PAOLO BENANTI: “ĐỐI VỚI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, TRÍ TUỆ NHÂN TẠO LÀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI”

Written by xbvn on Tháng Sáu 18th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Lần đầu tiên, Đức Phanxicô đã tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, được tổ chức từ Thứ Năm ngày 13 tháng Sáu đến Thứ Bảy ngày 15 tháng Sáu tại Puglia của Ý. Ngài phát biểu vào thứ Sáu trong một phiên họp về trí tuệ nhân tạo. La Croix đã gặp nhà thần học người Ý, người đã tư vấn cho Đức Thánh Cha về chủ đề này, chủ đề mà Giáo hội vẫn đang tìm kiếm con đường phải theo.

La Croix: Cá nhân Đức Giáo hoàng có quan tâm đến trí tuệ nhân tạo (AI), một chủ đề mà ngài phải phát biểu vào thứ Sáu ngày 14 tháng Sáu tại hội nghị thượng đỉnh G7 không?

Paolo Benanti: Điều ngài quan tâm nhất, bất kể chủ đề gì, là tác động đến người nghèo. Tất nhiên, ngài thiếu kiến ​​thức kỹ thuật, nhưng ngài hiểu rằng AI có thể có tác động rất lớn đến tình trạng nghèo đói. Như vậy, trong mắt ngài, nó là một phần của các vấn đề xã hội, như người di cư hay môi trường.

La Croix: Khoảng mười năm trước, suy tư của Công giáo về kỹ thuật rất tập trung vào chủ nghĩa siêu nhân (transhumanisme) và rất phê phán. Ngày nay, AI dường như được Giáo hội đón nhận một cách ưu ái hơn. Tại sao lại có sự thay đổi giọng điệu này?

Paolo Benanti: Bởi vì đó là hai thứ khác nhau. Chủ nghĩa siêu nhân là một triết lý và một ý thức hệ. Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ. Tự nó không có vấn đề gì, nhưng vì những ảnh hưởng của nó đối với xã hội và ý định của những người sử dụng nó. Một “trợ lý ảo” ẩn mình trong điện thoại di động có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của thanh thiếu niên, nếu nó khuyến khích họ đưa ra những lựa chọn tồi tệ, nhưng nó cũng có thể cứu sống một người già, nếu họ gặp tai nạn và họ dùng nó để gọi điện để được giúp đỡ. Chúng ta có thể có ý kiến dứt khoát về một ý thức hệ, chứ không phải về công nghệ.

La Croix: Trong Sứ điệp hòa bình được đưa ra vào ngày 1 tháng Giêng vừa qua – một cách nào đó, bài phát biểu đầu tiên của ngài về AI – tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh sự kiện rằng công nghệ không phải là trung lập. Chẳng phải nó định hình thế giới ở nơi nó được đưa vào sao?

Paolo Benanti: Hãy lưu ý, bài phát biểu này thực sự là về hòa bình: nó hoàn toàn không phải là một chuyên luận có hệ thống về AI! Nói như vậy, tôi là người đầu tiên nói rằng không có thứ gọi là công nghệ “trung lập”. Mọi đối tượng công nghệ đều tạo ra sự thay đổi quyền lực. Ví dụ, cách đây một thế kỷ, ô tô đã tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của một không gian công cộng “được tạo ra cho nó”, điều này không mấy bận tâm đến mong muốn dùng ôtô của mỗi cá nhân hay không.

Nhưng không phải vì công nghệ không trung lập mà nó xấu. Theo kinh nghiệm của tôi, các doanh nghiệp không phải là kẻ thù của điều tốt: nhiều doanh nghiệp tìm kiếm đối thoại trung thực và cởi mở. Tất nhiên, điều này không đảm bảo rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Nhưng theo lời của Đức Thánh Cha, việc có sự phân định giờ đây là một phần của công việc kinh doanh.

La Croix: Đôi khi người ta nói đến việc “rửa sạch đạo đức” (éthique-washing), hệ tại việc các doanh nghiệp trấn an công chúng trong khi tiếp tục triển khai hệ thống của họ. Cha có thấy cách tiếp cận của họ liên quan đến đạo đức công nghệ có chân thành không?

Paolo Benanti: Đạo đức sẽ không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nó có thể mang lại những tác động tích cực. Việc tuân thủ các nguyên tắc như vậy thực sự mang lại cho các công ty lợi thế về mặt điều tiết thị trường: họ biết rằng sau đó họ sẽ tốn ít chi phí hơn khi đặt mình tuân thủ.

Đạo đức cũng mang lại ý nghĩa cho lao động, vào thời điểm mà nhiều công nhân muốn đóng một vai trò tích cực trong xã hội. Điều này đúng đối với người Công giáo cũng như đối với những tín đồ của các tôn giáo khác. Đây là lý do tại sao lời kêu gọi của Rôma về đạo đức AI (sáng kiến ​​của Vatican được thực hiện vào năm 2020, ghi chú của biên tập viên) đã được mở rộng cho người Hồi giáo và Do Thái vào năm 2023, cũng như cho các tôn giáo khác vào tháng Bảy tới.

Dù sao, tôi thấy rõ ràng rằng chúng ta không được để các doanh nghiệp chiếm hữu vấn đề đạo đức. Điều này có nghĩa quyết định rằng chúng ta không muốn đạo đức này. Tôi rõ ràng hiểu rằng các doanh nghiệp rất quan tâm đến chủ đề này, nhưng chúng ta không được nhượng bộ về vấn đề này.

La Croix: Đâu là nét đặc thù của cái nhìn Công giáo về AI?

Paolo Benanti: Việc đưa ra các văn bản Huấn quyền cần có thời gian. Còn quá sớm để mong đợi một suy tư vững chắc và có cấu trúc từ Giáo hội; một thời gian trưởng thành là điều cần thiết. Đừng quên rằng cách đây một năm rưỡi, không ai nghe nói đến ChatGPT. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta, với tư cách là các nhà thần học, triết gia, người Công giáo, ngày nay thực hiện công việc mà tôi hy vọng sẽ nuôi dưỡng sự phân định của Giáo hội nhằm hướng tới các lập trường muộn hơn.

La Croix: AI ảnh hưởng đến nhân học Kitô giáo như thế nào? Liệu những hệ thống được gọi là “thông minh” này có thể tương đối hóa vị trí của con người ở đỉnh cao của đời sống trí tuệ không?

Paolo Benanti: Tôi không tin rằng một cỗ máy có thể thay đổi những gì chúng ta là. Tất nhiên, AI có thể nhốt chúng ta vào một chiếc lồng vàng. Nhưng phẩm giá của chúng ta, tạ ơn Chúa, không có công nghệ nào có thể tước đoạt nó khỏi chúng ta.

La Croix: Chiếc lồng vàng” nào?

Paolo Benanti: Việc đánh đổi sự tự do của chúng ta để lấy sự tiện nghi. Khi thấy ai đó gõ vào bàn phím máy tính xách tay của họ, chúng ta có thể tự hỏi: ngón tay của họ đang điều khiển máy, hay các thông báo đang điều khiển họ? Thay vì mang lại cho chúng ta khả năng thỏa mãn những ước muốn sâu xa nhất, những công cụ này có thể đáp ứng những nhu cầu thứ yếu. Cần phải bảo vệ những người dễ bị tổn thương (người trẻ nhất, người lớn tuổi nhất) khỏi những tác động như vậy.

Vấn đề là nhiều người cho rằng họ vẫn chỉ mới sử dụng được AI một cách hạn chế. Nhưng bất cứ ai sử dụng Google đều đang tiếp xúc với AI! Thuật toán của nó quyết định cho tôi những gì tôi sẽ thấy hay không. Những cơ chế này hướng chúng ta theo một hướng: đó đã là sự hạn chế quyền tự do của chúng ta. Tuy nhiên, cả tự do lẫn phẩm giá đều là trọng tâm của việc suy tư thần học về những chủ đề này.

La Croix: Cha nói về “đạo đức thuật toán”, nhưng không phải mỗi người cũng đưa ra định nghĩa mà mình muốn cho thuật ngữ này sao?

Paolo Benanti: Tôi là người đầu tiên sử dụng từ này, vào năm 2018, và tôi nghĩ rằng định nghĩa của tôi có giá trị cho tất cả mọi người. Không phải vì một số người gọi “tình yêu” những gì thực tế là chứng nghiện tình dục, mà định nghĩa về tình yêu thay đổi.

La Croix: Định nghĩa này có khác với định nghĩa về đạo đức công nghệ không ?

Paolo Benanti: Không. Đó là một đạo đức công nghệ được áp dụng vào thuật toán. Đó là việc xem thuật toán này định hình quyền lực và chuyển đổi nó như thế nào trong xã hội. Một ví dụ: ở Ý, trong thời gian đại dịch Covid-19, các cuộc hẹn tiêm chủng đã được thiết lập bằng một thuật toán. Từ góc độ hình thức, đó là một sự chuyển đổi quyền lực, giống như những cây cầu được Robert Moses xây dựng ở New York vào đầu thế kỷ XX.

Trong bối cảnh này, sứ mạng của người Kitô hữu là làm sáng tỏ tiến trình này, rồi hành động. Chúng ta phải mang ánh sáng. Không dừng lại ở một lập luận Kitô giáo! Khi tôi nói chuyện với người Hồi giáo và người Do Thái về trí tuệ nhân tạo và việc quy định của nó, đặc biệt là trong ủy ban Liên hợp quốc (ủy ban cố vấn về AI, ghi chú của biên tập viên) mà tôi là thành viên, tôi có ấn tượng rằng chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ.

La Croix: Một số người cho rằng không cần phải tự hỏi làm thế nào làm cho AI có thể được chấp nhận hay có đạo đức, nhưng đúng hơn AI đang tạo ra xã hội nào, và liệu chúng ta có muốn xã hội đó hay không. Cha nghĩ sao ?

Paolo Benanti: Đây là hai mặt của cùng một vấn đề. Xác định xã hội mà chúng ta muốn sống, đó cũng là suy nghĩ về AI nào có thể chấp nhận được. Nếu tôi nói rằng tôi muốn xây dựng một xã hội trong đó phẩm giá là tiêu chí hàng đầu, điều đó có nghĩa là tôi từ chối bất cứ điều gì làm tổn hại nó. Ngược lại, nếu tôi cho rằng một công cụ là không thể chấp nhận được, thì đó là vì nó góp phần xây dựng một xã hội mà tôi không mong muốn.

Là Kitô hữu, chúng ta có nhiệm vụ: mang lấy sự phức tạp. Trong đạo Công giáo, chúng ta có khả năng suy nghĩ về những thực tại trái ngược nhau. Chúa Giêsu Kitô là người và là Thiên Chúa. Trong lĩnh vực AI, chúng ta phải cưu mang một suy tư có tính đến sự phức tạp này, mà không chỉ tập trung vào công cụ.

La Croix: Theo Cha, AI đang tạo ra xã hội nào?

Paolo Benanti: Nó rất khác nhau tùy thuộc vào nơi chúng ta ở trên thế giới. Đây cũng là một phần của tính phức tạp. Hoa Kỳ được dẫn dắt bởi thị trường, Trung Quốc được dẫn dắt bởi Nhà nước. Các quy định mới của Châu Âu về AI (Đạo luật AI, được thông qua vào ngày 21 tháng Năm vừa qua, ghi chú của biên tập viên) sẽ cho chúng ta biết chúng ta có khả năng xây dựng loại xã hội nào ở Châu Âu.

La Croix: AI ngày nay chủ yếu được sử dụng để tối ưu hóa sự tiến bộ, giảm chi phí, và do đó đẩy nhanh sự chuyển động của xã hội. Nó có bền vững về mặt sinh thái, và có tương thích với các đòi hỏi của Laudato si’ và Fratelli tutti không?

Paolo Benanti: Chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng rằng AI sẽ giúp chúng ta có một xã hội bền vững hơn, bằng cách đẩy nhanh việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Nếu bạn xem phim trực tuyến, thì điều đó sẽ tiêu tốn ít năng lượng hơn so với việc bạn đi ô tô đến rạp chiếu phim, việc bạn ngồi trong phòng máy lạnh và ăn bỏng ngô…

AI là một hệ số nhân: nó có thể nhân lên sự giàu có cũng như sự bất bình đẳng và bất công. Có một nền đạo đức về AI có nghĩa là cần phải luôn đặt những hệ thống này dưới lăng kính phản ánh và phê phán xã hội. Đây là vai trò của người Kitô hữu: chân họ đi trên đất và đầu họ hướng lên trời. Vai trò của chúng ta là dấn thân để xã hội được thay đổi. Nếu không, chúng ta sẽ trở thành một phần của vấn đề, chứ không phải là của giải pháp.

—————————————-

Đôi nét về cha Benanti :

Paolo Benanti, sinh năm 1973, là linh mục và nhà thần học người Ý, thành viên Dòng Ba Phanxicô. Ngài là người được Vatican gọi là “nhà tư vấn”, được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm, về các vấn đề công nghệ.

Ngài dạy thần học luân lý và đạo đức sinh học tại Đại học Giáo hoàng Grégorien ở Rôma, đồng thời giảng dạy đạo đức công nghệ tại Đại học Seattle (Hoa Kỳ). Ở đó, sinh viên của ngài đặc biệt là những nhân viên tương lai của Microsoft, có trụ sở chính đặt gần đó.

Tu sĩ dòng Phanxicô này đeo Apple Watch và đã tham gia các hội nghị TED nổi tiếng (Công nghệ, giải trí và thiết kế). Ngài đã đặc biệt giải thích khái niệm của ngài về “đạo đức thuật toán” được lý thuyết hóa vào năm 2018.

Là thành viên của cơ quan cố vấn Liên hợp quốc về trí tuệ nhân tạo, tháng Giêng vừa qua, ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban AI của chính phủ Ý.

—————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : nhật báo La Croix)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Sáu 2024
H B T N S B C
« Th5    
  1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28 29 30