MẠNG XÃ HỘI VÀ CHỦ NGHĨA TIÊU THỤ TRUYỀN THÔNG : CẢNH BÁO CỦA ĐỨC PHANXICÔ
Đang khi Facebook bị cáo buộc thờ ơ với những nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng độc hại của các mạng xã hội phe nhóm trên thanh thiếu niên, nhật báo La Croix điểm lại các can thiệp khác nhau của Đức Giáo hoàng về chủ đề kỹ thuật số. Đặc biệt ngài tố giác một chủ nghĩa tiêu thụ truyền thông và nguy cơ « ôm nhiễm tinh thần ».
Công nghệ kỹ thuật số thuộc ngành công nghiệp nặng. Những đầu tư vào lãnh vực này là rất khổng lồ: 5 G, các mạng vệ tinh, cáp quang, các trung tâm dữ liệu…. Ngành công nghiệp này có những ông lớn của mình – bốn ông lớn nổi tiếng (Google, Apple, Facebook và Amazon) – và nhiều doanh nghiệp khác ít được biết hơn nhưng quyết định, áp đặt quy luật và nhịp độ của chúng, và đối diện với chúng các Nhà nước có vẻ bất lực về quy định hay thuế khóa.
« Một ảnh hưởng ấn tượng »
Hoàn cảnh này cung cấp một minh họa tốt về « mô hình kinh tế kỹ thuật » bị tố cáo mạnh mẽ trong thông điệp Laudato si’ : sự thông đồng giữa kinh tế và công nghệ kỹ thuật thoát khỏi mọi kiểm soát ngay cả khi nó thay đổi sâu xa cách sống của chúng ta. Không phải vô cớ mà Đức Thánh Cha Phanxicô gợi lên các phương tiện truyền thông trong chương đầu tiên của Thông điệp của ngài, trong mục có tựa đề « Sự suy thoái chất lượng cuộc sống con người và sự suy thoái xã hội » (số 47). Kỹ thuật số, ngốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường và góp phần thúc đẩy « mô hình tiêu thụ chủ nghĩa » (số 215) vì lợi ích của một số người.
Thông điệp tiếp tục cảnh báo « sự ảnh hưởng ấn tượng trên toàn thể nhân loại và trên toàn thế giới » của một số công nghệ kỹ thuật vốn « mang lại cho những người có kiến thức, và nhất là quyền lực kinh tế » sử dụng một « quyền lực kinh khủng » (số 104). Từ đó, lời kêu gọi hãy trở nên sáng suốt về những lôgíc đang hoạt động : các công cụ dành cho chúng ta sử dụng không trung lập và trước tiên phục vụ lợi ích của những người phát triển chúng. Vì lẽ chúng định hình một văn hóa và cũng biến đổi các chủ thể.
Các yếu tố định hình phong cách sống của chúng ta
Công nghệ kỹ thuật số là sản phẩm của một nền văn hóa và đồng thời nó sản sinh ra một nền văn hóa mới. Nó định hình lại thực tại. Nó định hình con người của chúng ta, điều kiện hóa các phong cách sống của chúng ta, biến đổi cách sống và suy nghĩ của chúng ta. « Trên thực tế, một số chọn lựa vó vẻ hoàn toàn mang tính công cụ lại là những chọn lựa về kiểu sống xã hội mà người ta muốn phát triển », Đức Phanxicô ghi nhận trong thông điệp Laudato si’ (số 107).
Công nghệ kỹ thuật số cũng biến đổi sâu xa cách thức chúng ta tương quan với người khác. Nếu các mạng mang lại những tiềm năng trao đổi to lớn, thì nó cũng có thể làm cho khó khăn hơn trong việc chấp nhận sự đa dạng, và chia cắt chúng ta với người khác. Trong các phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hơn một lần cảnh giác chống lại nguy cơ này : « Trải qua suốt « những con đường » kỹ thuật số, tức là chỉ đơn giản được kết nối mà thôi thì không đủ : điều cần thiết là sự kết nối phải đi kèm với một cuộc gặp gỡ đích thực. (…) Mạng kỹ thuật số có thể là một nơi đầy nhân văn, không chỉ là một mạng lưới dây dợ, nhưng là những con người » (Sứ điệp Ngày thế giới truyền thông xã hội 2014). Nếu các phương tiện mà chúng ta sở hữu có thể tạo điều kiện cho việc giao tiếp và chia sẻ kiến thức và tình cảm, thì chúng « đôi khi cũng ngăn cản chúng ta tiếp xúc trực tiếp với nỗi khốn quẫn, sự khắc khoải lo âu, niềm vui của tha nhân và với sự phức tạp của kinh nghiệm bản thân của mình » (Laudato si’, số 47).
« Ô nhiễm tinh thần »
Truyền thông kỹ thuật số có nguy cơ hời hợt : thay vì đi sâu vào cuộc gặp gỡ, người ta chỉ ở trên bề mặt sự việc, mà không có sự dấn thân thực sự của con người, chọn lọc và loại bỏ các mối tương quan « theo ý chí tự do của chúng ta ». « Sự năng động của các phương tiện truyền thông xã hội và của thế giới kỹ thuật số, mà, khi trở nên có mặt khắp nơi, lại không thúc đẩy sự phát triển khả năng sống cách khôn ngoan, suy nghĩ sâu xa, yêu thương cách quảng đại », Đức Thánh Cha nói và đồng thời không do dự nói về « sự ô nhiễm tinh thần » (ibid.). Quả thế, các mạng xã hội bị ô nhiễm bằng sự leo thang lời nói, những phát biểu hận thù thường được thốt ra cách ẩn danh. « Ngay cả nơi các môi trường Công giáo, người ta có thể vượt quá các giới hạn, người ta có thói quen tầm thường hóa sự phỉ báng và vu không, và tất cả đạo đức cũng như tất cả sự tôn trọng thanh danh của người khác dường như bị loại bỏ », Đức Thánh Cha nhận xét ở số 115 của tông huấn Exultate et gaudete.
Tìm lại ý nghĩa của sự nhưng không
Trong tông huấn Christus vivit (2019), một tông huấn hậu Thượng hội đồng được nói « với giới trẻ và toàn thể dân Thiên Chúa », Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành nhiều đoạn nói về kỹ thuật số. Đối diện với sự thống trị của các mạng xã hội, và với nguy cơ khép kín nơi chính mình bởi nhóm chung sở thích, ngài đề nghị tìm lại ý nghĩa của việc truyền thông đích thực, với sự nhưng không mà nó bao hàm, bằng cách đặt mình lắng nghe « những câu chuyện dài » mà người cao tuổi có thể kể lại. « Những chuyện kể này đòi hỏi thời gian, mà chúng ta trao ban cách nhưng không để lắng nghe và giải thích cách kiên nhẫn, vì chúng không phù hợp với một thông điệp của các mạng xã hội. Chúng ta phải chấp nhận rằng tất cả sự khôn ngoan mà chúng ta cần cho cuộc sống không thể bị khép kín trong những giới hạn mà các phương tiện truyền thông hiện nay áp đặt » (số 195). Đó là một phương thuốc để giải thoát bản thân khỏi ảnh hưởng của các mạng xã hội mà Đức Thánh Cha đề nghị : để chữa trị khỏi tính tự quy chiếu bản thân mà kỹ thuật số nuôi dưỡng, không gì bằng đặt mình lắng nghe lâu dài những người của một thế hệ khác, có những trung tâm lợi ích khác. Đơn giản để tìm lại tính nhưng không (sự tặng không) của sự gặp gỡ, khác xa với bất kỳ chủ nghĩa tiêu thụ nào.
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix)
Tags: Phanxicô-I, Truyền-thông-internet
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO