dù giàu có, nhưng anh ta chưa thoả lòng, anh cảm thấy nỗi thao thức bên trong, anh đang tìm kiếm một cuộc sống trọn vẹn hơn. Như người bệnh tật và bị ma quỷ ám thường làm (x. Mc 3, 10; 5, 6), chúng ta nhìn thấy điều này trong Tin Mừng, anh sấp mình xuống dưới chân Thầy; anh ta giàu có, tuy nhiên vẫn cần sự chữa lành. Anh ta giàu nhưng cần được chữa lành. Chúa Giê-su nhìn anh ta với lòng yêu mến (c. 21); và rồi, Người đưa ra một ‘liệu pháp’: bán hết mọi sự anh ta có, rồi cho người nghèo và theo Người. Thế nhưng, ở điểm này, xảy đến một kết quả không như mong đợi: mặt của người này sa sầm lại và anh ta bỏ đi! Niềm khao khát được gặp Đức Giê-su của anh thật đỗi lớn lao và mãnh liệt; nhưng rồi sự từ biệt của anh lại nhanh chóng và lạnh lùng biết dường nào.

Cũng vậy, chúng ta mang trong lòng mình một nhu cầu khôn nguôi về hạnh phúc và về một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa.; tuy nhiên, chúng ta có thể rơi vào ảo tưởng khi nghĩ rằng câu trả lời được tìm thấy trong việc sở hữu những thứ vật chất và những bảo đảm trần thế. Thay vào đó, Chúa Giê-su muốn đưa chúng ta trở lại với sự thật về những khát mong của chúng ta và làm cho chúng ta khám phá ra rằng, trong thực tế, sự tốt lành mà chúng ta hằng khao khát là chính Thiên Chúa, tình yêu của Người dành cho chúng ta và sự sống đời đời mà Người và chỉ mình Người mới có thể ban cho chúng ta. Sự giàu có đích thực là được Chúa đoái nhìn với tình yêu – đây chính là sự giàu có hết sức lớn lao – và, như Đức Giê-su đã làm với người giàu có kia, mến yêu nhau bằng cách biến đời sống mình trở thành một món quà cho người khác. Vì thế, thưa anh chị em, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta mạo hiểm, ‘mạo hiểm yêu thương’: bán hết mọi sự mà cho người nghèo, nghĩa là bỏ mình và những sự an toàn giả tạo, lưu tâm đến những ai thiếu thốn và sẻ chia của cải mình sở hữu, không chỉ là những thứ vật chất, nhưng còn là những gì chúng ta có: tài năng, tình bằng hữu, thời gian của chúng ta, ….

Anh chị em quý mến, người giàu có kia không muốn mạo hiểm, mạo hiểm điều gì? Anh ta không muốn mạo hiểm yêu thương, và rồi bỏ đi với khuôn mặt buồn sầu. Còn chúng ta thì sao? Mỗi người hãy tự hỏi: lòng tôi gắn bó với điều gì? Chúng ta làm thoả mãn nỗi khát khao sự sống và hạnh phúc như thế nào? Liệu chúng ta có biết cách để sẻ chia với những ai nghèo khó, những người đang gặp cảnh truân chuyên hoặc cần đến sự lắng nghe, một nụ cười, một lời nói giúp họ lấy lại niềm hy vọng không? Hoặc những người cần được lắng nghe… Chúng ta hãy nhớ điều này: sự giàu có thật sự không nằm nơi của cải trần gian này, sự giàu có đích thực chính là được Thiên Chúa thương yêu, và học biết yêu thương như Người.

Và giờ đây, chúng ta hãy khẩn nài sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ có thể giúp chúng ta khám phá được kho tàng sự sống nơi Chúa Giê-su.

——————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười 2024
H B T N S B C
« Th9    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30 31