NHÂN VỊ VÀ HÀNH VI NHÂN LINH
Nếu đạo đức học liên quan đến tính chất đúng hoặc sai của hành vi con người, thì ta cần nêu lên câu hỏi cái gì cấu thành hành vi nhân loại? Trong triết lẫn thần học đã có sự phân biệt truyền thống giữa (a) actus humanus và (b) actus hominis.
Actus humanus (hành vi nhân linh) là hành vi của con người với tính chất thật nhất của họ. Hành vi nhân linh được làm với ý thức (hiểu biết) và có chọn lựa, được thực hiện qua và với những khả năng của con người, với lý trí và với ý chí tự do, hành vi mà chúng ta có thể mang trách nhiệm về nó.
Actus hominis (hành vi nhân tính) mô tả một khía cạnh về việc cư xử của con người, nhưng lại không hẳn có hiểu biết hay tự do trong đó, ví dụ: đi trong giấc ngủ, nghiện ngập, say rượu.
Vậy hành vi của con người ít khi rơi hẳn vào loại hành vi này hay hành vi kia, bởi một số ít hành vi của ta có ý thức trọn vẹn hay có ý chí tự do. Ta có thể nói actus humanus và actus hominis là hai đầu của các nối kết liên tục. Câu hỏi đặt ra cho đạo đức học là ta cần bao nhiêu ý thức và ý chí tự do để thực hiện nên một hành vi nhân linh? Cái gì hạn chế kiến thức và tự do, và tới mức độ nào ta phải buộc vượt qua sự thiếu vắng ý thức và tự do?
Aristote đã đối diện với vấn đề này hàng mấy trăm năm trước. Ông đã phân biệt (a) hành vi tự nguyện và (b) hành vi không tự nguyện (x. Nichomachaen Ethics, Book 3). Hành vi không tự nguyện được làm cách vô tri và (hay) dưới sự cưỡng bức. Vấn đề là liệu sự vô tri này có thiết yếu loại trừ trách nhiệm cho hành vi của ta? Thế là có một từ mới, từ trách nhiệm lại chen chân vào, có những từ khác phụ nghĩa thêm: tính đáp trả, tính chịu trách nhiệm, tính có lỗi trong điều chúng ta gây ra. Aristote lập luận rằng sự vô tri không luôn luôn biến một hành vi thành ra không tự nguyện. Tại sao? Có hai loại vô tri: Vô tri khả thắng và Vô tri bất khả thắng.
- Vô tri khả thắng [vincible ignorance] là loại vô tri hay tình trạng thiếu hiểu biết mà người ta có thể vượt qua được. Nói cách khác người thiếu hiểu biết, khi ý thức sự khiếm khuyết này, thì sau đó anh ta có trách nhiệm bổ khuyết vào khoảng trống này. Có sự vô tri về hành vi, về tính chất của hành vi, về hậu quả của nó, về những khả năng có thể vượt thắng bằng lý trí. Người đó phải thực hiện những bước đi thận trọng và hợp lý để lấp đầy khoảng trống, ví dụ, tôi đậu xe lại và khi ra khỏi xe, tôi nhủ thầm không biết mình có kéo thắng tay chưa? Tôi biết mình đang đậu trên một ngọn đồi, nhưng không còn nhớ liệu mình đã kéo thắng lên chưa, liệu tôi có hay không có trách nhiệm nếu xe lăn xuống và giết chết ai đó ? Thật ra tôi đã sơ suất bỏ qua một hành vi thận trọng và hợp lý. Danh từ luật cho trường hợp này là tội khinh suất.
- Vô tri bất khả thắng[invincible ignorance]: thiếu vắng hiểu biết do đã không có hay không thể hy vọng đạt đến. Sự vô tri bất khả thắng có thể làm giảm khinh trách nhiệm luân lý, bởi ý thức là điều tiên quyết phải có cho một hành vi tự nguyện.
Bây giờ yếu tố cấu thành lớn của hành vi con người là sự tự do. Nếu do cưỡng chế hoặc bó buộc, liệu ta có hành vi đúng nghĩa? Aristote đưa ra một ví dụ rất hay về người và những kiện hàng được đưa lên tàu. Do bão to, chỉ còn con đường sống sót là ném những kiện hàng xuống nước. Ta có thể biện minh rằng: cơn bão đã buộc tay tôi xô vứt những kiện hàng ấy xuống và hành vi của tôi là không tự nguyện do bị bó buộc, hay là ta phải cho rằng dẫu hoàn cảnh buộc tôi làm thế, nhưng sự chọn lựa vẫn là của tôi? Aristote kết luận là một hành vi xem ra bị bó buộc và do vậy không tự nguyện đối với tự do, chỉ khi nào nguyên nhân phát sinh ra nó ở bên ngoài, theo ý nghĩa đó, nó không thể nào có sự đóng góp của người đang bị cưỡng chế (N.E. 3.1).
I. YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH LUÂN LÝ
Tác Nhân Luân Lý
Thảo luận của chúng ta về trường hợp bà Bergmeier làm dậy lên vấn đề bản chất của hành vi con người và liệu làm thế nào để đánh giá hành vi dựa theo luân lý. Ta cần những nguyên tắc, định nghĩa, phân loại cơ bản khi bàn về kinh nghiệm con người. Trước hết hành vi con người có nghĩa gì? Ta đã đề cập đến trong đoạn trước. Bây giờ làm sao đánh giá tính luân lý của hành vi con người.
Trước hết, ý hướng của chủ thể [the intention of the agent] thực hiện hành vi, thứ hai, chính hành vi đó [the act itself] và thứ ba là những hoàn cảnh vây quanh [circumstances surrounding the act].
Ví dụ sau đây sẽ làm rõ nghĩa. Có hai người cùng làm một hành vi, ví dụ như chơi trống bongo với hai lý do khác nhau. Người thứ nhất với lý do chơi nhạc để làm vui lòng người khác, người thứ hai với lý do và ý hướng cốt làm cho một người nào đó rất căng thẳng về thần kinh rồi dẫn đến việc tự vẫn (tự tử). Hơn nữa, cũng một hành vi có thể do một tác nhân thể hiện trong hai hoàn cảnh khác nhau, ví dụ chơi trống trong một lễ hội, chơi trống trong một buổi lễ có Đức Tổng Giám Mục giảng tại nhà thờ chính tòa Sài Gòn. Vậy ta có chính hành vi (finis operis) chơi trống, với ý hướng (finis operantis) để làm vui lòng người khác hoặc làm cho người ta ra bệnh hoạn, và trong hoàn cảnh nào đó (trong nhà thờ chính tòa hoặc tại buổi hòa nhạc).
Ngôn ngữ kỹ thuật hơn để mô tả ba khía cạnh của hành vi con người đã xuất hiện từ thời thánh Tô-ma:
– mục đích (ý hướng, nguyên do, lý do),
– đối tượng của hành vi (thường gọi là hành vi) và
– những hoàn cảnh của hành vi.
Trước hết, hãy xét đến đối tượng của hành vi (thường gọi là hành vi). Ví dụ, bố thí cho người nghèo. Một hành vi được chủ thể tự do ưng thuận thực hiện, vậy đối tượng của hành vi là chính hành vi được chủ thể tự do thuận làm, vào lúc này hãy dừng ở đó mà không cần để ý đến ý hướng hay mục tiêu nào khác, mà chủ thể tự do có thể có.
Bây giờ, xét chính đến hành vi là bố thí cho người nghèo, có thể có mục tiêu hoặc ý hướng xa hơn nữa, chẳng hạn tôi cần thêm tiếng tăm danh giá. Vậy ta đã có một hành vi bên ngoài là bố thí, nhưng ta lại có mục tiêu khác, hãnh diện được người đời biết đến. Vậy phải chăng ta đã có hai mục tiêu? Hai mục đích hay hai ý hướng: cho tiền người nghèo và làm cho người đời biết đến danh giá của tôi. Ta có thể gọi hai mục tiêu là mục tiêu gần và mục tiêu xa. Còn bây giờ hãy xét đến chính hành vi. Có vài hành vi tự thân là tốt đẹp, cầu nguyện chẳng hạn. Vài hành vi xấu tự bản chất: bạo hành với trẻ thơ và một số hành vi ta gọi là trung tính như ngồi, đi, đứng, v.v… Hành vi xấu tự thân, thần học luân lý Công Giáo gọi là malum in se, [intrinsically evil] tự bản chất nó đã xấu. Ta có bản liệt kê những hành vi đó trong Tông huấn Veritatis Splendor số 80.
Giáo Hội Công Giáo không phủ nhận có những hoàn cảnh và đặc biệt những ý hướng tác động ảnh hưởng trên luân lý, nhưng muốn dạy rằng những hành vi xấu tự thân luôn luôn là nghiêm trọng, xét theo chính đối tượng của chúng (xét theo bản chất của chính hành vi), chẳng hạn bạo hành thân thể và tâm thần, buôn bán nô lệ, phá thai, bắt người vô cớ, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Những hành vi đó không thể nào trở nên tốt qua những ý hướng tốt nào đó được. Ví dụ tôi bạo hành một đứa trẻ để mong giải thoát cho 6 người vô tội đang bị giam giữ.
Dẫu hành vi tự nó là tốt đẹp như bố thí cũng có thể trở nên xấu vì những ý hướng xấu khác; và hành vi trung tính có thể làm cho ra tốt hoặc xấu, khi lệ thuộc vào những ý hướng, ví du: nói chuyện nhảm làm một bệnh nhân chia trí không kịp uống thuốc khiến gây cho ngươi này chết.
Tới lúc này ta mới xét về chính hành vi và ý hướng hay những ý nghĩ, còn về những hoàn cảnh đan dệt quanh hành vi thì sao? Những hành vi hầu như được Cicéron liệt kê khi mô tả về Aristote: ai? điều gì? ở đâu? với phương tiện nào? tại sao? thế nào? và khi nào?
Điều gì: chỉ cái mà ta gọi là đối tượng của hành vi;
Tại sao: chỉ mục tiêu hay ý hướng. Chức năng và tầm quan trọng của những hoàn cảnh trong việc xác định hành vi luân lý đúng hoặc sai. Chính hành vi, đối tượng có thể tốt, xấu hoặc không tốt không xấu, thì chính hoàn cảnh khiến cho hành vi trở nên tốt, xấu, xấu hơn, tốt hơn, hoặc không tốt không xấu.
Ta thử nêu lên vài ví dụ:
Bước vào (trung tính) một bãi mìn (hoàn cảnh xấu). Bước đi (trung tính) như đi dạo (hoàn cảnh trung tính).
Giết (xấu) một thường dân vô tội [tự bản chất hành động là đã xấu] nhưng nếu người ấy hạ sát chính cha hoặc mẹ (hoàn cảnh) của hắn thì tội ấy lại càng xấu xa, và đáng ghê tởm hơn.
Các nhà kinh viện liên hồi dạy rằng để đánh giá luân lý tính của hành vi nhân linh, phải dựa vào ba yếu tố:
- đối tượng,
- mục đích,
- hoàn cảnh.
Nguyên tắc là: nếu cả ba yếu tố đều tốt thì hành vi sẽ tốt đẹp, nhưng nếu một trong những yếu tố kể trên là xấu thì toàn bộ hành vi sẽ là xấu.[1]
II. NHÂN VỊ
Một trong những điểm nổi bật về việc triển khai và canh tân môn thần học luân lý, chính là việc nhấn mạnh trên ngôi vị như là tiêu chuẩn căn bản để xác định cách xử sự luân lý cách thích hợp. Ta thấy trong Hiến Chế “Vui mừng và hy vọng – Gaudium et spes” số 51, khi các Thượng phụ nói về hôn nhân: “khi phải dung hòa tình yêu vợ chồng với việc sinh con có trách nhiệm, luân lý không chỉ xét đến ý hướng tốt lành và đánh giá các lý do, mà còn phải sử dụng các tiêu chuẩn khách quan rút ra từ bản tính và hành vi con người. Những nguyên tắc nhằm mục đích duy trì ý nghĩa toàn vẹn của sự hiến thân cho nhau và sinh sản nhân loại vì tình yêu đích thực.”
Trong bản chú giải chính thức ta thấy:
1) Theo cách diễn tả, một nguyên tắc chung đã được đề cập ứng dụng không chỉ trong hôn nhân và tính dục, nhưng còn cho cả toàn bộ lãnh vực hành vi con người nữa.
2) Điều xác định là “hành động con người phải được xét đoán chỉ trong phạm vi nhân vị toàn vẹn và thích hợp. Điều này có nghĩa để xét xem một hành vi có xứng hay không xứng với phẩm giá con người hoặc là tốt đẹp theo luân lý hay không, người ta phải áp dụng tiêu chuẩn nhân vị con người được xét đến cách thỏa đáng.
Vậy đâu là những nhân tố cấu thành nhân vị toàn vẹn và thỏa đáng, cần thiết phải tìm cho ra khi xem xét luân lý tính của hành vi? Sau đây thử phác thảo vài nét quan trọng của nhân vị theo tư tưởng của Louis Janssens:
- Nhân vị con người là một chủ thể chứ không phải là đối tượng hay đồ vật.
- Nhân vị là chủ thể có thân xác.
- Thân xác không chỉ là thành phần của chủ thể mà còn là thành phần của thế giới vật chất.
- Nhân vị con người thiết yếu hướng về nhân vị khác.
- Nhân vị con người không chỉ là liên vị, liên chủ thể [inter-subjective]
mà còn phải sống trong những tập thể xã hội.
- Nhân vị con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi thờ phượng Ngài.
- Nhân vị con người là một nhân vật lịch sử.
- Nhân vị con người là một huyền nhiệm.
- Nhân vị con người tự căn bản là bình đẳng, nhưng đồng thời có nét riêng biệt của mình.
- Nhân vị con người luôn luôn tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống.
1. Con người không phải là đồ vật, hơn thế nữa, con người còn có ý thức, hành động theo lương tâm, sống và hành động với tự do và ý chí của mình. Tính chủ thể của con người có ý nghĩa, khi không ai bị trở nên vật hóa, bị sử dụng như phương tiện, bị khai thác để người khác hưởng lợi hay hưởng lạc. Điều này kéo theo nhiều hệ luận cho thần học luân lý, đặc biệt trong những lãnh vực thí nghiệm khoa học kỹ thuật. Tỷ dụ như y khoa có được phép dùng con người hay các thai nhi làm mục tiêu cho các cuộc thử nghiệm của họ.
2. Thực-thể-mang-thân-xác cấu tạo nên thành phần của cả chủ thể vẹn toàn, từ thể xác đến tâm linh. Thân xác có những đòi hỏi luân lý chính đáng. Rồi còn cần chăm sóc thân xác sao cho vẹn toàn của mình và của người khác. Hãy xem đến những hạn chế mà ta đã không đáp ứng được cho thân xác, đáp ứng những nhu cầu của nó trên bình diện sinh lý, và những nhu cầu của toàn thể nhân vị. Điều này thiết yếu để ứng dụng vào lãnh vực tình dục, khoái lạc, chăm sóc sức khoẻ, v.v…
3. Sống trong thế giới: bởi đã trót mang thân xác, nên ta phải sử dụng sự vật của thế giới để phục vụ những nhu cầu của ta. Ta không phải duy nhất, đơn độc. Khi xã hội quá đề cao việc sản xuất và tiêu thụ, nên đã quên mất những dáng vẻ khác của cuộc sống: thẩm mỹ, giải trí, chiêm nghiệm lý lẽ sâu xa của con người và sự vật. Điều này cần thiết khi đề cập tới khoa đạo đức môi trường.
4. Trong mối tương quan liên vị [interpersonal being], chúng ta trở nên chính mình, qua việc liên đới và tiếp xúc với người khác [we become who we are in and through others]. Không có liên hệ là không thể phát triển mọi tiềm năng. Ví du: tình bằng hữu đã đóng vai trò quan trọng xiết bao trong cuộc sống luân lý. Richard de St Victor phát biểu: “Tình yêu cần chia sẻ với nhau đến độ không còn ích kỷ, không còn ghen tuông và hãi sợ”. Quan hệ đích thực là phải quan tâm đến toàn bộ con người với lý trí, với ý chí, cảm tính và thân xác. Điều này khá quan trọng cho những kỹ thuật sinh sản bằng phương pháp nhân tạo. Tỷ dụ như việc thụ tinh ống nghiệm (In Vitro Fertilization).
5. Chiều kích xã hội của nhân vị cho thấy con người cần đến cơ cấu và thiết chế xã hội, tổ chức chính trị, sự hợp tác quốc tế, ta không thể có một nền đạo đức học cá nhân chủ nghĩa được (x. Hiến Chế Vui Mừng & Hy Vọng, số 30). Cần thiết xem xét, sửa chữa lại thường xuyên những định chế vốn dĩ thiếu hoàn hảo và bất toàn này để phục vụ công ích chung.
6. Nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa… Điều này ứng dụng nhiều lắm trong thần học luân lý. Thánh Kinh xác nhận con người thiêng liêng và cao quý vượt trên mọi thành tựu nào khác. Xác tín rằng nhân vị con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là một xác quyết thần học, cũng cho thấy mối quan hệ của con người với Thiên Chúa. Tuyên bố con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là công bố con người có khả năng tự hiến thân, phản ánh đúng đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi [Tam Vị]. Thánh Âu-tinh sử dụng thuật ngữ tình yêu ở đây, đòi có 3 nhân tố: người yêu (amans), người được yêu (quod amatur) và tình yêu nối kết (amor). Chúa Cha, Chúa Con và nguồn mạch Tình yêu là Chúa Thánh Thần. Điều này soi sáng rất nhiều cho ý nghĩa của cộng đoàn; luân lý tính năng động là khi biết cho cũng như biết đón nhận.
7. Đời mỗi người đều có một lịch sử mà ta có thể mô tả như những cột mốc đan xen của cuộc đời, những chặng đường của cuộc hành trình, được đánh dấu bằng những khả thể, khủng hoảng, thất bại; và bổn phận của người trải qua lịch sử đó phải biết nắm bắt các cơ hội, đấu tranh với những hạn chế và hồn nhiên tiến về chốn thông tuệ. Như từng con người học tập, phát triển, chững chạc lên, rồi mai một, thì nền văn hóa, tài trí và khôn ngoan nhân loại cũng thế. Lịch sử cho thấy đã có biết bao lỗi lầm mà ta buộc phải chấp nhận hay cố quên, bởi ta đã quá vội vàng kết án những tài trí mới, dễ dàng quên tuốt sự thông tuệ xưa cũ. Luân lý tính của bạo hành, ý nghĩa của hành vi tính dục trong hôn nhân, ý hướng đệ nhất và đệ nhị v.v… Ý thức lịch sử cho rằng đời sống luân lý của người tín hữu như là phần trách nhiệm cá nhân của mình trong những điều kiện lịch sử đổi thay. Vấn đề cần nhấn mạnh đến chủ thể trong hoàn cảnh lịch sử và xã hội của nó, vì thế phương pháp luận của thần học luân lý hướng về quy nạp hơn là loại suy khi phải đối đầu với những vấn đề mới, cụ thể, đối chiếu với những nét đặc thù của thời đại và trào lưu lịch sử.
8. Nhân vị con người là một huyền nhiệm: Cảm nghiệm về huyền nhiệm không được phép hiểu cách tiêu cực theo ý nghĩa ‘cái-gì-không-thể-hiểu-được’ hoặc tạm thời để đó, với ý định là một ngày kia nó sẽ được giải thích. Cảm nghiệm đó phải tích cực, một thách đố với thực tế phong phú lẫn phức hợp không sao mà dò cho thấu. Việc đánh giá con người như là huyền nhiệm rất quan trọng, đã từng là đề tài chủ yếu trong Thánh Kinh và truyền thống Kitô giáo ngay tự thuở ban đầu. Thánh Ephraim viết: “Vậy ai có thể tiếp cận con người và hiểu rõ nó?” Thánh Maximum hiển tu lại viết: “Tạo vật có lý trí thông thường không biết tới cội nguồn của mình. Nó biết rằng mình chẳng thể biết chính mình”. Riêng Thánh Âu-Tinh thì phát biểu như sau: “Mặc dầu những chiều sâu kín của một con người chỉ có thể thấu hiểu bởi chính linh hồn đó, chứ không phải của ai khác, dẫu vậy vẫn có cái gì đó nơi mình mà chính linh hồn cũng chẳng biết” (St Augustin, Confession – Sách Tự thú).
9. Tính bình đẳng tự bản chất cho thấy tại sao các đòi hỏi luân lý có tính phổ quát, và vì vậy, những bổn phận luân lý được áp dụng đồng đều cho hết mọi người.
10. Nhân vị con người đi tìm ý nghĩa đời mình qua ý thức chung, ý thức hệ, khoa học, nghệ thuật và tôn giáo.
—————————————————————-
(Trích sách: Linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng, Thần học luân lý một cái nhìn mới, NXB Tôn Giáo, Chương 3: Nhân vị và hành vi nhân linh).
—————————————–
[1] Thomas Aquinas, Summa Theologica I-II, 18, 4.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH TẠI NHÀ TÙ REBIBBIA: “HÃY BÁM LẤY NIỀM HY VỌNG”
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- LỜI KHUYÊN CỦA MỘT GIÁO PHỤ SA MẠC ĐỂ THÁO GỠ MỐI DAY OÁN HẬN
- ĐỨC PHANXICÔ : KHÔNG ĐƯỢC LOẠI BỎ BẤT KỲ MẠNG SỐNG NÀO
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- ĐẶT CHÚA KITÔ TRỞ LẠI TRUNG TÂM
- THẦN BÍ SAI LẠC VÀ LẠM DỤNG THIÊNG LIÊNG, MỘT NHÓM LÀM VIỆC ĐƯỢC THÀNH LẬP TẠI VATICAN
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?