ƠN GỌI NÊN THÁNH PHỔ QUÁT – VIỆC PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI ; ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN – ĐỘC THÂN LINH MỤC

Written by xbvn on Tháng Mười Một 21st, 2018. Posted in Linh mục, Đại Chủng Viện Huế

Cha Jean-Marc MICAS, Bề trên Giám tỉnh Hội Linh Mục Xuân Bích Pháp, chia sẻ với các chủng sinh Đại Chủng Viện Huế

Bài 1

ƠN GỌI NÊN THÁNH PHỔ QUÁT – VIỆC PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI

Thứ 3, ngày 13.11.2018

 

Anh em chủng sinh thân mến,

Cha Giám đốc Giuse Hồ Thứ đề nghị tôi gặp gỡ quí thầy hai buổi trong tuần này để bàn về sự thánh thiện và chiều kích nhân bản trong việc đào tạo linh mục. Đề tài thứ nhất về sự thánh thiện, nằm trong bối cảnh mà quí thầy đang tiếp tục đọc và suy niệm Tông Huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô; đề tài thứ hai sẽ bàn về khía cạnh nhân bản, gợi lại thực trạng tại Giáo Hội Pháp, trong đất nước tôi (và ở những nước khác), nơi đang có những chuyện gây tai tiếng làm tổn thương hàng giáo sĩ và Giáo Hội.

Thật không dễ dàng để nói với quí thầy tất cả những điều liên quan đến các vấn đề này, cho dù chúng ta thấy có mối tương quan nào đó giữa hai đề tài… Câu hỏi đặt ra cho tôi ngay lúc này, đó là : Làm thế nào để nói về vấn đề này cho các chủng sinh Việt Nam, để họ thấy ích lợi cho họ, để họ thấy đầy đủ tầm mức phổ quát và tích cực của vấn đề này?

  1. Ơn gọi nên thánh phổ quát

Quí thầy đã biết lời nhắn nhủ của Công Đồng Vaticanô II : Ơn gọi của bí tích Thanh tẩy là ơn gọi dành cho mọi người, không trừ ai, và tất cả đều được mời gọi nên thánh. “Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng thánh” (Lv 19,2). Vì Thiên Chúa là Đấng thánh, nên chúng ta cũng phải nên thánh. Đức Giêsu đã thêm vào giới luật của Cựu Ước, giới luật nên thánh này, lời mời gọi nên hoàn thiện : “Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Vì vậy, những người đã lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, với ý thức rõ về lời mời gọi nên thánh phổ quát, phải làm hết mình, hết lòng, hết sức lực và hết trí khôn để đáp lại lời mời gọi ấy. Như thế, trở thành Kitô hữu thì phải làm tất cả để theo Đức Kitô, mẫu gương thánh thiện và hoàn hảo, phải làm tất cả để bắt chước Đức Kitô, Đấng là Đường duy nhất về với Chúa Cha. Đó là ơn gọi của mọi người đã được rửa tội.

Anh em chủng sinh thân mến, cách đây mấy tháng, Cha Bề Trên Tổng quyền Hội Các Linh Mục Xuân Bích đã tới Chủng Viện của quí thầy để kinh lý theo Giáo luật, được Hiến Pháp của Hội qui định, là cứ 6 năm một lần. Trong dịp thăm viếng đó, ngài đã trình bày cho quí thầy một vài nét chính yếu trong tài liệu mới của Bộ Giáo Sĩ về việc Đào tạo Linh mục (Nouvelle Ratio Fundamentalis), được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ấn kí ngày 8/12/2016.

Tài liệu mới của Bộ Giáo Sĩ tái cơ cấu việc đào tạo linh mục trên toàn thế giới, nhưng nhắc lại những yếu tố nền tảng không thay đổi, đó là việc đào tạo linh mục đòi phải có thời gian. Việc đào tạo này được tổ chức trong bối cảnh đời sống cộng đoàn được chia sẻ giữa chủng sinh và các nhà đào tạo trong chủng viện và nó được phát triển xoay quanh bốn chiều kích nền tảng trong việc đào tạo là : nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ; bốn chiều kích này luôn phải được đặt lên hàng đầu trong suốt những năm đào tạo. Vì vậy, tài liệu nhắc lại những yếu tố nền tảng nhưng cũng giới thiệu một số điểm mới, nhấn mạnh đến những mầu sắc mới và cách tiếp cận mới trong việc đào tạo linh mục.

Một trong số những điểm mới của tài liệu này là việc đổi tên các chu kì trong thời gian đào tạo. Trước đây (bây giờ vẫn còn!), người ta nói đến giai đoạn dự tu, đến chu kì triết họcchu kì thần học. Đức Giáo Hoàng không muốn người ta gọi như vậy nữa. Tại sao ? Bởi vì khi nói đến chu kì triết học hay chu kì thần học dường như nó tạo nên cảm tưởng rằng điều chính yếu của việc đào tạo chỉ nhắm đến chiều kích tri thức. Do đó, nếu ai thành công trong lãnh vực tri thức, thì người đó đủ khả năng theo học và rồi đủ khả năng làm linh mục. Đức Giáo Hoàng nói rằng : không, không phải chỉ có như thế là được làm linh mục… Có lẽ quí thầy đã biết một công thức qui chiếu, giúp hiểu ý tưởng của Đức Giáo Hoàng vừa nói, đó là : Để làm một linh mục thì phải là một Kitô hữu trước đã và để làm một Kitô hữu thì trước hết phải là một con người. Như thế, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng các giai đoạn trong việc đào tạo linh mục phải nhắm đến điều đó … Các chiều kích trong việc đào tạo linh mục nhằm phục vụ thực tế đơn giản này.

Cũng theo tài liệu này, có năm giai đoạn trong việc đào tạo linh mục : sau giai đoạn dự tu (giai đoạn đầu tiên) là giai đoạn được gọi là đào tạo “trở thành môn đệ” và giai đoạn thứ hai này tương ứng với chu kì triết học trong chủng viện. Việc học trong giai đoạn này được đặt nền tảng trên triết học, nhưng đó không phải là điều chính yếu trong việc đào tạo. Điều chính yếu trong việc đạo tạo ở giai đoạn này phải được bén rễ sâu trong đời sống kitô hữu, trong ơn gọi của bí tích Thanh tẩy và trong lời đáp trả lời mời gọi nên thánh phổ quát.

            Một chủng sinh ở chu kì triết học có thể rất xuất sắc về kiến thức, nhưng đời sống kitô hữu lại không vững vàng đủ, không xứng đáng, không có chiều sâu và không tốt đủ thì cũng không thể có chỗ trong chủng viện được. Khi đề cập vấn đề này, Đức Giáo Hoàng cũng thấy điều đó có thể làm đảo lộn những thói quen, chẳng hạn, làm thế nào để đánh giá một chủng sinh một cách khách quan ? Ít nhất là những điều có thể thấy rõ cách khách quan và cụ thể, đó là việc học hành, thi cử … Tuy nhiên, theo Đức Giáo Hoàng, điều đó chưa đủ. Từ nay, chu kì triết học được gọi là giai đoạn đào tạo những môn đệ thừa sai (disciple missionnaire). Để trở thành linh mục, trước hết phải là Kitô hữu, và phải là một Kitô hữu sống ơn gọi bí tích Thanh tẩy, nghĩa là : được mời gọi nên thánh và trở nên chứng nhân truyền giáo.

            Giai đoạn tiếp theo, giai đoạn thứ ba của tiến trình đào tạo từ nay được gọi là giai đoạn đồng hình đồng dạng mục vụ (configuration pastorale). Trong giai đoạn này, chủng sinh vừa theo chương trình thần học vừa để cho mình được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Mục tử, Phu quân, là Đầu của Giáo Hội và là Tôi tớ phục vụ Dân Người.

            Giai đoạn thứ bốn là thời kỳ tổng hợp ơn gọi (synthèse vocationnelle): đây là thời gian chủng sinh nhìn lại tiến trình theo đuổi ơn gọi trong ba giai đoạn nêu trên… Cuối cùng, giai đoạn thứ năm là giai đoạn thường huấn (formation permanente) trong suốt đời linh mục. Tôi không đào sâu vấn đề này vì quí thầy đã được nghe nói đến và sẽ còn được nghe nữa …

            Phần tôi, tôi muốn nói với quí thầy hai điều để đáp lại lời yêu cầu của Cha Giám đốc. Trong buổi này, tôi sẽ nói về ơn gọi linh mục và buổi sau (chiều thứ sáu tới), tôi sẽ nói về chiều kích nhân bản trong việc đào tạo, cách riêng là vấn đề độc thân linh mục.

  1. Việc phân định ơn gọi

            Để làm một linh mục thì phải là một Kitô hữu trước đã và để làm một Kitô hữu thì trước hết phải là một con người.      

Quí thầy có biết các nhà đào tạo hiện diện ở đây để làm gì không? Đâu là sứ mạng mà Giáo Hội trao cho các ngài trong chủng viện này ? Quí thầy có biết chủng viện được dùng để làm gì không ? Nếu tôi đặt cho quí thầy những câu hỏi như trên, quí thầy có thể trả lời dễ dàng: Thưa, để đào tạo các linh mục. Đúng, chủng viện được dùng để đào tạo các linh mục và các nhà đào tạo hiện diện ở đây là để giúp chúng ta trở thành các linh mục. Thế nhưng, đó mới chỉ là một phần thôi. Thật ra, chủng viện và các nhà đào tạo có sứ mạng kép, đó là : phân định ơn gọi và đào tạo những người có ơn gọi làm linh mục. 

            Phân định ơn gọi là bởi vì, để trở thành linh mục thì trước hết, phải là một Kitô hữu, một Kitô hữu tốt có ơn gọi làm linh mục. Tất cả những Kitô hữu tốt không đương nhiên có ơn gọi làm linh mục (thật là may !). Cần phải trở thành một Kitô hữu tốt để làm linh mục, nhưng một Kitô hữu tốt không đương nhiên trở thành linh mục …    

Vậy đâu là ơn gọi linh mục ? Thần học trình bày hai phạm trù gồm những yếu tố căn bản : những yếu tố chủ quan và những yếu tố khách quan. Nói cách khác, đó là những yếu tố cá nhân và những yếu tố mang tính Giáo Hội. Nói cách khác nữa, người ta bàn về những lôi cuốn bên trong, mang tính cá nhân, chủ quan để sống ơn gọi này, và về những khả năng khách quan được Giáo Hội chuẩn nhận. Một đàng, đó là ý ngay lành, và đàng khác, đó là khả năng thủ đắc để có thể chu toàn thừa tác vụ. Quí thầy biết rằng trong nghi lễ truyền chức, câu hỏi mà Đức Giám Mục đặt ra liên quan đến khía cạnh thứ hai, đó là yếu tố khách quan: « Cha có biết thầy này đủ khả năng đòi hỏi không ? ».

Về những khả năng đòi hỏi thì khá dễ dàng để kiểm chứng, trao đổi, đào tạo, làm cho lớn lên và lượng giá được… Điều này được thực hiện qua nhiều giai đoạn khác nhau trong suốt tiến trình đào tạo. Đó là những khả năng mà chủng sinh thủ đắc và đây mới chỉ là yếu tố khách quan của ơn gọi. Chúng ta có thể tìm thấy trong các tài liệu về đào tạo, trong Công đồng và ngay cả trong Tin Mừng, một danh sách liệt kê khá dài về những điều liên quan đến khả năng thủ đắc này … Khả năng lãnh đạo, khả năng hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu, những khả năng nhân bản và thiêng liêng để có thể sống tương quan với mọi người, khả năng giải thích Lời Chúa chính xác và trình bày những điều Giáo Hội dạy, khả năng phân định, khả năng khuyên bảo các tín hữu trong việc đồng hành cá nhân, trong hoàn cảnh của những người sống bậc hôn nhân hay trong bối cảnh của bí tích giao hòa…Tất cả những khả năng nhân bản và thiêng liêng này làm nên một linh mục có đủ phẩm chất, đủ khả năng để chu toàn thừa tác vụ linh mục. 

            Vấn đề nhức nhối trong việc phân định ơn gọi lại là yếu tố chủ quan gồm ý hướng ngay lành và những động lực thúc đẩy. Tôi xin phép hỏi quí thầy : Tại sao quí thầy muốn làm linh mục? Trong câu trả lời, quí thầy sẽ thấy khía cạnh chủ quan của ơn gọi, đó là ý hướng của quí thầy …  Quí thầy có thể nói là Giáo Hội gọi quí thầy làm linh mục, nhưng đâu là những lý do sâu xa nhất trong lòng quí thầy muốn làm linh mục? Để trả lời cho câu hỏi này, hai tác nhân cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần : một đàng, chính quí thầy là chủng sinh được cha linh hướng giúp đỡ ở tòa trong (for interne) và đàng khác, ở tòa ngoài (for externe) là các nhà đạo tạo của quí thầy.

            Chính quí thầy, ở tòa trong, nghĩa là trong tâm khảm và với lương tâm ngay thẳng quí thầy phải tự hỏi về ý hướng ngay lành của mình : Ước muốn trở thành linh mục của tôi có phải đến từ Thiên Chúa hay không ? Ước muốn đó có thể và phải đến từ Thiên Chúa, nhưng nó cũng có thể chỉ đến từ con người, từ chính quí thầy, từ gia đình, từ các cộng đoàn, và nó có thể đến từ cha xứ hay thậm chí từ chính Giám mục của quí thầy. Trong trường hợp đó, không có tự do thiêng liêng đúng mức và cũng trong trường hợp đó, không có ơn gọi đích thực. Vậy, đâu là những dấu chỉ cho thấy một ơn gọi đến từ Thiên Chúa? Đó là cần phải để ý tới thực tại của đời sống thiêng liêng : lòng nhiệt tình, niềm vui và sự thăng tiến trong đời sống … Nếu không có tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, không có niềm vui trên bước đường tiến tới thừa tác vụ linh mục, nếu không sẵn sàng làm theo những chỉ dẫn của Cha Giám đốc nhân danh Hội đồng chủng viện đòi hỏi, hay nếu bị ngăn trở nho nhỏ (chẳng hạn, điểm kém hay một ngăn trở vì làm điều gì đó mà mình muốn, như mình muốn, khi mình muốn…) làm phát sinh sự giận dữ, đau khổ, buồn phiền, thì có thể thấy rằng Thiên Chúa không thực sự hiện diện ở đó.

Tôi nhớ đến một số chủng sinh đã vào Chủng viện Toulouse nơi tôi đã từng làm Giám Đốc. Họ bị thúc đẩy vì lợi lộc hay tham vọng do chính họ hay do gia đình họ. Với tư chất thông minh, họ học rất tốt; họ rất trung thành với các giờ thiêng liêng ở nhà nguyện hay với nội qui của chủng viện, nhưng họ lại không phải là người bạn tốt xét về nhân bản, không có đời sống thiêng liêng sâu xa, không tiến bộ và thiếu niềm vui … Thế rồi, một ngày kia, họ đã rời chủng viện mà không nói một lời, bị kiệt sức… nhưng họ cũng không dám trở về với cộng đoàn và với gia đình của họ bởi vì họ cảm thấy bị thất bại, không thực hiện được ước muốn mà chính họ đề ra…

Tự do thiêng liêng, tự do nội tâm rất quan trọng và đây còn là điều chính yếu trong đời sống ơn gọi. Một người có thể trở thành linh mục, nhưng người ấy có thể sẽ không là một linh mục tốt. Có thể, linh mục ấy sẽ sớm trở thành một linh mục gây gương mù gương xấu trước mắt giáo dân, có thể sống với phụ nữ và có con, yêu thích tiền bạc, xe cộ sang trọng, sống theo kiểu thế gian và xa với những giá trị của Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng nhắc lại : Giáo Hội không cần những linh mục như thế…

tòa ngoài, việc phân định ơn gọi mà các nhà đào tạo phải quan tâm cũng gồm chính những điều vừa nói : tất nhiên, nhà đào tạo sẽ phải chú ý đến những khả năng của chủng sinh mà tôi đã nói trên, nhưng ngài còn phải xét xem những động lực ơn gọi của chủng sinh thực sự đến từ Thiên Chúa hay không. Nếu một chủng sinh đón nhận cách tích cực những nhận xét của nhà đào tạo, rồi cố gắng phát huy và thể hiện ra bên ngoài bằng niềm vui, thì chắc chắn rằng chủng sinh ấy được Thiên Chúa hướng dẫn. Nhưng ngược lại, nếu chủng sinh ấy cứng lòng, kiêu căng, che giấu được càng nhiều càng tốt, qua mặt nhà đào tạo bao nhiêu có thể … thì chắc chắn chủng sinh ấy được hướng dẫn bởi điều khác chứ không phải bởi Thiên Chúa… Chính nhờ sự phân định thiêng liêng mà các nhà đào tạo có thể soi sáng, giúp cho Đức Giám Mục quyết định kêu gọi và truyền chức linh mục cho một người nào đó.

            Như vậy, tòa trong và tòa ngoài (chủng sinh được trợ giúp bởi cha đồng hành thiêng liêng và các nhà đào tạo) luôn đi chung với nhau, cùng chú ý tới những động lực chủ quan (ý hướng ngay lành, sức hấp dẫn thiêng liêng hướng tới chức linh mục), tới những khả năng khách quan để quyết định chính xác một ơn gọi làm linh mục. Nếu chỉ có ý hướng ngay lành mà không có khả năng khách quan thì cũng không có ơn gọi, bởi vì Đức Giám Mục sẽ không gọi người ấy làm linh mục. Ngược lại, nếu chỉ có khả năng khách quan mà không có ý hướng ngay lành thì cũng không có ơn gọi, bởi vì như vậy, Đức Giám Mục cũng sẽ không gọi người ấy làm linh mục được. Vậy, để được Đức Giám Mục kêu gọi cần phải có hai điều : lời mời gọi đích thực đến từ Thiên Chúa và lời mời gọi được thúc đẩy bởi những đánh giá tích cực từ phía Đức Giám Mục (những khả năng tích cực và không chỉ là không có vấn đề gì – Đức Giáo Hoàng đã nói như thế khi trích Giáo Luật khoản 1052 §1).

Chắc chắn rằng, ở các nước, trong đó có Việt Nam, các nhà đào khó có thể biết rõ từng người trong các thầy. Nói một cách lý thuyết, đó sẽ không phải là vấn đề lớn, bởi vì việc phân định ơn gọi không phải là để tìm ra những vấn đề, nhưng là để khám phá những lý do tích cực để giới thiệu một ứng viên với Đức Giám Mục. Bình thường mà nói, nếu các nhà đào tạo không hiểu quí thầy đầy đủ, không tìm thấy những lý do tích cực, thì các ngài cũng không dám giới thiệu quí thầy với Đức Giám Mục… Trong thực tế, chúng ta biết rõ điều này: khi không có lý do để dừng lại, thì người ta để cho tiến bước. Thật vậy, Giáo Luật và cả bản văn mới được Đức Giáo Hoàng ấn ký muốn thay đổi tâm thức, cụ thể là: thay đổi tâm thức đào tạo và thay đổi tâm thức của chủng sinh. Tại sao phải thay đổi? Bởi vì có quá nhiều vấn đề, có quá nhiều gương mù gương xấu và bởi vì Giáo Hội bị tổn thương quá nặng nề về vấn đề này. Chắc chắn cần phải có thời gian, nhưng điều tiên quyết là: Giáo Hội cần những linh mục thánh thiện và Giáo Hội cung cấp những phương tiện để đào tạo các linh mục cho dân Chúa và cho thế giới.

Trong lần huấn đức sau, vào chiều thứ sáu, tôi sẽ chia sẻ với quí thầy về vấn đề độc thân linh mục trong Giáo Hội Công Giáo.

 

 

 

Bài 2

ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN – ĐỘC THÂN LINH MỤC

Thứ sáu, ngày 16.11.2018

 

Trước hết, tôi xin nhắc lại câu nói mà tôi đã chia sẻ với quí thầy trong buổi huấn đức hôm trước, đó là : Để làm linh mục thì phải là một Kitô hữu trước đã và để làm một Kitô hữu thì trước hết phải là một con người.

Như quí thầy đã biết, vào năm 1992, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis đã trình bày chiều kích nhân bản như là khía cạnh khởi đầu và nền tảng của bốn chiều kích trong việc đào tạo các linh mục.

Năm 2016, tài liệu mới của Bộ Giáo Sĩ về việc đào tạo Linh mục (Nouvelle Ratio) đã lấy lại điều vừa nêu trên và còn nhấn mạnh hơn nữa về chiều kích nhân bản này (số 93)[1]. Chiều kích nhân bản bàn về vấn đề trưởng thành nhân cách, về những đức tính nhân bản mà một linh mục phải có để có thể phục vụ con người và cộng đoàn trong sứ vụ được trao phó. Quí thầy có thể biết nguyên tắc đã được thánh Tôma Aquinô nhắc lại : « Ân sủng không thay thế tự nhiên nhưng hoàn thiện bản tính tự nhiên »[2]. Trong số những đức tính tốt cần phải đắc thủ, chúng ta có thể kể ra : đức khiêm tốn, lòng can đảm, tính thực tiễn, lòng tốt, phán đoán ngay thẳng, óc phân định, lòng khoan dung, sự trong sáng, yêu mến sự thật và lòng trung thực… Khía cạnh nhân bản có thể còn bàn về mặt thể chất, như sức khỏe thể lý, sức khỏe tâm lý để có thể tạo nên một nhân cách ổn định, bền vững, giúp sống quân bình về tình cảm, giúp đời tính dục được đảm nhận đúng đắn và giúp đời sống luân lý ngay thẳng. Khía cạnh nhân bản còn đòi hỏi phải có những khả năng giao tiếp lành mạnh, có cảm thức về cái đẹp nữa …

Ở số 147, tài liệu mới này dạy rằng đừng do dự mời các nhà chuyên môn tâm lý đánh giá về nhân cách của chủng sinh, để rồi có thể phát hiện những vấn đề nếu có và giúp họ phát triển sự trưởng thành nhân bản. Thật vậy, Chủng viện phải làm tất cả để giúp cho các chủng sinh có thể đạt được mức độ trưởng thành đủ trước khi quyết định dấn thân trong đời sống linh mục. Đây là điều bắt buộc vì sự tự do nhân phẩm và vì lợi ích của Giáo Hội. Trong ý hướng đó, ở số 94, tài liệu nhấn mạnh đến việc « tạo nên một nhân cách bền vững, với những nét đặc thù là : quân bình tình cảm, tự chủ và đời sống tính dục được đảm nhận đúng đắn ». Đặc biệt, chúng ta biết rằng, trưởng thành về tình cảm là chìa khóa để cân bằng nhân cách của một con người. Khi chúng ta nói đến trưởng thành về tình cảm, chúng ta cũng nói đến trưởng thành về tính dục vì cả hai có liên hệ mật thiết với nhau …

Vậy, Chủng viện làm thế nào để có thể giúp các chủng sinh đạt tới mức độ trưởng thành đủ về tình cảm và tính dục nhờ đó họ có thể tự do dấn thân trong đời sống độc thân của linh mục trong Giáo Hội Công giáo ? Về vấn đề này, chúng ta có những giáo huấn của Giáo Hội, nhưng thật không dễ dàng để nói về vấn đề này đâu. Bởi vì, tùy theo một số nền văn hóa, vấn đề này còn rất cấm kị : người ta không nói cách dễ dàng được, cũng không nói công khai, và ngay cả trong linh hướng người ta cũng không đề cập đến. Từ một số năm trở lại đây, trong các Chủng viện ở Pháp, vấn đề tế nhị này đã được các bác sĩ và các nhà tâm lý giảng dạy. Việc giảng dạy này giúp cho các chủng sinh hiểu đúng về cung cách ứng xử của một người được phát triển trên bình diện tâm lý và tính dục, biết được những qui luật chung của sự phát triển này và có được những thông tin đầy đủ về những điều liên quan tới tính dục. Việc giáo dục này không chỉ đem lại những thông tin như vừa nói, mà còn giúp cho các chủng sinh tự đánh giá chính mình và giúp họ ý thức hơn về sự phát triển về tâm lý và tình cảm trong họ.

Đâu là trưởng thành về mặt tình cảm ? Người ta có khuynh hướng giảm thiểu tình cảm vào tình yêu tính dục … Trong mạc khải Kitô giáo, chúng ta biết rằng quan hệ dục tính giữa một người nam và một người nữ (chỉ trong quan hệ dục tính hợp pháp) là cách diễn tả tình yêu giữa vợ chồng. Trưởng thành về mặt tình cảm đạt được khi người ta đã hiểu rằng hành vi tính dục trong thực tế còn rộng hơn tình yêu trong đời sống hôn nhân. Nếu không hiểu như vậy, thì tính dục có thể là một điều ám ảnh, một xung năng, một loạt những ước muốn rắc rối … Đối với một chủng sinh, điều quan trọng là phải hiểu vấn đề, nắm bắt vấn đề này và phải biết sống trong tương quan với những người nam, người nữ hay trẻ em để thể hiện một nhân cách quân bình và trưởng thành. Chỉ khi hiểu được điều kiện này thì chủng sinh mới có thể dấn thân trong đời sống độc thân. Thật vậy, nếu không có sự trưởng thành này thì những cám dỗ (sẽ thường xuyên trong suốt cuộc đời) sẽ rất mạnh và sẽ làm phát sinh những thái độ tự vệ là : lạnh lùng, xa cách quá đáng, vụng về, khó khăn …

Đối với một linh mục, độc thân là gì ? Đây không phải là một sự trốn chạy những vấn đề liên quan đến tình cảm. Độc thân đối với linh mục là một sự dấn thân để yêu một cách rộng rãi, hơn là chỉ yêu một người vợ hay một gia đình mà thôi. Trong đời sống độc thân, linh mục sẽ đem tất cả nhân cách của mình, tình cảm của mình để phục vụ anh chị em trong Đức Giêsu Kitô như một hồng ân của chính mình, hồng ân tình yêu (tình yêu không dục tính). Trong hồng ân này, có tình yêu, có tôn trọng, có quan tâm tới người khác, có cảm thông, có tha thứ như trong tương quan vợ chồng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh khía cạnh này khi bàn đến sự độc thân của các linh mục vốn là những người được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, phu quân của Giáo Hội. Tuy nhiên, như người chồng đã cưới vợ, linh mục phải cẩn thận đừng để cho lời nói, cử chỉ và tư tưởng của mình mập mờ đối với những người khác không phải là người vợ mình. Tôi nghĩ rằng quí thầy đã được nghe và được căn dặn phải rất thận trọng với internet, lời nói, cử chỉ và ngay cả cách ăn mặc … Điều mà tôi muốn quí thầy nắm bắt ở đây, đó chính là ý nghĩa tích cực của vấn đề độc thân linh mục : đây là một cách diễn tả khác của một tình yêu vợ chồng. Một cách diễn tả hoàn toàn, vừa đòi hỏi nhiều tình yêu và nhiều hồng ân của chính mình, vừa đòi hỏi từ bỏ tất cả những hành vi dục tính. Vì thế, cần phải có khá đủ trưởng thành nhân bản và tình cảm để có thể đưa ra quyết định cho đời sống độc thân.

            Làm thế nào để đời sống trong Chủng viện giúp đạt tới trưởng thành về mặt tình cảm và tính dục ? Đây là một câu hỏi quan trọng. Đời sống trong Chủng viện cho phép khám phá ra nhân cách của chủng sinh : chúng ta học để tự biết mình qua những tương quan trong đời sống với người khác. Những trao đổi, những tranh luận, ngay cả những chống đối, rồi tình bạn bè, những tương quan tốt đẹp được dệt nên giữa các chủng sinh, cũng có thể giúp hiểu mình nhiều hơn và giúp chọn lựa cách sống. Quí thầy hãy đặt vấn đề và hãy trao đổi vấn đề này với cha linh hướng ! Đời sống trong Chủng viện còn cho phép kiểm chứng về khả năng để sống một mình : Tôi có thể chịu đựng được đời sống đơn lẻ không hay tôi chạy trốn nó ? Quí thầy hãy đặt vấn đề và hãy bàn về vấn đề này với cha linh hướng !

          Để kết luận, tôi đề cập đến hai điều đặc biệt, đó là : vấn đề đồng tính và ấu dâm (lạm dụng tình dục trẻ em).

            (1) Đồng tính : Tại sao phải nói về đồng tính ? Bởi vì nó hiện hữu. Phải nói về đồng tính, vì nó có mặt ở khắp nơi trong xã hội, trong mọi nền văn hóa ; vì nó hiện diện trong Giáo Hội, nơi các linh mục và nếu như thế, chắc chắn nó cũng hiện diện nơi các chủng sinh. Tại sao phải nói về đồng tính ? Bởi vì Giáo Hội đã bàn đến vấn đề này và tuyên bố rằng những người đồng tính không được truyền chức linh mục. Xin lưu ý ở đây. Khi Giáo Hội nói đều này, Giáo Hội không có ý nói là chỉ cần đủ bản năng tình dục khác giới thì không có vấn đề gì. Những con số thống kê cho thấy có nhiều vụ gây gương mù gương xấu đối với các linh mục có vợ hơn là đối với các linh mục đồng tính …

Vậy, đồng tính là gì ? Đó là sự hấp dẫn đối với những người cùng một phái tính. Hấp dẫn được thể hiện trong đời sống thực tế hoặc thuần túy trong những giấc mơ hay ước muốn. Người ta có thể trở thành một người đồng tính thực sự mà không có quan hệ dục tính … Trong văn hóa Tây phương, đây là điều rất khó nói đến, bởi vì đồng tính được coi như một cách để thể hiện giới tính của một người, một cách như những cách khác. Trong văn hóa của quí thầy, điều này cũng rất khó để bàn đến, bởi vì đây là một chủ đề cấm kị. Nhưng Giáo Hội đã nói đến thì chúng ta cũng phải nói … Trong tâm lý học, người ta cho rằng đồng tính là vì một sự bất toàn trong tiến trình trưởng thành tâm lý, tình cảm và giới tính. Vì một lý do chưa rõ, sự phát triển về tình cảm ngưng lại và nó không đi tới sự ước muốn người khác phái. Vì lý do đó, Giáo Hội quyết định không truyền chức linh mục cho một người đồng tính, bởi vì linh mục có vai trò giới thiệu Đức Kitô, một người hoàn hảo, đầy đủ, phu quân của Giáo Hội. Nếu quí thầy có khuynh hướng đồng tính, quí thầy phải nói cho cha linh hướng biết để phân định xem đó có phải là đồng tính ở một giai đoạn nào đó, có tính nhất thời, có tính chuyển tiếp, hay đó là sự đồng tính đã ăn rễ sâu từ bản chất. Trong trường hợp thứ nhất (đồng tính ở một giai đoạn), phải bỏ qua giai đoạn này và chủng sinh có thể theo đuổi tới chức linh mục. Nhưng trong trường hợp thứ hai (đồng tính từ bản chất), Giáo Hội đề nghị phải dừng lại. Xin lưu ý: đừng có tin vào vẻ bề ngoài … Một người có dáng vẻ bề ngoài rất nữ tính thì không nhất thiết là một người đồng tính, và một người đồng tính có thể rất là đàn ông!

(2) Ấu dâm. Đây là điều hoàn toàn khác.

            Ở đây tiến trình trưởng thành tâm lý và tình cảm đã bị chặn lại từ rất sớm và nó ở lại với giai đoạn trẻ con. Thêm vào đó là một sự đồi bại : người lớn dùng quyền luân lý hay thể lý ép buộc trẻ em, đe dọa, để bắt trẻ em làm trò chơi tính dục. Người lớn lợi dụng trẻ em và khẳng định rằng trẻ em đã đồng ý. Chúng ta không thể hiểu được người ta làm điều tồi tệ như thế nào. Luật của xã hội và của Giáo Hội đã rõ : Người này phạm tội, một tội ác đáng phải trừng phạt nặng nề. Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất nghiêm khắc với vấn đề này và Ngài đã tuyên bố rằng không bao giờ Giáo Hội khoan dung với những thái độ như thế này nơi các linh mục. Đã có nhiều người không biết điều này và có nhiều yếu đuối nơi những người lãnh đạo tôn giáo, nhưng vấn đề đang được thay đổi và sẽ tốt hơn, ngay cả khi những gương mù gương xấu làm tổn thương Giáo Hội rất nhiều thì chắc chắn cần phải có nhiều thời gian để chữa lành các vết thương ấy.

Dù sao đi nữa, để không phải kết thúc với ghi nhận tiêu cực này, tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng cần phải trở nên người lương thiện, trung thực và thành thật: Để làm linh mục thì phải là một Kitô hữu trước đã và để làm một Kitô hữu thì trước hết phải là một con người. Tất cả việc đào tạo dạy chúng ta phải đạt tới chín muồi về điều đó và giúp chúng ta biết phân định đúng đắn. Chúng ta phải tin vào Giáo Hội và phải tận dụng sự trợ giúp mà Giáo Hội dành cho chúng ta, đặc biệt là trong việc linh hướng, để chúng ta trình diện trước mặt Thiên Chúa, trước mặt Giáo Hội, trước mặt anh chị em trong sự vui vẻ và chân thật càng nhiều càng tốt, có như thế chúng ta mới được hạnh phúc trong ngày phán xét cuối cùng !

 

Lm. Gioan B. Nguyễn Văn Hào chuyển ngữ

 

[1] BỘ GIÁO SĨ, Đào Tạo Linh Mục. Hông ân ơn gọi Linh mục (Ratio Fundamentalis institutionis sacerdotalis 2016), bản dịch của Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2017, tr. 193.

[2] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I,q.2,a.2, ad 1.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Ba 2024
H B T N S B C
« Th2    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31