LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI: ĐỨC THÁNH CHA SẼ DÂNG “BÔNG HỒNG VÀNG” LÊN ĐỨC BÀ BẢO VỆ DÂN THÀNH RÔMA

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 5th, 2023. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Bông hồng vàng”, biểu tượng phép lành của Đức Giáo hoàng, sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ở bức linh ảnh Đức Mẹ đang được lưu giữ tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, vào chiều ngày 8 tháng 12. Một cử chỉ lịch sử vốn chưa được lặp lại từ 400 năm qua.

Hành động tôn kính tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Quảng trường Tây Ban Nha, mà Đức Thánh Cha sẽ thực hiện vào lúc 4 giờ chiều ngày 8/12/2023, sẽ được bắt đầu bằng một nghi thức, nửa giờ trước đó tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, nơi Đức Phanxicô sẽ đến trong chuyến viếng thăm truyền thống tới vương cung thánh đường, để mang món quà “bông hồng vàng” đến bức linh ảnh Đức Bà Bảo vệ Dân thành Rôma (“Salus populi romani”).

ĐHY Stanislaw Rylko giải thích bức linh ảnh này như sau: “Hình ảnh thuộc về truyền thống các linh ảnh  được gán cho thánh Luca, nhưng trên thực tế theo những nghiên cứu gần đây, nó là tác phẩm của một tác giả vô danh có niên đại giữa thế kỷ IX và thể kỷ XII. Nó mô tả Đức Maria bồng Con của mình, người Con này, một tay chúc lành và tay kia cầm cuốn sách. Đó là Đức Trinh Nữ Hodigitria, nghĩa là Đức Trinh Nữ chỉ ra con đường của Chúa Kitô, Con của Mẹ. Khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa và của Hài Nhi Giêsu đẹp cuốn hút : ánh mắt của các ngài nhìn chúng ta bằng một tình yêu sâu xa. Trong tay trái, Đức Maria cầm một chiếc khăn tay, sẵn sàng lau khô nước mắt của những ai đến khóc và cầu xin sự giúp đỡ của Mẹ. Các chữ cái tiếng Hy Lạp ở trên nền là từ viết tắt của « mèter theoù », « Mẹ Thiên Chúa », theo định tín của công đồng Êphêsô“.

Một món quà cổ xưa

Bông hồng vàng” có nguồn gốc cổ xưa, tượng trưng cho phép lành của Đức Giáo hoàng. Truyền thống về dâng kính món quà này có từ thời Trung Cổ. Qua nhiều thế kỷ, nó đã được trao cho các đan viện, các đền thánh, các vị vua và các cá nhân để ghi nhận sự dấn thân của họ đối với đức tin và công ích. Với món quà hoa hồng dâng kính Đức Mẹ Bảo vệ Dân thành Rôma, như thống báo của Vương cung thánh đường cho biết, “Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng thiêng liêng và ý nghĩa sâu xa của linh ảnh này trong đời sống của Giáo hội Công giáo, vốn cũng là đền thánh Đức Mẹ lâu đời nhất ở phương Tây dâng kính Mẹ Thiên Chúa”.

Hai lần dâng kính trước đây

Đây không phải là lần đầu tiên. Lần dâng kính đầu tiên là vào năm 1551 bởi Đức Giáo hoàng Julius III, người rất sùng kính linh ảnh Đức Maria được lưu giữ trong Vương cung thánh đường và tại đây, trên bàn thờ máng cỏ, ngài đã cử hành thánh lễ đầu tiên. Năm 1613, Đức Giáo hoàng Phaolô V đã kính dâng một “bông hồng vàng” nhân dịp chuyển bức linh ảnh này vào nhà nguyện mới được xây dựng cho mục đích này. Vương cung thánh đường không còn giữ bất kỳ dấu vết nào của hai bông hồng vàng do hai Đức Giáo hoàng dâng tặng, có lẽ đã bị thất lạc trong cuộc xâm lược của Napoléon vào Nhà nước Giáo hoàng (Hiệp ước Tolentino 1797). Vì vậy, sau 400 năm, thông báo nói tiếp, “Đức Thánh Cha đã chọn đưa ra một dấu hiệu hữu hình về lòng sùng kính của mình đối với linh ảnh đáng kính, củng cố mối liên kết ngàn năm giữa Giáo hội Công giáo và thành phố Rôma”.

“Một cử chỉ lịch sử”

Trước thông báo về cử chỉ tôn kính này, ủy viên đặc biệt của Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, Đức cha Rolandas Makrickas đã bày tỏ niềm vui của mình: “Món quà bông hồng vàng là một cử chỉ lịch sử thể hiện rõ ràng mối liên kết sâu xa của Đức Thánh Cha Phanxicô với Mẹ Thiên Chúa, Đấng được tôn kính trong đền thánh này với danh hiệu Đức Bà Bảo vệ Dân thành Rôma. Dân Thiên Chúa sẽ còn được củng cố hơn nữa trong mối liên hệ thiêng liêng và sùng kính với Đức Trinh Nữ Maria. Với Đức Bà Bảo vệ Dân thành Rôma, chúng ta xin ơn hòa bình cho toàn thế giới”.

 Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31