SỨ ĐIỆP CỦA ĐTC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỴ NẠN 2022 : XÂY DỰNG TƯƠNG LAI CÙNG VỚI NGƯỜI DI CƯ VÀ TỴ NẠN

Written by xbvn on Tháng Năm 13th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Sứ điệp, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Trong Sứ điệp cho Ngày thế giới di dân và tỵ nạn lần thứ 108, sẽ được cử hành vào ngày 25/9/2022, Đức Phanxicô mời gọi không chỉ đón tiếp người di dân và tỵ nạn nhưng còn đánh giá cao sự hiện diện và đóng góp của họ.

« Lịch sử dạy chúng ta rằng sự đóng góp của người di dân và tỵ nạn là nền tảng cho sự tăng trưởng xã hội và kinh tế của các xã hội chúng ta », Đức Thánh Cha nhắc nhớ như thế và đồng  thời lưu ý : « Việc xây dựng Nước Thiên Chúa được thực hiện cùng với họ, vì không có họ, đó sẽ không phải là Vương Quốc mà Thiên Chúa  muốn. Việc hòa nhập những người dễ bị tổn thương nhất là một điều kiện cần thiết để có được quyền công dân đầy đủ ở đó ».  

Dưới đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha:

Xây dựng tương lai cùng với người di cư và  tỵ nạn

« Trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai » (Dt 13, 14).

Anh chị em thân mến !

 Ý nghĩa tối hậu của « cuộc hành trình » của chúng ta trên thần gian này là tìm kiếm quê hương đích thực, là Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu-Kitô khai mạc, vốn sẽ tìm thấy sự thể hiện trọn vẹn khi Ngài trở lại trong vinh quang. Nước của Ngài vẫn chưa hoàn thành, nhưng đã hiện diện nơi những ai đón nhận ơn cứu độ. « Nước Thiên Chúa ở trong chúng ta. Dù vẫn còn tính cánh chung, dù là tương lai của thế giới, của nhân loại, nhưng đồng thời Nước Thiên Chúa vẫn ở trong chúng ta » (1).

Thành trì tương lai là một « thành trì có nền móng vững chắc, mà kiến trúc sư và người  xây dựng là chính Thiên Chúa » (Dt 11, 10). Kế hoạch của Ngài bao hàm một tiến trình xây dựng mãnh liệt trong đó tất cả chúng ta đều phải cảm thấy liên quan đến chính bản thân mình. Đó là một công việc miệt mài hoán cải bản thân và biến đổi thực tại để càng ngày càng tương xứng với kế hoạch của Thiên Chúa. Những bi kịch  của lịch sử nhắc cho chúng ta rằng chúng ta còn xa dường nào mới đạt được mục đích của mình là Giêrusalem Mới, « nơi cư ngụ của Thiên Chúa với loài người » (Kh 21, 3). Nhưng không phải vì thế mà chúng ta phải mất đi sự can đảm. Dưới ánh sáng  của những gì chúng ta đã biết được qua những gian nan trong thời gian gần đây, chúng ta được mời  gọi đổi mới sự dấn thân xây dựng một tương lai tương xứng hơn với kế hoạch của Thiên Chúa, một thế giới mà tất cả mọi người đều có thể sống trong hòa bình và có phẩm giá.

« Chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị» (2Pr 3, 13). Công lý là một trong những yếu tố cấu thành của Nước Thiên Chúa. Trong việc hằng ngày tìm kiếm ý muốn của Ngài, cần phải xây dựng nó cách kiên nhẫn, hy sinh và quyết tâm, để tất cả những ai đói khát đều được no thỏa (x. Mt 5, 6). Công lý của Nước Thiên Chúa phải được hiểu là sự thực hiện trật tự của Thiên Chúa, kế hoạch hài hòa của Ngài, nơi mà, trong Chúa Kitô chết và phục sinh, tất cả công trình tạo dựng lại trở nên « một điều tốt đẹp » và nhân loại trở nên « một điều rất tốt đẹp » (x. Stk 1, 1-31). Nhưng để sự hài hòa kỳ diệu này ngự trị, cần phải đón nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô, Tin Mừng tình yêu của Ngài, để những bất bình đẳng và những phân biệt kỳ thị của thế giới hiện nay được xóa bỏ.

Không ai phải bị loại trừ. Kế hoạch của Ngài chủ yếu là hòa nhập và đặt cư dân của các vùng ngoại vi hiện sinh ở trung tâm. Trong số họ, có nhiều người di dân và tỵ nạn, những người di cư và những nạn nhân của việc buôn người. Việc xây dựng Nước Thiên Chúa được thực hiện cùng với họ, vì không có họ, đó sẽ không phải là Vương Quốc mà Thiên Chúa  muốn. Việc hòa nhập những người dễ bị tổn thương nhất là một điều kiện cần thiết để có được quyền công dân đầy đủ ở đó. Vì Chúa nói : « Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han » (Mt 25, 34-36). 

Xây dựng tương lai với người di dân và tỵ nạn cũng có nghĩa nhìn nhận và đánh giá cao những gì mà mỗi người trong họ có thể mang lại cho tiến trình xây dựng. Tôi thích nhìn thấy lối tiếp cận này đối với hiện tượng di dân trong thị kiến tiên tri của ngôn sứ Isaia, trong đó người nước ngoài không xuất hiện như những kẻ xâm lược và phá hoại, nhưng như những công nhân tình nguyện tái xây dựng các bức tường của Giêrusalem mới, Giêrusalem mở ra  cho mọi dân tộc (x. Is 60, 10-11).

Trong cùng một lời tiên tri, sự xuất hiện của những người nước ngoài được trình bày như một nguồn làm phong phú : « Nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi» (60, 5). Quả thế, lịch sử dạy chúng ta rằng sự đóng góp của người di dân và tỵ nạn là nền tảng cho sự tăng trưởng xã hội và kinh tế của các xã hội chúng ta. Và đó vẫn còn là trường hợp ngày nay. Công việc của họ, khả năng hy sinh của họ, tuổi trẻ và sự nhiệt thành của họ làm phong phú thêm các cộng đồng đón tiếp họ. Nhưng đóng góp này có thể quan trọng hơn nhiều nếu nó được coi trọng và hỗ trợ bởi các chương trình có mục tiêu. Đó là một tiềm năng rất lớn, sẵn sàng thể hiện bản thân, nếu được trao cơ hội.

Ngôn sứ Isaia còn nói tiên tri rằng cư dân của Giêrusalem mới sẽ luôn mở rộng cửa thành, để người nước ngoài có thể bước vào cùng với quà tặng của họ : « Các cửa thành ngươi sẽ luôn luôn mở rộng, ngày đêm không đóng lại bao giờ, để người ta đem nộp cho ngươi của cải muôn dân » (60, 11). Sự hiện diện của người di cư và tỵ nạn thể hiện một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội phát triển văn hóa và tinh thần cho tất cả mọi người. Nhờ họ, chúng ta có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về thế giới và vẻ đẹp của sự đa dạng của nó. Chúng ta có thể trưởng thành về nhân tính và cùng nhau xây dựng một « chúng ta » rộng lớn hơn. Trong sự sẵn sàng cho nhau, các không gian được tạo ra cho sự so sánh hiệu quả giữa các quan điểm và  truyền thống khác nhau, giúp mở rộng tâm trí cho các viễn cảnh mới.

Trong Giêrusalem mới của mọi dân tộc, đền thờ của Chúa được tổ điểm bằng những của lễ đến từ các nước ngoài : « Mọi chiên dê của Kê-đa sẽ được tập trung lại nơi ngươi, cừu tơ của Nơ-va-giốt sẽ được ngươi dùng vào việc tế tự : chúng sẽ được dâng tiến trên bàn thờ để làm của lễ đẹp lòng Ta. Ta sẽ làm cho nhà vinh hiển của Ta càng thêm vinh hiển » (60, 7). Trong viễn cảnh này, sự xuất hiện của người di cư và tỵ nạn Công giáo mang lại một năng lượng mới cho đời sống Giáo hội của các cộng đồng đón tiếp họ. Họ thường là những người mang đến sự năng động đầy sức sống và linh hoạt cho các buổi cử hành sinh động. Việc chia sẻ các biểu đạt khác nhau của đức tin và lòng sùng kính thể hiện một cơ hội đặc biệt để sống trọn vẹn hơn tính công giáo của dân Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, và nhất là các con, những người trẻ ! Nếu chúng ta muốn cộng tác với Cha trên trời của chúng ta để xây dựng tương lai, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện điều đó cùng với anh chị em di dân và tỵ nạn của chúng ta. Hãy xây dựng nó hôm nay ! Vì tương lai bắt đầu hôm nay, và nó bắt đầu với mỗi người chúng ta.  Chúng ta không thể để cho các thế hệ tương lai trách nhiệm về những quyết định phải được thực hiện bây giờ để kế hoạch của Thiên Chúa về thế giới có thể được thực hiện và Vương Quốc công lý, huynh đệ và hòa bình của Ngài được xuất hiện.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin biến chúng con thành người mang hy vọng

để ánh sáng của Chúa ngự trị, nơi đâu có bóng tối,

và niềm tin vào tương lai được tái sinh, nơi đâu có sự cam chịu.

 

Lạy Chúa, xin biến chúng con thành khí cụ cho công lý của Chúa,

để  tình huynh đệ triển nở, nơi đâu có loại trừ,

và sự chia sẻ gia tăng, nơi đâu có tham lam.

 

Lạy Chúa, xin biến chúng con thành người xây dựng Nước Chúa

cùng với người di cư và tỵ nạn

và với tất cả cư dân của các vùng ngoại vi.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết rằng thật đẹp biết bao

khi mọi người đều sống như anh  chị em. Amen.

 

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 9 tháng 5 năm 2022

PHANXICÔ

————————————- 

(1) Thánh Gioan-Phaolô II, Diễn văn dịp viếng thăm giáo xứ các thánh Phanxicô Assidi và Catarina Xiêna, quan thầy của nước Ý, ngày 26 /11/ 1989.

————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31