TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CỦA CÁC KITÔ HỮU : PHỎNG VẤN ĐHY KURT KOCH (2)

Written by xbvn on Tháng Một 18th, 2013. Posted in Thế Giới, Tý Linh

50 năm sau Công đồng Vatican II, đâu là những hoa trái của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu ? Bao nhiêu Giáo Hội tham gia vào đó và với tinh thần nào ?

Hằng năm, Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất diễn ra từ 18-25/1. Trước ngày khai mạc Tuần lễ này, Zenit đã có cuộc trao đổi với ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh thăng tiến sự hiệp nhất của các Kitô hữu.

Hội đồng của Tòa Thánh làm việc với Hội đồng đại kết các Giáo Hội (COE) để chuẩn bị Tuần nay mà chủ đề là : « Điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn » (Mk 6, 8), theo lời đề nghị của các Kitô hữu Ấn Độ.

(Xem phần 1 cuộc phỏng vấn ở đây)

ZENIT : Một số quyết định của Giáo Hội Anh giáo, và chúng làm cho Anh giáo xa rời với Rôma, những quyết định này vẫn còn là một mối bận tâm ?

ĐHY KOCH : Sự hiệp nhất mà chúng ta đang sống là một sự hiệp nhất trong đức tin, trong các Bí tích và các thừa tác vụ ; và nếu Giáo Hội Anh giáo thay đổi tất cả trong thừa tác vụ của mình, thì điều đó cũng trở thành một thách đố cho chúng ta, vì sự phát triển trong cộng đồng thế giới của Anh giáo gây ra nhiều căng thẳng trong cộng đoàn địa phương. Điều đó cũng là một thách đố to lớn cho chúng ta. Chúng ta muốn và chúng ta phải giúp đỡ người Anh giáo tìm lại sự hiệp nhất của họ nhưng chỉ khi họ muốn sự giúp đỡ của chúng ta.

ZENIT : Sự tục hóa ở Châu Âu và những nơi khác là một chủ đề bận tâm khác cho mọi người. Làm thế nào các Giáo Hội Kitô có thể đáp lại những trào lưu đang muốn hủy bỏ hay xóa đi Thiên Chúa khỏi đời sống công cộng này ?

ĐHY KOCH : Trước tiên, ở Châu Âu, các Kitô hữu phải xem xét trách nhiệm mà họ có về sự phát triển này, vì sau cuộc Cải Cách, chúng ta có ly giáo, chia rẽ, và sau sự chia rẽ, chúng ta đã có nhiều cuộc chiến tôn giáo. Và tôi có thể nói rằng những cuộc chiến và những chia rẽ này đã làm cho tôn giáo, ở Châu Âu, không còn là nền tảng của sự hiệp nhất trong xã hội nữa nhưng là nguồn cội của mọi xung đột. Đến nỗi xã hội hiện đại đã phải tìm thấy một nền tảng mới cho sự hiệp nhất trong xã hội độc lập với tôn giáo.

ZENIT : Những gì ĐHY nói ngày nay giải thích nhiều sự…

ĐHY KOCH : Do đó, mặt trái của tấm huy chương sẽ là Kitô giáo trợ giúp xã hội Châu Âu tìm lại được chiều kích tôn giáo và siêu việt của nó, nhưng để được điều đó nó phải tìm lại được sự hiệp nhất của nó. Một hoàn cảnh rất tục hóa như hoàn cảnh ở Châu Âu là một thách đố to lớn cho công cuộc đối thoại đại kết hôm nay, vì chỉ khi hình thành nên một tiếng nói chung – hiệp nhất các giá trị của mình – mà các Kitô hữu sẽ có thể giúp đỡ Châu Âu tái hội nhập các giá trị Kitô giáo cao cả vào lịch sử của mình.

ZENIT : Làm thế nào các Giáo Hội Kitô khác đã tiếp nhận quyết định của Công giáo cổ võ một cuộc Tân Phúc Âm Hóa ?

ĐHY KOCH : Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa cũng phải có một chiều kích đại kết, vì thật rõ ràng Chúa Giêsu, trong lời nguyện tư tế của Ngài, đã yêu cầu tất cả các môn đệ « phải hiệp nhất nên một, để thế gian tin ». Tính khả tín của việc loan báo Tin Mừng dựa trên sự hiệp nhất này của Giáo Hội. Tôi có nhiều đối tác đại kết hài lòng với sáng kiến này ; nhưng vẫn còn một số người không bằng lòng. Điều quan trọng là khích lệ tất cả các đối tác này, để đào sâu thách đố của việc Tân Phúc Âm hóa này.

ZENIT : Đâu là những Giáo Hội nhiệt thành nhất ?

ĐHY KOCH : Tôi phải nói rằng công cuộc đối thoại đại kết ngày nay  đương đầu với một sự chia rẽ lớn lao đang trải qua các Giáo Hội. Một mặt, chúng ta có một cuộc đối thoại đại kết tự do giữa người Công giáo và những người Cải Cách. Và mặt khác,  nhãn quan là đào sâu nền tảng của đức tin giữa các cộng đoàn Giáo Hội Phúc Âm và Công giáo. Trong nhóm thứ hai, công cuộc Tân Phúc Âm Hóa là một thách đố to lớn.

ZENIT : Đâu là những kế hoạch của Bộ của ĐHY ?

ĐHY KOCH : Trước tiên, trong Năm Đức Tin này, thách đố của chúng ta sẽ là đào sâu nền tảng của đức tin trong cuộc đối thoại đại kết, vì đối thoại đại kết không phải là một vấn đề ngoại giao hay chính trị, nhưng là một vấn đề thuộc về đức tin. Chúng ta phải tìm lại một đức tin chung và lời tuyên xưng đức tin của các Tông đồ, chúng ta phải phát triển một mục tiêu đại kết chung. Rồi có vấn đề đào sâu tâm linh, và việc tìm kiếm những cội nguồn tâm linh của cuộc đối thoại đại kết, và tất cả công việc của chúng ta đang nhắm đến sự hiệp nhất này.

ZENIT : Sau hết, đâu phải là thái độ của người Công giáo đối với các Kitô hữu khác ?

ĐHY KOCH : Tôi nhận thấy câu nói rất quan trọng của Chân phước Gioan-Phaolô II, nói rằng việc đối thoại đại kết không chỉ là một cuộc trao đổi các ý tưởng nhưng là « một sự trao đổi các ân huệ ». Trong truyền thống của mình, mỗi Giáo Hội có những kho tàng riêng biệt. Vì thế, chúng ta không phải sợ việc đối thoại đại kết, vì đó là một sự làm phong phú cho nhau. Cách cá nhân, kinh nghiệm về  việc đối thoại đại kết đã làm cho tôi càng Công giáo nhiều hơn nữa. Vì tôi cũng thấy những điều lớn lao, những thuận lợi của Giáo Hội chúng ta. Nhất là món quà to lớn mà chúng ta đã lãnh nhận với quyền Giáo tông, với tối thượng quyền của Giám mục Rôma như là trung tâm của sự hiệp nhất của Giáo Hội chúng ta ; và điều đó là một thuận lợi lớn lao.

ZENIT : Nói tóm lại, một tầm nhìn lớn…

ĐHY KOCH : Đức Giáo Tông Piô XII đã nói rằng công cuộc đối thoại đại kết là một ý tưởng của Chúa Thánh Thần. Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI, tất cả đều xác tín rằng công cuộc đối thoại đại kết là một món quà của Chúa Thánh Thần và chúng ta phải mở tâm hồn chúng ta cho món quà này ; và hãy lắng nghe rõ những gì Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta trong hoàn cảnh mà cuộc đối thoại đại kết của chúng đang sống hôm nay.

Tý Linh chuyển ngữ

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31