KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B : CHÚA GIÊSU ĐẾN GẦN CHÚNG TA NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO

Written by xbvn on Tháng Mười 28th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong bài huấn dụ buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 27/10/2024, Đức Phanxicô nhắc nhớ các Kitô hữu về thân phận nghèo nàn, mù lòa nội tâm, như anh mù Bartimê, cần được biến đổi nhờ cái nhìn đầy yêu thương của Chúa Giêsu, và đồng thời cũng mời gọi mỗi Kitô hữu noi gương lòng trắc ẩn và sự gần gũi của Chúa Giêsu đối với những người nghèo khổ. Ngài nhấn mạnh : « Khi anh chị em đến gần một người nghèo và làm cho người đó cảm thấy sự gần gũi của anh chị em, đó là chính Chúa Giêsu đến gần anh chị em qua con người của người nghèo đó ».

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chúc ngày Chúa Nhật tốt lành !

Hôm nay, bài Tin Mừng của phụng vụ (Mc 10, 46-52) kể cho chúng ta về Chúa Giêsu chữa lành một người mù. Tên anh là Bartimê, nhưng đám đông trên đường phố phớt lờ anh: anh là một người ăn xin nghèo khổ. Những người đó không nhìn đến người mù; họ rời xa anh, họ phớt lờ anh. Không có ánh mắt quan tâm, không có cảm giác trắc ẩn. Bartimê cũng không nhìn thấy, nhưng anh nghe và làm cho mình được nghe. Anh gào lên, anh hét to lên: “Lạy Con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (câu 48). Tuy nhiên, Chúa Giêsu nghe và nhìn thấy anh. Người sẵn sàng cho anh và hỏi, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (câu 51).

“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Câu hỏi này, trước một người mù, dường như là một sự khiêu khích, thay vào đó, nó là một bài kiểm tra. Chúa Giêsu đang hỏi Bartimê anh ta thực sự đang tìm ai và vì lý do gì. “Con vua Đavít” đối với anh là ai? Và như thế, Chúa bắt đầu mở mắt cho người mù. Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh của cuộc gặp gỡ này, một cuộc gặp gỡ trở thành một cuộc đối thoại: tiếng kêu, đức tin, con đường.

Trước hết, tiếng kêu của anh Bartimê, vốn không chỉ là một lời cầu cứu. Đó là sự khẳng định chính mình. Anh mù đang nói, “Tôi tồn tại, hãy nhìn tôi này. Tôi không thấy ngài, ngài Giêsu ơi. Ngài có nhìn thấy tôi không? Vâng, Chúa Giêsu nhìn thấy người ăn xin và lắng nghe anh, bằng đôi tai của thân xác và của trái tim. Hãy nghĩ về chính mình, khi chúng ta gặp một người ăn xin trên đường: bao nhiêu lần chúng ta ngoảnh mặt đi, bao nhiêu lần chúng ta phớt lờ họ, như thể họ không tồn tại? Và chúng ta có nghe thấy tiếng kêu của người ăn xin không?

Điểm thứ hai: đức tin. Chúa Giêsu nói gì? “Anh hãy đi; lòng tin của anh đã cứu anh” (c. 52). Bartimê nhìn thấy vì anh tin; Chúa Kitô là ánh sáng của đôi mắt anh. Chúa quan sát cách Bartimê nhìn Người. Tôi nhìn người ăn xin như thế nào? Tôi có phớt lờ họ không? Tôi có nhìn họ như Chúa Giêsu nhìn không? Tôi có khả năng hiểu được những lời cầu xin của họ, tiếng kêu cứu của họ không? Khi bố thí, anh chị em có nhìn thẳng vào mắt người ăn xin không? Anh chị em có chạm vào tay họ để cảm nhận da thịt của họ không?

Cuối cùng, con đường. Bartimê, được chữa lành, “đã theo Người trên con đường Người đi” (câu 52). Nhưng mỗi người chúng ta là một Bartimê, mù lòa nội tâm, đi theo Chúa Giêsu một khi đã đến gần Người. Khi anh chị em đến gần một người nghèo và làm cho người đó cảm thấy sự gần gũi của anh chị em, đó là chính Chúa Giêsu đến gần anh chị em qua con người của người nghèo đó. Xin đừng nhầm lẫn: của bố thí không giống như của phát chẩn. Người nhận được nhiều ân sủng nhất từ ​​việc bố thí là người cho đi, bởi vì họ được Chúa nhìn thấy.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Maria, bình minh của ơn cứu độ, để Mẹ che chở con đường của chúng ta trong ánh sáng của Chúa Kitô.

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31