NHỮNG THẦN HỌC GIA LỚN CỦA THẾ KỶ XX : JEAN DANIÉLOU

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 13th, 2022. Posted in Thế Giới, Tý Linh, Đức tin & lý trí

Sau Henri de Lubac, Jean Duchesne giúp chúng ta khám phá Đức Hồng y và viện sĩ Jean Daniélou, dòng Tên, trong số các thần học gia lớn của thế kỷ XX. Tính độc đáo trong công trình khoa học của ngài là cho thấy rằng Giáo hội sơ khai, được nuôi dưỡng bởi triết học Hy Lạp, trước tiên đã kín múc trong các truyền thống Do Thái. Tác phẩm của ngài phần lớn vẫn mang tính sư phạm và rất dễ tiếp cận, giữa cuốn « L’Église des premiers temps »  (Giáo hội thời sơ khai) và cuốn « L’Oraison, problème politique » (Cầu nguyện, một vấn đề chính trị).

« Danh tiếng » vào cuối đời của mình với tư cách là Hồng y và thành viên của Viện hàn lâm Pháp, cha Jean Daniélou cũng là và trước hết là một nhà bác học đã đổi mới sự hiểu biết đức tin qua các công trình của mình về sự phát triển trí thức của Kitô giáo sơ khai.

Đời sống

Gia đình Daniélou không thiếu nhân sĩ : cha của ngài, ông Charles, là thị trưởng của Locronan, nghị sĩ của Finistère và nhiều lần là bộ trưởng trong các chính phủ cấp tiến ; mẹ ngài, bà Madeleine, là một nhà giáo dục ngoan đạo, thành lập các trường học và cộng đoàn tông đồ thánh Phanxicô Xaviê ; Alain, anh cả của ngài, sẽ là một nhà âm nhạc học và là nhà Ấn học nổi tiếng ; một chị gái và một anh trai khác (người sẽ hy sinh trong một sứ mạng) tham gia cùng tướng de Gaulle trong Thế Chiến II.

Tốt nghiệp thạc sĩ ngữ pháp vào năm 1927, ngài gia nhập dòng Tên vào năm 1929 và học ở Lyon nơi cha de Lubac là một trong các giáo sư của ngài. Cùng với cha de Lubac, ngài ra mắt bộ « Sources chrétiennes », giúp có thể tiếp cận các Giáo Phụ và bảo vệ luận án của mình về thánh Grégoire de Nysse. Ngài sẽ dạy học ở Học viện Công giáo Paris và đồng thời làm tuyên úy sinh viên và viết bài trong các tạp chí « Études » (dòng Tên) và « Dieu vivant » (một tổ chức tư vấn Kitô giáo từ 1945 đến 1955). Ngài thành lập Hội Thánh Gioan Tẩy Giả, rồi, cùng với nhà văn André Chouraqui người Do Thái, lập hiệp hội Tình huynh đệ Abraham : hai hiệp hội đối thoại liên tôn.

Ngài tham dự công đồng Vatican II với tư cách chuyên viên, rồi được bổ nhiệm Hồng y và tấn phong Giám mục vào năm 1969. Được bầu vào Viện hàn lâm Pháp năm 1972, cùng năm đó ngài đã mạnh mẽ tố giác việc một số giáo sĩ nhân danh công đồng đặt vấn đề về một số khía cạnh cấu thành của đức tin. Việc bày tỏ lập trường này khiến hầu hết anh em dòng Tên của ngài khó chịu, những người chỉ bảo vệ ngài cách yếu ớt khi ngài đột ngột qua đời vì một cơn đau tim vào năm 1974 nơi một trong những phụ nữ đang gặp khó khăn được ngài bảo vệ. Trước đó không lâu, ngài đã có thể đưa vào hoạt động ấn bản tiếng Pháp của tạp chí Communio, được thúc đẩy trên bình diện quốc tế bởi người bạn học cũ của ngài ở Lyon và người bạn Hans Urs von balthasar.

Sự nghiệp

Sản phẩm của cha Daniélou bao gồm hai phần khá rõ ràng : các tác phẩm học thuật, và các ấn phẩm không chuyên ngành. Nhưng những ấn phẩm này tất nhiên được nuôi dưỡng bởi nhận thức về mầu nhiệm Kitô giáo vốn được đổi mới trong các tác phẩm học học thuật. Tính độc đáo trong công trình khoa học của ngài là cho thấy rằng Giáo hội sơ khai, trước khi tiếp thu tốt một phần của triết học Hy Lạp, trước tiên đã kín múc trong các truyền thống Do Thái, đặc biệt là huyền bí (tiên tri về một thế giới mới). Do đó, cuốn « Histoire des doctrines chrétiennes avant Nicée » (« Lịch sử của các học thuyết Kitô giáo trước công đồng Nixêa ») (đại Công đồng vào năm 325) gồm hai tập : Thần học về Kitô giáo-Do Thái (Théologie du judéo-christianisme) và Sứ điệp Tin Mừng và văn hóa Hy Lạp (Message évangélique et culture hellénistique).

Cả hai đều được bổ sung bởi các nghiên cứu về những điểm cụ thể : trong lãnh vực Do Thái, « Các Thủ Bản của Biển Chết » (« Les Manuscrits de la Mer Morte »), vai trò của Thánh Kinh trong phụng tự (« Bible et liturgie » (Thánh Kinh và Phụng Vụ)) ; sự chuyển hướng của Thánh Giá, dấu của sự ô nhục, thành dấu hiệu chiến thắng của Chúa Kitô (Les Symboles chrétiens primitifs (Các biểu tượng Kitô giáo nguyên thủy )) ; về phía Hy Lạp, các cuốn sách về các nhà tư tưởng như Philon d’Alexandrie (người Do Thái Hy Lạp hóa ở Alexandria, cùng thời với Chúa Kitô) và Origène, cũng như Platonisme et théologie mystique (« Chủ thuyết Platon và thần học thần bí ») (từ luận án về thánh Grégoire de Nysse). Bộ này đã được bổ sung bởi tập thứ ba về phương Tây « Histoire des doctrines : Les Origines du christianisme latin » (di cảo), tập này dành phần tốt cho thánh Augustinô.

Trong số các tác phẩm có tính cách giáo lý hay mục vụ hơn, các tựa đề rất hùng hồn : Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức (Baptême et confirmation), Các Thiên Thần và sứ mạng của các ngài (Les Anges et leur mission), Sự thánh thiện và hoạt động trần thế (Sainteté et action temporelle), Những lối tiếp cận Chúa Kitô (Approches du Christ), Kitô hữu và thế giới hiện đại Le Chrétien et le monde moderne), Sự phục sinh (La Résurrection), Sự thật tai tiếng (Scandaleuse vérité), etc. Cũng có việc phổ thông chú giải : Lúc ban đầu : Sáng thế ký 1-11 (Au commencement : Genèse 1-11), Các Tin Mừng về thời thơ ấu (Les Évangiles de l’enfance )… Tất cả những điều đó được truyền cảm hứng bởi các Giáo Phụ, vì các ngài đã khái niệm hóa đức tin một cách chuẩn mực, khi đối diện với các lạc giáo (về mặt từ nguyên là những ý kiến đặc thù và giảm thiểu) đang tái xuất hiện cách vô thời hạn, và dưới những hình thức tục hóa vào kỷ nguyên « hiện đại ».

Đối thoại đại kết và  cuộc tranh luận với chủ nghĩa Mác (có sức nặng chính trị và văn hóa rất lớn vào thời đó) đã thúc đẩy các ấn phẩm khác. Cuộc khủng hoảng tháng 5/1968, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đang hoành hành trong Giáo hội sau công đồng Vatican II, đã khơi lên những cuốn sách dấn thân hơn, đôi khi mang tính luận chiến : Tests (các cuộc trắc nghiệm) và Nouveaux tests (Các cuộc trắc nghiệm mới), Autorité et contestation dans l’Église (Quyền bính và sự phản đối trong Giáo hội), La Culture trahie par les siens (Văn hóa bị phản bội bởi những người của nó), Pourquoi l’Église ? (Tại sao lại là Giáo hội ?). Cha Daniélou, trở thành Hồng y, đã bảo vệ sự tự do và sự chặt chẽ của trí tuệ không kém như tính chính thống của đức tin và sự phong nhiêu của nó trong Giáo hội. Hồi ký của ngài có tựa đề « Et qui est mon prochain ?» (Và ai là tha nhân của tôi ?) (các cuộc phỏng vấn với biên tập viên Françoise Verny) đã được xuất bản sau khi ngài qua đời và « Carnets spirituels » (Sổ tay tâm linh) của ngài vào năm 1993.

Để đọc

Các sách của cha Daniélou không khó lắm : tất cả đều trả lời cho một mối quan tâm sư phạm và nhiều cuốn đã được đọc cho viết, điều này mang lại cho sự diễn đạt tính sống động của văn nói với học thức uyên bác thuần thục. Cuốn « L’Église des premiers temps » (Giáo hội vào thời sơ khai), một cuốn sách bỏ túi dành cho công chúng tổng hợp các công trình chi tiết hơn về Kitô giáo sơ khai, có thể được tìm thấy trên Internet với giá rất phải chăng. Và hai tác phẩm hộ giáo vẫn còn tính thời sự đã được tái bản khá gần đây : « Văn hóa và mầu nhiệm : Lý trí của Pháp trước siêu việt » (« Culture et mystère : la raison française devant la transcendance ») (nền văn hóa quốc gia của chúng ta có phải là theo chủ nghĩa duy lý như nó muốn tin không ?) của nhà xuất bản Ad Solem năm 2011, và ở nhà xuất bản Cerf năm 2012 cuốn « L’Oraison, problème politique » (Cầu nguyện, một vấn đề chính trị) , cho thấy rằng tôn giáo không thể vẫn là  chuyện cá nhân và riêng tư.

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Aleteia)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30