QUYỀN PHÁ THAI TRONG HIẾN PHÁP CỦA PHÁP, MỐI QUAN NGẠI CỦA GIÁO HỘI

Written by xbvn on Tháng Mười Một 3rd, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đạo đức sinh học

Tổng thống Pháp đã thông báo rằng ông muốn trình bày một dự luật vào cuối năm nay để đưa quyền tự do phá thai vào Hiến pháp. Đức cha Pierre d’Ornellas, Tổng Giám mục Rennes và đặc trách nhóm làm việc về đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Pháp, bày tỏ mối quan ngại của mình. Ngài lấy làm tiếc về việc tịch thu một cuộc tranh luận đích thực về một chủ đề đáng được phản ánh về tính nhân văn và lương tâm liên quan đến toàn thể xã hội.

Biểu tình phản đối phá thai ở Paris vào ngày 19/01/2022

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo vào Chúa Nhật, ngày 29/10/2023 trên mạng xã hội rằng ông muốn trình bày một dự luật vào cuối năm nay để đưa “quyền tự do nại đến phá thai” vào Hiến pháp. Để việc sửa đổi hiến pháp này thành hiện thực, Tổng thống Macron đã chọn con đường của Quốc hội ở Versailles để văn bản này được thông qua sau cuộc bỏ phiếu của đa số 3/5 của hai viện, thay vì con đường trưng cầu dân ý. Được Vatican News – Vatican Radio liên lạc, Đức cha Pierre d’Ornellas, người đứng đầu nhóm làm việc về đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Pháp, lấy làm tiếc về phương pháp đã chọn cũng như ngài lo ngại về việc đưa quyền tự do này vào luật cơ bản của Quốc gia.

Tôi nghĩ rằng cả cái này lẫn cái kia [ghi chú của biên tập viên, Quốc hội ở Versailles hay cuộc trưng cầu dân ý] sẽ không phải là cách đúng đắn để làm điều đó, bởi vì đây là một chủ đề quá nghiêm túc, quá nghiêm trọng và đáng được suy nghĩ và khiêm tốn để có thể phân định điều gì là tốt nhất trong khuôn khổ pháp lý, và thậm chí còn hơn thế nữa nếu chúng ta chọn khuôn khổ hiến pháp. Điều này đáng được hết sức thận trọng. Đâu là phương pháp mang lại sự khôn ngoan nhất và khả năng suy nghĩ, lắng nghe, phân định và tranh luận tốt nhất? Tôi không biết liệu đó có phải là cuộc trưng cầu dân ý hay không, cũng không biết liệu đó có phải là Quốc hội [của Nghị viện] ở Versailles. Trong mọi trường hợp, điều này không thể được thực hiện một cách nhẹ dạ và vội vàng. Cần phải tổ chức một cuộc tranh luận thực sự. Đó không thể là một lựa chọn chính trị mà chúng ta thảo luận trên bàn, tùy thuộc vào đa số của nó. Đó là sự phản ánh về tính nhân văn và lương tâm liên quan đến toàn thể xã hội. Toàn bộ xã hội nên tham gia vào cái mà Simone Veil gọi là “một thảm kịch và sẽ luôn là một thảm kịch”.

Marie Duhamel : Tháng 12 năm ngoái, Hội đồng Thường trực của Hội đồng Giám mục Pháp đã bày tỏ quan ngại về lựa chọn này của Tổng thống Macron. Mối quan ngại có phải cũng là cảm giác của Đức Cha?

Đức cha Pierre d’Ornellas : Vâng, đó là một mối quan ngại nghiêm trọng. Tôi không biết việc một xã hội đưa quyền tự ý ngưng thai (IVG = interruption volontaire de grossesse) vào Hiến pháp sẽ có ý nghĩa gì. Chúng tôi gần như là Nhà nước duy nhất trên thế giới đã đưa quyền đó vào Hiến pháp của mình. Trong số các nước châu Âu, chúng tôi là quốc gia duy nhất có số ca phá thai không ngừng gia tăng hàng năm. Nó cao gấp đôi ở Đức và tôi không nghĩ rằng việc đưa quyền tiếp cận IVG vào Hiến pháp sẽ loại bỏ thực tế rằng đó “luôn là một thảm kịch”. Vậy chúng ta sẽ làm gì với “thảm kịch” này? Chúng ta sẽ nói về nó như thế nào? Việc đưa quyền này vào Hiến pháp có đảm bảo quyền tự do ngôn luận về IVG không?

Điều này có đảm bảo rằng chúng ta có thể tranh luận về vấn đề tế nhị này không? Liệu điều này có đảm bảo điều khoản lương tâm của các bác sĩ hoặc người chăm sóc từ chối tham gia vào hành vi phá thai, hoặc, khi lắng nghe một người đặt câu hỏi về việc có phá thai hay không, sẽ đưa ra một lời khuyên, với sự tôn trọng lớn lao đối với quyền tự do của một người, một lời khuyên theo hướng không nại đến IVG, bằng cách đề xuất một giải pháp thay thế? Liệu việc đưa quyền IVG vào Hiến pháp này sẽ cho phép quyền tự do ngôn luận thực sự và cho phép bắt đầu một cuộc tranh luận nghiêm túc trong xã hội của chúng ta, hoặc trong một cơ sở y tế không? Tôi nghi ngờ điều đó, do đó tôi quan ngại. Dù là cách gián tiếp, nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, quyền tự do có thể tranh luận về một chủ đề nghiêm trọng như vậy, thật đáng quan ngại!

Marie Duhamel : Đức Cha có cho rằng việc đưa một chủ đề xã hội vào Hiến pháp là có vấn đề hoặc không phù hợp không?

Đức cha Pierre d’Ornellas : Tất nhiên, Hiến pháp dùng để làm gì nếu chúng ta đặt vào đó các quyền tự do về điều này hay về điều kia vốn được coi là các quyền khi đó là các vấn đề xã hội? Thay vì phục vụ đời sống xã hội và cuộc tranh luận của nó, nó trở thành một công cụ để kết thúc cuộc tranh luận! Có lẽ về bản chất, chính vì IVG là một cuộc tranh luận cực kỳ khó khăn mà chúng ta không thành công có được, chính vì chúng ta không biết cách tiếp cận nó, mà chúng ta loại bỏ nó bằng cách giáo điều hóa một nguyên tắc trong Hiến pháp: IVG là một quyền, kết thúc lệnh cấm ! Như thể người ta đang đơn giản hóa, thay vì bảo tồn tính phức tạp của thực tế, và do đó, tính phức tạp cần thiết của cuộc tranh luận này bằng cách bảo vệ việc giữ nó trong cuộc đối thoại với những quan điểm trái ngược nhau của nó. Trên thực tế, người ta không thể thực hiện cuộc tranh luận này ở Pháp, bởi vì người ta đang thực hiện nó chỉ dựa trên một ý tưởng duy nhất là đời sống riêng tư của phụ nữ và quyền tự chủ của họ. Tuy nhiên, thực tế lại khác. Các nghiên cứu cụ thể cho thấy rằng thông thường chính các thuyết định mệnh xã hội gây ra tình trạng phá thai, ví dụ như nghèo đói. Những thuyết định mệnh này, một cách nào đó, là những cưỡng bức, đôi khi không được nhận ra. Vấn đề phá thai liên quan đến toàn thể xã hội, trẻ vị thành niên cũng như người lớn, đôi khi với những hoàn cảnh phức tạp và rất đau đớn. Làm thế nào mà ở Pháp số vụ phá thai ngày càng gia tăng trong khi ở các nước châu Âu khác con số này lại có xu hướng giảm? Một số quốc gia đang chứng kiến ​​con số này giảm đi thông qua các biện pháp phòng ngừa xã hội xác định mà không hề hạn chế các điều kiện tiếp cận IVG. Chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề xã hội thực sự! Cứ như thể chúng ta không biết tiếp cận nó, và vì vậy, để không bàn cãi, tranh luận về nó, người ta đã đưa nó vào Hiến pháp. Đây dường như là sự thừa nhận sự yếu kém về khả năng của chúng ta trong việc tranh luận một cách thanh thản về chủ đề IVG.

Marie Duhamel : Chủ tịch liên minh Vita, trong một thông cáo, giải thích rằng những phụ nữ này “không phá thai một cách tự do và theo lựa chọn, mà bị ép buộc và vì không có giải pháp thay thế”. Đức Cha có ấn tượng rằng khi đưa quyền tự do nại đến phá thai vào Hiến pháp Pháp, các nhà chức trách đang có những ưu tiên sai lầm?

Đức cha Pierre d’Ornellas : Ưu tiên thực sự, đó là đảm bảo rằng mọi người trong xã hội đều cam kết tôn trọng sự sống con người và giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta là một xã hội của mối quan hệ xã hội. Chúng ta không phải là một xã hội của những con người tự trị, bên cạnh nhau, như thể mỗi người là một tòa tháp ngà không thể tiếp cận được. Chúng ta là một xã hội của mối quan hệ xã hội, của mối quan hệ con người, của cuộc gặp gỡ. Xã hội nào cũng vậy! Và mối quan hệ xã hội này, mối quan hệ con người này và cuộc gặp gỡ này đều quy định rằng tất cả chúng ta đều quan tâm đến những người mong manh nhất. Và chăm sóc những người mong manh nhất, trong trường hợp mà chúng ta quan tâm, đó là chăm sóc người phụ nữ đang phải đối mặt với sự lựa chọn này, bất kể hoàn cảnh hay lý do nào dẫn đến sự lựa chọn này. Như Simone Veil đã nói, đó “luôn là một thảm kịch”. Chúng ta đừng che giấu nỗi đau khổ của những người phụ nữ phải đối mặt với nó. Chính xác là, nếu chúng ta là một xã hội của mối quan hệ xã hội, của mối quan hệ con người và của sự gặp gỡ, thì rõ ràng là chúng ta đến trợ giúp ai đó đang trải qua một thảm kịch. Đó đơn giản là Người Samaritanô nhân hậu! Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong một văn bản của Hội đồng Nhà nước, dụ ngôn Người Samari nhân hậu đã được trích dẫn. Đối với tôi, dường như có điều gì đó rất cơ bản ở đây. Nhà nước Pháp nên dẫn dắt xã hội cùng nhau giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, có nguy cơ tước đi quyền này của xã hội bằng cách biến IVG là một quyền hiến định.

Marie Duhamel : Tại thời điểm này, làm thế nào khơi lại cuộc tranh luận mà, theo ông, chính quyền đang từ bỏ?

Đức cha Pierre d’Ornellas : Vì là hành vi pháp lý trong Hiến pháp, nên các luật sư phải lên tiếng, vì luật có những mâu thuẫn. Chẳng hạn, điều mười sáu của bộ luật dân sự của chúng tôi nói rằng luật pháp đảm bảo sự tôn trọng con người ngay từ khi bắt đầu sự sống. Đó là nguyên tắc “tổ chức” và do đó IVG trở thành một ngoại lệ, đó cũng là điều Simone Veil nghĩ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi IVG được đưa vào Hiến pháp và trở thành như một nguyên tắc? Phải chăng điều này có nghĩa là quyền sống trở thành một ngoại lệ? Vì vậy luật sư phải làm việc và lên tiếng.

Thứ hai, đối với tôi, dường như những người trên thực địa có thể lên tiếng, đặc biệt là những người đồng hành với [IVG] theo cách y tế, như những người chăm sóc, nhưng cũng như các nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần.

Cuối cùng, các nhà chức trách tôn giáo, với truyền thống khôn ngoan của họ luôn được suy nghĩ trên cơ sở kinh nghiệm và lợi ích của con người, trên cơ sở các mối quan hệ và tự do của họ, có thể lên tiếng theo những cách khác nhau tùy theo tôn giáo của họ, để nói ở mức độ nào đó, trở thành một xã hội của sự sống là rất quan trọng trong một xã hội. Một xã hội nơi nền văn hóa sự sống tiến bộ, nơi người ta bảo vệ những người mong manh nhất, những người nhỏ bé nhất. Một xã hội nơi chúng ta đồng hành chứ không phải một xã hội giải quyết một vấn đề khó khăn thông qua một quyền trong Hiến pháp. Vậy, đâu là tương lai của một xã hội mà 1/5 số ca mang thai kết thúc bằng việc phá thai?

Marie Duhamel : Giáo hội được mời gọi lên tiếng, giống như các tôn giáo khác, như ngài đã đề cập. Giáo hội làm gì để đồng hành những phụ nữ đang là nạn nhân của thảm kịch phá thai này?

Đức cha Pierre d’Ornellas : Tôi ngạc nhiên khi nghe các cha tuyên úy nói. Đây là những người trên thực địa đang đồng hành với các phụ nữ và đôi khi là những cặp vợ chồng đang cân nhắc xem có nên phá thai hay không. Các cha tuyên úy này đề nghị một sự đồng hành mà không có bất kỳ phán xét nào. Khi chúng ta dành thời gian để lắng nghe những người dấn thân vào việc tuyên úy này, chúng ta thấy rằng sự đồng hành này đã mang lại điều tốt đẹp, đánh thức về sự tự do thực sự, về một lựa chọn với ít ràng buộc nhất có thể. Tại sao ? Vì cuộc tranh luận là công khai, nên nó không bị ngăn cản. Không có sự sợ hãi khi có cuộc tranh luận này, sự lắng nghe này và sự trao đổi ngôn từ này. Sự đau khổ được lắng nghe. Đối với tôi, dường như ở đó có một điều gì đó hoàn toàn đáng chú ý đang được thực hiện vì lợi ích của con người.

Các phong trào đón tiếp những phụ nữ vốn thường đơn độc trước sự lựa chọn giữa việc giữ đứa trẻ hoặc phá thai. Đối mặt với sự cô lập trước sự lựa chọn này, sự đón tiếp này mang lại lợi ích bằng cách cho phép một người có thể nói, lên tiếng một cách tự tin, bày tỏ nỗi lo âu của họ trước sự lựa chọn này.

Cuối cùng, việc đón tiếp những người phụ nữ, kể cả các cặp vợ chồng, đã phá thai, đó là điều quan trọng. Họ tự do đi theo một con đường vì họ mang một vết thương. Chúng ta biết rằng “thảm kịch” IVG không phải là không có hậu quả. Sự đồng hành này cho phép phục hồi mối quan hệ mẫu tử với đứa trẻ, tất nhiên, đã mất, và người mà chúng ta tin rằng vẫn còn sống trong đức tin Kitô giáo. Sự hòa giải với chính mình này khơi dậy sự chữa lành thực sự cho người phụ nữ, nếu tôi có thể nói như vậy, tìm thấy sự bình yên trong tự do của mình với tư cách là một người phụ nữ. Điều này cũng có thể đúng với người cha đã gây áp lực việc phá thai.

Marie Duhamel : Thông điệp nào dành cho Giáo hội nếu quyền tự do nại đến phá thai thực sự được ghi trong Hiến pháp Pháp?

Đức cha Pierre d’Ornellas : Không có gì sẽ ngăn cản lòng trắc ẩn, sự lắng nghe, đối thoại trên thực địa. Thật đẹp và tuyệt vời khi trải nghiệm lòng trắc ẩn, lòng trắc ẩn đích thực của việc lắng nghe và đối thoại, và tôi nghĩ rằng không một người Pháp nào sẽ cảm thấy bị tước đoạt khỏi lời mời gọi có lòng trắc ẩn, mặc dù có thể có việc được ghi trong Hiến pháp. Tôi không nghĩ rằng việc ghi quyền IVG này có thể quản lý được quyền tự do đích thực của con người sống theo những gì người Samaritanô nhân hậu chỉ ra chúng ta. Không phải Hiến pháp mang lại giá trị cho các quyền tự do của chúng ta, mà chính quyền tự do của con người được trải nghiệm sự tương trợ huynh đệ lẫn nhau mới mang lại giá trị cho Hiến pháp của chúng ta.

Marie Duhamel : Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha giải thích rằng việc bảo vệ thai nhi hoàn toàn gắn liền với việc bảo vệ nhân quyền. Đức Cha có thể giải thích cho chúng con những gì ngài muốn nói qua đó ?

Đức cha Pierre d’Ornellas : Hoặc nhân vị là một hữu thể nhân linh, bất kể điều kiện sống của họ là gì, và do đó xứng đáng luôn được coi trọng với phẩm giá không thể mất đi của họ, hoặc đó là hình học có thể thay đổi. Vì vậy, kẻ nhỏ bé nhất, vốn là hữu thể nhân linh trong bụng mẹ, đáng được coi là có phẩm giá của một nhân vị, và do đó, nếu chạm vào hữu thể nhân linh này mà không tôn trọng, không coi trọng họ, thì đó nhất thiết là một cuộc tấn công vào sự tôn trọng vốn phải trả cho mỗi con người. Kể từ năm 1974, khoa học đã tiến bộ và cho phép chúng ta biết rằng một hữu thể nhân linh mới với sự phát triển riêng của mình tồn tại ngay khi việc thụ thai được hoàn tất. Đức Thánh Cha Phanxicô làm cho chúng ta hiểu rằng với việc tôn trọng thai nhi, chúng ta chạm đến một điều trọng tâm: đó là vấn đề xây dựng một xã hội tôn trọng, coi trọng mọi con người vì phẩm giá của họ, bất kể con đường hay hoàn cảnh của họ. Dù thế nào đi nữa, đứng trước thực tế, tất cả chúng ta đều được mời gọi khiêm tốn và đồng cảm nhiều hơn.

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican news)

Tags: , , , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31