Mồng Hai Tết Giáp Ngọ: Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ

Written by lcd on Tháng Một 30th, 2014. Posted in Lm Lê Công Đức

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN, LÀM CON PHẢI HIẾU… (Mt 15,1-6)

                          “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”

 Một hình ảnh đẹp

 Trong ký ức của tôi, một hình ảnh đẹp đặc trưng ngày Mồng Hai Tết là Thánh Lễ của cộng đoàn giáo xứ diễn ra tại nghĩa trang. Sáng sớm, trời còn tối mịt, nhà nhà thức dậy và ùn ùn đổ xô về đất thánh của giáo xứ. Trẻ, già, trai, gái… ai cũng y phục chỉnh tề, mang theo hoa, nến, nhang (hồi xưa nhà nước chưa cấm thì còn mang theo cả pháo nữa!) Khoảng 5 giờ sáng, Cha sở bắt đầu cử hành Thánh Lễ tại lễ đài ở giữa khu nghĩa trang với hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ ngang dọc. Người dự lễ lố nhố chen kín khắp nơi, nhà nào đứng tại phần mộ của nhà nấy, và hầu như nhà nào cũng có những thành viên đi học hay đi làm ở xa mới về sum họp gia đình trong những ngày này. Hàng ngàn con người đan xen trong muôn ánh nến lung linh của khoảnh khắc tranh tối tranh sáng đầu ngày, trong nghi ngút khói hương và trong rập ràng lời kinh tiếng hát, thấm đượm tâm tình tưởng nhớ, tri ân, tha thiết nguyện cầu.

Hình ảnh ấy thật thiêng liêng, sâu lắng. Nó là một minh họa cho tâm hồn Việt Nam: Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Nó cũng là một lời chứng hùng hồn cho giáo huấn của Chúa: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ!

 Chúa nhấn mạnh đạo hiếu

Trong khi nhiều anh chị em lương dân vẫn còn hiểu lầm rằng ‘theo đạo là bỏ ông bà’, thì sự thật hoàn toàn ngược lại: Đạo hiếu có một chỗ đặc biệt quan trọng trong giáo huấn Kitô giáo! Đạo hiếu được bao gồm trong Thập giới, chỉ đứng sau ba điều răn liên quan tới Chúa: “Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn… Thứ tư, thảo kính cha mẹ” (x. Đnl 5,16). Đạo hiếu được sống bởi chính Chúa Giêsu: “Người đi cùng với cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Và nhất là, đạo hiếu được Chúa Giêsu đặc biệt lưu ý nhấn mạnh, như ta thấy trong bài Tin Mừng của ngày Mồng Hai Tết hôm nay.

Thoạt đầu, người ta đến chất vấn Chúa về một chuyện khác, chuyện rửa tay khi dùng bữa. Để trả lời, Chúa Giêsu tố cáo sự ‘lập lờ đánh lận con đen’ của họ bằng cách vạch trần cái cách mà họ cư xử bất hiếu với cha mẹ. Việc hữu ý móc nối chuyện này vào chuyện kia như vậy cho thấy Chúa vốn đặc biệt quan tâm vấn đề này từ lâu.

Ngài nói: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ… Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).

Rõ ràng, Thiên Chúa không chấp nhận làm bung xung để người ta níu lấy Ngài mà tự miễn chước cho mình bổn phận thảo hiếu đối với các đấng bậc sinh thành. Ở đây Chúa Giêsu tố cáo những kẻ đem tiền dâng vào nhà thờ mà lại bỏ mặc cha mẹ lơi bơi khốn khó. Không được bất hiếu, ngay cả dù lấy ‘Chúa’ và lấy ‘đạo’ ra để biện minh, huống chi là biện minh bằng những chuyện lu bu nào đó khác!

Đạo hiếu và việc Phúc âm hóa gia đình  

Nhìn vào thực trạng xã hội và gia đình hôm nay, những người có chút tâm huyết không khỏi ái ngại. Biết bao áp lực, từ mọi phía, dường như chĩa vào tấn công gia đình. Và một khi nền tảng gia đình rúng chuyển thì đạo đức xã hội cũng nát bươm. Ngày càng xuất hiện nhiều cái tít trên báo mà người không đủ máu lạnh thì chẳng dám đọc; và đàng sau những bản tin đó là vô số bi kịch đau thương của các gia đình. Những cảnh huynh đệ tương tàn, những đứa con nghịch tử, những người cha người mẹ nát ruột nát gan vì con cái bạc bẽo phũ phàng, những gia đình không còn là mái ấm nữa mà đã hóa thành những sa mạc eo sèo, lạnh tanh. Chính trong bối cảnh này mà các mục tử của chúng ta khẩn thiết kêu gọi Phúc âm hóa các gia đình.

Phúc âm hóa gia đình để củng cố nền móng cho các gia đình Kitô hữu, và qua đó góp phần cứu vãn nền đạo đức xã hội đang tụt dốc rất thê thảm hiện nay.

Phúc âm hóa gia đình là cả gia đình cùng “tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết” (x. bài Tin Mừng ngày đầu năm, hôm qua), là xây dựng gia đình trở thành thực sự là một mái ấm hòa thuận, yêu thương và phục vụ.

Phúc âm hóa gia đình là mỗi thành viên sống sao cho sự hiện diện của mình đem lại ít ra một chút vui hơn, một chút dễ chịu hơn, một chút bình an hơn, một chút hạnh phúc hơn cho các thành viên khác, chứ không biến mình thành nguyên nhân của những nỗi muộn phiền thống khổ mà những người trong gia đình mình phải gánh chịu.

Để làm công cuộc Phúc âm hóa này cho gia đình, chắc chắn ta sẽ đặt đạo hiếu làm viên đá móng. Người ta là anh chị em của nhau bởi vì người ta là con cái của cùng cha mẹ. Thờ cha kính mẹ trong lòng hiếu thảo, biết ơn – vì thế – sẽ là giềng mối thiết yếu.

 Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Con cháu hiếu thảo, biết ơn ông bà cha mẹ – dù ông bà cha mẹ còn sống hay đã qua đời. Đó là lối mở để Chúa đi vào và ngự trị trong gia đình ta. Bởi vì đó là điều Chúa muốn trước hết cho cái cộng đồng mà chính Chúa đã lập ra này, cộng đồng mà ngay cả tội nguyên tổ hay trận lụt Hồng thủy cũng đã không phá được.

Bầu khí sum họp gia đình ngày đầu năm mới là dịp đặc biệt để chúng ta biểu dương Điều Răn Thứ Tư của Chúa và vun xới truyền thống đạo hiếu của gia đình Việt Nam. Chính khi diễn tả lòng thảo hiếu, biết ơn đối với ông bà cha mẹ là chúng ta đang làm chứng cho bà con lương dân ở xung quanh mình rằng đạo của Chúa không hề xa lạ các giá trị văn hóa nền tảng của dân tộc.

Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Đây không chỉ là câu ca dao trong văn chương bình dân Việt Nam, mà đây còn là lời của Chúa trong Sách Thánh, và cũng là cách sống của Thiên Chúa Làm Người nữa.      

                                           Lm. Lê Công Đức

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30