NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI

Written by xbvn on Tháng Tư 25th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý

Bertrand Cassaigne, s.j., Ceras, tạp chí Projet

Bác ái là nguồn mạch. Liên đới là sự thể hiện của bác ái : nguyên tắc hiểu biết và hành động, diễn tả cách thức mà phẩm giá mỗi người được nhìn nhận, vượt lên trên những bất bình đẳng. Vừa là sự nhìn nhận những khát vọng vừa là sự thực hiện xuyên qua luật pháp và các thể chế.

Liên đới mang lại tất cả sự mở rộng của nó cho bác ái. Bác ái mang lại tất cả ý nghĩa của nó cho liên đới.

Khi Giáo hội Công giáo tìm cách định hình nền tảng của giáo huấn xã hội của mình, qua đó trao cho nó cương vị của một « học thuyết », Giáo hội đưa ra các nguyên tắc, mà hai trong số đó « liên kết mật thiết » với nhau : nguyên tắc liên đới (solidarité) và nguyên tắc bổ trợ (subsidiarité, phụ đới).

«Căn cứ vào nguyên tắc liên đới, con người phải đóng góp cùng với đồng loại của mình vào công ích của xã hội, ở mọi bình diện. Qua đó, học thuyết của Giáo hội đối lập với mọi hình thức chủ nghĩa cá nhân xã hội hay chính trị.

Căn cứ vào nguyên tắc bổ trợ, Nhà nước hay bất kỳ xã hội nào không bao giờ được thay thế sáng kiến và trách nhiệm của con người và các cộng đồng trung gian ở cấp độ mà họ có thể hành động được… Qua đó, học thuyết của Giáo hội đối lập với mọi hình thức chủ nghĩa tập thể » (Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thi về Tự do Kitô giáo và sự giải phóng, số 73).

Truyền thống liên đới

Việc sử dụng từ ngữ « liên đới » là tương đối gần đây trong diễn từ của Giáo hội, vốn nói về bác ái, hiệp thông, gia đình nhân loại hơn – và đang tiếp tục như vậy (1).

Cần phải nói rằng, trong một thời gian dài, từ ngữ này hầu như chỉ thuộc về lãnh vực pháp lý : các con nợ từng được xem như là liên đới (làm thành một tổng thể, một « khối ») khi mỗi người trong đó buộc phải giữ những nghĩa vụ như nhau.

Việc đưa nó vào phạm vi xã hội trước hết là công việc của các nhà văn Kitô giáo, để gợi lên tâm tình hiệp nhất liên kết chúng ta với đồng loại của chúng ta. Joseph de Maistre đã viết vào đầu thế kỷ XIV như sau : « Tình liên đới (bạn cho phép tôi dùng ngôn ngữ luật pháp này)… sự hiệp nhất với nhau của chúng ta là kết quả của sự hiệp nhất của chúng ta trong Thiên Chúa » (2). Về sau, Charles Renouvier nói thêm : « Hết mực nhân linh, nó phá hủy tính ích kỷ tận gốc rễ, hết mực thần linh, nó liên kết chuyển động của mỗi người với luật đời đời mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào chuyển động của toàn thể mọi người » (3).

Vào thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, việc quy chiếu đến tình liên đới sẽ đặc biệt được lấy lại bởi các nhà tư tưởng muốn cắt đứt với cái nhìn của tôn giáo. Léon Bourgeois, một chính trị gia người Pháp, một trong những người khới xướng « chủ nghĩa liên đới », đã viết : « Tôi muốn thay thế bác ái của Kitô giáo bằng sự liên đới của con người ». Trường phái này muốn dung hòa siêu hình học và khoa học : nó học được từ khoa sinh học sự cần thiết của sự tương tùy (x. liên đới cơ học và liên đới hữu cơ nơi Émile Durkheim), nó cho phép hiểu được sự chuyển hóa từ một tình liên đới bó buộc sang một tình liên đới mong muốn. Ít duy lý tưởng hơn tình huynh đệ, ít mơ hồ hơn bác ái (được đồng hóa với từ thiện, lòng thương người, sự cứu trợ), tình liên đới thể hiện một món nợ lẫn nhau và vì thế dấn thân xây dựng một luật pháp tích cực : chúng ta là những con nợ bất bình đẳng đối với xã hội ; tình liên đới kêu gọi một nền công lý lớn hơn. Trái với một sự bình đẳng trừu tượng (giữa các cá nhân thực tế bất bình đẳng), cần phải nhìn nhận rằng một số người mắc nợ nhiều hơn những người khác và luật pháp phải sửa chữa những bất bình đẳng này.

Tất cả các cơ chế gắn kết công cộng (từ an sinh xã hội đến cuộc đấu tranh chống lại loại trừ) đều là hoa trái của cái nhìn này.

Tái điều chỉnh trong diễn từ của Giáo hội

Đức Gioan Phaolô II, người được ghi dấu rõ nét bởi kinh nghiệm của người Ba Lan về cuộc chiến đấu của Solidarność (Công đoàn liên đới), trong đó sự liên đới của các công nhân đã được rèn luyện trong cuộc chiến đấu để các quyền của họ được nhìn nhận, sẽ tái du nhập từ ngữ này vào diễn từ của Giáo hội. Từ ngữ này đã từng được Công đồng Vatican II (Hiến chế Gaudium et spes) sử dụng, cho thấy trong số « các dấu chỉ thời đại », « ý thức ngày càng gia tăng và không thể tránh được về tình liên đới giữa các dân tộc » (GS 46) và phê bình « một nền đạo đức cá nhân chủ nghĩa, bỏ qua những liên đới xã hội được thể hiện nơi các thể chế, vốn phục vụ cho việc cải tiến các điều kiện sống của tất cả mọi người » (GS 30). Cũng thế, Đức Phaolô VI, trong thông điệp Populorum progressio, nhấn mạnh những khát vọng về một thế giới liên đới hơn (PP, số 43. 64) : « Tình huynh đệ của các dân tộc » dấn thân cho một « bổn phận liên đới, công bằng xã hội, bác ái phổ quát ».

Nhưng chính vị kế nhiệm của ngài sẽ khai triển tất cả các chiều kích của nó. Trước hết, tình liên đới nảy sinh từ một ghi nhận, nhưng chắc chắn theo một cách thức ít « duy khoa học » (4) hơn là cách thức của những người theo chủ nghĩa liên đới đầu tiên, đó là ghi nhận về một sự tương tùy : « của những mối liên hệ mạnh mẽ và chặt chẽ », « của những năng lượng tích cực được thông truyền » ở đó (Thông điệp Sollicitudo rei socialis, SRS, số 40). Thông điệp Sollicitudo rei socialis là Thông điệp về tình liên đới. Từ ngữ này xuất hiện hơn 20 lần trong Thông điệp này !

Đức Gioan Phaolô II chào mừng « những dấu chỉ tích cực » được mang lại bởi « tình liên đới của người nghèo với nhau, những hành động nâng đỡ nhau của họ, những biểu lộ trên lãnh vực xã hội… » (SRS, số 39). Cũng thế, sự kiện những người nam và người nữ, trên khắp thế giới,  « cảm thấy những bất công và những vi phạm nhân quyền như có liên quan đến cá nhân họ là một dấu chỉ khác » (SRS, số 38).

Nhưng, ngoài việc ghi nhận ra, vấn đề là một cái nhìn về con người : « Bên kia các mối liên hệ nhân loại, rất mạnh mẽ và rất chặt chẽ, hình thành nên một mô hình hiệp nhất của nhân loại » (SRS, số 40) : « Tình liên đới giúp chúng ta nhìn người khác – con người, dân tộc hay quốc gia – không như một dụng cụ mà người ta khai thác các khả năng nhưng như người đồng loại của chúng ta » (SRS, số 39).

Đây không phải là chuyện tình cảm, « ấn tượng hay sự mủi lòng hời hợt, đó là một quyết tâm kiên trì làm việc vì công ích, tức là vì lợi ích của mọi người và của mỗi người, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm với tất cả mọi người » (SRS, số 38). Trách nhiệm này ngang qua việc soạn thảo một luật pháp, được bảo đảm bởi các thể chế, trên bình diện của một Nhà nước cũng như trên bình diện quốc tế. Theo nghĩa này, giáo huấn của Giáo hội ghi nhận sự đóng góp của trường phái liên đới chủ nghĩa. Đối với Đức Gioan Phaolô II, tình liên đới ngang qua công bằng xã hội (Diễn từ cho Tổ chức Lao động Quốc tế, 9) ; nó cũng ngang qua một tổ chức trao đổi đích thực « giữa các dân tộc, để thoát khỏi ngõ cụt của sự kém phát triển » (PP, số 64).

Ngay từ những năm 1970, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã đề nghị cần thành lập « thuế liên đới toàn cầu (5) ».Từ « thuế » này, làm cho một số người tức giận, lại thể hiện rõ nét tầm quan trọng của chiều kích chính trị của tình liên đới. Cũng thế, trong bản văn được phổ biến vào tháng Mười năm 2011, Hội đồng Công lý và Hòa bình đã lặp lại lời kêu gọi thành lập một « Thẩm quyền công cộng toàn cầu » có nhiệm vụ thực hiện một tình liên đới thực sự – mà không phải là chuyện tình cảm.

Truyền thống trường phái Tôma

Tầm quan trọng dành cho « nguyên tắc liên đới » này vừa hiện đại vừa truyền thống. Các thần học gia Kitô giáo – trong đó có thánh Tôma – đã luôn luôn nhắc nhở rằng phẩm giá đầu tiên của mọi nhân vị (được Thiên Chúa yêu thương) không biến họ thành một đơn tử cô lập. Thiện ích của nó không mâu thuẫn với thiện ích của xã hội – và ngược lại. Đối diện với một thứ chủ nghĩa tự do tuyệt đối, Giáo hội đã nhấn mạnh đến chiều kích cộng đồng này (x. từ Giáo hội đầu tiên, Cv 4) và đến « sự hiệp thông » mà tất cả mọi người đều được kêu gọi.

 Hình ảnh Thân Thể (x. 1 Cr 12), mà tất cả mọi người đều là những chi thể – từ những người « xứng đáng » nhất đến những người vô danh nhất – là lối diễn tả về tình liên đới này. Nhưng hình ảnh này đã có thể được trình bày như là lý tưởng về một trật tự xã hội nào đó mà xóa đi chiều kích công bằng cần phải thực hiện.

 Khi lấy lại từ ngữ « liên đới », Giáo hội nhìn nhận sự đòi hỏi này. Nhưng nền tảng của sự tương tùy giữa con người không chỉ nằm nơi bản tính con người (hay trong việc tìm kiếm một sự hữu hiệu), cũng không nơi một khế ước xã hội, nhưng là nơi kế hoạch của Thiên Chúa. Và Giáo hội nhấn mạnh đến sự bổ túc giữa tình liên đới và sự bổ trợ. Tình liên đới « được lập ra » là nguồn mạch của việc nhìn nhận những quyền lợi và nghĩa vụ. Nó được rèn luyện xuyên qua những phong trào xã hội cũng như xuyên qua những quy tắc chung. Nhưng nó luôn cần được tiếp sức sống – nó sẽ xơ cứng khi chỉ là máy móc – từ hạ tầng, trong kinh nghiệm về các mối liên hệ được thắt chặt trong sự hợp tác và trong hành động, cũng như từ thượng tầng, vượt quá sự hẹp hòi của các nhóm và các quốc gia.

Lao động và Nhà nước

Đức Gioan Phaolô II đặc biệt nhấn mạnh đến hai chỗ quan trọng : liên đới bằng lao động và vai trò của Nhà nước. Ngài mở rộng việc nhìn nhận « tình liên đới to lớn của các công nhân » (Thông điệp Laborem exercens, số 8), quá thường xuyên bị doanh nghiệp ngược đãi, đến những người thất nghiệp, những người trẻ không có việc làm… (x. Sứ điệp cho Tổ chức Lao động Quốc tế). Ngài nhắc nhở rằng Nhà nước phải quan tâm cách đặc biệt đến những người bé mọn và những người nghèo khổ nhất. « Các cá nhân càng dễ bị tổn thương, họ càng cần đến sự quan tâm của người khác và sự can thiệp của công quyền… Nhà nước có bổn phận xác định cái khung pháp lý trong đó các mối tương quan kinh tế được khai triển » (Centesimus annus, số 10 và số 15).

Đức Gioan Phaolô II khẳng định : tình liên đới chắc chắn là một « đức tính Kitô giáo » (SRS, số 40). Là dấu chỉ của việc nhìn nhận một sự tương tùy, một món nợ hỗ tương, nó dấn thân xây dựng một luật pháp và một cuộc đấu tranh cho công lý. Nhưng cuối cùng nó là sự thể hiện rất cụ thể của bác ái.

 « Dưới ánh sáng đức tin, nó có xu hướng vượt qua chính mình, mang lấy những chiều kích đặc thù Kitô giáo về tính nhưng không hoàn toàn, về sự tha thứ và sự hòa giải » (SRS, số 40). Vì nó kêu gọi cả một sự hoán cải cá nhân về các thái độ và một cuộc đấu tranh chống lại « các cơ chế đồi bại » và « những cơ cấu tội lỗi » (SRS, số 40).

Khi đọc lại Thông điệp Populorum progressio, Đức Bênêđíctô XVI, trong Thông điệp đầu tiên của mình, không do dự nối kết tất cả các từ ngữ này : « Liên đới trong một tình huynh đệ chung… Bác ái Kitô giáo là sức mạnh chính yếu nhằm phục vụ cho sự phát triển » (Thông điệp Caritas in veritate, số 13). Chúng ta có thể nói rằng tình liên đới là một lối diễn tả về « tình yêu trong chân lý », tránh cho nó « rơi vào thói đa cảm ». Và Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến chìa khóa của tình liên đới để trả lời cho cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay (CV, số 27).

——————————————–

(1). « Nguyên tắc liên đới, như người ta nói ngày nay, mà tôi đã nhắc lại giá trị của nó trong Thông điệp Sollicitudo rei socialis trong trật tự nội tại của mỗi quốc gia cũng như trong trật tự quốc tế, xuất hiện như là một trong những nguyên tắc nền tảng của tổ chức chính trị và xã hội. Nó đã được Đức Lêô XIII trình bày dưới danh xưng tình bạn, mà người ta gặp thấy trong triết học Hy Lạp. Đức Piô XI chỉ rõ nó bằng từ ngữ « bác ái xã hội » và Đức Phaolô VI, mở rộng khái niệm theo các chiều kích toàn cầu của vấn đề xã hội, đã nói về « nền văn minh tình thương » » (Thông điệp Centesimus annus, số 10).

(2).  J. de Maistre, Les soirées de Saint-Pétersbourg, ou Entretiens sur le gouvernement temporel de la Providence, 1821.

(3).  Charles Renouvier, Manuel de philosophie moderne, 1842.

(4). Nền tảng của sự tương tùy, đó là thiên nhiên,  mô hình là sự phối hợp mật thiết giữa các bộ phận của một cơ quan mà sinh lý học cho thấy.  

 (5). Xem trang web của Vatican: Note du Conseil pontifical “Justice et Paix”

————————–

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31