SAU THƯỢNG HỘI ĐỒNG, HƯỚNG ĐẾN MỘT GIÁO HỘI VUI TƯƠI, NGHÈO KHÓ VÀ NGÔN SỨ

Written by xbvn on Tháng Một 21st, 2023. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Đức cha Piero Coda, thần học gia người Ý, thành viên của Ủy ban thần học của Thượng hội đồng, vạch ra một suy tư về các giai đoạn đầu tiên của THĐ về tính hiệp hành, được sống ở cấp địa phương, và đang diễn ra ở cấp lục địa. Ngài cũng chia sẻ cái nhìn của mình về những gì có thể thay đổi đối với Giáo hội sau một công việc như thế, dù biết rằng về cơ bản Giáo hội luôn mãi là như thế.

Văn kiện làm việc được Ban tổng thư ký của THĐ cho thấy đường hướng phải theo trong những tháng tới. Trong khoảng 50 trang, nó chứa đựng tổng hợp tất cả các đóng góp được gởi về Rôma bởi các Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới, và đến từ các nhóm hiệp hành trong các giáo xứ, các nhóm và các hiệp hội. Với tư cách là thành viên của Ủy ban thần học của THĐ, Đức cha Coda giải thích văn kiện làm việc này cho giai đoạn lục địa.

Vatican News : Kính thưa Đức cha Coda, « Thượng hội đồng đang tiến tới, chúng ta có thể khẳng định điều đó cách nhiệt tình một năm sau khi khai mạc ». Văn kiện làm việc cho giai đoạn lục địa bắt đầu như thế, nó chứa đựng bản tổng hợp công việc được thực hiện cho đến nay bởi các Giáo hội trên toàn thế giới. Đức Cha là người theo sát nó, Đức Cha có thể nói cho chúng con biết gì về công việc được thực hiện trong giai đoạn hiệp hành đầu tiên này ?

Đức cha Coda : Giai đoạn đầu tiên của tiến trình hiệp hành, đại diện cho việc tham khảo ý kiến của Dân Thiên Chúa ở cấp độ các Giáo hội địa phương, về các biểu lộ khác nhau trong đời sống Giáo hội, nói chung là rất tích cực…Nó cho phép gặp hái một vụ mùa bội thu quý giá, một kiểm tra sức khỏe của dân Thiên Chúa đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, với những khó khăn, thử thách, nhưng cũng với những hy vọng và niềm vui của mình. Cũng đủ để nói rằng trong số 114 Hội đồng Giám mục, không ít hơn 112 đã gởi bản tóm tắt kết quả của cuộc tham vấn ý kiến được thực hiện trong các giáo phận của mình. Không quên các gia đình tu trì, các hiệp hội và các phong trào trong Giáo hội. Và khi đọc những báo cáo này, cần phải nói rằng, như đã xảy ra đối với tôi, chúng ta không khỏi cảm thấy cảm xúc và động lòng, vì chúng ta nhìn thấy chứng tá của một Dân Thiên Chúa sống động, linh hoạt và đang tiến bước. Đôi khi còn bị thử thách dữ dội bởi công việc của một thời điểm khó khăn đầy biến động, bất trắc, như đối với toàn thể nhân loại, nhưng dấn thân sống thời điểm này bằng đức tin, đức mến và đức cậy. Chúng ta cảm thấy niềm vui, và tôi gần như muốn nói đôi khi sự nhiệt tình của việc lắng nghe và cảm thấy được lắng nghe, niềm vui khi cùng nhau lên đường, đến nỗi, đối với tôi, sau khi xem xét những báo cáo này, những lời của Chúa được ngôn sứ Isaia tường thuật lại đã chợt đến trong lòng tôi : « Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao ?» (43, 19). Vì thế, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa.

Vatican News : Văn kiện cũng nhấn mạnh một số khía cạnh tiêu cực như vết nhơ do vu bê bối lạm dụng để lại hoắc khoảng cách đôi khi tồn tại giữa hàng giáo sĩ và giáo dân. Về mặt tích cực, một nhận thức mới đang nổi lên về việc tất cả đều là những nhân vật chính trong sứ mạng của Giáo hội, về sự cần thiết hòa nhập hơn với tư cách là cộng đoàn, cộng tác với các Giáo hội và các tôn giáo khác

Đức cha Coda : Vâng, tất nhiên. Đặc biệt điều nổi bật, đó là niềm vui và ước muốn gặp gỡ Chúa Giêsu đang sống hôm nay và bước theo Ngài qua Giáo hội. Vì thế, ước muốn về một Giáo hội mạch lạc, đích thực, và do đó, đau khổ vì mọi vết nhơ và những khó khăn phải vượt qua. Và cần phải có can đảm để xác định và vượt qua chúng. Và rồi chắc chắn ước muốn, niềm vui tham gia, nghĩa là sống Giáo hội như một gia đình, như một sự hiệp thông, do đó, vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị này hay những sự chia rẽ khó chết đi này. Và còn nữa, như bạn đã đề cập, ước muốn và sự dấn thân được hòa nhập, nghĩa là cởi mở để chia sẻ hồng ân đức tin. Ở đây, trong các cộng đoàn Kitô hữu, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng sự nhạy cảm ngày càng nhiều đối với tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, cảm thấy bị gạt ra ngoài lề cuộc sống của cộng đoàn Kitô hữu. Chẳng hạn, vì nhũng lý do luân lý, liên quan đến các tiêu chuẩn luân lý do Giáo hội đề ra. Và rồi, một mối quan tâm lớn đối với người nghèo và những người bị loại trừ. Sự chọn lựa ưu tiên cho người nghèo này, tôi có thể nói, là một chiều kích càng ngày càng được thủ đắc trong đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu. Và chắc chắn là cả sự mở ra đối thoại, nghĩa là ý thức rằng đối thoại đại kết diễn tả sự hiệp nhất đức tin trong bí tích Rửa tội. Ít được khẳng định hơn, nếu ta muốn, là sự nhạy cảm đối với các tín hữu của các tôn khác và cả đối với những người có niềm tin khác hay những người tìm kiếm sự biểu lộ tròn đầy của sự thật.

Vatican News : Chính xác liên quan đến việc bị gạt ra bên lề mà Đức Cha đề cập, một chủ đề lặp đi lặp lại trong hầu hết các bản tổng hợp của giáo phận là vấn đề về các phụ nữ trong Giáo hội và xã hội…

Đức cha Coda : Chắc chắn đây là một đòi hỏi thiết yếu xuất hiện từ tất cả các báo cáo, ở mọi miền văn hóa và xã hội của đời sống Giáo hội ngày nay : nhìn nhận và thăng tiến đặc sủng và sự đóng góp cụ thể của nữ giới trong đời sống của Giáo hội. Cần phải thực hiện một bước nhảy vọt nghiêm túc về chất lượng và điều đó được thể hiện bằng nhu cầu hoán cải thiêng liêng, văn hóa và cả cơ cấu nữa, để dành chỗ, chỗ vốn nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, cho phụ nữ trong đời sống của Giáo hội. Cũng có ý thức không nhượng bộ cho cám dỗ giảm thiểu theo chủ nghĩa chức năng vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, nghĩa là không để mình bị nghiền nát bởi các mô hình tham gia vào đời sống và sự quản trị của Giáo hội vốn đã thắng thế cho đến bây giờ và có một dấu ấn nam giới hơn, để không nói là trọng nam khinh nữ. Các con đường đúng đắn phải được tìm thấy ở mọi cấp độ, nhưng trên hết đó là vấn đề hoán cải cái nhìn, nhìn mối tương quan giữa nam và nữ theo cái nhìn của Thiên Chúa, cái nhìn của Chúa Giêsu.

Vatican News : Có nhiều khía cạnh đã được đề cập, nhưng nỗi lo sợ cũng đã xuất hiện nơi một số tín hữu rằng Thượng hội đồng không dẫn đến thay đổi thực sự, rằng đó chỉ là vấn đề lắng nghe bề ngoài. Đức Cha nghĩ gì về điều đó ? Có nguy cơ này không ?

Đức cha Coda : Thượng hội đồng không phải là một vấn đề chiến thuật, nó không có bất cứ ẩn ý nào. Chắc chắn đây là vấn đề bắt đầu một tiến trình muốn chân thành, cởi mở, để đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến việc thích nghi đời sống và hình thức của Giáo hội với kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa. Nguy cơ đến từ việc không nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của một tiến trình như vậy, nghĩa là không nhận ra rằng chính Thiên Chúa đang nói với Giáo hội và đang yêu cầu một bước nhảy vọt về chất lượng trong đời sống của Giáo hội. Và nếu bạn muốn, nguy cơ đến từ những người, với một sự thờ ơ và hời hợt nào đó, nếu không với một lương tâm xấu xa, nghĩ rằng họ muốn quản lý tiến trình hiệp hành để không thay đổi gì.

Vatican News : Giai đoạn lục địa của Thượng hội đồng đã bắt đầu. « Mở rộng không gian chiếc lều của bạn » là tựa đề của văn kiện mà chúng ta đang nói đến. Chẳng hạn, nó dường như ám chỉ đến một nỗ lực cởi mở thêm trong việc lắng nghe. Đức Cha có thể giúp chúng con hiểu rõ hơn công việc của những tháng tới ?

Đức cha Coda : Mục tiêu của giai đoạn lục địa này trước hết là trả lại cho các Giáo hội địa phương bản tổng hợp các báo cáo đến từ tất cả các giáo phận, để các Giáo hội khác nhau có thể nói liệu họ nhận ra mình trong bản tổng hợp đã được trình bày không, và cũng ý thức về sự phong phú của các tiếng nói khác nhau đến từ các Giáo hội địa phương khác, để có thể diễn ra sự trao đổi các ân ban giữa các thực tại Giáo hội khác nhau. Tiếp đến, có một mục tiêu thứ hai : thực hiện hoạt động phân định này ở cấp lục địa, nghĩa là thúc đẩy sự hiệp thông trên con đường riêng của họ giữa các Giáo hội địa phương trong cùng một khu vực – trong trường hợp này, năm lục địa, cộng thêm các Giáo hội Đông phương xét riêng, ngay cả châu Mỹ cũng được phân chia thành Bắc Mỹ và Nam Mỹ -, để cuối cùng chúng ta có 7 hội đồng lục địa. Có điều gì đó chung trong cùng một khu vực ở bình diện văn hóa và bình diện tâm linh, và tôi có thể nói rằng chúng ta phải cùng nhau khám phá đâu là ơn gọi của mỗi lục địa, bởi vì trong kế hoạch của Thiên Chúa có một điểm chung và cũng có một lời mời gọi, và điều đó có thể là một điều mới mẻ trong tiến trình hiệp hành. Cuối cùng, từ đó, một sự phong phú mới của việc phân định được thực hiện, nhằm mục đích soạn thảo Tài liệu làm việc mà Hội nghị thông thường của Thượng hội đ ồng sẽ khai mạc.

Vatican News : Do đó, trong thực tế, các nhóm hiệp hành đã gặp nhau trong các giáo phận và giáo xứ, các phong trào, các hiệp hội…sẽ gặp lại nhau để đọc văn kiện này và đào sâu suy tư về nội dung của nó ?

Đức cha Coda : Chính xác, vâng, mỗi Giáo hội địa phương được mời gọi làm điều đó, nghĩa là đón nhận hoa trái của tất cả những gì đã được làm cho đến nay, gặp lại nhau và mang lại những âm vang này trong sự hiệp thông ở bình diện lục địa, và tiếp đến làm sao để tất cả điều đó đạt tới cấp hoàn vũ. Cuối cùng, Thượng hội đồng sẽ gởi lại cho các Giáo hội địa phương những gì đã xuất hiện, để tiếp nhận và hội nhập văn hóa các chọn lựa chiến lược sẽ được đề xuất.

Vatican News : Quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập một hội nghị Giám mục kép ở Vatican cho tất cả các công việc cuối cùng này là một điều hơi bất ngờ. Theo Đức Cha, đầu là lý do của sự lựa chọn này ?

Đức cha Coda : Quả thật, điều đó không làm tôi ngạc nhiên, thậm chí tôi hy vọng rằng đó sẽ là trường hợp, vì cần phải có thời gian để thực hiện một tiến trình về tầm rộng lớn và tầm quan trọng của tiến  trình hiệp hành này, và do đó thời gian không nên bị giới hạn. Có hai thời điểm với tư cách là Hội nghị Giám mục để phân định con đường của dân Thiên Chúa chắc chắn mà một sự phong phú to lớn, do đó là một quyết định đúng lúc và có tầm nhìn xa.

Vatican News : Con đường hiệp hành do Giáo hội thực hiện không có nghĩa là thực hiện một cuộc thăm do xem người ta nghĩ gì về Giáo hội, cũng không phải là lập một danh sách những ước muốn (desiderata) của các tín hữu. Đúng hơn, chúng ta nên nói về sự hoán cảnh, lắng nghe Chúa Thánh Thần. Làm thế nào Đức Cha sẽ xác định điều đó ? Và làm thế nào Đức Cha hy vọng nó được sống ?

Đức cha Coda : Tôi nghĩ rằng tiến trình hiệp hành, khi được giải thích theo đúng tính thần của nó, ngày nay tạo nên một phạm vi đặc biệt của đời sống Giáo hội. Như Đức Gioan-Phaolô II đã nói trong Tông thư « Novo Millennio Ineunte », đó là sự cụ thể hóa trường học hiệp thông này vì sứ mạng mà tất cả các thực tại Giáo hội được mời gọi trở thành để sống theo những gì Chúa Thánh Thần nói với Giáo hội ngày nay. Đó là học nghệ thuật này, vốn là nghệ thuật phân định cộng đồng. Học phân định có nghĩa là lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và sống đức tin của mình như ánh sáng giải thích và biến đổi thực tại ; cộng đồng có nghĩa là học sống cách cùng nhau sống nó. Điều đó không phải là đương nhiên, thật không dễ dàng, ở cấp độ cá nhân, để phân định, điều đó đòi hỏi nhiều khiêm tốn và kiên trì, điều đó đòi hỏi kích hoạt các giác quan thiêng liêng – như truyền thống của Giáo hội nói – để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Ở đây, trong sự phân định cộng đồng, cần phải học kích hoạt các giác quan thiêng liêng để khám phá, đón nhận và bước theo sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đang sống trong Giáo hội của Ngài để sống động trong lịch sử nhân loại. Và điều đó đòi hỏi một trường học, điều đó hỏi hỏi phải tập luyện. Tiến trình hiệp hành có thể là một mảnh đất đặc biệt để thực hành nghệ thuật này, và trong các báo cáo của giai đoạn đầu này, chúng ta có thể thấy rằng tiến trình này đã bắt đầu một cách tích cực.

Vatican News : Và sau khi kết thúc  tiến trình hiệp hành này, chẳng hạn từ năm 2025, Giáo hội có thể trông giống như thế nào ?

Đức cha Coda : Chắc chắn rằng một Thượng hội đồng về tính hiệp hành, ngay cả khi có hai Hội nghị, sẽ không tát cạn ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện : đó là một giai đoạn cần thiết và quan trọng trong một hành trình vốn sẽ lâu dài và đòi hỏi. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố : « Thượng hội đồng là điều Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội vào thiên niên kỷ thứ ba ». Vậy thì, chúng ta đang có một thiên niên kỷ trước mắt chúng ta, nghĩa là bằng cách lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta đang thiết lập một hình thức hiện hữu của Giáo hội vốn vẫn là như thế luôn mãi, nhưng cũng mang những sắc thái đặc thù, những biến đổi đặc thù, mà chúng ta phải học biết, chúng ta phải bắt đầu.

Giáo hội nào đang thành hình ở chân trời ? Tôi muốn nói rằng đó là một Giáo hội của niềm vui, một Giáo hội nghèo và một Giáo hội ngôn sứ. Một Giáo hội của niềm vui bởi vì Giáo hội làm chứng cho một điều cơ bản vốn là quà tặng của Chúa Giêsu và đó là Thiên Chúa là tình yêu, và Ngài ban cho con người và gia đình nhân loại niềm vui mà thế giới không biết đến, để chia sẻ nó với những ai đang sống trong đau khổ và thử thách. Rồi một Giáo hội nghèo bởi vì Giáo hội chỉ giàu có nơi Thiên Chúa và nghèo khó để trở thành một ngôi nhà cho người nghèo bởi vì Tin Mừng dành cho họ. Ngôn sứ bởi vì đó là một Giáo hội truyền bá tràn đầy men công lý, tình huynh đệ, với hy vọng chắc chắn về trời mới đất mới trong đó, cuối cùng, chỉ có công lý và tình yêu của Thiên Chúa mới sẽ có chỗ ở bền vững.

———————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30