NGUYÊN TẮC MỤC ĐÍCH PHỔ QUÁT CỦA CỦA CẢI
Christian Mellon, s.j., Ceras, nguyên thư ký của Ủy ban Công lý và Hòa bình, Pháp
Nếu nguyên tắc « mục đích phổ quát của của cải » bén rễ trong truyền thống lâu đời nhất, thì chính công thức mà Vatican II đưa ra ngày nay lại được trích dẫn phổ biến nhất : « Thiên Chúa đã dự định trái đất và tất cả những gì nó chứa đựng cho mọi người và mọi dân tộc sử dụng, để của cải của công trình tạo dựng phải chảy vào tay của mọi người cách công bằng, theo quy luật công lý, không thể tách rời với bác ái » (Gaudium et spes, GS 69,1).
Việc ưu tiên cho công thức này không chỉ do sự kiện nó đến từ thẩm quyền của Công đồng, nhưng còn do sự rõ ràng của mối liên hệ mà nó thiết lập giữa một chân lý đức tin và một mối bận tâm đạo đức xã hội rất cụ thể. Quả thế, bản văn này liên kết :
– một nền tảng thuộc bản chất thần học, tức là niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng tạo dựng thế giới và giao nó cho con người để con người tìm thấy ở đó tất cả những gì nó cần để sống xứng phẩm giá. Đó là lời nhắc nhở về những gì sách Sáng thế ký đã nói và sách Giáo lý Giáo hội Công giáo (số 299) tóm tắt như sau : « Công trình tạo dựng do Thiên Chúa muốn như là một ân huệ ban cho con người, như là một di sản được dự định và giao phó cho nó ».
– trình bày về một đòi hỏi đạo đức cụ thể phát xuất từ đó : vì của cải của công trình tạo dựng, về mặt pháp lý, « được dự định » cho mọi người, nên, trên thực tế, chúng « phải » « chảy vào tay của mọi người », cách « công bằng ». Mỗi lần không như thế, thì có sự tổn hại đến « công lý » và do đó đến bác ái.
Sự kiện nền tảng thần học và đòi hỏi đạo đức chính trị được gắn liền như thế trong cùng một câu nhấn mạnh chúng bất khả phân ly như thế nào : niềm tin vào Thiên Chúa Đấng tạo dựng mọi của cải không thể tách rời với trách nhiệm được giao phó cho con người làm cho « chảy vào tay con người » những của cải của công trình tạo dựng. Như thế, lời khẳng định được trình bày vừa như một tiêu chí thường xuyên để đánh giá « công lý » của một hoàn cảnh lịch sử cụ thể như thế này hay thế kia vừa như một lời thúc giục hành động để « công lý » này được tôn trọng.
Điều quan trọng cần lưu ý là, đối với Vatican II, của cải của công trình tạo dựng được dự định không chỉ cho « mọi người » nhưng còn « cho mọi dân tộc ». Đó là một bổ sung độc đáo, mang lại cho nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải một chiều kích hầu như chính trị. Việc đề cập này, không có nơi các công thức trước đó, sẽ ít được lấy lại về sau.
Trong diễn từ xã hội Công giáo, trước Vatican II, chỉ có hai vị Giáo hoàng mà những suy tư của các ngài về chủ đề này đáng được chú ý : Đức Lêô XIII và Đức Piô XII. Chính trong khung cảnh tranh cãi của một lập luận chống lại « lời đề nghị của xã hội chủ nghĩa hủy bỏ quyền tư hữu » mà Đức Lê-ô XIII đã gợi lên « sự kiện là Thiên Chúa đã ban trái đất cho nhân loại để nhân loại sử dụng và hưởng dùng nó» (RN 7). Một khung cảnh như thế chỉ rõ mục tiêu của Đức Lê-ô XIII trong đoạn văn này : bác bỏ những ai muốn rút ra từ « sự kiện » này một lập luận chống lại « tính hợp pháp của quyền tư hữu ». Vả lại, phần tiếp theo của bản văn xác định rõ rằng đó là một cuộc tranh luận giữa quyền tư hữu và sở hữu tập thể : « Nếu nói rằng Thiên Chúa đã ban nó [trái đất] làm của chung cho con người, thì điều đó không có nghĩa rằng họ phải chiếm hữu nó cách lộn xộn, nhưng là Thiên Chúa đã không trao phần nào cho bất kỳ ai cách riêng. Ngài đã trao việc phân định tài sản cho sự khôn ngoan của con người và cho các thể chế của các dân tộc ». Chúng ta thấy rằng mục tiêu mà sẽ là chính yếu đối với Công đồng – làm sao để nguyên tắc này được thể hiện trong thực tại xã hội kinh tế -, thì không như thế đối với Đức Lêô XIII, người vốn xem hoàn cảnh là tốt đẹp về phương diện đó, vì « trái đất không ngừng phục vụ cho lợi ích chung của mọi người, vì không có ai trong số người phàm mà không được nuôi dưỡng bởi sản phẩm của ruộng đồng ». Một lập luận lạ lùng, giảm thiểu việc tiếp cận của cải của công trình tạo dựng thành chỉ vấn đề tiếp cận lương thực…
Nơi Đức Piô XII, bản văn thích đáng được tìm thấy nơi « sứ điệp truyền thanh » mà ngài công bố vào ngày 1/6/1941 (ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống), nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum novarum, để bàn về ba « giá trị căn bản » mà đời sống kinh tế và xã hội dựa vào. Trước khi bàn về lao động và gia đình, bản văn dừng lại trên vấn đề « sử dụng của cải vật chất ». Để khai triển điểm này, Đức Piô XII lấy lại những gì ngài đã viết không lâu trước đó, trong Thông điệp Sertum laetitiae nói với hàng Giám mục Hoa Kỳ ngày 1/11/1939 : trong đó ngài đã trình bày như một « đòi hỏi bất biến » rằng « các của cải do Thiên Chúa tạo dựng cho hết mọi người cũng phải được mọi người sử dụng, theo các nguyên tắc công bằng và bác ái » (Radio-message, RM 12, trích dẫn Sertum laetitiae, 34). Chúng ta lưu ý sự giống nhau của công thức này với công thức mà Công đồng sẽ lấy lại 24 năm sau. Nhưng có một sự khác biệt đáng kể liên quan đến những gì làm cơ sở cho « quyền nguyên thủy sử dụng của cải vật chất » này : điều đó không thuộc phạm vi thần học đối với Đức Piô XII, ngài chỉ nhân thể đề cập sự kiện rằng những của cải này « được Thiên Chúa tạo dựng », và đúng hơn nhấn mạnh đến « bản tính » như là nền tảng của quyền này : « Mọi người, xét như là hữu thể có lý trí, về mặt bản tính, có quyền căn bản sử dụng các của cải của trái đất » (RN 13).
Cho dù rõ ràng những lời khẳng định của Đức Piô XII – được Đức Gioan XXIII lấy lại trong Thông điệp Mater et Magistra (MM 43) – rồi của Công đồng – được Đức Phaolô VI trích dẫn trong Thông điệp Populorum progressio (PP 22), nhưng dường như lúc đó « mục đích phổ quát của của cải » vẫn chưa được nhận thấy như là một trong « các nguyên tắc » nền tảng của học thuyết xã hội Công giáo, chẳng hạn như nguyên tắc phẩm giá của nhân vị. Chính Đức Gioan-Phaolô II sẽ vượt qua bước này, trước tiên ở bước ngoặt của một câu trong Thông điệp Laborem exercens (LE 14, 4), rồi rất rõ rệt trong Thông điệp Sollicitudo rei socialis (SRS) vào năm 1987 : ngài trình bày như là « nguyên tắc đặc trưng của học thuyết xã hội Kitô giáo » niềm xác tín rằng « các của cải của thế giới này từ nguyên thủy được đự dịnh cho hết mọi người » (SRS 42), một « nguyên tắc » mà về sau ngài sẽ quy chiếu nhiều lần. Từ đó, tất cả các trình bày có hệ thống về học thuyết xã hội của Giáo hội đều bao gồm « mục đích phổ quát của của cải » trong danh sách các nguyên tắc nền tảng của mình. Đặc biệt đó là trường hợp của cuốn Tóm Lược học thuyết xã hội của Giáo hội ở chương IV.
Ở trên quyền tư hữu
Nếu để ý đến các bối cảnh trong đó nguyên tắc này được trình bày, thì người ta ghi nhận rằng đó luôn là những khai triển hay những tranh luận về quyền tư hữu. Điều đó được chứng thực trong mọi bản văn mà chúng ta vừa gợi lên, từ Đức Lê-ô XIII đến Đức Gioan-Phaolô II, đặc biệt ngang qua Gaudium et spes, trong đó, ngay sau khi trình bày nguyên tắc được nhắc đến trên đây, người ta đọc thấy sự khai triển này : « Bất kể những hình thức sở hữu nào, phù hợp với các định chế hợp pháp của các dân tộc, theo hoàn cảnh khác nhau và hay thay đổi, thì chúng ta phải luôn luôn lưu ý đến mục đích phổ quát của của cải này. Vì thế, khi sử dụng của cải, con người không bao giờ giữ những của cải mà mình sở hữu cách chính đáng như chỉ thuộc về mình mà thôi, nhưng còn nhìn chúng như của chung nữa: theo nghĩa, của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác nữa » (GS 69).
Chúng ta hiểu tại sao Baudoin Roger, trong bài « quyền sở hữu » trên trang web này, sau khi nhắc nhở rằng học thuyết xã hội của Giáo hội đặt ra hai giới hạn cho quyền tư hữu, đã nêu rõ rằng một trong hai là giới hạn mà nguyên tắc « mục đích phổ quát của của cải » bó buộc. Vì thế, chúng ta không thể nói về hai nguyên tắc này trên cùng một cấp độ, mà phải tìm một thứ thỏa hiệp giữa chúng. Tất cả các bản văn, trừ Thông điệp Rerum novarum, bàn về mối tương quan giữa hai nguyên tắc này, đều khẳng định rõ ràng rằng mục đích phổ quát của của cải phải cao hơn quyền tư hữu. Điều đó rất rõ ràng trong Thông điệp Populorum progressio (PP 22), trong đó, Đức Phaolô VI, dựa vào công thức của Công đồng, nói rõ rằng « tất cả các quyền khác, bao gồm cả những quyền sở hữu và tự do thương mại, đều phụ thuộc vào đó » và viện dẫn, dựa vào lời khẳng định này, « các thần học gia lớn », đặc biệt thánh Ambrôsiô : « Anh cho người nghèo, nhưng đó không phải là anh lấy của anh mà cho, nhưng anh chỉ trả lại cho họ của cải của họ. Bởi vì của cải là để cho mọi người dùng chung, thì anh đã dành lấy một mình cho anh. Trái đất này là của mọi người, chứ không phải của người giàu » (PP 23). Khi trích dẫn một « Giáo Phụ » từ thế kỷ thứ V như thế, Đức Phaolô VI cho thấy rõ rằng nguyên tắc này bén rễ trong truyền thống xa xưa nhất chứ không phải là một sáng chế gần đây.
Đức Gioan-Phaolô II cũng hoàn toàn rõ ràng: « Truyền thống Kitô giáo đã không bao giờ chủ trương quyền (tư hữu) này như là một quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Trái lại, truyền thống đã luôn hiểu quyền này trong khung cảnh rộng lớn hơn về quyền chung của mọi người được sử dụng của cải của toàn thể công trình tạo dựng : quyền tư hữu phụ thuộc vào quyền sử dụng chung, vào mục đích phổ quát của của cải» (Laborem exercens, LE 14). Thậm chí, trong SRS 42, ngài sẽ lấy lại kiểu diễn tả hình tượng về “món nợ xã hội » (« hypothèque sociale ») đè nặng lên quyền tư hữu mà trước đó ngài từng sử dụng vào năm 1979 trong một trong những diễn từ của ngài ở Mêxicô. Đức Phanxicô nằm trong cùng đường hướng với các vị tiền nhiệm của mình, trong Thông điệp Laudato si’ (LS 158), ngài nói về « mục đích chung của của cải trái đất » và nhắc nhớ, bằng cách trích dẫn Laborem exercens, rằng « nguyên tắc phụ thuộc của quyền tư hữu vào mục đích phổ quát của của cải và, do đó, quyền phổ quát sử dụng chúng, là một « quy luật vàng » của hành xử xã hội, và là « nguyên tắc đầu tiên của mọi trật tự đạo đức xã hội » (LS, 93).
Vì mục đích phổ quát của của cải được trình bày như là một trong những giới hạn của quyền tư hữu, nên không được nghĩ nó nhất thiết xung đột với quyền này. Vì thế, đối với Đức Piô XII, mà Đức Gioan XXIII sẽ trích dẫn (MM 114), để « quyền sử dụng của cải trái đất » được tôn trọng, thì chính quyền sở hữu cần phải trở nên phổ quát. Trong sứ điệp truyền thanh ngày 24/12/1942, ngài nói về « nghĩa vụ cơ bản thừa nhận quyền tư hữu càng nhiều hết sức có thể cho mọi người”. Đối với Đức Gioan XXIII, điều quan trọng là đừng trình bày « chức năng xã hội » của quyền sở hữu như là một thứ gánh nặng được áp đặt bởi một nguyên tắc bên ngoài ; nó là một phần của chính định nghĩa của nó, vì « chức năng xã hội của quyền tư hữu (…) bắt nguồn từ chính khái niệm về quyền sở hữu » (MM 120).
Một vài áp dụng
Như các nguyên tắc khác của diễn từ xã hội Công giáo, nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải được viện dẫn để soi sáng những vấn đề cụ thể mà việc vận dụng nó được thục hiện trong các thực tại xã hội và kinh tế : làm sao để của cải của công trình tạo dựng chảy vào tay mọi người cách hiệu quả? Ở đây, chúng ta đưa ra ba ví dụ.
Cải cách ruộng đất
Trong Hiến chế Gaudium et spes (GS 71, 6), Công đồng Vatican II khai triển khá dài vấn đề đạo đức và chính trị được đặt ra do sự tồn tại, nơi một số nước nghèo, của « các vùng nông thông rộng lớn và thậm chí mênh mông, được canh tác tầm thường hay dành cho những mục đích đầu cơ ». Nhưng sự phê bình của các Nghị Phụ đặc biệt liên quan đến những điều kiện bất công về lương bổng, lao động và chỗ ở được áp đặt cho các nhân viên của các « latifundia » (điền trang) này. Để biện hộ cho một cuộc cải cách ruộng đất có thể xảy ra (mà cần phải « phân phối các tài sản không được canh tác đầy đủ vì lợi ích của những người có khả năng làm tăng giá trị của chúng »), các ngài viện dẫn « công ích », mà không minh nhiên quy chiếu đến nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải.
Trái lại, điều này sẽ là trọng tâm của lập luận được Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình khai triển vào năm 1997 (lúc đó do Đức Hồng y Etchegaray đứng đầu) trong một văn kiện quan trọng có tựa đề « Đề phân chia đất đai tốt hơn, thách đố của cuộc cải cách ruộng đất ». Sau khi mô tả hoàn cảnh của các điền trang theo nhiều khía cạnh khác nhau, Hội đồng Tòa Thánh dựa vào Vatican II để tuyên bố : « Đối với học thuyết xã hội, tiến trình tập trung quyền sở hữu đất đai được xem như là một bê bối vì nó rõ ràng đối lập với ý muốn và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trong chừng mực nó chối bỏ lợi ích hoa trái của trái đất đối với một phần rất lớn của nhân loại » (27). Chúng ta lượng định chặng đường đi qua kể từ Thông điệp Quadragesimo anno, trong đó chúng ta có thể đọc thấy hầu như điều ngược lại : « Thật sai lầm khi khẳng định rằng quyền sở hữu đã lỗi thời và biến mất do sự lạm dụng mà người ta đã làm hay bởi vì người ta để mặc không sử dụng những thứ được sở hữu » (QA 53).
Di cư
Trong các cuộc tranh luận liên quan đến các chính sách di cư, các thẩm quyền Công giáo bảo vệ các lập trường cởi mở bằng cách viện dẫn sự cần thiết bảo vệ nhân phẩm hay quyền tự do đi lại (xem bài « Di cư » trên trang web này). Nhưng đôi khi các ngài cũng viện dẫn nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải trái đất, nhất là để đưa ra một phán quyết, không phải về hoàn cảnh cụ thể này kia, nhưng về hiện tượng di cư như thế. Đó là trường hợp Đức Piô XII, mà, trong Tông hiến Exsul familia (1952), đã trình bày « mục tiêu tự nhiên » của việc di cư như sau : nó cho phép « một sự phân bố thuận lợi nhất của con người trên bề mặt trái đất được canh tác ; bề mặt mà Thiên Chúa đã tạo dựng và chuẩn bị cho mọi người hưởng dùng này ». Đây là một sự canh tân thú vị khi đưa vào khái niệm « bề mặt trái đất », vốn mang lại một chiều kích địa lý mới mẻ cho đòi hỏi mục đích phổ quát của của cải : nếu của cải của trái đất không sẵn có đủ nơi họ, thì cách nào đó con người có quyền đi tìm kiếm chúng ở nơi khác, khắp nơi trên bề mặt trái đất. Tính hợp pháp của các biên giới quốc gia không bị chối bỏ, nhưng được tương đối hóa cách mạnh mẽ.
Văn kiện huấn quyền gần đây nhất về vấn đề này, Huấn thị Erga migrantes của Hội đồng Tòa Thánh về Di cư, do Đức Gioan Phaolô II cho phép ban hành vào năm 2004, viện dẫn cùng nguyên tắc này, nhưng xây dựng lý luận theo hướng ngược lại : khởi đi từ ghi nhận rằng dân chúng bó buộc phải di cư, Đức Giáo hoàng suy luận rằng một trong những lý do là sự phân bố tệ hại các của cải trái đất ; kết luận lô-gíc phải là : để giảm thiểu động cơ di cư, cần phải có một « sự phân bố công bằng hơn » các của cải này, điều này đòi hỏi « tìm kiếm một trật tự kinh tế toàn cầu mới ».
Một kết luận khác, vốn khó làm cho các dân giàu có lắng nghe hơn : bao lâu còn tồn tại sự phân bố của cải rất bất bình đẳng được Thiên Chúa dự định cho mọi người này, thì những nước có những của cải này có bổn phận đón tiếp những người đến tìm kiếm « nguồn lực sinh tồn » đang thiếu nơi ở của họ ; sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo trình bày bổn phận này bằng những từ ngữ sau (số 2241) : « Những quốc gia giàu hơn có bổn phận đón nhận theo khả năng, những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và nguồn lực sinh tồn mà họ không có được nơi chính quê hương họ». Học thuyết Công giáo không chối bỏ quyền của các Nhà nước thực thi chủ quyền của mình trong việc điều tiết dòng di cư (với điều kiện điều này nhắm đến « công ích » và không vì lý do nào khác), nhưng nó cho rằng quyền này là thứ yếu so với quyền nền tảng hơn của mọi người được tiếp cận « nguồn lực sinh tồn ». Chẳng hạn, đó là những gì mà Đức cha Luis Morales Reyes, chủ tịch Hội đồng Giám mục Mêxicô, nhắc nhớ : « Việc ban tặng trái đất cho con người, dự định phổ quát về của cải mà Đấng Tạo Hóa mong muốn và tình liên đới nhân loại là có trước các quyền của các Nhà nước » (1).
Các thế hệ tương lai
Ý thức chậm trễ của Giáo hội về tầm quan trọng đạo đức của các vấn đề môi trường, được khơi mào từ năm 1971 (xem Tông thư Octogesima adveniens, OA 21), ít được dựa trên nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải. Nhưng, ở đây cũng thế, cần ghi nhận một sự tiến triển, vì Đức Bênêđíctô XVI, trong Thông điệp Caritas in veritate, diễn tả xác tín rằng, khi chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa đã dự định của cải của công trình tạo dựng cho « tất cả mọi người », thì từ bây giờ cần phải suy nghĩ bao hàm trong « tất cả mọi người » những người của « các thế hệ tương lai » : môi trường tự nhiên « đã được Thiên Chúa ban cho mọi người và, đối với chúng ta, việc sử dụng nó thể hiện một trách nhiệm đối với người nghèo, đối với các thế hệ tương lai và với toàn thể nhân loại » (CV 48). Xa hơn, Đức Giáo hoàng sử dụng một công thức, về mặt hình thức không giống với công thức xác định « sự phát triển bền vững » nơi các diễn đàn quốc tế, nhưng diễn tả ý tưởng chính yếu của nó : « Chúng ta phải ý thức về bổn phận nghiêm trọng mà chúng ta phải để lại trái đất cho các thế hệ tương lai trong một tình trạng mà họ cũng có thể ở cách xứng hợp và tiếp tục canh tác nó » (CV 50). Ta có thể nghĩ rằng, trong suy tư đạo đức về sự phát triển « bền vững » (để lại cho các thế hệ tương lai một hành tinh mà họ có thể thỏa mãn các nhu cầu phát triển của họ), nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải cung cấp một tiêu chí quyết định, từ khi người ta không còn hiểu tính từ « phổ quát » chỉ trong nghĩa mở rộng trong không gian, nhưng còn trong thời gian nữa. Đó là một đường hướng suy tư rất rõ ràng trong Thông điệp Laudato si’. Chẳng hạn ở số 159, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết : « Khái niệm công ích cũng bao hàm các thế hệ tương lai. Những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã cho thấy cách sinh động những hậu quả tai hại của việc không biết đến một vận mệnh chung, mà những người đến sau chúng ta không thể bị loại khỏi đó. Ta không còn có thể nói về phát triển bền vững mà không có một tình liên đới liên thế hệ ».
Những vấn đề chưa giải quyết
Khi giải thích sách Sáng thế ký, Công đồng nói về « trái đất và tất cả những gì nó chứa đựng » hay về « của cải của công trình tạo dựng », thì một số người có thể tin rằng đó chỉ là những gì đã được Thiên Chúa giao phó cho con người « từ nguyên thủy » và, do đó, bổn phận làm sao để những của cải này « chảy vào tay con người » không liên quan đến của cải được con người sản xuất về sau : cần phải phân biệt giữa của cải của « thiên nhiên » do Thiên Chúa tạo dựng và của cải của hoạt động của con người. Một số lối diễn tả, gần đây đã được lan truyền nơi các Kitô hữu, nhất là lối diễn tả « bảo vệ công trình tạo dựng », có thể được coi là mơ hồ về mặt đó. Từ « bảo vệ » (sauvegarde) trong tiếng Pháp có hàm ý bảo tồn (cần phải bảo tồn (conserver) trong tình trạng nguyên thủy). Cách nhìn này, ngoài việc thực tế nó không thể đứng vững được (hầu như tất cả « của cải » sẵn có cho chúng ta đều kết hợp, theo những quy mô chắc chắn rất có thể thay đổi, vừa là những sản phẩm của tự nhiên vừa là những hoa trái của lao công con người), không phù hợp với quan niệm của Kitô giáo về công trình tạo dựng, vốn khẳng định rằng hoạt động của con người theo đuổi và hoàn thành « công việc » của Đấng Tạo Hóa. Vì thế, chính toàn thể của cải đang có ngày nay, bất kể nguồn gốc của chúng, phải « chảy vào tay mọi người cách công bằng ». Không lâu trước khi qua đời, Đức Gioan Phaolô II đã nói rõ điểm này liên quan đến những của cải do khoa học và kỹ thuật sản xuất : « Thiện ích của hòa bình phải được hình dung trong mối tương quan chặt chẽ với các thiện ích mới phát xuất từ tri thức khoa học và tiến bộ kỹ thuật. Và những thiện ích này, để áp dụng nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải trái đất, phải được dùng phục vụ cho những nhu cầu chủ yếu của con người » (Sứ điệp ngày 1/1/2005, 7).
Một điểm khác mời gọi tiếp tục suy tư đạo đức : làm thế nào, cách cụ thể, để nguyên tắc này được tôn trọng tốt hơn ? Chắc chắn, nó luôn bị vi phạm và vẫn còn nhiều như thế ; nhưng trong khung cảnh toàn cầu hóa, sự bất bình đẳng trong việc phân bố các « của cải của công trình tạo dựng » đã trở nên rõ ràng hơn, và ý thức về sự bê bối này trở nên sống động hơn. Vì thế, một số người cho rằng Giáo hội không nên hài lòng với việc khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc này, nhưng Giáo hội cũng nên cung cấp những chỉ dẫn về cách làm cho nó được tôn trọng. Thực ra, những chỉ dẫn này đang tồn tại, nhưng chúng vẫn còn rất chung chung : đó là những lời mời gọi, được nhắc lại cách đều đặn, xây dựng những thể chế chính trị toàn cầu có khả năng điều chỉnh một số vấn đề mà, tự bản chất, chỉ có thể được giải quyết bằng những giải pháp được vận dụng trên toàn thế giới (xem bài « Sự quản trị và thẩm quyền thế giới » trên trang web này).
—————————–
(1) Sứ điệp ngày 15/11/2002, được trích dẫn trong B. Fontaine, Les Églises, les migrants et les réfugiés, éd. de l’Atelier, 2006, p. 19.
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ
(nguồn : CERAS)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- ĐHY FILIPE NERI FERRÃO, TÂN CHỦ TỊCH CỦA FABC
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH
- CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC NĂM THÁNH: VIỆC MỞ CỬA THÁNH TRONG LỊCH SỬ