MỄ DU: VỚI CÁC CHUẨN MỰC MỚI, VIỆC ĐƯA RA KẾT LUẬN SẼ DỄ DÀNG HƠN
Trong cuộc họp báo giới thiệu các chuẩn mực mới để phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên, hôm thứ Sáu, ngày 17/5/2024 tại Rôma, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ĐHY Víctor Manuel Fernández, đã trả lời các nhà báo về “trường hợp Medjugorje”.
“Vụ Medjugorje (Mễ Du) vẫn chưa được kết luận, nhưng với những chuẩn mực này, chúng tôi tin rằng việc tiến hành và đưa ra kết luận sẽ dễ dàng hơn”. Đó là những gì đã được Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, tuyên bố trong cuộc họp báo giới thiệu các tiêu chuẩn mới để phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên, khi trả lời câu hỏi của một nhà báo, và đồng thời nói thêm rằng “về các trường hợp khác hiện có ở Bộ từ nhiều năm qua, với những chuẩn mực này sẽ dễ dàng đưa ra một kết luận thận trọng hơn.” Ngài cho biết thêm, trong nhiều trường hợp các hiện tượng này đã được phát triển tốt và bình thường.
“Đôi khi một hiện tượng có thể được quản lý dễ dàng, không có vấn đề gì, có những hoa trái tích cực: đây là điều đã xảy ra ở hầu hết các đền thánh. Nhiều ngôi đền thánh nơi có nhiều tín hữu lui tới cũng có trải nghiệm tương tự lúc ban đầu. Chưa bao giờ có một tuyên bố nào, từ Giám mục, từ Bộ, hay từ bất kỳ ai, và chúng đã phát triển một cách bình thường, không có vấn đề gì, xét như là lòng sùng kính bình dân”. Tóm lại, ĐHY giải thích, “để một hiện tượng đẹp đẽ phát triển, không cần thiết phải tuyên bố về siêu nhiên”. Trong trường hợp của Lộ Đức, Fatima, Guadalupe, sự tăng trưởng to lớn không phụ thuộc vào việc tuyên bố về siêu nhiên.
Và trước câu hỏi thứ hai về cùng chủ đề, Đức Hồng y trả lời: “Medjugorje, chúng ta phải nghiên cứu để đi đến kết luận với những chuẩn mực mới này. Cần phải lưu ý rằng một hiện tượng ban đầu có thể được coi là tốt và vô hại, nhưng nó cũng có thể đặt ra các vấn đề trong quá trình phát triển về sau. Do đó, đôi khi một tuyên bố phải làm rõ các giai đoạn khác nhau này: đây là sự khác biệt cần được xem xét. Và ngay cả khi giả định rằng có một nihil obstat (không có gì ngăn trở), thì có lẽ đồng thời cũng cần làm rõ rằng một số chi tiết không nên được coi trọng. Bởi vì nếu tôi nhớ không lầm, tôi nghĩ Đức Trinh Nữ cũng đã truyền lệnh, chỉ rõ thời gian, địa điểm, Giám mục phải làm gì, v.v. Điều này sẽ cần phải được làm rõ.”
Lịch sử của Medjugorje
Tiếng nói và chứng từ của những người sùng kính Gospa – Đức Mẹ, trong tiếng Croatia – là bản tường thuật mạnh mẽ nhất, từ gần 43 năm qua, về “hiện tượng” Medjugorje. Cho đến ngày 24 tháng 6 năm 1981, tên của ngôi làng nhỏ này ở Bosnia-Herzegovina (khi đó thuộc Nam Tư cộng sản), nằm trong giáo phận Mostar-Duvno, chỉ được người dân trong vùng biết đến. Ngày nay, nó đóng vai trò như một địa danh tâm linh cũng như một nơi hành hương thể lý, đối với một lượng lớn người dân.
Hai cô gái trẻ 15 và 16 tuổi, Ivanka Ivanković và Mirjana Dragičević, kể lại đã nhìn thấy – khi họ đang đi dạo trên ngọn đồi đá tên là Podbrdo, lúc 4 giờ chiều ngày 24 tháng 6 năm 1981 – một hình bóng phụ nữ trên một đám mây nhỏ. Ngay sau đó, hai cô gái có sự thêm sự tham gia của Vicka Ivanković, em họ của Ivanka. Cả ba đã tuyên bố họ đã nhìn thấy nhân vật bí ẩn một lần nữa, lần này với một em bé trên tay và ngay lập tức xác định đó là Đức Trinh Nữ Maria. Ivan Dragičević, Jkov Čolo và Marija Pavlović là ba người trẻ khác đã thành lập nhóm được gọi là “các thị nhân”. Sáu người trẻ nói về những lần hiện ra của Đức Maria, Đấng sẽ tự giới thiệu là “Nữ Vương Hoà Bình” với một thông điệp chủ yếu là một lời mời gọi hòa giải và hoán cải.
Chính từ chiều nay và những câu chuyện này – ở một góc đất biệt lập, nơi chẳng bao lâu sau sẽ trải qua một cuộc chiến đẫm máu – mà một câu chuyện đã ra đời, đánh dấu đời sống của Giáo hội, gây cảm động, theo những cách khác nhau, cho hàng triệu người, bao gồm những cuộc hoán cải, với những hàng dài xếp hàng trước các tòa giải tội và sự tham gia đặc biệt vào việc chầu Thánh Thể – nhưng cũng có sự hoài nghi mạnh mẽ và sự phản đối nghiêm trọng.
Tuyên bố Zadar
Chính vì sự phát triển của những kinh nghiệm liên quan đến Medjugorje mà các Giám mục Nam Tư đã khẳng định vào năm 1991, trong “Tuyên bố Zadar”, rằng, trên cơ sở các cuộc điều tra được thực hiện cho đến lúc đó, không thể khẳng định rằng đây là những sự hiện ra và các hiện tượng siêu nhiên.
Ủy ban điều tra quốc tế
Để làm sáng tỏ các sự kiện ở Medjugorje, Đức Bênêđictô XVI đã thành lập một ủy ban điều tra quốc tế vào ngày 17 tháng 3 năm 2010 với Bộ Giáo lý Đức tin trước đây. Ủy ban, do Đức Hồng y Camillo Ruini làm chủ tịch, đã thu thập và xem xét, trong 17 cuộc họp, “tất cả tài liệu” về vấn đề này và trình lên Đức Giáo hoàng “một báo cáo chi tiết”, kèm theo một cuộc bỏ phiếu về “tính chất siêu nhiên hay không” của những lần hiện ra này. Ủy ban chỉ ra “các giải pháp mục vụ” thích hợp nhất. Để đi đến kết luận của mình, Ủy ban đã kiểm tra tất cả các tài liệu được lưu giữ tại Vatican, tại giáo xứ Medjugorje và trong kho lưu trữ của các cơ quan mật vụ của Nam Tư cũ. Ủy ban lắng nghe những người được gọi là “thị nhân” và các nhân chứng. Hơn nữa, vào tháng 4 năm 2012, ngài đã thực hiện một cuộc thanh tra ở Medjugorje. Công việc này kéo dài gần bốn năm, cho đến ngày 17 tháng 1 năm 2014: báo cáo cuối cùng đã được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô.
Liên quan đến Medjugorje, trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo trên máy bay trở về sau chuyến tông du tới Fatima, ngày 13 tháng 5 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng “tất cả các cuộc hiện ra hay các cuộc hiện ra giả định đều thuộc về phạm vi riêng tư, chúng không phải là một phần của huấn quyền công khai thông thường của Giáo hội”. Và ngài đặc biệt đề cập đến công việc của Ủy ban điều tra, bằng cách phân biệt ba khía cạnh: “Về những lần hiện ra đầu tiên, khi [các “thị nhân”] còn là các em nhỏ, báo cáo ít nhiều nói rằng chúng ta phải tiếp tục điều tra. Về những cuộc hiện ra được cho là hiện tại, bản báo cáo có những nghi ngờ và “thứ ba”, trọng tâm thực sự của báo cáo Ruini: sự kiện tâm linh, sự kiện mục vụ, những người đến đó và hoán cải, những người gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng thay đổi cuộc sống của họ. Đối với điều này, không có cây đũa thần nào cả, và sự kiện tâm linh và mục vụ này không thể bị phủ nhận.”
Đức cha Hoser, đặc phái viên, rồi kinh lý
Chính trong cái nhìn này mà Đức Thánh Cha đã quyết định giao phó, vào ngày 11 tháng 2 năm 2017, cho Đức Tổng Giám mục người Ba Lan Henryk Hoser sứ mạng đặc phái viên của Tòa thánh để có được sự hiểu biết sâu xa hơn về hoàn cảnh mục vụ ở Medjugorje và, “trên hết, những nhu cầu của các tín hữu đến hành hương ở đó” để “đề xuất những sáng kiến mục vụ khả thi cho tương lai”. Do đó, một sứ mạng “chỉ có tính cách mục vụ”.
Vào ngày 31 tháng 5 năm 2018, Đức Phanxicô – không đi sâu vào các câu hỏi cụ thể liên quan đến các cuộc được cho là hiện ra – đã bổ nhiệm Đức cha Hoser làm kinh lý với tính cách đặc biệt cho giáo xứ Medjugorje, trong thời gian không xác định và ad nutum Sanctae Sedis (theo ý Tòa Thánh). Một sứ mạng luôn luôn “chỉ là mục vụ”, tiếp nối sứ mệnh đặc phái viên của Tòa Thánh mà ngài đã hoàn thành. Văn phòng Báo chí của Tòa thánh đã thông báo: “Sứ mạng của vị kinh lý là đảm bảo sự đồng hành ổn định và liên tục với cộng đồng giáo xứ Medjugorje và các tín hữu đến đó hành hương và những nhu cầu của họ cần được quan tâm đặc biệt”.
Gặp Chúa Kitô và Mẹ Người
Được Vatican News phỏng vấn, Đức cha Hoser giải thích rằng những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến Medjugorje “để gặp Chúa Kitô và Mẹ Người”: “Con đường Thánh Mẫu là con đường an toàn và chắc chắn nhất” vì nó dẫn đến Chúa Giêsu. Quả thế, ở Medjugorje, các tín hữu lấy “Thánh lễ, việc tôn thờ Bí tích Thánh Thể, việc thường xuyên cử hành Bí tích Sám hối làm trung tâm”. Đối với Đức Cha, đó là một sự thờ phượng “tập trung vào Chúa Kitô” thực sự, được sống gần gũi với Đức Trinh Nữ Maria, được tôn kính dưới danh hiệu “Nữ Vương Hòa Bình”.
Đức Thánh Cha cho phép hành hương
Vẫn theo chiều hướng này, vào ngày 12 tháng 5 năm 2019, Đức cha Hoser và Sứ Thần Tòa Thánh tại Bosnia-Herzegovina, Đức cha Luigi Pezzuto, đã công bố quyết định của Đức Giáo hoàng Phanxicô cho phép các cuộc hành hương đến Mễ Du, do đó có thể được chính thức tổ chức bởi các giáo phận và giáo xứ và sẽ không còn chỉ diễn ra dưới hình thức “riêng tư” như Bộ Giáo lý Đức tin đã chỉ ra trước đây.
Về vấn đề này, giám đốc “tạm quyền” của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh lúc bấy giờ, Alessandro Gisotti, đã nói rõ rằng sự cho phép của Đức Thánh Cha phải đi kèm với “mối lo ngại tránh việc những cuộc hành hương này được hiểu là một sự xác thực các sự kiện đã được biết đến, vốn vẫn cần được xem xét bởi Giáo hội. Do đó, cần phải tránh những cuộc hành hương này tạo ra sự nhầm lẫn hoặc mơ hồ ở cấp độ giáo thuyết. Điều này cũng liên quan đến các mục tử thuộc bất kỳ trật tự và cấp độ nào có ý định đến Medjugorje và cử hành hoặc đồng tế ở đó, ngay cả một cách trang trọng.”
Alessandro Gisotti cũng nhấn mạnh rằng, “với lượng người đổ xô đến đáng kể và những hoa trái ân sủng phong phú phát sinh từ đó, quy định này là một phần trong sự quan tâm mục vụ đặc biệt mà Đức Thánh Cha muốn dành cho thực tế này, nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy những hoa trái tốt lành.” Do đó, vị kinh lý “sẽ có thể dễ dàng thiết lập mối quan hệ hơn với các linh mục chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc hành hương đến Medjugorje, với tư cách là những người đáng tin cậy và được chuẩn bị tốt, bằng cách cung cấp cho họ thông tin và chỉ dẫn để có thể hướng dẫn các cuộc hành hương này một cách hiệu quả”.
Đức cha Cavalli, tân kinh lý
Vào ngày 27 tháng 11 năm 2021, Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức cha Aldo Cavalli, người kế vị Đức cha Hoser – người qua đời vào ngày 13 tháng 8 năm 2021 – làm kinh lý, phụ thuộc vào Tòa Thánh, chịu trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho những người hành hương đến Medjugorje để cầu nguyện.
Tý Linh
(theo Vatican News)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?