NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ (PHỤ ĐỚI)
Bertrand Hériard , s.j., nguyên Giám đốc Trung tâm Ceras và tạp chí Projet
Là nguyên tắc triết học chính trị làm cơ sở cho tất cả các chế độ liên bang, nguyên tắc bổ trợ (subsidiarité) khuyến nghị rằng các quyết định cần được đưa ra theo hướng gần với các bên liên quan hơn. Một nhóm lớn hơn chỉ can thiệp để bổ sung các chức năng vượt quá khả năng của một nhóm nhỏ.
Vào thời điểm toàn cầu hóa đã trở thành một hiện tượng bất khả đảo ngược, các Nhà nước-quốc gia dường như bị choáng ngợp bởi việc tập trung các quyền lực kinh tế. Làm thế nào các nền dân chủ của chúng ta, vốn được nảy sinh từ một thực hành địa phương, có thể đảm đương những vấn đề toàn cầu như là cuộc khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng hệ thống tiền tệ thế giới và khủng hoảng xã hội phát sinh từ đó ?
Về những vấn đề này, Đức Phanxicô đã tái xác nhận tính thời sự của nguyên tắc bổ trợ : « Công ích giả định trước việc tôn trọng nhân vị như thế, với các quyền căn bản và bất khả tước bỏ cho sự phát triển toàn diện của nó. Công ích cũng đòi hỏi phúc lợi xã hội và sự phát triển của các nhóm trung gian đa dạng, theo nguyên tắc bổ trợ » (Laudato si’, LS, số 152). Đâu là nguồn gốc của nguyên tắc bổ trợ ? Đâu là nền tảng của một nguyên tắc như thế ? Đâu là tầm quan trọng chính trị của nó ? Ba câu hỏi này sẽ làm nên cấu trúc ba phần của bài viết này.
Một nguồn gốc lai tạp
Thời Trung Cổ chỉ trao cho quyền lực chính trị một vai trò bình định và thống nhất, các nhóm khác nhau làm nên xã hội thì được cơ cấu bài bản : gia đình trong giáo xứ, nghiệp đoàn trong thành phố, các thành phố trong đế chế…với một nghĩa hữu cơ được các thần học gia đưa vào lý thuyết, cách riêng bởi thánh Tôma trong đường hướng của Aristote. « Giáo hội bổ sung vào những thiếu sót thấy rõ nhất, đóng vai trò trợ giúp trong đa số phạm vi xã hội mà về sau sẽ được giao cho Nhà nước (…). Một số tác giả cho rằng Giáo hội có thể can thiệp cách chính đáng vào quyền lực chính trị, nếu nhà vua thời đó thấy mình không có khả năng và yếu kém (1) ».
Khái niệm « bổ sung », phân cấp các thẩm quyền cụ thể cho các quyền bính khác nhau, xuất hiện vào thế kỷ XVII cả nơi Althusius và Locke. Althusius, thần học gia phái Calvin rồi Syndic của thành phố Emden, biện minh cho xã hội hữu cơ của thời Trung Cổ bằng cách dựa vào luật pháp của Đức bảo vệ các thành phố trong Đế chế. Locke, một thời làm thư ký của Board of Trade (Hội đồng Thương mại), mô tả một xã hội cá nhân chủ nghĩa theo hình ảnh của các chủ sở hữu người Anh dấn thân vào các mối tương quan kinh tế. Cả hai nhà tư tưởng đều bảo vệ quyền tự do đối với quyền bính và đặt quyền ưu tiên của các cơ quan trung gian đối với Nhà nước non trẻ. « Xã hội chủ nghĩa cá nhân của Locke sẽ sinh ra ý tưởng bổ sung cho những người theo khuynh hướng tự do cổ điển. Trong khi xã hội hữu cơ của Althusius sẽ cung cấp nền tảng cho Nhà nước bổ trợ của người Công giáo xã hội và, xa hơn, theo cách thức hoàn toàn khác, của những người theo khuynh hướng tự do kinh tế chuẩn tắc (ordo-libéraux) của thế kỷ XX (2)».
Một nguyên tắc của luật hiến pháp
Ý tưởng « bổ sung » là nền tảng của tất cả các chế độ liên bang, các thực thể tự trị chỉ ủy quyền các vấn đề mà họ không thể giải quyết ở cấp của họ. Ở Thụy Sĩ, các bang đã ký một hiệp ước vào năm 1291 để bảo vệ mình trước sự thống trị của người Habsbourg. Ở Bắc Mỹ, các thuộc địa đã đoàn kết với nhau vào năm 1643 rồi vào năm 1684, để đẩy lùi nguy cơ thổ dân Châu Mỹ và đối diện với sự cạnh tranh của người Hà Lan trước khi liên minh chống lại vương quốc Anh. Trong tư tưởng chính trị Châu Âu, ý tưởng về một Nhà nước bổ trợ được cưu mang bởi các trào lưu liên đới chủ nghĩa rồi nhân vị thuyết. Ở Đức, sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, khái niệm này trở nên then chốt mà những người theo khuynh hướng tự do và những người theo khuynh hướng xã hội đạt tới một sự đồng thuận để phân bố các thẩm quyền giữa Bund và các Länder (3). Vào năm 1992, nguyên tắc bổ trợ đã được lấy lại cách minh nhiên trên bình diện Châu Âu trong hiệp ước Maastricht : « Trong các lãnh vực không thuộc về thẩm quyền chuyên biệt của mình, cộng đồng chỉ can thiệp, phù hợp với nguyên tắc bổ trợ, nếu và trong chừng mực các mục tiêu hoạt động dự kiến không thể được thực hiện cách đầy đủ bởi các Nhà nước thành viên và vì thế có thể, do những chiều kích hay những hệ quả của hành động dự kiến, được thực hiện tốt hơn ở bình diện cộng đồng (4)».
Diễn từ xã hội của Giáo hội Công giáo
Khái niệm « bổ trợ » xuất hiện trong Thông điệp Rerum novarum (1891) vào thời điểm những người Công giáo xã hội yêu cầu sự can thiệp của Nhà nước trên các vấn đề xã hội do quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng tạo ra (5). Nó được hệ thống hóa bởi Đức Piô XI trong Thông điệp Quadragesimo anno (QA năm 1931), vào giai đoạn chủ nghĩa phát xít trỗi dậy (6).
« Không thể chối cãi rằng người ta không thể thay đổi cũng như làm tổn hại đến nguyên tắc rất nghiêm túc này của triết học xã hội : Cũng như người ta không thể tước đi khỏi các tư nhân các quyền hạn mà họ có khả năng chu toàn với sáng kiến và những phương thế riêng của họ, để chuyển giao chúng cho cộng đồng, thì cũng thế sẽ phạm phải bất công cũng như làm rối loạn trật tự xã hội cách tai hại, khi lấy đi khỏi các hội đoàn thấp hơn những chức năng mà họ có thể chu toàn, để trao chúng cho một tập thể rộng lớn hơn và cao cấp hơn » (QA, số 86).
Trong khung cảnh chiến tranh lạnh, nguyên tắc này được Đức Gioan XXIII, trong Thông điệp Pacem in terris (1963), mở rộng đến bình diện quốc tế, dưới hai điều kiện : sự nhất trí của các quốc gia (PT, số 138) và tầm quan trọng được nhìn nhận của việc bảo vệ các quyền của con người (PT, số 139). Đức Gioan XXIII đề nghị một cách rõ ràng thành lập một quyền bính công cộng có thẩm quyền phổ quát nhưng đồng thời nói thêm : « Quyền bính của cộng đồng thế giới không được phép hạn chế hành động mà các Nhà nước thực hiện trong phạm vi riêng của họ, cũng không được thay thế họ. Trái lại, quyền bính này phải nỗ lực khơi lên nơi tất cả các nước trên thế giới những điều kiện để giúp không những các chính phủ nhưng còn các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn các trách vụ của mình, tuân giữ các bổn phận và sử dụng các quyền hạn trong những điều kiện an toàn lớn hơn » (PT, số 141).
Nếu Công đồng và Đức Phaolô VI ít nại đến nguyên tắc này, thì Đức Gioan-Phaolô II đã quy chiếu đến nó cách rõ ràng trong Thông điệp Centesimus annus : « Một đoàn thể cấp trên không được can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của một đoàn thể cấp dưới, bằng cách lấy mất những thẩm quyền của họ; đúng hơn, phải nâng đỡ đoàn thể đó khi cần và giúp đoàn thể đó phối hợp hoạt động của mình với hoạt động của những thành phần khác tạo nên xã hội, nhằm phục vụ công ích » (CA, số 48).
Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô mỗi người sẽ sử dụng nguyên tắc này theo cách thức của mình và trong những bối cảnh rất khác nhau. Chẳng hạn, Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại mối liên hệ bất khả phân ly với nguyên tắc liên đới vào thời điểm mà Nhà nước bảo hộ bị đe dọa : « Nguyên tắc bổ trợ phải liên kết chặt chẽ với nguyên tắc liên đới và ngược lại, vì sự bổ trợ mà không có tình liên đới sẽ rơi vào chủ nghĩa địa phương ; cũng vậy, sự liên đới mà không có sự bổ trợ cũng rơi vào sự trợ giúp hạ thấp người túng thiếu (7)». Về phần Đức Phanxicô, ngài mở rộng viễn cảnh khi nói về sự tham gia được nâng thành nguyên tắc của học thuyết xã hội bởi cuốn Tóm lược năm 2004 : « Hệ quả đặc trưng của sự bổ trợ là sự tham gia » (số 189). Chúng tôi sẽ trở lại điểm này.
Một nền tảng phê bình
Chúng ta cần lưu ý rằng, trước hết, các Đức Giáo hoàng đã dùng nguyên tắc bổ trợ có tính phê bình. Đức Lêô XIII đưa vào nguyên tắc này vào thời điểm chủ nghĩa tư bản đắc thắng đối xử các công nhân như hàng hóa và tước đi của họ mọi quyền hợp tác và thành lập nghiệp đoàn. Đức Piô XI hệ thống hóa nó vào thời kỳ các chủ nghĩa quốc gia trỗi dậy. Thậm chí tự tay ngài thêm vào những đoạn (QA, số 98-103) làm phật lòng Mussolini cách gay gắt. Đức Gioan XXIII mở rộng phạm vi của nó vào lúc cao điểm của cuộc chiến tranh lạnh. Và Đức Gioan Phaolô II nhắc lại nguyên tắc này để phản đối khuynh hướng quản lý mọi sự của các Nhà nước (CA, số 15).
Trong một thế giới mà một số khu vực kinh tế thể hiện nhiều quyền lực hơn chính các Nhà nước, thì sức mạnh phê bình này được Đức Bênêđíctô XVI hiện đại hóa : « Việc phân chia quyền bính chính trị trên bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế là một trong những con đường chủ đạo, trong số các con đường khác, để định hướng sự toàn cầu hóa kinh tế. Thực ra, đó cũng là phương thế ngăn không cho nó làm xói mòn các nền tảng của nền dân chủ » (Caritas in veritate, CV, số 41). Cũng thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đưa ra một lối đọc nhấn mạnh tính trỗi vượt của chính trị trên kinh tế : « Về chính trị thì sao ? Chúng ta hãy nhớ lại nguyên tắc bổ trợ dành sự tự do cho sự phát triển các khả năng hiện có ở mọi bình diện, nhưng đồng thời đỏi hỏi có trách nhiệm hơn đối với công ích về phía người nắm giữ nhiều quyền lực hơn » (Thông điệp Laudato si’, số 157).
Trong lối tiếp cận phê bình này, các Đức Giáo hoàng có tôn trọng sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước mà các ngài đã thừa nhận lâu nay không ? Các ngài có nhất quán với những gì mà Đức Phaolô VI đã diễn tả : « Giáo hội không hề có ý định can thiệp vào chính trị của các Nhà nước » (Thông điệp Populorum progressio, số 13) không ? Nếu các ngài can thiệp, thì trước hết, đó là nhân danh lòng tôn trọng nhân phẩm, nền tảng này làm cơ sở cho mọi diễn từ xã hội của Giáo hội. Nếu trong cái nhìn của học thuyết Aristote, nhóm lớn hơn là người bảo đảm cho công ích, thì trong cái nhìn Kitô giáo, phẩm giá của nhân vị được coi trọng hơn nguyên tắc gắn kết : « Chính phủ có mục đích đảm bảo, gia tăng và giữ gìn sự hoàn thiện của những người mà nó có trách nhiệm (8) ». Vì sự hoàn thiện này của con người là có tính tương quan : theo hình ảnh của Thiên Chúa, con người có khả năng yêu mến, tức là bước vào tương quan.
Chính trên cơ sở tương quan này mà Đức Hồng y Ratzinger liên kết nguyên tắc này với trực giác của Thánh Phaolô về sự bình đẳng của mọi người trước mặt Thiên Chúa (Col 3, 11). Niềm đam mê về sự bình đẳng này giải thích cho sự phê bình đối với một cái nhìn nào đó về quyền lực và sự cám dỗ trở thành ngẫu tượng của nó. Nhưng Giáo hội cũng đã luôn luôn muốn trở nên lực đề xuất đảm nhận việc xây dựng công ích vốn bắt đầu từ phía cuối bậc thang xã hội và cơ cấu cơ bản nhất – gia đình trong các tập thể khác, xã trong khối liên xã, khu vực trong Nhà nước, các Nhà nước so với một quyền bính thế giới đang ngày càng trở nên cần thiết. Bởi vì nó tôn trọng những người bé nhỏ, nên nguyên tắc bổ trợ có bổn phận không can thiệp, bởi vì nó mời gọi những người bé nhỏ tham gia vào việc xác định công ích, nên nó bảo vệ một cái nhìn dân chủ về Nhà nước.
Nền tảng phê bình của nó không ngăn cản nó trở nên thành phần của ba nguyên tắc nền tảng của Học thuyết xã hội của Giáo hội như Đức Hồng y Ratzinger đã cho thấy rõ vào năm 1986 : « Ở nền tảng, là phẩm giá con người, được liên kết mật thiết nguyên tắc liên đới và nguyên tắc bổ trợ. Căn cứ vào nguyên tắc liên đới, con người phải đóng góp cùng với đồng loại của mình vào công ích của xã hội, ở mọi bình diện (…) Căn cứ vào nguyên tắc bổ trợ, cả Nhà nước hay bất kỳ xã hội nào không bao giờ được thay thế sáng kiến và trách nhiệm của con người và các cộng đồng trung gian ở cấp độ mà họ có thể hành động được (9)… » Đặc tính nguyên tắc của nó đã cho phép nó khai triển trong không gian chính trị theo nghĩa rộng của từ ngữ.
Một tầm mức chính trị
Kể từ năm 1891, các Đức Giáo hoàng đã gởi thư cho những người dấn thân trong các cơ cấu cụ thể : Giám mục, linh mục, giáo dân, và cuối cùng, kể từ năm 1963, tất cả những người thiện chí… Đức Lêô XIII đã bày tỏ lòng kính trọng đối với công việc to lớn của những người Công giáo xã hội, và thư của ngài biện hộ cho sự dấn thân của họ, cách riêng trong phong trào nghiệp đoàn Kitô giáo. Đức Piô XI làm vang vọng lại nhiều thành tựu của các cơ quan trung gian (các hợp tác xã, các nghiệp đoàn, các hội tương trợ…) và ngài hợp pháp hóa hoạt động của họ. Đức Gioan XXIII bênh vực các Giáo hội non trẻ của thế giới thứ ba vào thời điểm mà tiến trình phi thực dân hóa đang gia tốc. Đức Gioan-Phaolô II cũng làm tương tự với những nước muốn thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản. Đức Phanxicô khuyến khích các phong trào đại chúng đang sống trong máu thịt của họ sự biến mất của « các ích chung » (nước, không khí, đất đai) vốn cho phép họ sinh tồn. Tóm lại, diễn từ xã hội có một tầm mức chính trị và nó được đón nhận như thế bởi nhiều Kitô hữu, bằng việc làm mới lại ý muốn của mình đóng góp vào công ích.
Để được thừa nhận cách trọn vẹn, nguyên tắc bổ trợ đòi hỏi ba lãnh vực thích đáng mà chúng ta đã xem qua được củng cố lẫn nhau. Làm thế nào nó có thể trở thành một học thuyết nếu nó cũng không được cảm nghiệm bởi các Kitô hữu, bao gồm cả trong các Giáo hội của họ (10) ? Làm thế nào nó có thể vẫn mang tính phê bình nếu các Kitô hữu không tố giác việc tự tôn vinh mọi quyền lực mà bất chấp những người nghèo khổ nhất ? Làm thế nào nó có thể có một tầm mức chính trị, nếu nó không được áp dụng cách cụ thể bởi người Kitô hữu và những người thiện chí, ở nơi họ làm việc ?
Về câu hỏi sau cùng này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khai triển trực giác của Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình là đã liên kết nguyên tắc bổ trợ với nguyên tắc tham gia trong cuốn Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội (Compenduim, số 189). « Việc tham gia đòi hỏi tất cả mọi người phải được thông tin cách thích đáng về các khía cạnh đa dạng cũng như về những nguy cơ và khả năng khác nhau ; nó không bị hạn chế nơi quyết định ban đầu về một kế hoạch, nhưng cũng liên quan đến các hoạt động liên tục và giám sát liên lỉ » (LS, số 183). Nhưng ngài đi xa hơn bằng cách khai triển một ý tưởng đã nổi lên ở Châu Mỹ Latinh (11) : sự trao quyền hành (capacitation/empowerment) cho các cơ quan trung gian, bắt đầu bằng các cộng đồng nghèo nhất. « Các cá nhân cô lập có thể mất đi khả năng cũng như sự tự do của họ để vượt qua lô-gíc của lý trí dụng cụ, và kết thúc bằng việc phó mặc cho một thứ chủ nghĩa tiêu thụ vô đạo đức và vô độ. Người ta trả lời cho những vấn đề xã hội bằng những mạng lưới cộng đồng, chứ không phải tổng số đơn giản các thiện ích cá nhân » (LS, số 219). Như thế, với Đức Phanxicô, từ « khả năng » (« capacité ») trở thành một từ khóa của giáo huấn xã hội (14 lần trong Thông điệp Laudato si’), thúc đẩy người Kitô hữu phát triển chúng trong một sự chuyển đổi vừa sinh thái vừa xã hội.
Khi nhắc nhớ giá trị vô điều kiện của nhân vị, khi khuyến khích rằng các vấn đề chính trị được giải quyết cách sâu sát hơn với những người liên hệ, khi đòi hỏi đảm bảo cho họ những phương tiện cần thiết, người Kitô hữu nói lên một nguyên tắc chính trị vượt ra ngoài Giáo hội.
———————-
(1). Chantal Delsol, L’État subsidiaire, Puf, 1992, Archives Karéline, 2010, p. 45.
(2). Ibid, p. 60.
(3). « Các nhà lập pháp Đức trong quá khứ đã tránh né trước việc tuyên bố trên danh nghĩa nguyên tắc này vì nội hàm có tính tôn giáo của nó, đặc biệt trong công ước Herrenchiemsee, vào lúc soạn thảo Hiến pháp ». Chantal Delsol, L’État subsidiaire, Puf, 1992, Archives Karéline, 2010, p. 216.
(4). Hiệp ước về Liên hiệp Âu Châu 92/C 191/01, Article 3B. Tuy nhiên, « nguyên tắc bổ trợ tự nó là một nghịch lý, vừa là sự bổ sung cần thiết về phía một cấp cao hơn, thông thường, để thúc đẩy các sáng kiến mà, thực hiện cách cô lập, sẽ không thành công, vừa là sự nhìn nhận trách nhiệm đầy đủ của các cấp khác nhau của một cộng đồng, ở nơi mà nó có thể được thực thi. Nghịch lý này làm nên việc xây dựng Châu Âu ». Julien Barroche, « Le principe de subsidiarité : quelle contribution à la construction européenne ? » in Projet, n°340, mai 2014.
(5). Chúng ta sẽ ghi nhận ảnh hưởng, trong số những người khác, của Đức cha Von Ketteler , – mà cái nhìn xã hội của ngài giống với cái nhìn của Althusius về một số điểm -, của Tapparelli, thuộc trường phái tân thuyết Tôma, và của Đức Hồng y Gibbons – người Hoa Kỳ có một kinh nghiệm lâu đời về việc phân chia quyền lực theo chiều dọc.
(6). « Đối tượng tự nhiên của mọi can thiệp về mặt xã hội là giúp đỡ các thành viên của cơ thể xã hội, chứ không tiêu diệt họ, cũng không làm tiêu tan họ » (QA 87).
(7). Đức Bênêđíctô nêu rõ rằng « quy tắc có tính chất tổng quát này phải được xem xét một cách nghiêm túc, đặc biệt khi đó là đương đầu với những vấn đề liên quan đến viện trợ quốc tế cho sự phát triển » (CV, số 58).
(8). Saint Thomas, Contra Gentiles, III, Ch. 71.
(9). Joseph Ratzinger, Instruction sur la liberté chrétienne et la libération, 22 mars 1986, AAS 79 (1987) 554-599.
(10). Đức Piô XII đã đưa vào cuộc tranh luận về nguyên tắc bổ trợ trong Giáo hội Công giáo khi nói về Thông điệp Quadragesimo anno trước các tân Hồng y : « Mọi hoạt động tự bản chất đều có tính bổ trợ : nó phải được dùng làm nâng đỡ cho các thành phần của cơ thể xã hội, và không bao giờ tiêu diệt hay làm tiêu tan họ. (…) Những lời thực sự soi sáng, có giá trị cho đời sống xã hội ở mọi bình diện, và cũng cho đời sống của Giáo hội, mà không tổn hại đến cơ cấu phẩm trật của mình » (AAS., 38, 1946, tr.145). Tuy nhiên, duy chỉ bổn phận không can thiệp mới được ghi vào Bộ Giáo luật năm 1983, đang khi mặc dù sự bổ trợ là một nguyên tắc nền tảng đối với các Giáo hội Tin Lành. Đức Phanxicô khởi động lại công trường này bằng cách càng ngày càng giao quyền cho các Hội đồng Giám mục.
(11). Marie Hélène Bacqué, Carole Biewener, L’empowerment, une pratique émancipatrice, La Découverte, 2013.
————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 16. LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN. CHÚA THÁNH THẦN VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG
- LỜI KHUYÊN CỦA MỘT GIÁO PHỤ SA MẠC ĐỂ THÁO GỠ MỐI DAY OÁN HẬN