NHỮNG TỪ TIẾNG DO THÁI ĐƯỢC DÙNG TRONG PHỤNG VỤ

Written by xbvn on Tháng Sáu 19th, 2021. Posted in Phụng vụ, Thế Giới, Tý Linh

« Alleluia », « Amen » và « Hosanna » : ba từ này có điểm chung nằm trong phụng vụ của người Công giáo và trực tiếp đến từ tiếng Do Thái.

Những từ này có gì đặc biệt ?

« Alleluia », « Amen » và « Hosanna » là những từ được lặp đi lặp lại trong các kinh nguyện và cách đặc biệt trong các cử hành phụng vụ Chúa Nhật, trừ Mùa Chay đối với từ Alleluia. Vào năm 1966, cha Joseph Ratzinger (bây giờ là Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI) đã nhận xét : « Giáo hội đã giữ từ nguồn gốc tiếng Sê-mít của mình một số từ thuộc về tất cả các Kitô hữu : Amen, Alleluia, Hosanna ».

Từ « maranatha » trong tiếng Aram trở lại trong một số kinh nguyện, nhưng không có công dụng phụng vụ.

Làm thế nào dịch những từ này ?

Những từ này được hiểu, nhưng hầu như không được dịch trực tiếp sang ngôn ngữ nào hiện nay trong phụng vụ. Cha Alexandre Comte, nhà chủ giải Thánh Kinh, một linh mục giáo phận Paris, giải thích : « Alleluia là từ đơn giản nhất để dịch. Nó gồm hai phần : « allelu », thể mệnh lệnh của động từ « ca ngợi/ca tụng », và « ia », là một trong các danh xưng của Chúa ». Được hát trước khi công bố Tin Mừng, alleluia có nghĩa « hãy ca ngợi Chúa », hay « hãy ca ngợi Thiên Chúa ». « Từ này chính nó là một câu và là một lời mời gọi đi vào trong sự ca ngợi Chúa ».

« Hosanna » cũng là một từ mà chính nó là một câu. Cha giải thích : « Từ này cũng thế, nó là một mệnh lệnh, lần này được ghép với một hậu tố nhấn mạnh ». Được Chúa Giêsu nói với đám đông khi Ngài vào thành Giêrusalem và được lặp đi lặp lại trong tất cả các thánh lễ ngay trước khi truyền phép, từ này có nghĩa « hãy cứu độ (hãy cứu thoát) ! » « Thực sự phải hiểu từ này như là « hãy thực thi thừa tác viên cứu độ của bạn ! », Đức cha Robert le Gall, tác giả cuốn « Từ điển phụng vụ », giải thích. Vả lại, từ này cũng có từ nguyên như từ « Giêsu », « nghĩa là : Đức Chúa cứu » (Mt 1, 21).

Được biết đến nhiều hơn trong ba từ này là từ « Amen ». Cha Comte phân tích : « Từ này bao hàm nhiều khái niệm cùng một lúc. Gốc của nó cùng với gốc của động từ ‘tin’ và cũng chỉ sự vững vàng, những gì là vững chắc. Đó cũng là một lời thốt lên đáp lại những gì đã được nói ». Do đó, công thức « xin được như nguyện », đôi khi được dùng thay thế từ « Amen », không diễn tả đầy đủ. Cha Comte gợi ý hiểu từ đó như thế này : « Tôi cho rằng những gì tôi đã nghe là vững chắc,  đáng tin cậy và tôi đặt niềm tin vào điều này ». Để minh họa từ này, về phần mình, Đức Cha Robert le Gall dùng một hình ảnh đầy ngạc nhiên nhưng đầy ý nghĩa : « Giống như con ốc bám chặt như một ống giác vào núi đá, từ « Amen » cũng chỉ một điều gì đó được bám rễ sâu rất vững chắc ».

Việc chọn giữ những từ tiếng Do Thái này từ khi nào?

Régis Courtray, giảng viên tại đại học Toulouse, cho biết rằng việc không dịch này đã được đặt ra từ thời các Giáo Phụ. Chẳng hạn, ông nhận xét trong một bài viết của ông về vấn đề này, Marcella, một môn sinh của thánh Hiêrônimô, đã hỏi ngài « về những từ tiếng Do Thái mà chúng ta không tìm thấy trong tiếng Latinh,  đâu là ý nghĩa của chúng nơi người Do Thái và tại sao chúng ta sao chép mà không dịch chúng ».

Sự kiện này – muốn hay không – cũng lâu đời như Giáo hội. Chẳng hạn, thánh Augustinô trong khảo luận « Về học thuyết Kitô giáo », cho biết : « Trong các sách thánh của chúng tôi, người ta gặp thấy một số kiểu nói bằng tiếng Do Thái mà không bao giờ được dịch ». « Để hiểu biết Thánh Kinh, chúng tôi sẽ nói rằng [những người nói tiếng Latinh] phải sở hữu hai ngôn ngữ khác là tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái ».

Đi ngược lên các thế kỷ đầu tiên, việc không dịch này giờ đã được đảm nhận và thậm chí được chọn. Chẳng hạn, huấn thị « Liturgiam authenticam » của Tòa Thánh, năm 2001, nêu rõ : « Ở đâu mà bản văn tiếng Latinh sử dụng các thuật ngữ đến từ các ngôn ngữ cổ khác (chẳng hạn Alleluia, Amen hay Kyrie eleison), thì các cách diễn đạt đó có thể được giữ nguyên trong ngôn ngữ gốc ». Trong buổi hội thảo năm 1966, cha Ratzinger nói về « luật liên tục », cho rằng « ngôn ngữ có một tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ ». Đức cha Le Gall nói đùa : « Chúng ta là người biết nhiều thứ tiếng trong phụng vụ ».

Làm thế nào để hiểu sự chọn lựa này ?

Là di sản từ nhiều thế kỷ, sự tồn tại của các từ tiếng Do Thái này không chỉ có một lời giải thích duy nhất. Thánh Augustinô nhấn mạnh : « Chúng tôi đã muốn bảo tồn chúng trong hình thức cổ xưa, để làm cho uy thế của chúng trở nên đáng kính hơn ». « Có những cách diễn đạt đặc thù cho một số ngôn ngữ, mà không có bất kỳ bản dịch nào có thể thể hiện lại được ý nghĩa ».

Ngày nay, các chuyên viên mời gọi nhận ra ở đó mối liên hệ của Kitô giáo với Do Thái giáo. Như Đức cha Le Gall nhận xét : « Phụng vụ Kitô giáo của chúng ta có nguồn gốc Do Thái giáo sâu xa và những từ này nhấn mạnh tính liên tục ». Về phần mình, Cha Comte giải thích : « Đó là lời nhắc nhở về sự ghi khắc của phụng vụ Kitô giáo trong phụng vụ Do Thái giáo vào thời Chúa Giêsu ». Đức cha Le Gall nói thêm : « Với một số từ này, chúng ta sử dụng cùng một ngôn ngữ và cùng những âm thanh như của Chúa Kitô và của Mẹ Ngài, trong kinh nguyện riêng của các ngài ».

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31