NHỮNG KHUÔN MẶT CỦA HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC LÊÔ XIV Ở PERU
Giữa Chicago, quê hương của ngài, và Rôma, nơi ngài gia nhập vào năm 2023 để lãnh đạo Bộ Giám mục, Đức Lêô XIV đã thực hiện một phần lớn sứ vụ của mình ở Peru, với tư cách là một nhà truyền giáo, sau đó là Giám mục của Chiclayo, một giáo phận mà ngài đã chào mừng một cách trìu mến ngay từ bài phát biểu đầu tiên của mình vào buổi tối ngày được bầu lên ngai tòa Phêrô vào thứ năm, ngày 8/5/2025. Cùng nhìn lại những năm tháng ở Peru của ngài với cha Hubert Boulangé Allègre, một linh mục của Fidei Donum ở Peru từ hơn ba mươi năm qua.
Các tín hữu của giáo phận Chiclayo mừng vị Giám mục cũ của họ trở thành Đức Lêô XIV.
Một dân số chủ yếu theo Công giáo trong bối cảnh các Giáo hội Tin Lành Phúc Âm ngày càng phát triển, một xã hội mà Giáo hội lên án tình trạng bạo lực gia tăng theo cấp số nhân, một đất nước đang tích tụ các cuộc khủng hoảng chính trị và có tới ba cựu tổng thống đang bị giam giữ; tình trạng nghèo đói cùng cực lan rộng và sự giàu có tập trung trong tay một số ít người. Nói tóm lại, đây chính là Peru nơi Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã dành phần lớn cuộc đời mình làm mục tử. Ngài được mô tả là người gần gũi với mọi người, với nhóm thiểu số, quan tâm đến những hoàn cảnh đau khổ. Hoạt động truyền giáo của ngài trên thực địa, hoạt động xã hội của ngài là gì, và làm thế nào kinh nghiệm của ngài hiện nay có thể được sử dụng để phục vụ Giáo hội hoàn vũ? Phỏng vấn cha Hubert Boulangé Allègre, một linh mục của Fidei Donum từ hơn ba mươi năm qua ở Peru.
Đức Hồng y Robert Prevost đã chọn cho mình tông hiệu Lêô XIV, ám chỉ rõ ràng đến Đức Lêô XIII, được mô tả là vị Giáo hoàng “xã hội” đầu tiên. Về mặt công lý xã hội, chính xác thì Đức tân Giáo hoàng đã có hành động gì khi ngài trước tiên là linh mục, sau đó là giám mục ở Peru?
Những gì ngài đã làm thật đáng kể! Ngài có cơ hội làm việc ở bốn giáo phận khác nhau. Đầu tiên, với tư cách là linh mục, khi mới bắt đầu thiên chức linh mục, tại một giáo hạt nhỏ ở phía bắc Peru, gần biên giới với Ecuador, trong hai năm, ngài đã thực hiện rất nhiều công tác xã hội ở khu vực này. Ngài đã thành lập Caritas. Ngài đã làm một số việc khá đáng chú ý. Ngài cũng thành lập một giáo xứ mới. Việc thành lập một giáo xứ mới có nghĩa là bạn được trao một lãnh thổ trong đó bạn phải phân tích hồ sơ của các cộng đồng Kitô hữu và sứ mạng mà bạn sẽ giao phó cho cộng đồng đó. Ngài thật xuất sắc. Tại Chiclayo, nơi ngài kế nhiệm các giám mục rất bảo thủ, ngài đã mở rộng Giáo hội cho các lĩnh vực phục vụ. Trong khi làm Giám mục của Chiclayo, cách Lima 780 km, ngài được Đức Giáo hoàng cử đi giải quyết các vấn đề trong một giáo phận gần Lima trong một năm. Ngài là giám quản giáo phận này, nơi có sự rạn nứt rất lớn giữa xã hội và Giáo hội. Đó là một vấn đề phức tạp và ngài đã làm rất tuyệt vời, luôn theo hướng đạt được sự đồng thuận, đối thoại và lắng nghe. Ngài là người rất biết lắng nghe và lắng nghe một cách rất sâu xa và thận trọng, kể cả những điều mà ngài không thực sự muốn nghe.
Đâu là mối quan hệ của ngài với các giới chính trị Peru ở một đất nước vẫn còn tới ba vị tổng thống bị cầm tù?
Các mối quan hệ luôn phức tạp. Chúng ta không thể trực diện đối lập với Nhà nước vì chúng ta là một phần của quá trình xây dựng xã hội này. Nhưng ngài không bao giờ quên nhấn mạnh những sai lầm, ngõ cụt, sự lạm dụng, đặc biệt liên quan đến các nhóm thiểu số, các nhóm thiểu số xã hội, các nhóm dân tộc thiểu số. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều ẩn dụ nơi ngài trong đó ngài nhấn mạnh đến các giá trị của những người bị lãng quên trong xã hội. Ngài đã làm rất nhiều việc theo hướng này.
Làm sao kinh nghiệm của ngài có thể được dùng để phục vụ cho Giáo hội hoàn vũ?
Điều rất, rất thú vị về Đức Giáo hoàng Lêô XIV, đó là kinh nghiệm của ngài, với tư cách là một linh mục và một giám mục, là 100% kinh nghiệm truyền giáo. Thời gian ngài phục vụ Dòng Thánh Augustinô, với tư cách là giám tỉnh và sau này là bề trên tổng quyền, đã dẫn ngài đến việc giải quyết vấn đề truyền giáo ở mọi chiều kích; nghĩa là cả các khái niệm và đồng thời là hiện thực hóa. Với tư cách là linh mục và giám mục ở Peru, ngài tiếp xúc rất nhiều với mọi thứ liên quan đến hoạt động truyền giáo, đây cũng là đặc điểm của Giáo hội ở Mỹ Latinh và đặc biệt là ở Peru. Ngài cũng lưu ý đến sự hiện diện của các nhóm tôn giáo không phải Công giáo đang phục vụ cho những nhu cầu của xã hội mà Giáo hội Công giáo đang khó khăn để đáp ứng. Ngài có thể duy trì cả cuộc đối thoại và đồng thời thể hiện sự kiên định về những gì làm nên tính công giáo của Giáo hội Công giáo. Tiếp đến, có sự lan rộng của bạo lực, dù là bạo lực trong nước, bạo lực gia đình hay bạo lực thể chế trong xã hội; một xã hội có rất nhiều người giàu và rất nhiều người nghèo thì bản thân nó đã là bạo lực rồi. Trong bối cảnh này, cần phải xây dựng những cây cầu, tránh những lời lên án gay gắt, và đồng thời nhắc nhớ rõ – như Đức Giáo hoàng đã nhắc lại rất rõ trong bài phát biểu đầu tiên, ngay từ giây phút đầu tiên của triều đại giáo hoàng – rằng hòa bình là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến chân lý và đến với Thiên Chúa. Điều này rất quan trọng. Ngài nhắc lại sứ điệp của Chúa Kitô về hòa bình, về sự phục sinh, và làm việc vì hòa bình, đó là làm việc vì sứ mạng.
Đâu là cách thức ngài ra tiền tuyến để bảo vệ quyền lợi của những người không có quyền, để trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói?
Tôi nghĩ trước hết tôi có thể nói rằng ngài luôn nói nhân danh Giáo hội, nhân danh giáo phận của mình, nhân danh những người Kitô hữu. Ngài không muốn cá nhân hóa lập trường của mình, nhưng ngài đưa ra chúng nhân danh Giáo hội; nghĩa là, cuối cùng là nhân danh sứ mạng, nhân danh sứ điệp của Chúa Kitô. Ngài là người mang Lời Chúa và mang theo mình sức nặng của Lời Chúa. Không phải Lời của ngài, mà là Lời của Chúa Kitô và của Tin Mừng mà ngài biết truyền lại và ngài luôn trích dẫn rất nhiều bản văn Thánh Kinh, đặc biệt là những bản văn được biết đến mà mọi người không ngạc nhiên khi nghe. Ngài biết rất khéo léo đặt chúng vào cuộc đối thoại. Ngài nuôi dưỡng lời đáp trả của mình bằng Lời Chúa, nghĩa là Lời của ngài không chỉ là Lời của riêng Ngài, mà còn là Lời của Giáo hội.
Chúng ta đang ở trung tâm của Năm Thánh Hy Vọng. Ngài đã là người mang lại hy vọng cho người dân của mình như thế nào?
Theo tôi, ngài đã giữ được ba khía cạnh đặc trưng của Giáo hội Châu Mỹ Latinh. Tôi nghĩ ngài đã nhấn mạnh đến thực tế rằng Giáo hội là một Giáo hội nghèo, đặc biệt là ở Mỹ Latinh. Cái nghèo của Giáo hội không chỉ là cái nghèo về vật chất của con người, mà còn là cái nghèo về giáo dục, cái nghèo của các tầng lớp xã hội – nghề nghiệp khác nhau, thợ mỏ, ngư dân, nông dân, v.v. Ngài luôn lên tiếng cho các nhóm thiểu số hiện sinh, các nhóm thiểu số về sắc tộc và xã hội.
Thứ hai, tôi nghĩ ngài luôn là một nhà truyền giáo theo nghĩa mà Đức Giáo hoàng Phanxicô hiểu, tức là hiện diện ở vùng ngoại vi. Và thứ ba, ngài đại diện cho một Giáo hội Vượt qua, một Giáo hội xây dựng những cây cầu. Đây là sứ mạng mà tất cả chúng ta, những người đã chịu phép rửa tội, phải thực hiện, để vượt qua mọi cuộc phiêu lưu và những điều không may trong cuộc sống. Peru là quốc gia đã trải qua nhiều thảm họa thiên nhiên, động đất, lũ lụt, v.v. Không thiếu khủng hoảng hay bạo lực. Trong suốt 20 năm, Con đường sáng chói đã cướp đi sinh mạng của gần 80.000 người và gây ra đủ mọi đau khổ. Trong tất cả những đau khổ này, Đức Giáo hoàng Lêô XIV luôn có ngôn ngữ vượt qua để nỗi đau khổ này trở thành một sự vượt qua, không phải là một định mệnh, nhưng là cơ hội để xây dựng một cây cầu mới hướng đến những người lân cận và vượt qua những đau khổ dằn vặt của cuộc sống với viễn cảnh của một cuộc sống mới.
————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Jean-Charles Putzolu – Vatican News)
Tags: Lêo XIV
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NHỮNG KHUÔN MẶT CỦA HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC LÊÔ XIV Ở PERU
- ĐỨC LÊÔ XIV TIẾP KIẾN NHÀ VÔ ĐỊCH QUẦN VỢT JANNIK SINNER
- VĂN PHÒNG BÁO CHÍNH TÒA THÁNH ĐƯA RA LỜI GIẢI THÍCH CHÍNH THỨC VỀ HUY HIỆU CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- NƠI Ở CỦA CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG QUA NHỮNG BIẾN ĐỘNG CỦA LỊCH SỬ
- “VIỆC BẦU ĐỨC LÊÔ XIV ĐÁNH DẤU BƯỚC NGOẶT TRONG TƯ TƯỞNG XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI”
- PHẬT TỬ VÀ KITÔ HỮU TRONG CUỘC ĐỐI THOẠI GIẢI THOÁT CHO THỜI ĐẠI CHÚNG TA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV GỬI CÁC CHUYÊN VIÊN TRUYỀN THÔNG : HÃY CHỌN LỰA CON ĐƯỜNG TRUYỀN THÔNG HÒA BÌNH
- MẬT NGHỊ HỒNG Y: ĐHY PAROLIN VÀ ĐHY PREVOST ĐƯỢC PHIẾU “RẤT CAO” TRONG CUỘC BỎ PHIẾU ĐẦU TIÊN ?
- CHÚA NHẬT ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV VỚI CÁC TÍN HỮU VÀ TẠI MỘ THÁNH PHÊRÔ
- TỪ LÊÔ XIII ĐẾN LÊÔ XIV, VẤN ĐỀ XÃ HỘI MỚI
- MẬT NGHỊ: VÀ CÁC HỒNG Y BẮT ĐẦU PHÁT BIỂU NGAY SAU ĐÓ
- ĐỨC LÊÔ XIV TẠI MỘT ĐỀN THÁNH CỦA DÒNG THÁNH AUGUSTINÔ VÀ TẠI MỘ ĐỨC PHANXICÔ
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV CHO HỒNG Y ĐOÀN : « NGÀY NAY GIÁO HỘI TRAO CHO MỌI NGƯỜI DI SẢN HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA MÌNH »
- CHÂN DUNG, KHẨU HIỆU VÀ HUY HIỆU CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
- BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DÒNG AUGUSTINÔ: ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV ‘THỰC SỰ GẦN GŨI VỚI MỌI NGƯỜI’
- TÌM HIỂU DÒNG THÁNH AUGUSTINÔ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- “NGÀI ĐÃ CÓ MỘT TỶ SỐ TUYỆT VỜI” TẠI MẬT NGHỊ
- XÓA MÌNH ĐI ĐỂ CHÚA KITÔ Ở LẠI
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV NGÀY 9/5/2025
- TIỂU SỬ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV