NGUYÊN TẮC THAM GIA
Nguyên tắc tham gia có phải là người bà con nghèo nàn với các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội (HTXH) của Giáo hội không ? Sau những nguyên tắc tượng đài như công ích, liên đới hay bổ trợ, nó có thể mang lại điều gì hơn nữa ? Vả lại, so với các nguyên tắc khác, nó chỉ có ba đoạn trong cuốn Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, nguyên tắc « nhỏ » này là rất quan trọng. Khi nhắc lại trách nhiệm của mỗi người, nó mang lại tất cả sự năng động cho việc thực hiện HTXH của Giáo hội. Quả thế, liệu một gia đình, một hiệp hội, một doanh nghiệp hay một quốc gia có thể sống và phát triển mà không có sự tham gia của các thành viên của mình ? Liệu nó có thể liên đới, tôn trọng công ích và bổ trợ mà không có sự tham gia của họ ?
Qua nguyên tắc tham gia, cuốn Tóm lược nhắc nhớ rằng mỗi người phải đóng góp « vào đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị của cộng đồng dân sự mà họ thuộc về. Tham gia là một bổn phận mà tất cả mọi người đều phải thực hiện một cách có ý thức, một cách có trách nhiệm và vì công ích » (1).
Trước hết, mỗi người được mời gọi đảm trách những lãnh vực mà bản thân mình chịu trách nhiệm (gia đình của mình, công việc của mình). Họ cũng được yêu cầu, càng nhiều càng tốt, tích cực cởi mở với đời sống công cộng (2) và vượt trên vai trò công dân của mình, tham gia vào đời sống xã hội.
Bằng cách tham gia vào công ích như thế, con người đáp lại ơn gọi làm người của mình, được tạo dựng để yêu thương và được yêu thương. Bởi vì nó được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. « Con người, thụ tạo duy nhất trên trần gian mà Thiên Chúa muốn vì chính nó, chỉ có thể tìm thấy chính mình một cách trọn vẹn qua việc trao ban chính mình cách vô vị lợi » (3).
Việc thực hiện HTXH của Giáo hội ngang qua hành động tự do của con người mà sự dấn thân « tự nguyện và quảng đại » của họ nhằm phục vụ công ích là cần thiết « mỗi người tùy theo địa vị và vai trò của họ » (5). Sự tham gia là nền tảng của bác ái xã hội và chính trị (FT 173). Khi hiến mình phục vụ anh chị em của mình, con người xây dựng nền văn minh tình yêu (Cv 33 ; FT 183).
Do đó, theo thứ tự hành động, sự tham gia chẳng phải là hàng đầu hay sao ? Khi một cộng đồng được tạo ra hay trải qua một cuộc khủng hoảng to lớn, có lúc đã không có sự tổ chức hữu hiệu. Vì vậy, sự tham gia của ít nhất một số người là cần thiết để tạo ra hoặc tái tạo cộng đồng. Sự tham gia của tất cả mọi người sẽ được yêu cầu để cộng đồng sống cách trọn vẹn.
Nếu con người nhận được « nghĩa vụ » tham gia, thì nghĩa vụ này chỉ có ý nghĩa nếu con người cũng nhận được các phương tiện và quyền lợi tương ứng. Họ nhận được chúng từ những người khác. Sự tham gia phải được hiểu trong một luồng chuyển động. Bài viết này muốn cho thấy tính trung tâm của nguyên tắc « nhỏ » này.
- Cội nguồn Thánh Kinh
Trong Thánh Kinh, từ « tham gia » không xuất hiện một cách rõ ràng. Cũng không có truyền thống Thánh Kinh rõ ràng nào về chủ đề này. Tuy nhiên, từ sách Sáng Thế ký, các bản văn thánh mời gọi con người dấn thân phụng sự Thiên Chúa, anh chị em mình và toàn thể công trình tạo dựng. Toàn bộ giao ước giữa Thiên Chúa và con người ngụ ý sự dấn thân và trách nhiệm của tất cả mọi người, vượt trên những khác biệt.
Như thế, từ đầu sách Sáng Thế ký, Thiên Chúa đã trao phó cho người công trình tạo dựng của Ngài và tất cả những ai cư ngụ trong đó. « Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai » (6). Theo lệnh truyền này, Thiên Chúa trao phó cho con người khu vườn và cư dân của mình. Nó phải hành động sao cho khu vườn đơm hoa kết trái và hữu ích cho mọi người.
Giao ước đòi hỏi sự tham gia chủ động của dân Ngài, nhưng Thiên Chúa không bao giờ áp đặt. Ngài bảo vệ dân Israel với điều kiện họ giữ giao ước của Ngài. « Môisê lấy cuốn sách Giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: « Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo. » » (7). Về sau, trong sách Samuel, khi dân tuyên bố muốn có một vị vua, Thiên Chúa đã cảnh báo họ (8) nhưng tôn trọng ý muốn của dân : « Hãy nghe theo tiếng chúng, và hãy đặt một vua cai trị chúng » (9).
Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, mỗi người được mời gọi tham gia. Chẳng hạn, trong dụ ngôn thợ làm vườn nho (10), tất cả mọi người, bất kể họ được thuê vào giờ nào, đều được mời gọi làm việc trong vườn nho của ông chủ. Không ai bị loại trừ, ngay cả những trẻ nhỏ : « Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng » (11) như những người mong manh nhất.
Mỗi người đều là thừa tác viên của ân sủng của Chúa. Mọi người đều có trách nhiệm với người anh em của mình. Điều này đặc biệt rõ ràng trong dụ ngôn về sự phán xét cuối cùng của Mátthêu : « Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy » (12). Nơi Luca, người Samaritanô nhân hậu giúp đỡ người lữ khách bị thương, và nói rộng hơn : « Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù » (13). Trong bốn sách Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ : « Các con hãy cho họ ăn » (14).
Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô dạy chúng ta rằng Thiên Chúa « …muốn rằng không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau » (15). Việc xây dựng Giáo hội đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người, mỗi người mang đến những món quà của mình theo cách bổ sung cho việc phục vụ xây dựng cộng đồng. Giáo huấn của thánh Phaolô có thể soi sáng không chỉ cho các Giáo hội mà còn cả xã hội.
- Xuất hiện trong học thuyết xã hội
Các dòng tu và đan tu tìm cách sống Tin Mừng một cách triệt để sẽ đẩy nguyên tắc tham gia xa hơn (16). Mỗi người đều có « quyền tham gia vào các quyết định liên quan đến họ » và vào việc chọn người « được mời gọi quản trị ». Trong Tu Luật của thánh Biển Đức, nếu viện phụ thực thi quyền bính, thì « ngài không bao giờ là nguồn gốc của luật ». Chỉ hội đồng mới có thể lập pháp trong các giới hạn mà tu luật trao cho ngài. Cũng chính hội đồng bầu chọn viện phụ. Các quy luật này sẽ tham gia gián tiếp vào quá trình thử nghiệm các quy luật dân chủ hiện đại (17).
Trong cùng một chuyển động, thánh Catarina Siêna, trong khi mạo muội chất vấn Đức Giáo hoàng, đã không ngần ngại viết trong các cuộc đối thoại của mình: « Cha cũng không cho mỗi người tất cả các nhân đức…Có một số nhân đức mà Cha phân phát theo cách như vậy, đôi khi cho người này, đôi khi cho người kia…Đối với người này, đó là bác ái ; đối với người kia, đó là công bằng ; với người này là lòng khiêm tốn ; với người kia là một đức tin sống động…Đối với của cải vật chất, đối với những thứ cần thiết cho cuộc sống con người, Cha đã phân phát chúng với sự bất bình đẳng lớn (18), và Cha không muốn mỗi người sở hữu tất cả những gì cần thiết cho mình để mọi người có cơ hội, khi cần thiết, thực hành lòng bác ái đối với nhau…Cha muốn họ cần nhau và trở thành thừa tác viên của Cha để phân phát những ân sủng và những món quà hậu hĩ mà họ nhận được từ Cha » (19).
Ngay từ những bản văn đầu tiên của HTXH của Giáo hội, vấn đề tham gia đã hiện diện. Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) tố giác việc, một mặt, triệt để loại trừ con người khỏi việc chia sẻ của cải và việc phục tùng nô lệ của họ với công việc sản xuất phi nhân. Rerum Novarum đặt nền móng cho nguyên tắc tham gia mà không nêu rõ tên rõ ràng : « Mọi công dân, không có ngoại lệ, phải mang lại phần của mình vào khối lượng của cải chung mà, vả lại, bằng sự hoàn trả tự nhiên, được phân phối lại giữa các cá nhân. Tuy nhiên, những đóng góp của riêng mỗi người không thể giống nhau và cũng không thể ở mức độ ngang nhau » (20).
Trong Rerum Novarum, thuật ngữ « tham gia » được dành riêng cho việc tham gia vào quyền sở hữu. Chỉ trong các thông điệp tiếp theo mà nó sẽ mang một ý nghĩa rộng lớn hơn. Chẳng hạn, sự tham gia liên quan đến tất cả các chiều kích của con người trong lao động : bản thân lao động là « sự tham gia vào công trình của Thiên Chúa » (21), nhưng cũng liên quan đến tất cả những ai làm việc để « phục vụ anh em của mình, một sự đóng góp cá nhân vào việc thực hiện kế hoạch quan phòng trong lịch sử » (22). Tiếp đến qua « sự tham gia tích cực của tất cả mọi người vào việc quản lý doanh nghiệp » (23) và cuối cùng qua việc tham gia vào những thành quả của lao động và tài sản.
Trong đường hướng của Rerum Novarum, các Đức Giáo hoàng đã đưa ra những định hướng tổng quát hơn về việc tổ chức xã hội bằng cách dựa vào nguyên tắc bổ trợ. Trong Thông điệp Quadragesimo Anno (Tứ Thập Niên), Đức Piô XI đưa ra một định nghĩa tiêu cực đầu tiên, như một điều kiện để mỗi người tham gia. Ngài nhắc lại rằng thật bất công khi lấy đi của « các cá nhân (…) những quyền hạn mà họ có khả năng thực hiện theo sáng kiến của riêng họ và bằng phương tiện riêng của họ » (24). Đức Bênêđíctô XVI sẽ nêu lên một định nghĩa tích cực : « Nguyên tắc bổ trợ trước hết là sự giúp đỡ nhân vị, thông qua quyền tự quản của các cơ quan trung gian. Sự giúp đỡ này được đề nghị khi nhân vị và các tác nhân xã hội không thể tự mình làm những gì thuộc trách nhiệm của mình và nó luôn ngụ ý rằng chúng ta có một mục tiêu giải phóng vốn thúc đẩy tự do và sự tham gia như là tinh thần trách nhiệm. Nguyên tắc bổ trợ tôn trọng phẩm giá của nhân vị mà nó nhìn thấy nơi nhân vị một chủ thể luôn có khả năng cống hiến điều gì đó cho người khác » (25). Đức Phanxicô sẽ củng cố vấn đề : « Như thế, nguyên tắc bổ trợ trở thành một thực tại cụ thể bảo đảm sự tham gia và hoạt động của các cộng đồng và các tổ chức cấp dưới bổ sung cho hoạt động của Nhà nước » (26).
Như thế, nguyên tắc tham gia sẽ dần dần được mở rộng sang các lĩnh vực khác của xã hội : đời sống chính trị, văn hóa, tôn giáo, việc thực hiện bổn phận này đòi hỏi nhiều quyền hơn. Liên quan đến lĩnh vực duy nhất của doanh nghiệp, Đức Gioan XXIII trong Thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy), nhấn mạnh đến sự cần thiết phải « giảm bớt hợp đồng lao động bằng các yếu tố vay mượn từ hợp đồng xã hội », để « công nhân và nhân viên được mời gọi tham gia một cách nào đó vào quyền sở hữu doanh nghiệp, vào việc quản lý nó hay những lợi nhuận mà nó mang lại » (27). Đức Gioan-Phaolô II nêu rõ rằng mỗi người phải « (…) ý thức rằng, ngay cả khi mình làm việc trong một sở hữu tập thể, họ cũng đồng thời làm việc vì lợi ích của chính họ ».
Mỗi người đều được mời gọi hành động trong lãnh vực trách nhiệm trực tiếp của mình bởi vì như thánh Gioan-Phaolô II nhắc nhở chung ta về vai trò của giáo dân : « Không có chỗ cho sự thờ ơ, khi có rất nhiều công việc đang chờ đợi tất cả chúng ta trong vườn nho của Chúa » (28). Quả thế, ngày nay hơn bao giờ hết, tầm quan trọng của các vấn đề xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị và sinh thái chứng tỏ rằng « không ai được phép ngồi yên không làm gì » (29).
- Quyền lợi và bổn phận tham gia
Nguyên tắc tham gia, giống như nguyên tắc bổ trợ, thống nhất quyền lợi và bổn phận nhưng theo cách khác nhau. Bởi vì nguyên tắc bổ trợ giả thiết một tổ chức có phẩm trật, nên nó đưa ra một phẩm trật về các quyền lợi và bổn phận và bảo vệ nhân vị khỏi bị tước đoạt quyền lực từ bên trên. Nguyên tắc tham gia, bởi vì nó khởi đi từ nhân vị, nên mang lại một cái nhìn ngang bằng hơn nhưng cũng giả thiết sự cân bằng giữa quyền lợi và bổn phận. Đức Gioan XXIII nhắc nhở chúng ta: « Trong đời sống xã hội, bất kỳ quyền lợi nào được ban cho một người theo bản nhiên đều tạo ra nơi người khác một bổn phận, bổn phận nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi này. Quả thế, mọi quyền thiết yếu của con người đều vay mượn sức mạnh bắt buộc của nó từ luật bản nhiên vốn ban nó và áp đặt nghĩa vụ tương ứng. Trong khi đòi hỏi quyền lợi của mình, những ai quên đi bổn phận của họ hay chỉ chu toàn chúng một cách bất toàn đều có nguy cơ phá hủy bằng tay này những gì họ xây dựng bằng tay kia » (30). S. Weil giúp chúng ta tiến xa hơn khi bà viết: « Khái niệm “nghĩa vụ” vượt trội hơn hơn khái niệm “quyền lợi”, vốn phụ thuộc và liên quan đến nó. (…). Một người đơn độc trong vũ trụ sẽ không có bất kỳ quyền lợi nào, nhưng người đó sẽ có các nghĩa vụ » (31).
Khi hoạt động chính trị được suy nghĩ từ quyền lợi, điều đó dẫn đến các phương thức vận hành chia nhỏ xã hội. « Tôi có quyền. Đâu là những chiến lược để khiến người ta công nhận chúng? » chứ không phải « Tôi có nghĩa vụ. Chúng phải bàn đến đến điều gì ? Ai phải được hưởng lợi chúng ? ». Những câu hỏi sau cùng này có nhiều hơn trong cuốn sổ tình yêu. Ai yêu thương thì tự cho mình nghĩa vụ phục vụ người mình yêu thương. Trong Thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả đều là anh em), khi giải thích dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng sự tham gia vào việc phục vụ tha nhân. « Câu kết luận của Chúa Giêsu là một lời yêu cầu : « Ông hãy đi và làm như thế » (Lc 10, 37). Nói cách khác, Ngài thúc giục chúng ta gạt bỏ mọi khác biệt và, trước nỗi đau khổ, hãy trở nên gần gũi với mọi người. Vì thế, tôi không còn nói rằng tôi có « những người thân cận » mà tôi phải giúp đỡ, nhưng đúng hơn tôi cảm thấy được kêu gọi trở nên người thân cận đối với những người khác » (32).
- Mọi người, không trừ ai, đều được mời gọi tham gia
Tất cả mọi người đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống xã hội và chính trị. Các phương thức có thể đa dạng nhưng phẩm chất của một xã hội hay một cộng đồng có thể được đánh giá bằng khả năng thu hút sự tham gia của tất cả các thành viên của mình và đặc biệt là những người nghèo khổ nhất. Đối với Hannah Arendt (33), người nghèo là người « không có quyền để có quyền ». Đó là người không thể bằng bất cứ cách nào quyết định cuộc sống của mình và đóng góp vào đời sống của nhóm. Như thế, người nghèo bị tước mất một nhu cầu cốt yếu của tâm hồn : cảm thấy mình hữu ích và thậm chí không thể thiếu.
Vì thế, làm cho người nghèo tham gia, trước hết đó là cho phép họ, càng nhiều càng tốt, xác định và trở thành tác nhân của sự phát triển của chính họ. « Chúng ta không thể đối mặt với tai tiếng về nghèo đói bằng cách thúc đẩy các chiến lược kiểm soát vốn chỉ làm cho yên tâm và biến người nghèo thành những con người thuần hóa và vô hại. Thật buồn biết bao khi thấy rằng, đằng sau những việc làm được cho là vị tha, chúng ta giảm thiểu người khác thành thụ động » (34).
Đó cũng chính là làm sao để họ góp phần vào sự phát triển của xã hội. Từ hơn 50 năm qua, phong trào ATD Quart Monde ( Agir tous pour la dignité Quart Monde / Mọi người hành động vì phẩm giá Thế giới thứ tư) (35) nhắc nhở chúng ta rằng không có người nghèo nào mà không thể cho đi. Mời gọi con người cho đi, trong chừng mực những gì họ đã nhận được, đó là nhìn nhận sự cao cả của họ. Để giải thích lại Hannah Arendt, đó là trao cho họ quyền có bổn phận tham gia vào việc xây dựng thành đô.
Đối với các tổ chức, điều đó có nghĩa là họ không chỉ phải ý thức rằng mọi người đều có giá trị màm còn phải xác tín rằng mỗi người đều có thể mang lại điều gì đó độc đáo. Do đó, phát triển sự tham gia, đó là xây dựng một trong những cơ cấu đổi mới vốn tin tưởng hết sức có thể vào mỗi người và cho phép họ hành động theo tài năng của mình.
- Những thể chế chất lượng tạo điều kiện cho sự tham gia
Các thể chế mang lại một khuôn khổ cho sự tham gia của các thành viên của mình : các mục đích theo đuổi ; các hình thái chỉ định quyền bính, phân bổ quyền hạn và trách nhiệm, các phương thức quyết định và kiểm soát. Một số thể chế tạo điều kiện cho ý thức trách nhiệm, sáng kiến, thấm chí chấp nhận rủi ro, những tương quan tốt giữa mọi người, sự trợ giúp lẫn nhau…Trái lại, các thể chế khác có xu hương ấu trĩ hóa bằng cách ra lệnh phải làm gì, bằng cách kiểm soát, bằng cách chống đối…(36).
Khả năng dấn thân và hành động cá nhân nhằm phục vụ công ích tùy thuộc vào chất lượng của các thể chế. Trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý), Đức Bênêđíctô XVI rút ra những hệ quả về tầm quan trọng của chúng : « Hành động vì công ích một mặt có nghĩa là chăm sóc, và mặt khác sử dụng toàn thể các thể chế vốn cấu trúc đời sống xã hội, về mặt thể chế, dân sự và văn hóa, một đời sống xã hội mang hình thức của « polis », của thành đô » (37).
Chăm sóc các thể chế, trước tiên đó là sử dụng chúng. Bằng cách thực hiện quyền biểu quyết của mình khi có quyền này và bằng cách đóng góp vào các cuộc tranh luận. Sự tồn tại của các cuộc tranh luận là thiết yếu đối với đời sống của các thể chế. Chúng có chát lượng khi có sự tôn trọng mỗi người, ý thức về số phận chung và mong muốn chung tiến tới. Không có sự tìm kiếm chung về điều thiện này, các cuộc tranh luận có thể tạo ra ảo tưởng khi chúng không phải là những mưu mẹo để thông qua một cuộc cải cách hay trở thành một nơi mà mỗi người tìm cách áp đặt cho người khác sự công nhận chỉ những lợi ích cá nhân của mình.
Tiếp đến, đó là dấn thân phục vụ chúng. Bằng cách tham gia vào một đô thị, một phòng ban, một nghiệp đoàn hay một hiệp hội, mỗi người đều có thể, tùy theo khả năng, thời gian và sở thích của mình, tham gia và hành động nhằm phục vụ công ích. Cũng chính trong các cơ quan trung gian mà các quan điểm của các công dân được cấu trúc.
Sau cùng, đó là bảo vệ và chăm lo cho sức khỏe của các thể chế. Đó là bảo vệ sự tham gia thông qua các quy tắc và mục tiêu. Điều đó đặt ra vấn đề về quy mô của các tổ chức và sự gia tăng sức nặng của các quy định vốn hạn chế sáng kiến của các nhóm đến nỗi chúng buộc họ phải khiếu nại lên cấp cao hơn và do đó tìm kiếm sự tuân thủ nhiều hơn là khả năng thực hiện các sáng kiến.
- Giáo dục trách nhiệm và phát triển tình yêu đối với công ích
Các thể chế không thể hoạt động mà không có những người thúc đẩy chúng. Các thể chế, bất kể chất lượng của chúng, không thể tồn tại nếu không có những người được thúc đẩy bởi một ý thức sâu xa về trách nhiệm và ý thức về công ích. Một cách hỗ tương, các thể chế chất lượng đào tạo những người có trách nhiệm, những người mà tiếp đến làm cho chúng sống và tiến bộ.
Giáo dục ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công ích bắt đầu từ các gia đình, vốn « tạo nên nơi chốn đầu tiên trong đó các giá trị về tình yêu và tình huynh đệ, về sự chung sống và chia sẻ, về sự quan tâm và chăm sóc tha nhân được sống và truyền lại » (38). Các trường học, hiệp hội và doanh nghiệp đều có thể là nơi học tập. Việc giáo dục này là cấp bách. Quả thế, xã hội cảu chúng ta thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân. Vấn đề này xứng đáng có một bài viết riêng. Không khai triển mọi thứ, chúng ta chỉ cần lưu ý rằng tiến bộ kỹ thuật thúc đẩy ảo tưởng rằng mỗi người đếu có thể tự xoay xở một mình.
- Kết luận
Nguyên tắc tham gia kêu gọi những gì tốt nhất của con người, sự tự do và tính sáng tạo của họ. Nó sẽ luôn là một hành động cá nhân mà chúng ta thực hiện với và cho người khác. « Phẩm giá của nhân vị đòi hỏi mỗi người phải hành động theo một quyết tâm có ý thức và tự do. Trong đời sống xã hội, đặc biệt chính từ các quyết định cá nhân mà chúng ta phải mong đợi sự tôn trọng các quyền lợi, việc thực hiện các bổn phẩn, sự cộng tác vào nhiều hoạt động. Cá nhân sẽ phải trưởng thành ở đó bằng xác tín cá nhân ; bằng sáng kiến của mình, bằng ý thức của mình về các trách nhiệm chứ không phải dưới tác động của những cưỡng bức hay áp lực bên ngoài » (39).
—————————————————————-
(1) Tóm lược HTXH của Giáo hội §189.
(2) Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo 1914, 1915, 1916.
(3) Hiến chế Gaudium et spes, GS 24.3
(4) Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo – 1913.
(5) Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo – 1913.
(14) Lc 9, 13. Chúa Giêsu sẽ sai các môn đệ đi truyền giáo từng hai người một (Lc 10, 1) và trong những lời cuối cùng của mình, Ngài sẽ yêu cầu các ông làm chứng cho Ngài (Lc 24, 48).
(16) Cf. Leo Moulin, “le pouvoir dans les ordres religieux” dans “Pouvoir” n°17, 1981.
(17) Leo Moulin khai triển ý tưởng rằng các dòng đan tu cũng như Hy Lạp Cổ đại là mô hình của nền dân chủ phương Tây. « Les origines religieuses des technique électorales et délibératives moderne », Politix. Revue des sciences sociales du politique Année 1998 43 pp. 117-162
(18) Khi nói điều đó, thánh Catarina Siêna đặt vấn đề về mục đích phổ quát của của cải và việc sử dụng quyền tư hữu.
(19) S. Catherine de Sienne, Dial. 1, 6
(20) Rerum Novarum, RN 27
(21) Laborem exercens, LE 25
(22) Laborem exercens, LE 25
(23) Gaudium et Spes, GS 68
(24) Quadragesimo Anno, QA 86
(25) Caritas in veritate
(26) Fratelli Tutti, FT 175
(27) Mater et Magistra, MM 32
(29) Christifideles Laici §2 dựa vào Mt 20, 6-7. Xem thêm trong Laudato Si : « Đặc biệt, các Kitô hữu biết rằng bổn phận của họ ở trong công trình tạo dựng và bổn phận của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hòa là một phần không thể thiếu trong đức tin của họ ».
(30) Pacem in Terris, PT 30
(31) Simone Weill, L’enracinement, 1943. Trong phần dẫn nhập, bà nhắc nhở chúng ta rằng các quyền lợi không tự tồn tại. « Việc thực hiện hiệu quả một quyền lợi không đến từ người sở hữu nó nhưng từ những người khác, những người nhận ra mình có nghĩa vụ về điều gì đó đối với người ấy. Vì thế, nghĩa vụ có hiệu lực ngay khi nó được nhìn nhận ». Như thế, « khái niệm nghĩa vụ trỗi vượt hơn khái niệm quyền lợi vốn phụ thuộc và liên quan đến nó. Một quyền lợi không có hiệu lực nơi chính nó, nhưng chỉ thông qua nghĩa vụ tương ứng với nó ».
(32) Fratelli tutti, FT 81
(33) Hannah Arendt, les origines du totalitarisme, 1951
(34) Fratelli tutti, FT187
(35) Được thành lập vào năm 1957 bởi Cha Joseph Wresinski, nó đặc biệt dựa vào di sản giáo dục phổ thông do Paulo Freire phát triển.
(36) Cf. Diễn văn của Đức Piô XII nhân kỷ niệm 50 năm Rerum Novarum : « Sự thiện và sự dữ của các linh hồn tùy thuộc và được xâm nhập từ hình thức được trao cho xã hội, hòa hợp hay không với các lề luật của Thiên Chúa ».
(37) Caritas In Veritate, CV 7. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nói về nền sinh thái xã hội. «Nền sinh thái xã hội nhất thiết mang tính thể chế và dần dần đạt đến các chiều kích khác nhau, từ nhóm xã hội cơ bản là gia đình, ngang qua cộng đồng địa phương và Quốc gia, cho đến đời sống quốc tế. Trong mỗi cấp độ xã hội và giữa chúng, được phát triển các thể chế vốn điều chỉnh các mối tương quan nhân loại. Tất cả những gì gây hại cho chúng đều có tác hại, chẳng hạn như mất tự do, bất công và bạo lực. » (Laudato Si’, § 139)
(38) Fratelli Tutti, FT114
(39) Gioan XXIII, Pacem in terris, PT 34
—————————————-
Tác giả : Nicolas Masson, Phong trào Doanh nhân và Lãnh đạo Kitô giáo (EDC)
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/les-principes/216-participation )
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?