Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Hôm 11/11/2024, Tòa Thánh công bố, nhờ trí tuệ nhân tạo (AI), Vatican sẽ mang đến cho hàng triệu du khách một chuyến tham quan hấp dẫn trong lòng vương cung thánh đường được xây dựng trên lăng mộ của thánh Tông đồ Phêrô, vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo.
AI đang chuẩn bị cách mạng hóa việc tham quan Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma, một đền thờ thường xuyên đón 40 đến 50.000 người mỗi ngày. Vatican đã công bố vào ngày 11 tháng 11 về việc mở một trang web mới nhắm đến hàng triệu du khách bước qua ngưỡng cửa của vương cung thánh đường nổi tiếng nhất thế giới. Du khách cũng sẽ sớm có thể leo xuống đáy mái vòm hoành tráng để khám phá triển lãm phong phú về lịch sử và ý nghĩa của di tích. Từ ngôi mộ của thánh Phêrô Tông đồ đến đỉnh của mái vòm rộng lớn do Michel-Ange thiết kế, ngang qua tán du khổng lồ của Bernini, tất cả các tầng và kiệt tác của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô sẽ nằm trong tầm tay kể từ ngày 1 tháng 12 chỉ với những cú nhấp chuột từ người dùng Internet, và điều này với chất lượng vượt trội.
Để đạt được kết quả này, Vatican đã hợp tác với Microsoft và Iconem – chuyên gia về bảo tồn kỹ thuật số và phép đo ảnh. Tổng cộng có 400.000 bức ảnh đã được chụp để quét tất cả các góc của tòa nhà. Những chiếc máy bay không người lái bay trong và ngoài Vương cung thánh đường để thu thập hình ảnh có độ phân giải cao. Các chuyên gia cũng lắp đặt tia laser để tái tạo hoàn hảo tòa nhà theo ba chiều. Đối với Brad Smith, phó chủ tịch Microsoft, “công nghệ AI đưa chúng ta đến tương lai, nhưng nó cũng có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo tồn quá khứ của chúng ta”. Trong buổi gặp gỡ báo chí, ông vui vẻ giải thích rằng lượng dữ liệu thu thập được để thực hiện thao tác này tương đương với việc ghi không dưới 5 triệu đĩa DVD.
Ông cũng lưu ý rằng những công trình kỹ thuật số quan trọng này sẽ cho phép những người phục chế hiểu rõ hơn về Vương cung thánh đường và chăm sóc nó. Ông đảm bảo: “Nếu có một bản song sinh kỹ thuật số của Nhà thờ Đức Bà Paris trước vụ cháy, thì có lẽ việc tái thiết nó sẽ dễ dàng hơn”. Đức Hồng Y Gambetti, người chịu trách nhiệm về vương cung thánh đường, nói thêm: “Nhờ những hình ảnh, chúng tôi đã thấy có những tổ nhện nhỏ trong mái vòm mà bây giờ chúng tôi phải cố gắng loại bỏ”.
Một trang web và dự án Minecraft
Trang web sẽ sớm cung cấp cho người hành hương và du khách một chuyến tham quan phong phú đến tòa nhà dưới dạng 3D. Các phân cảnh tường thuật cũng sẽ được cung cấp bằng nhiều ngôn ngữ để kể lại câu chuyện về thánh Phêrô Tông đồ và sự phát triển của Vương cung thánh đường, mà phiên bản cuối cùng được hoàn thành vào năm 1626. Trang web mới, có sẵn trên điện thoại thông minh, sẽ cho phép bạn chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Vương cung thánh đường của bạn (thời gian, thánh lễ, lịch sử, v.v.), mà còn cho phép các tiếp cận đặc biệt như mái vòm của Vương cung thánh đường hoặc các cuộc triển lãm. Các luồng du khách cũng sẽ được chỉ ra theo thời gian thực, và các buổi chiếu phim sẽ được thiết lập để mang đến cho du khách cơ hội tối ưu hóa thời gian chờ đợi của họ.
Vatican cũng đã thông báo rằng từ tháng 1 năm 2025, những người hâm mộ trò chơi điện tử Minecraft sẽ có thể tiếp cận Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Những người chịu trách nhiệm về dự án cho biết: “Bằng cách kết hợp di sản văn hóa và trò chơi, sự hợp tác với Minecraft Education được thiết kế để tiếp cận công chúng mới và trẻ hơn”.
Triển lãm hấp dẫn
Đồng thời, Vatican sẽ mở một không gian mới về cuộc triển lãm thường xuyên dưới chân trống của mái vòm Vương cung thánh đường thánh Phêrô vốn cao tới 137 mét. Trong phong cách trang trí lộng lẫy của vương cung thánh đường, khoảng 600 du khách mỗi ngày sẽ có thể tản bộ ở độ cao 40 mét và đắm mình trong lịch sử của tòa nhà và các kiến trúc sư tài giỏi của nó (Bramante, Michel-Ange, Bernini và Raphaël, Maderno và Canova) thông qua các hình ảnh chiếu vừa say mê vừa mang tính giáo dục. Brad Smith nói: “Tôi nghĩ không có gì sẽ thay thế được [chuyến thăm tòa nhà về mặt thể lý]”. “Nhưng đến vương cung thánh đường và dạo qua triển lãm này sẽ cho bạn cái nhìn về tòa nhà ở một chiều kích mới.”
Phó chủ tịch Microsoft cũng vui mừng khi “song sinh kỹ thuật số” này sẽ cho phép hàng triệu người không thể đến Rôma có thể khám phá sự hùng vĩ của nơi này. Ông kết luận: “Chính ở đó mà công nghệ mang lại sự đóng góp lớn nhất”.
Một không gian để gặp gỡ Thiên Chúa
Cha Francesco Ochetta, thư ký của “Tổ chức Fratelli Tutti”, cơ quan điều phối dự án Microsoft, giải thích: “Chúng tôi được thúc đẩy bởi một mong muốn không chỉ đơn giản là về mặt thẩm mỹ hay liên quan đến đổi mới công nghệ”. “Nhiều người đang tìm kiếm một không gian thánh thiêng nơi họ có thể gặp nhau trước Thiên Chúa, và việc tái thiết vương cung thánh đường bằng kỹ thuật số sẽ thúc đẩy cuộc gặp gỡ này ở mọi nơi trên thế giới. Đây là lý do tại sao tầm nhìn 3D này kết nối lại kiến trúc thánh với thi thể của Thánh Phêrô và là phần mở rộng của thi thể này”.
“Vương cung thánh đường đi ra”
Cuối cùng, Đức Hồng y Gambetti chỉ ra rằng đoạn video giới thiệu dự án đã được trình chiếu cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến của ngài với các kỹ thuật viên và đối tác của Công xưởng Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, trong đó Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Vương cung thánh đường là “ngôi nhà cầu nguyện cho tất cả mọi người” và rằng nó phải chào đón tất cả mọi người. Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng việc thành lập Vương cung thánh đường ảo là một phần của kế hoạch phối hợp rộng hơn về các dịch vụ và hoạt động truyền thông, mà ngài định nghĩa là một “Vương cung thánh đường đi ra”. Ngài giải thích: “Chúng tôi đã có thể bắt đầu quá trình tin học hóa việc quản lý tài liệu, lưu trữ và nhân sự của Công xưởng. Và các nền tảng và ứng dụng đã được tạo ra để cung cấp dịch vụ cho người hành hương và du khách nhằm cải thiện trải nghiệm của họ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.” ĐHY kết luận : “Mặt khác, Giáo hội luôn làm điều này, cố gắng truyền đạt đức tin của mình vào Thiên Chúa thông qua các ngôn ngữ của thời đại và bối cảnh văn hóa mà Giáo hội thuộc về”.
Tý Linh
(theo Aleteia và Vatican News)
Tags: nghệ thuật
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO SƠ CLARE CROCKETT
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 2024: “CÓ BIẾT BAO SỰ THÁNH THIỆN KÍN ẨN TRONG GIÁO HỘI!”
- ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B: NGUỒN MẠCH CỦA MỌI SỰ CHÍNH LÀ TÌNH YÊU
- KHI CÁC GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ KHỚP VỚI HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
- MARGUERITE STERN, CỰU FEMEN, XIN LỖI NGƯỜI CÔNG GIÁO
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: “TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ TỪ BỎ VIỆC VIẾT MỘT TÔNG HUẤN? »