MỘT NĂM LÒNG THƯƠNG XÓT ĐỂ « THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG »

Written by xbvn on Tháng Năm 20th, 2015. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Sắc chỉ về Năm Thánh Lòng Thương Xót, với tựa đề « Misericordiae vultus » (« Khuôn mặt của lòng thương xót ») đã được giới thiệu vào chiều hôm 11/4 trước Cửa thánh vương cung thánh đường thánh Phêrô. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích lý do và những thời điểm quan trọng của Năm Thánh, được dự kiến ở Rôma cũng như trong tất cả các địa phận, nơi mà « các nhà thừa sai của lòng thương xót » sẽ được gởi đến.

Đức Thánh Cha chờ đợi từ Năm Thánh này là nó sẽ mang lại « tính khả tín » cho Giáo Hội, khi gợi hứng cho các tín hữu những cử chỉ liên đới cụ thể, và cả việc nó thúc đẩy các tội nhân hoán cải.

« Đây là thời gian thuận lợi để thay đổi đời sống ! Đây là thời gian để cho tâm hồn mình được chạm đến ».

Trong Sắc chỉ này, Đức Thánh Cha nói những lời này « với những người nam và người nữ thuộc về một tổ  chức tội phạm » và với những tổ  chức tham nhũng.

Năm Thánh này cách đặc biệt nhắm đặt lại « ở trung tâm Bí tích Hòa Giải », bởi vì nó cho phép « chạm đến sự cao cả của lòng thương xót ».

Với mục đích này, Đức Thánh Cha muốn biến Mùa Chay 2016 thành một thời gian mạnh cho Năm Thánh sắp đến và Ngài trông chờ sai đi các linh mục được gọi là « những vị thừa sai của lòng thương xót ». « Những vị tiền hô của niềm vui tha thứ », vốn sẽ được tiếp đón bởi mỗi Giám mục trên khắp thế giới. Và đối với vị Giáo Hoàng muốn một Giáo Hội tản quyền, đây cũng là một cách thức biến Năm Thánh thành một biến cố không còn chuyên quyền Rôma nữa. « Trong các giáo xứ của chúng ta, các cộng đoàn, các hội đoàn và phong trào, nói tóm lại, nơi đâu có các Kitô hữu, thì bất kỳ ai đều có thể tìm được một ốc đảo của lòng thương xót ». Trong suốt Mùa Chay, ngài yêu cầu việc tiếp cận rộng rãi tòa giải tội, mời gọi lấy lại sáng kiến « 24 giờ cho Chúa » trong tất cả các giáo phận. Cũng vậy, Cánh Cửa của Năm Thánh sẽ không chỉ được băng qua  trong Thành đô vĩnh hằng. Tất cả các nhà thờ chánh tòa hay « các nhà thờ có tầm quan trọng đặc biệt » và các đền thánh sẽ phải mở ra một « Cánh cửa của lòng thương xót », trong suốt Năm Thánh.

Khẩu hiệu của Năm Thánh : « Thương xót như Chúa Cha »

Để cho Năm Thánh được cử hành trong tất cả các giáo phận, một bản sao của Sắc chỉ trên đây được gởi cho tất cả các giám mục. Nhưng chính ở Rôma mà Năm Thánh sẽ được khởi động. Cánh Cửa của Đền thờ Thánh Phêrô sẽ được long  trọng mở ra vào ngày 8/12, tức là kỷ niệm 50 năm kết thúc Công đồng Vatican II, mà Năm Thánh này muốn nối dài tinh thần ban đầu.

Một tinh thần thương xót, mà Đức Thánh Cha giới thiệu như là « chân trời », « từ khóa », « quả tim đập nhịp » hay « sự trỗi vượt » của mọi hành động của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Ngài cho thấy điều đó qua việc đọc lại những đoạn ý nghĩa của Cựu Ước, các thánh vịnh và những dụ ngôn Tin Mừng vốn biểu lộ lòng thương xót. Và đến lượt mỗi người cũng chứng tỏ lòng thương xót.

Khẩu hiệu của Năm Thánh, « Thương xót như Chúa Cha », thúc đẩy sống lòng thương xót đó. Nó kêu gọi mọi Kitô hữu thực hiện những công việc thương xót về « thể lý và tinh thần ». Trước tiên bằng những « ý hướng, thái độ, ứng xử ». Trong đời thường, Đức Thánh Cha khuyên đừng nói xấu người khác nhưng trái lại « biết đón tiếp những gì là  tốt lành nơi mọi người » và từ bỏ « thái độ hung hăng phá hoại ».

Có lòng thương xót đòi hỏi không chỉ việc lãnh nhận sự tha thứ, nhưng còn tha thứ nữa : « Thật buồn khi thầy kinh nghiệm về tha thứ luôn luôn hiếm hoi hơn trong nền văn hóa chúng ta dường nào », Đức Thánh Cha ghi nhận. « Ngay cả từ ngữ dường như đôi khi biến mất ».

Năm Thánh cũng mời gọi « trở nên trắc ẩn với mọi người », « quảng đại với mọi người ». Năm Thánh cũng phải giúp người Do Thái và Hồi Giáo xích lại gần nhau, mà lòng thương xót vốn cũng nằm ở trung tâm đức tin của họ.

Những thời gian quan trọng của Năm Thánh :

8/12/2015 : Khai mạc Năm Thánh bằng việc mở Cánh Cửa của Đền Thờ Thánh Phêrô.

13/12/2015 : Mở các Cánh Cửa của các Vương cung Thánh Đường khác ở Rôma và của tất cả các nhà thờ chánh tòa trên khắp thế giới.

Mùa Chay 2016 : Sai đi « các nhà thừa sai của Lòng thương xót » và mở rộng « 24 giờ cho  Chúa » vào Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay trong các giáo phận.

20/112016 : Kết thúc Năm Thánh vào ngày lễ Chúa Kitô Vua.

http://www.la-croix.com/Religion/Actualite/Une-Annee-de-misericorde-pour-changer-de-vie-2015-04-12-1301559

Lòng thương xót là gì ?

Hôm Chúa Nhật 17/3/2013, lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện ở cửa sổ của tòa nhà giáo hoàng. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin đầu tiên này, sau khi được bầu 4 ngày, Đức Thánh Cha đã diễn tả về đoạn Tin Mừng của ngày, người phụ nữ ngoại tình. Ngài tập chú vào lòng thương xót : « Những ngày qua, tôi đã đọc cuốn sách của một Hồng y về lòng thương xót. Và cuốn sách này mang lại nhiều ích lợi cho tôi ». Cuốn sách này là của Hồng y Kasper. Đức Thánh Cha nói tiếp : « Một chút lòng thương xót làm cho thế giới bớt lạnh lùng  hơn và công chính hơn. Chúng ta cần hiểu rõ lòng thương xót này của Thiên Chúa, vị Cha đầy lòng thương xót vốn có một sự kiên nhẫn như thế… »

Thiên Chúa là Tình Yêu

Nhưng thế nào là lòng thương xót ? « Chủ đề này rất trọng tâm trong Thánh Kinh và rất thiết yếu đối với thế giới hôm nay, lại hầu như không được đề cập trong các từ điển và thủ bản của thần học tín lý », ĐHY Kasper lấy làm tiếc. Thế mà, lòng thương  xót là « thuộc tính thần linh vốn chiếm chỗ hàng đầu », là « sự biểu lộ chính hữu thể của Thiên Chúa vốn là Tình Yêu », « diễn tả hữu thể của Thiên Chúa, Đấng đã nhân từ cúi xuống trên con người và thế giới ».

Theo Đức cha Albert-Marie de Monléon, nguyên Giám mục giáo phận Meaux, « Thánh Augustin đã định nghĩa lòng thương xót như là trái tim trắc ẩn đối với sự khốn khổ của người khác và những phương thế để nỗ lực trợ giúp ». Đức Cha cho biết : « Khi lấy lại những gì mà nữ tu Faustine và Đức Gioan-Phaolô II đã nói về lòng thương xót, thì tôi nhìn lòng thương xót như là tình yêu đang hành động để chặn đứng sự dữ…. »

Nuôi dưỡng, đón tiếp, loan báo

Theo ĐHY Kasper, « từ ‘misericordia’ trong tiếng Latinh có nghĩa là ‘có trái tim (cor) dành cho người nghèo (miseri); có trái tim đập cho người nghèo’”.

Từ lâu đời Giáo Hội đã thăng tiến « các công việc thương xót » : ngôn ngữ có thể xem ra quá xưa, nhuưng nó bào hàm những điều rất cụ thể : cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đậu nhà, đón tiếp những người hành hương và những người túng thiếu, viếng kẻ liệt, loan báo Tin Mừng cho các tù nhân, chôn xác kẻ chết…

Sự gần gũi

Để nói về lòng thương xót, tiếng Hy bá trong Thánh Kinh dùng từ « rahanim », lòng dạ. Chính Thiên Chúa đã động lòng trắc ẩn. ĐHY Kasper viết : « Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Ngài và nghe tiếng kêu  của họ. Ngài không phải là kẻ  chết hay câm điếc, Ngài là một vị Thiên Chúa hằng sống quan tâm đến sự cùng quẫn của con người, Ngài nói, hành động và can thiệp, Ngài cứu và giải thoát ».

ĐHY nhấn mạnh : « Phê bình nghiêm trọng nhất vốn có thể tác hại đến Giáo Hội là lời khiển trách rằng thường xuyên, bề ngoài, ít hành động đi theo lời nói, Giáo Hội nói nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa đang khi nhiều người nhận thấy Giáo Hội là nhiệm nhặt, cứng nhắc và thiếu lòng thương xót ».

Nhân từ và sự thật

Không phải tình cờ mà Năm Thánh lại trùng khít với biến cố kỷ niệm 50 năm kết thúc Công đồng Vatican II mà Đức Gioan XIII đã khai mạc và nhấn mạnh rằng Giáo Hội « nại đến phương thuốc lòng thương xót, hơn là giơ ra những vũ khí nghiêm khắc ».

ĐHY cảnh giác : « Thực hành lòng thương xót mà không có chân lý là thiếu lòng lương thiện ; điều đó chỉ có thể mang lại một an ủi rất tồi và cuối cùng chỉ là một sự ba hoa vô ích ». Ngài cũng lấy làm tiếc rằng từ « thương xót » ngày nay được dùng « để  chỉ một nền mục vụ và linh đạo ‘mềm’ hay là một thái độ phóng túng, mà không có hiệu quả lẫn sự bền vững ».

Dựa vào thánh Tôma Aquinô rằng « công lý mà không có lòng thương xót chỉ là một sự tàn bạo, lòng thương xót không có công lý là mẹ của sự trụy lạc », ĐHY đã kêu gọi Giáo Hội « đừng bóp méo ý nghĩa khách quan của lề luật viện cớ đến một lòng nhân từ bị hiểu sai », nhưng « có một phán đoán công minh, vốn không sắc bén như một máy chém, nhưng để một lối vào cho lòng thương xót, tức là cho phép người khác – nếu họ thiện chí – được có một xuất phát mới ».

 http://www.la-croix.com/Religion/Spiritualite/La-misericorde-c-est-quoi-2015-04-10-1300888

LOGO NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Sáng 5/5/2015, Logo và khẩu hiệu của Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Vatican. Được thực hiện bởi linh mục dòng Tên, cha Marko Rupnik, logo được giới thiệu như là một tiểu tổng hợp thần học về chủ đề lòng thương xót. Hình ảnh Chúa Giêsu vác người lầm lạc trên vai. Đôi mắt của Ngài hòa vào đôi mắt con người. Vị Mục Tử Nhân Lành chạm đến cách sâu xa thân xác con người bằng một tình yêu rất mãnh liệt đến nỗi Ngài làm thay đổi cuộc sống của người ấy. Logo cho thấy Chúa Kitô, Ađam mới, mang trên vai Ađam cũ (có râu), mà Ngài đã cứu độ trên thập giá (những dấu đinh). Điều cảm động trong logo này là hình ảnh « má kề má » của hai khuôn mặt, trong đó đôi mắt của Ađam cũ hòa vào đôi mắt của Chúa Giêsu. Cảnh phông được trình bày trong hình một « quả hạnh », biểu tượng hai bản tính, thần tính và nhân tính, của Chúa Kitô.

Cha Marko sinh năm 1954 ở Slovênia, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ezio Aletti, ở Rôma.

http://fr.radiovaticana.va/news/2015/05/05/pr%C3%A9sentation_du_logo_et_de_la_devise_du_jubil%C3%A9_de_la_mis%C3%A9ricorde/1141812

http://www.aleteia.org/fr/religion/article/annee-sainte-logo-devise-et-calendrier-5852242615730176?

Tý Linh

Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời,

và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.

Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát.

Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc;

đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo;

đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa,

và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.

Xin cho chúng con biết lắng nghe,

như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con,

những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa!”

Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,

gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ

mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự:

xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian,

gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối

để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc:

xin cho mọi người đến với các thừa tác viên

đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.

Xin Chúa hãy gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,

để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng,

để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo,

loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức,

và cho người mù lại được nhìn thấy.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót,

chúng con nguyện xin Chúa

là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,

đến muôn thuở muôn đời.

Amen.

Phanxicô, giáo hoàng

[Bản tiếng Việt của Trang tin HĐGMVN (WHĐ)

dịch từ bản tiếng Anh của Vatican Radio]

 ĐGH Phanxicô

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Ba 2024
H B T N S B C
« Th2    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31