LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI CHUẨN BỊ CHO CHÚNG TA CỬ HÀNH LỄ GIÁNG SINH

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 9th, 2023. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội gắn liền trực tiếp với việc cử hành Lễ Giáng Sinh. Nói đến sự nhập thể của Con Thiên Chúa cũng là nói đến Người Mẹ được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ, mà Con Thiên Chúa đã nhập thể. Đối với chúng ta là những Kitô hữu ngày nay, Đức Maria vẫn là mẫu mực của đức tin, của việc lắng nghe, lòng khiêm nhường, đối thoại và yêu thương. Đó là những gì đã được tuyên bố bởi cha Jean-Pierre Siémé, chuyên viên về Thánh Mẫu học, người Congo, và là thành viên thường lệ và cố vấn ban giám đốc tại Học viện Giáo hoàng về Thánh Mẫu.

Giáo hội hoàn vũ cử hành, vào ngày 8 tháng 12, lễ trọng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cha Jean Pierre Siémé, nhà thần học đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo và là giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Urbanô ở Rôma, tuyên bố rằng chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc cử hành này bằng cách đặt nó vào bối cảnh hiện nay của Mùa Vọng vốn chuẩn bị cho chúng ta cử hành lễ Giáng sinh. Mặc dù thật tự nhiên khi nghĩ ngay đến tín điều được Đức Piô IX xác định rằng “Đức Maria đã được thụ thai mà không vương mắc tội lỗi”, nhưng điều chúng ta cử hành hôm nay mang tính mầu nhiệm hơn: việc cử hành Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, đó là hiểu “sự ứng nghiệm những gì Thiên Chúa đã hứa với con người”, điều mà các ngôn sứ mong đợi, đó là sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Điều này đã được thực hiện với sự cộng tác của Đức Trinh Nữ Maria. Với lễ hôm nay, chúng ta được biết “một điều gì đó đã được hoàn thành nơi con người và trong cuộc đời” của Mẹ Đấng Cứu Thế: trước khi Chúa Kitô nhập thể trong Mẹ, Mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp Con Thiên Chúa.

Chúng ta không thể nói về sự ra đời của Chúa Kitô mà không nói về việc thụ thai của Mẹ Người

Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nói rằng “Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, bởi ân sủng và sự ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa Toàn Năng, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, đã được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ”. Lấy lại lời nguyện nhập lễ của thánh lễ trọng thể này, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói thêm trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 8 tháng 12 năm 2008 rằng “Thiên Chúa ‘đã chuẩn bị một nơi ở xứng đáng cho Con của Ngài và nhờ cái chết của Người sau này, Ngài đã gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi.” Cha Siémé giải thích: do đó, chính do việc Con Thiên Chúa sẽ đến mà Đức Maria đã được thụ thai mà không vướng mắc tội lỗi. Vì vậy, chúng ta không thể nói đến sự ra đời của Chúa Kitô mà không nói đến việc thụ thai của Mẹ Người. “Hai sự kiện này liên kết với nhau, hôm nay chúng ta kỷ niệm sự khởi đầu của điều chúng ta sẽ cử hành vào ngày 25 tháng 12: Con Thiên Chúa sẽ nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, từ Mẹ, Người đã hoàn toàn mang lấy bản tính con người. Điều này đưa đến chỗ nói rằng Đức Maria chưa bao giờ mắc tội nguyên tổ”.

Đức Maria được thụ thai không vướng mắc tội lỗi vào thời điểm nào trong cuộc đời của Mẹ?

Khi được hỏi liệu có văn bản Kinh Thánh nào đề cập đến ân ban đặc biệt này mà Giáo hội công nhận nơi Đức Maria hay không, Cha Siémé nói rằng nếu điều này được viết rõ ràng trong Thánh Kinh, thì Đức Thánh Cha đã không xác định một tín điều. Nhưng ngài lưu ý rằng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội luôn được cử hành từ lâu. Ngay cả với học thuyết về tội nguyên tổ được khai triển bởi thánh Augustinô mà, khi lấy lại Thánh Phaolô, đã cho rằng sự vi phạm của Ađam dẫn đến sự kiện là tất cả mọi người đều bị nhiễm nguyên tội. Từ đó, làm thế nào Chúa Giêsu đã mang lấy toàn bộ bản tính con người, lại không vướng mắc tội lỗi?

Vì vậy, nhiều người đã đi đến chỗ nói rằng Mẹ Ngài, Đức Maria, là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhiều thần học gia đã thảo luận về vấn đề này, trong đó có thánh Tôma Aquinô, “nhà Thánh Mẫu học vĩ đại” thánh Bênađô thành Clairvaux, người công nhận rằng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã đặt câu hỏi “từ khi nào?”, nghĩa là biết vào thời điểm nào của cuộc đời của Mẹ. Một số người cho rằng đó là lúc Thiên Thần chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 8, 28). Do đó, một cuộc tranh luận lớn đã tiếp tục diễn ra, trong đó nhà thần học dòng Phanxicô Duns Scot đã tham gia một cách đặc biệt, cho đến khi tới Đức Giáo hoàng Piô IX, người đã yêu cầu các Giám mục, trong 5 năm, xem xét vấn đề này. Vào ngày 8 tháng 12 năm 1854, ngài cuối cùng đã “giải quyết dứt khoát cuộc tranh luận” bằng cách tuyên bố, với sắc chỉ Ineffabilis Deus, tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tuyên bố rằng Đức Maria đã được thụ thai, “ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai », mà không mắc tội nguyên tổ, nghĩa là không có vết nhơ tội lỗi nào.

Thông điệp cụ thể của Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội có một thông điệp cụ thể muốn truyền đạt cho chúng ta ngày nay, cha Siémé tuyên bố: “Lễ này nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống của chúng ta, mọi thứ đều là quà tặng, mọi thứ đều là lòng thương xót”. Vì Đức Trinh Nữ Maria đã được cứu trước tiên, nên chúng ta, những người hành hương, cũng sẽ được cứu như Mẹ. Cha nói : “Đó là điều chắc chắn đối với chúng ta”. Là mẫu gương của Giáo hội, Mẹ là Hiền Thê thánh thiện và vô nhiễm, được Chúa yêu thương và giúp chúng ta luôn khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa như đặc tính của Kitô giáo. Được cứu độ, hôm nay Mẹ đang ở trên thiên đàng: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội do đó được liên kết với việc Lễ Đức Mẹ Lên Trời. Mẹ của Giáo hội, khi nhận lấy Mẹ làm mẫu mực, Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, Đấng đã đến, nhưng sẽ đến lần nữa, Đấng mà chúng ta sẽ gặp trong cõi đời đời.

Đức Maria, mẫu gương của chúng ta

Chúng ta phải nhớ rằng Đức Maria trước hết là một con người như chúng ta, đã chịu đựng một số khó khăn trong cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng chính nơi Mẹ mà “chúng ta đã có cơ hội chiêm ngưỡng Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Mẹ”. Bất chấp sự vĩ đại này, Mẹ đã khiêm tốn chấp nhận sống như bất kỳ con người nào và Mẹ đã tin, đến mức được tuyên bố là diễm phúc vì đức tin của mình. Theo gương mẫu của ngài, chúng ta cũng phải thể hiện đức tin lớn lao này vào Thiên Chúa và lắng nghe Lời Chúa như Mẹ, Đấng chỉ cho chúng ta thấy Chúa Kitô. Nhờ sự cộng tác của Mẹ, ơn cứu rỗi đã đến với chúng ta. Từ Mẹ, chúng ta có thể học cách phục vụ lẫn nhau và cách yêu thương nhau, cách hiệp nhất (Đức Maria là Mẹ của sự hiệp nhất). Vì thế, thế giới sẽ có thể thay đổi.

Cuối cùng, cha Jean-Pierre Siémé mời gọi chúng ta lấy Đức Maria làm mẫu mực cầu nguyện, nghĩa là đối thoại với Thiên Chúa, với Chúa Kitô. “Mẹ đồng hành với chúng ta trong lời cầu nguyện này, đặc biệt là vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.”

Tý Linh

(theo Stanislas Kambashi, SJ – Vatican News)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31