Ở MALTA, ĐỨC PHANXICÔ CẢNH BÁO NGƯỜI CÔNG GIÁO CHỐNG LẠI CÁM DỖ « NHÌN LẠI ĐẰNG SAU »
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ, hôm 2/4/2022, người dân Malta, và qua họ, tất cả người Công giáo đang sống nơi các nước mà họ là thiểu số, quan tâm nhiều hơn đến « chứng tá cho Tin Mừng của Chúa Kitô » và “đón tiếp tha nhân”, hơn là « ảnh hưởng xã hội » và « uy tín của cộng đồng ».
Đó là những gì Đức Thánh Cha muốn nói ở Đền Thánh quốc gia Ta’Pinu, trên đảo Gozo, phía bắc của Malta.
Quả thế, nơi đất nước nhỏ nhất của Liên hiệp Châu Âu này, Đức Thánh Cha khích lệ người Công giáo « tái khám phá cốt yếu của đức tin » và chống lại cám dỗ « nhìn lại đằng sau ». Ở Malta, tỉ lệ thực hành đạo đã giảm sút nhiều, từ hơn 75 % vào năm 1990 cho đến hôm nay còn 40%.
Tại Đền Thánh này, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cầu nguyện, và ngài đã nhắc lại rằng « mối bận tâm chính yếu của các môn đệ của Chúa Giêsu không phải là uy tín của cộng đoàn và của các thừa tác viên của mình, ảnh hưởng xã hội, sự cầu kỳ của phụng tự ». « Mối bận tậm đánh động họ là loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô ».
Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Có một đức tin được hình thành từ những phong tục truyền lại, những cử hành long trọng, những lễ hội bình dân đẹp đẽ, những khoảnh khắc mạnh mẽ và cảm động mà thôi thì không đủ ». Đúng hơn, người Công giáo cần có « một đức tin được xây dựng và đổi mới trong cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô ».
Đức tin không phải là « giàn giáo »
Đưa ra những lời khuyên có thể được áp dụng cho mọi xã hội trong đó thực hành Công giáo đang giảm sút, ngài đã kêu gọi không bám lấy một quan niệm văn hóa về đức tin, với nguy cơ nó giống như một « giàn giáo » đơn giản mà đằng sau đó « đức tin già đi ».
« Quả thật, một tủ quần áo trang nhã với các đồ trang trí tôn giáo không phải lúc nào cũng tương ứng với một đức tin sống động được thúc đẩy bởi sự năng động của việc loan báo Tin Mừng », Đức Thánh Cha cảnh giác. « Cần phải canh chừng để các thực hành tôn giáo không bị giảm thiểu thành một sự lặp đi lặp lại một kho tư liệu trong quá khứ, nhưng diễn tả một đức tin sống động, cởi mở, lan tỏa niềm vui Tin Mừng, vì niềm vui của Giáo hội, đó là loan báo Tin Mừng ».
Trở về với Giáo hội nguyên thủy : tình yêu của Thiên Chúa và đón tiếp tha nhân
Mời gọi nhìn vào gương Giáo hội sơ khai không phải để « để nhìn lại đằng sau để sao chép mô hình Giáo hội của cộng đồng Kitô tiên khởi », nhưng là « trở về với trọng tâm và tái khám phá trung tâm của đức tin : mối tương quan với Chúa Giêsu và việc loan báo Tin Mừng của Ngài cho toàn thế giới ». Đức Thánh Cha nhấn mạnh: « Trở thành một Giáo hội có tình bạn sâu xa với Chúa Giêsu và loan báo Tin Mừng của Ngài, chứ không phải tìm kiếm những không gian của sự chú ý ; một Giáo hội đặt chứng tá ở trung tâm chứ không phải truyền thống tôn giáo nào đó ; một Giáo hội muốn gặp gỡ mọi người với ngọn đèn Tin Mừng được thắp sáng chứ không tạo thành một vòng tròn khép kín ».
Trở về nguồn, đó cũng là « phát triển nghệ thuật đón tiếp ». « Trong số những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá, những lời được nói với Mẹ Người và với thánh Gioan khích lệ chúng ta hãy biến việc đón tiếp thành phong cách lâu dài của cuộc sống người môn đệ ».
Đối với Đức Thánh Cha, « việc đón tiếp nhau, không phải như là một hình thức đơn thuần nhưng nhân danh Chúa Kitô, là một thách thức thường xuyên. Trên hết, đó là một thách thức đối với các mối tương quan trong Giáo hội của chúng ta, vì sứ mạng của chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái nếu chúng ta làm việc trong tình bằng hữu và trong sự hiệp thông huynh đệ ». Tuy nhiên, « việc đón tiếp này cũng là một phép thử quyết định để chứng thực trong chừng mực nào Giáo hội đã thấm nhuần tinh thần Tin Mừng một cách hiệu quả ». Vì thế, « Đây là Tin Mừng mà chúng ta được mời gọi sống : đón tiếp, trở thành những chuyên viên về con người, thắp lên ngọn lửa dịu dàng khi cái lạnh của cuộc đời đè nặng lên những người đau khổ ».
Trong tâm tình biết ơn đối với các nhà loan báo Tin Mừng, đặc biệt người Malta, Đức Thánh Cha tuyên bố : « Anh chị em là một kho tàng trong Giáo hội và cho Giáo hội… : Để gìn giữ nó, điều thích hợp là trở về với bản chất của Kitô giáo : tình yêu của Thiên Chúa, động cơ của niềm vui của chúng ta, khiến chúng ta đi ra và đi khắp các nẻo đường thế giới ; và đón tiếp tha nhân, vốn là chứng ta đơn sơ và đẹp nhất của chúng ta trên thế giới, và do đó tiến tới, bằng cách đi khắp các nẻo đường của thế giới, vì niềm vui của Giáo hội là loan báo Tin Mừng ».
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix và Vatican.va)
Tags: Âu Châu, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- TÌNH TRẠNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ CÓ CẢI THIỆN HƠN
- BẢY CÁCH ĐỂ NÂNG ĐỠ ĐỨC PHANXICÔ ĐANG LÂM BỆNH
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ DỊP NĂM THÁNH CỦA CÁC PHÓ TẾ: PHỤC VỤ VÔ VỊ LỢI LÀ NỀN TẢNG CỦA THỪA TÁC VỤ PHÓ TẾ
- ĐỨC PHANXICÔ CÓ MỘT ĐÊM NGỦ NGON
- CHA TÂN GIÁM TỈNH XUÂN BÍCH TỈNH PHÁP DÂNG LỄ TẠ ƠN TẠI GIÁO XỨ SAINT-SULPICE
- ĐỨC THÁNH CHA VẪN NGUY KỊCH NHƯNG KHÔNG CÓ CƠN SUY HÔ HẤP MỚI
- ĐỨC PHANXICÔ CẢM ƠN VỀ SỰ CHĂM SÓC VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
- ĐÊM YÊN BÌNH CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- CHA TRYPHON BONGA, TÂN BỀ TRÊN GIÁM TỈNH CỦA CÁC LINH MỤC XUÂN BÍCH TỈNH PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ BỊ CƠN ĐAU HÔ HẤP VÀO BUỔI SÁNG
- ĐHY PAROLIN LẤY LÀM TIẾC TRƯỚC “SỰ SUY ĐOÁN VÔ ÍCH” VỀ VIỆC TỪ CHỨC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
- GIÁO THUYẾT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ PHẢI LÀ BẤT BIẾN KHÔNG?
- ĐỨC PHANXICÔ ĐÁP ỨNG ĐIỀU TRỊ, NHƯNG VẪN CÒN NGUY HIỂM
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỠ HƠN
- BỆNH VIÊM PHỔI HAI BÊN, CĂN BỆNH MÀ ĐỨC PHANXICÔ MẮC PHẢI LÀ GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ VẪN VUI VẺ BẤT CHẤP BỊ VIÊM PHỔI CẢ HAI BÊN
- “ORDO AMORIS” LÀ GÌ?
- J.D. VANCE TRÁI NGƯỢC VỚI ĐỨC PHANXICÔ: “LIỆU TRẬT TỰ CỦA TÌNH YÊU CÓ BIỆN MINH CHO VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG?”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC NGHỆ SĨ VÀ THẾ GIỚI VĂN HOÁ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ANNE LÉCU: “CÀNG QUAN TÂM ĐẾN THÁNH KINH, CHÚNG TA CÀNG QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI”