SINGAPORE: ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI KHẢ NĂNG ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN CỦA GIỚI TRẺ SINGAPORE

Written by xbvn on Tháng Chín 14th, 2024. Posted in Cồ Ngọc Hải, Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới

Chính trong khung cảnh hài hòa của khán phòng của Trường Cao đẳng Công giáo, Đức Phanxicô đã kết thúc chuyến tông du tới Singapore vào thứ Sáu ngày 13/9/2024. 600 sinh viên từ 50 trường học và các tổ chức liên tôn trong thành phố đã lắng nghe lời kêu gọi đoàn kết tôn giáo của Đức Thánh Cha. Ngài khen ngợi khả năng đối thoại liên tôn của giới trẻ và đồng thời lưu ý rằng các tôn giáo là những con đường dẫn đến Thiên Chúa.

Dưới đây là bài nói chuyện tự phát của Đức Thánh Cha :

Cha cảm ơn rất nhiều vì những lời của các con!

Ba điều mà các con vừa nói lên đã đánh động cha: “những nhà phê bình suông”, “vùng tiện nghi” và “công nghệ” – trách nhiệm để sử dụng nó nhưng cũng có những nguy cơ đi kèm. Đây là bài nói chuyện mà cha đã chuẩn bị trước, nhưng bây giờ cha sẽ nói một cách tự phát!

Những người trẻ đầy can đảm và thích tìm kiếm sự thật, nhưng họ phải cẩn thận để không trở nên như những gì mà các con vừa đề cập đến, là “nhà phê bình suông” với những lời thao thao bất tuyệt. Một người trẻ phải là người có tư duy phê bình, và thật không tốt khi không bao giờ biết phê bình. Nhưng các con phải có tính xây dựng trong việc phê bình, bởi vì vẫn có sự phê bình mang tính phá hoại, tức chỉ gây ra nhiều lời phàn nàn chứ chẳng đưa ra được một hướng đi mới nào. Cha hỏi tất cả những người trẻ, từng người trong chúng con: các con có phải là những người có tư duy phê bình không? Các con đủ can đảm để phê bình nhưng cũng đủ can đảm để cho người khác phê bình các con không? Bởi vì, nếu các con phê bình, thì một ai đó khác cũng sẽ phê bình các con. Đây là một sự đối thoại chân thành giữa những người trẻ.

Người trẻ phải có can đảm để xây dựng, để tiến về phía trước và ra khỏi “vùng tiện nghi” của mình. Một người trẻ luôn chọn lựa dành thời gian của mình trong ‘sự tiện nghi’ là một người trẻ trở nên béo phì. Không phải béo phì hơn nơi thân xác, mà là béo phì về tinh thần! Đó là lý do vì sao cha nói với những người trẻ, “Hãy chấp nhận rủi ro, hãy đi ra! Đừng sợ hãi!” Sợ hãi là thái độ độc tài làm cho các con ra tê liệt. Đúng là người trẻ thường mắc lỗi, nhiều sai lỗi, và sẽ là tốt nếu mỗi người chúng ta – nếu từng người trong các con – có thể nghĩ về bao nhiêu lần mình đã lỗi phạm. Chúng ta mắc lỗi bởi chúng ta bắt đầu bước đi và mắc sai lầm trên hành trình đó. Đây là điều bình thường; điều quan trọng cần nhận ra là các con đã mắc sai lầm. Chúng ta hãy xem ai có thể trả lời câu hỏi của cha: Điều nào tệ hơn, mắc lỗi bởi vì tôi bắt đầu bước đi hay không phạm sai lầm nào vì tôi ở nhà? Mọi người, điều thứ hai! Một người trẻ không dám chấp nhận rủi ro, sợ mắc phải sai lầm, thì đã ra già nua rồi! Các con hiểu điều này chứ?

Các con cũng đã nói về truyền thông. Ngày hôm nay có rất nhiều lựa chọn, nhiều khả năng để sử dụng phương tiện truyền thông, điện thoại di động hoặc tivi. Cha muốn hỏi các con: liệu có tốt để sử dụng truyền thông không hay nó chẳng ích lợi gì? Chúng ta hãy nghĩ về điều này. Vậy một người trẻ không sử dụng phương tiện truyền thông sẽ như thế nào? Người đó hẳn trở nên khép kín. Còn những người trẻ sống lệ thuộc hoàn toàn vào truyền thông, họ sẽ ra làm sao? Họ là những người lầm lạc. Mọi người trẻ nên sử dụng truyền thông, nhưng theo một phương cách có thể giúp chúng ta tiến bước, chứ không phải theo cách có thể biến chúng ta thành nô lệ. Các con hiểu chứ? Đồng ý hay là không đồng ý?

Một trong những điều gây ấn tượng cho cha nhất về những người trẻ ở đây chính là khả năng đối thoại liên tôn của các con. Điều này rất quan trọng bởi vì nếu các con bắt đầu tranh luận, “tôn giáo của tôi quan trọng hơn tôn giáo của bạn…”, hoặc “tôn giáo của tôi là đạo thật, còn của bạn thì không…”, điều này đưa dẫn đến đâu? Một vài người trả lời. (Một bạn trẻ đáp: ‘Sự đổ vỡ’). Thật chính xác. Các tôn giáo được xem như những con đường đầy cố gắng để đến gần Thiên Chúa. Cha sẽ dùng phép loại suy, chúng như thể những ngôn ngữ khác nhau diễn tả thần linh. Nhưng Thiên Chúa dành cho mọi người, và vì thế, tất cả chúng ta đều là con cái của Người. “Nhưng Thiên Chúa của tôi quan trọng hơn Thiên Chúa của bạn!”. Điều này đúng không? Chỉ có một Thiên Chúa, và các tôn giáo như những ngôn ngữ cố gắng diễn đạt những cách để đến gần Người. Một số người theo đạo Sikh, số khác theo Hồi giáo, một số theo Hindu giáo, số khác nữa theo đạo Công giáo. Các con hiểu chứ? Tuy nhiên, đối thoại liên tôn giữa những người trẻ cần phải can đảm. Tuổi trẻ là độ tuổi của lòng can đảm, nhưng các con có thể sử dụng sai lòng can đảm này để làm những việc sẽ không giúp ích gì cho các con. Thay vào đó, các con nên can đảm tiến về phía trước và đối thoại.

Một điều giúp ích được nhiều cho việc đối thoại chính là sự tôn trọng. Cha sẽ nói với các con một điều. Cha không biết nó có xảy ra ở đây hay không, tại thành phố này, nhưng ở những thành phố khác điều tồi tệ đã xảy ra trong giới trẻ: thói bắt nạt. Cha hỏi các con: ai đủ dũng cảm nhất để nói cho cha biết họ nghĩ gì về việc bắt nạt? (Một số bạn trẻ đáp lời) Cảm ơn các con! Mọi người đã đưa ra khái niệm về bắt nạt nhưng với một khía cạnh khác. Dù cho là bắt nạt thể lý hay bằng lời nói, thì nó cũng luôn là một sự gây hấn. Bao giờ cũng thế. Hãy nghĩ về những gì xảy ra ở các trường học hay những nhóm trẻ em: việc bắt nạt nhắm đến những ai yếu thế hơn. Chẳng hạn, một cậu bé hoặc cô gái khuyết tật. Lẽ ra, chúng ta nhìn thấy ở đây vũ điệu thật tuyệt vời với những trẻ em khuyết tật! Mỗi người chúng ta đều có tài năng lẫn nhược điểm. Hết thảy chúng ta đều có những tài năng chứ? (Trả lời: vâng!) Mọi người đều có nhược điểm phải không? (Trả lời: Đúng thế!) Ngay cả Giáo hoàng? Vâng, tất cả mọi người! Khi chúng ta có nhược điểm, chúng ta phải tôn trọng những khiếm khuyết của người khác. Các con đồng ý không? Điều này thật quan trọng. Vì sao cha nói tới điều này? Bởi việc vượt thắng được những điều đó sẽ giúp ích cho cuộc đối thoại liên tôn của các con vì nó được xây dựng trên thái độ tôn trọng người khác. Điều này cực kỳ quan trọng.

Còn câu hỏi nào nữa không? Không có? Cha muốn cảm ơn các con và cha cũng muốn lặp lại những gì Raaj đã nói với chúng ta: làm mọi việc chúng ta có thể để giữ được thái độ can đảm và tạo nên không gian nơi mà người trẻ có thể đến và đối thoại. Điều này do bởi cuộc đối thoại của các con là một cuộc đối thoại tạo nên con đường và dẫn lối về phía trước. Nếu các con đối thoại trong tư cách là những người trẻ, các con cũng sẽ đối thoại như những người trưởng thành; các con sẽ đối thoại như những công dân, và như những chính trị gia. Cha muốn nói với các con đôi điều về lịch sử: với mọi chế độ độc tài trong lịch sử, điều trước hết mà nó thực hiện chính là cắt đứt đối thoại.

Cha cảm ơn vì những câu hỏi đó, và cha lấy làm vui mừng được gặp các con, những người trẻ, gặp gỡ sự dũng cảm, gần như là ‘những người không còn e thẹn”, các con thật tuyệt vời! Ước mong của cha chính là tất cả các con, những người trẻ, sẽ tiến bước về phía trước với niềm hy vọng, và không ngoảnh lại đằng sau! Hãy chấp nhận rủi ro! Nếu không, các con sẽ ngày càng ‘béo phì’ hơn! Xin Thiên Chúa chúc lành cho các con và hãy cầu nguyện cho cha, cha cầu nguyện cho các con.

Và giờ đây, trong thinh lặng, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho nhau.

Xin Thiên Chúa chúng lành cho tất cả chúng ta. Trong tương lai, khi các con không còn trẻ nữa, nhưng sẽ già đi và trở thành những bậc ông bà, hãy chỉ dạy tất cả những điều này cho con cái của mình. Thiên Chúa chúc lành cho các con và xin cầu nguyện cho cha, đừng quên nhé! Nhưng cầu nguyện cho, chứ đừng chống đối!

———————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30