LUXEMBOURG: ĐỨC PHANXICÔ KHUYẾN KHÍCH MỘT GIÁO HỘI MỞ RA

Written by xbvn on Tháng Chín 27th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Điểm nổi bật thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Luxembourg là việc ngài khai mạc Năm Thánh Đức Mẹ dâng kính Đức Bà An ủi kẻ âu lo, thánh bảo trợ của Luxembourg, tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà trước sự hiện diện ​​của cộng đồng Công giáo trong nước. Ngài ca ngợi một Giáo hội cởi mở, hòa hợp với con đường hiệp hành, trong bối cảnh tục hóa ngày càng phát triển.

Một hình ảnh, hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô đi lên lối giữa thánh đường và nắm lấy từng bàn tay dang ra của những người khuyết tật như ngài, đang ngồi trên xe lăn. Sau khi phát biểu với chính quyền và các thành viên của xã hội dân sự Luxembourg vào sáng thứ Năm 26/9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến gặp cộng đồng Công giáo trong nước đang chờ đợi ngài tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà, được xây dựng bởi các tu sĩ Dòng Tên vào thế kỷ XVII trước khi trở thành trụ sở của Tòa Tổng Giám mục. Và chính Đức Hồng y Dòng Tên Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục của thành phố, đã chào đón Đức Phanxicô, trình bày rằng Giáo hội của ngài đang tiến lên “trên con đường hoán cải hiệp hành” để phục vụ Thiên Chúa nhiều hơn và dấn thân phát triển toàn diện. Ở đây, Giáo hội phát triển trong một xã hội tục hóa, với những đau khổ và khó khăn, nhưng cũng có những con đường hy vọng, Đức Hồng y giải thích với Đức Thánh Cha.

Người Luxembourg, người Công giáo với trái tim rộng mở

Đối diện với cộng đồng, Đức Phanxicô sau đó đã lắng nghe ba chứng từ: đầu tiên là chứng từ của một người trẻ cho biết anh vẫn mang trong mình, một năm sau Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, “những viên pin tràn đầy tình yêu và niềm vui của Thiên Chúa”. Đến lượt mình, bà phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo phận bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với tiến trình thượng hội đồng đang diễn ra vốn “ở nhiều nơi đã nhen nhóm lên trong trái tim ngọn lửa đức tin, hy vọng và tình yêu”, tuy nhiên, không che giấu một “sự nản lòng” nào đó trong “đời sống hằng ngày của Giáo hội”. Cuối cùng, một nữ tu đại diện cho nhiều cộng đồng ngôn ngữ hiện diện trong nước đã nói về khuôn mặt đa văn hóa của Giáo hội địa phương, “sự đa dạng (vốn) là một thách thức hằng ngày” nhưng lại là điều mà họ trải nghiệm như “một sự phong phú”. “Cùng với Đức Thánh Cha, chúng con cam kết hướng tới một Giáo hội cởi mở với tất cả mọi người, phổ quát và hiệp hành, kêu gọi mỗi người bước theo Chúa Kitô”. Quả thế, chính Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với một Giáo hội được đổi mới sâu xa bởi những người nhập cư.

Chúng ta đừng quên điệp khúc này thường xuyên được lặp lại trong Thánh Kinh: người góa bụa, trẻ mồ côi và người ngoại kiều. Hãy tỏ lòng trắc ẩn đối với những người bị bỏ rơi, Chúa đã nói như vậy trong Cựu Ước. Những người di cư nằm trong Mặc khải. Xin chân thành cảm ơn người dân và chính phủ Luxembourg vì những gì họ đang làm cho người di cư: cảm ơn quý vị !”

Năm Thánh dâng kính Đức Bà An Ủi Kẻ Âu Lo

Trong bài phát biểu của mình, Đức Phanxicô dừng lại ở ba từ: phục vụ, sứ mạng và niềm vui; những từ cho phép tiến về phía trước khi Năm Thánh Đức Mẹ khai mạc tối nay dâng kính Đức Bà An ủi Kẻ Âu Lo, đấng bảo trợ của Đại Công quốc, đất nước mà Đức Thánh Cha đã kêu gọi giúp đỡ ngài để “trở thành những nhà truyền giáo, sẵn sàng làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng để dấn thân phục vụ anh chị em chúng ta.” Một bông hồng vàng đã được đặt tối nay trước bức tượng Đức Trinh Nữ, bức tượng được đặt trong nhà thờ vào năm 1794.

Đức Phanxicô nói rằng việc phục vụ trước tiên ngang qua sự đón tiếp bởi vì Tinh thần Tin Mừng “không chấp nhận bất kỳ hình thức loại trừ nào”, từ đó ngài khuyến khích người dân Luxembourg hãy trung thành với di sản của mình, duy trì tinh thần chào đón và cởi mở với tất cả mọi người, một “truyền thống lâu đời”. Đức Phanxicô mời gọi họ tiếp tục biến Luxembourg thành “ngôi nhà của tình bạn”. Hơn nữa, Đức Thánh Cha nói tiếp, đó là “nghĩa vụ công bằng hơn là bác ái”, nhất là để Tin Mừng được chia sẻ, ở Châu Âu và trên thế giới, “bằng lời loan báo và bằng những dấu chỉ của tình yêu”.

Phục vụ và sứ mạng

Liên quan đến sứ mạng – từ khóa thứ hai – Đức Thánh Cha vui mừng trước cách tiếp cận của Đức Tổng Giám mục Luxembourg, người đã chỉ ra cách thức, trong một xã hội tục hóa, Giáo hội “tiến triển, trưởng thành, phát triển”, mà không khép kín nơi chính mình “buồn bã, cam chịu, thù oán”. Đức Phanxicô nói: “Giáo hội đảm nhận thách thức tái khám phá chính mình và đánh giá lại con đường loan báo Tin Mừng theo một cách mới”. Ngài hoan nghênh việc chia sẻ trách nhiệm, các thừa tác vụ, khả năng cùng nhau bước đi như một cộng đồng, “bằng cách biến tính hiệp hành thành một cách hiện hữu bền vững trong mối quan hệ giữa các thành viên của mình”, đặc biệt là bảo vệ ngôi nhà chung mà chúng ta là những người bảo vệ chứ không phải những kẻ chuyên chế.

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suy nghĩ về cách thức mà sứ mạng này, được sống cùng nhau, tự nó tạo thành “một nhạc cụ hợp xướng tuyệt vời để nói cho mọi người vẻ đẹp của Tin Mừng”. Cần phải đến với Chúa Kitô bằng sự thu hút, chứ không phải bằng chiêu dụ, Đức Phanxicô nhắc lại, khi trích dẫn người tiền nhiệm Bênêđíctô XVI. Điều thúc đẩy sứ mạng không phải là “nhu cầu về số lượng, mà là mong muốn làm cho càng nhiều người biết đến niềm vui được gặp Chúa Giêsu càng tốt”.

Loan báo với niềm vui

Cuối cùng, tất cả điều này phải được thực hiện trong niềm vui. “Đức tin của chúng ta vui tươi nhảy múa, bởi vì nó nói với chúng ta rằng chúng ta là con cái của một vị Thiên Chúa bạn hữu của con người, Đấng muốn chúng ta hạnh phúc và hiệp nhất, và chỉ có thể vui mừng hơn bởi ơn cứu rỗi của chúng ta”. Và Đức Thánh Cha gợi lên một truyền thống ở Luxembourg, cuộc rước mùa xuân quy tụ những người hành hương và du khách trên đường phố, trong cùng một điệu múa nhảy, để tưởng nhớ thánh Willibrord, người đã truyền giáo cho đất nước này.

Tặng 176.000 euro cho người nghèo nhất

Đức Phanxicô mời gọi các tín hữu sống đức tin của mình với niềm vui, không đánh mất khả năng tha thứ vì “tất cả chúng ta đều cần điều đó”, và tiếp tục quảng đại giúp đỡ những người túng thiếu nhất. Đức Thánh Cha cũng đã quyết định để lại cho các hoạt động Công giáo địa phương số tiền 176.000 euro mà người Công giáo Luxembourg ban đầu đã quyên góp cho sở từ thiện của Tòa Thánh, để họ có thể tiếp tục công việc của mình với những người di cư, những người nghèo nhất, những người đang gõ cửa nhà họ ở đây.

Tý Linh

(theo Marie Duhamel – Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31