RÔMA NHẮC LẠI GIÁO THUYẾT VỀ NGƯỜI LY DỊ TÁI HÔN

Written by xbvn on Tháng Mười 25th, 2013. Posted in Gia đình, Thế Giới, Tý Linh

Trong một bài viết được đăng trên nhật báo Osservatore Romano ngày 22/10/2013, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã loại trừ khả năng cho người ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tích.

Đối với những ai nghi ngờ về tính liên tục giáo thuyết giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô, Đức cha Gerhard Ludwig Müller, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, vừa có một lời cải chính mạnh mẽ. Và điều này trong một lãnh vực cực kỳ nhạy cảm : cuộc tranh luận về tính bất khả phân ly của hôn nhân và việc mục vụ dành cho người ly dị tái hôn. Trong bài viết được đăng trên trang nhất của nhật báo Osservatore Romano, Đức Cha đã trả lời cách rõ ràng cho những ai đang cổ xúy việc dễ dàng cho người ly dị tái hôn rước lễ.

Việc rước lễ không thể ban cho họ

Trong bài viết có tựa đề « Sức mạnh của ân sủng », Đức cha Müller đã phát biểu rất rõ ràng : « Việc chấp nhận cho rước lễ không thể được ban cho họ ». Còn về lòng thương xót, lập luận thường được nêu lên, bao gồm cả bởi Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Rio trở về, để biện hộ cho sự tiến triển của thực hành này, Đức Cha viết : « Đó là một lập trường  thiếu sót về mặt thần học bí tích, bởi vì toàn thể trật tự bí tích là một công trình của lòng thương xót (…). Xuyên qua việc kêu gọi sai lầm về lòng thương xót, người ta có nguy cơ tầm thường hóa hình ảnh của Thiên Chúa ». Đức Cha cũng loại bỏ khả năng Giáo Hội Công Giáo chấp thuận một thực hành của các Giáo Hội Chính Thống, theo đó các đôi bạn Kitô hữu ly dị, sau một thời gian sám hối, có thể ký kết một hôn nhân thứ hai. « Thực hành này không thể dung hòa với ý muốn của Thiên Chúa, như đã được diễn đạt cách rõ ràng bằng những lời của Chúa Giêsu về tính bất khả phân ly của hôn nhân, và điều đó biểu lộ một vấn đề đại kết vốn không được đánh giá thấp ».

Tuy nhiên, Đức Cha Tổng Trưởng nhìn nhận sự khó khăn gắn liền với vấn đề này, nhất là đối với não trạng hiện đại khó hiểu đối với đòi hỏi của Giáo Hội về hôn nhân. Ngài nói : « Não trạng hiện đại đối lập nhiều với lối hiểu của người Kitô hữu về hôn nhân, nhất là đối với tính bất khả phân ly hay việc mở ra cho sự sống ». Đức Cha cũng ghi nhận sự hoài nghi của các bạn trẻ đối với quyết định sống chung trọn đời. Tuy nhiên, ngài nói, hôn nhân không thể được phán đoán chỉ theo « những tiêu chí trần tục và thực dụng ». « Ai suy nghĩ theo ‘tinh thần thế gian’ (1Cr 2,12) thì không thể hiểu đặc tính bí tích của hôn nhân. « Mối ưu tư dành cho người ly dị tái hôn chắc chắn không thể bị giảm thiểu thành vấn đề lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. (…) Vẫn còn có những cách thức khác để bước vào hiệp thông với Thiên Chúa ».

« Tính bất khả phân ly tuyệt đối chỉ có giá trị đối với các hôn nhân nằm trong khuôn khổ của niềm tin vào Chúa Kitô »

Cánh cửa duy nhất được mở ra, đó chính là  cánh cửa mà Đức Ratzinger đã mở vào thời ngài, đặc biệt vào tháng 4/1999, trong phần dẫn vào tổng hợp về mục vụ hôn nhân. Lúc đó, ngài tuyên bố rằng « tính bất khả phân ly tuyệt đối chỉ có giá trị đối với các cuộc hôn nhân nằm trong khuôn khổ niềm tin vào Chúa Kitô ». Từ đó sự cởi mở này, được Đức Cha Tổng Trưởng lấy lại : « Làm sáng tỏ một vài điều kiện phải được tuân giữ để một hôn nhân bất khả phân ly tồn tại theo ý nghĩa được Chúa Giêsu gán cho nó ». Vào năm 1999, ĐHY Ratzinger đã viết : « Ta sẽ phải soi sáng vấn đề : Có phải thực sự mọi hôn nhân giữa hai người chịu phép rửa là « ipso facto » (tức khắc) một hôn nhân bí tích hay không ? » Nói cách khác, chính dưới khía cạnh đức tin mà cầ phải phán đoán tính hữu hiệu của một hôn nhân.

Tý Linh

Theo La Croix

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31