SỨ ĐIỆP CỦA ĐTC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỴ NẠN LẦN THỨ 110 (NĂM 2024) : NGƯỜI NGHÈO CỨU CHÚNG TA

Written by xbvn on Tháng Sáu 7th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Sứ điệp, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Những người di cư ngày nay giống như những người Do Thái trong cuộc Xuất hành. Chính với sự tương đồng này mà Đức Phanxicô đã khai triển sứ điệp của mình cho Ngày Thế giới Di dân và Tỵ nạn lần thứ 110, với chủ đề “Thiên Chúa bước đi cùng với dân Ngài”, sẽ được cử hành vào ngày 29 tháng 9 năm 2024. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Thiên Chúa bước đi với dân của Ngài và mỗi cuộc gặp gỡ với người di cư cũng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Và “theo nghĩa này, người nghèo cứu chúng ta, bởi vì họ cho phép chúng ta gặp được khuôn mặt của Chúa”.

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha :

Thiên Chúa bước đi cùng với dân Ngài

Anh chị em thân mến !

Vào ngày 29 tháng 10 năm 2023, khóa họp đầu tiên của Thượng hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ 16 đã kết thúc, điều này cho phép chúng ta đào sâu tính hiệp hành như ơn gọi nguyên thủy của Giáo hội. “Tính hiệp hành chủ yếu được trình bày như một hành trình chung của Dân Thiên Chúa và như một cuộc đối thoại hiệu quả của các đặc sủng và thừa tác vụ nhằm phục vụ cho sự ngự trị của Nước Trời” (Báo cáo tổng hợp, Giới thiệu).

Việc nhấn mạnh đến chiều kích hiệp hành của mình cho phép Giáo hội khám phá lại bản chất lưu động của mình với tư cách là dân Thiên Chúa đang bước đi trong lịch sử, đang hành hương, chúng ta có thể nói là bản chất “di cư” hướng về Nước Trời (x. Lumen gentium, số 49). Việc quy chiếu đến câu chuyện Thánh Kinh về Cuộc Xuất hành, vốn trình bày dân Israel đang tiến về miền đất hứa, là điều tự nhiên: một hành trình dài từ nô lệ đến tự do, báo trước cuộc hành trình của Giáo hội hướng tới cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa.

Cũng thế, có thể nhìn thấy nơi những người di cư của thời đại chúng ta, cũng như của mọi thời đại, một hình ảnh sống động của dân Thiên Chúa đang tiến về quê hương vĩnh cửu. Hành trình hy vọng của họ nhắc nhở chúng ta rằng “quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3, 20).

Hai hình ảnh – hình ảnh cuộc xuất hành trong Thánh Kinh và hình ảnh của những người di cư – thể hiện nhiều điểm tương đồng. Giống như dân Israel vào thời ông Môsê, những người di cư thường chạy trốn những tình trạng áp bức và lạm dụng, bất an và phân biệt kỳ thị, thiếu triển vọng phát triển. Giống như người Do Thái trong sa mạc, những người di cư gặp phải nhiều trở ngại trên đường đi: họ phải chịu cơn đói khát; họ kiệt sức vì đau buồn và bệnh tật; họ bị cám dỗ bởi sự tuyệt vọng.

Nhưng thực tại căn bản của cuộc xuất hành, của mọi cuộc xuất hành, là Thiên Chúa đi trước và đồng hành với cuộc hành trình của dân Ngài và của tất cả con cái Ngài, ở mọi thời và mọi nơi. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa đoàn dân là điều chắc chắn của lịch sử cứu độ: “chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi với anh em; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh em” (Đnl 31, 6). Đối với đoàn dân ra khỏi Ai Cập, sự hiện diện này thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: một cột mây và lửa chỉ và soi sáng con đường (x. Xh 13, 21); lều hội ngộ, nơi canh giữ hòm bia giao ước, làm cho sự gần gũi của Thiên Chúa trở nên hữu hình (x. Xh 33,7); cây gậy có con rắn đồng đảm bảo sự bảo vệ của Thiên Chúa (x. Ds 21, 8-9); manna và nước (x. Xh 16-17) là những ân huệ của Thiên Chúa dành cho những người đói khát. Lều là một hình thức hiện diện được Chúa đặc biệt yêu quý. Dưới triều đại của Đavít, Thiên Chúa đã từ chối bị nhốt trong đền thờ để tiếp tục ở trong một cái lều và do đó có thể bước đi với dân Ngài, “từ lều này sang lều khác, từ nhà này sang nhà khác” (1 Sbn 17, 5).

Nhiều người di cư cảm nghiệm Thiên Chúa như người bạn đồng hành, người hướng dẫn và là chiếc neo cứu rỗi. Họ tâm sự với Ngài trước khi ra đi và hướng về Ngài khi cần thiết. Họ tìm kiếm sự an ủi nơi Ngài trong lúc khốn cùng. Nhờ Ngài, có những người Samaritanô tốt lành trên đường đi. Họ phó thác niềm hy vọng của họ cho Ngài trong lời cầu nguyện. Biết bao cuốn Thánh Kinh, sách Tin Mừng, sách cầu nguyện và tràng hạt đã đồng hành cùng những người di cư trên hành trình băng qua các sa mạc, sông ngòi, biển cả và biên giới của mọi châu lục!

Thiên Chúa không chỉ bước đi với dân Ngài, mà còn trong dân Ngài, theo nghĩa là Ngài đồng hóa với những người nam và người nữ đang bước đi trong lịch sử – đặc biệt với những người rốt hết, với những người nghèo, với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội – như thể Ngài kéo dài mầu nhiệm Nhập Thể.

Đây là lý do tại sao cuộc gặp gỡ với người di cư, cũng như với bất kỳ anh chị em nào đang gặp khó khăn, “cũng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chính Người đã nói với chúng ta như vậy. Chính Người, đói, khát, xa lạ, trần truồng, đau yếu, bị cầm tù, đã gõ cửa chúng ta, xin chúng ta gặp Người và giúp đỡ Người” (Bài giảng Thánh lễ với các tham dự viên Cuộc gặp gỡ “Không sợ hãi”, Sacrofano, ngày 15 tháng 1 năm 2019). Cuộc phán xét cuối cùng được thánh Matthêu kể lại ở chương 25 trong Tin Mừng của ngài không còn nghi ngờ gì nữa: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (c. 35); và còn nữa “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Mỗi cuộc gặp gỡ trên đường đi là một cơ hội gặp gỡ Chúa; và đó là một dịp đầy ơn cứu độ, bởi vì nơi anh chị em nào cần sự giúp đỡ của chúng ta, Chúa Giêsu đều hiện diện. Theo nghĩa này, người nghèo cứu chúng ta, bởi vì họ cho phép chúng ta gặp được khuôn mặt của Chúa (x. Sứ điệp cho Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ ba, ngày 17 tháng 11 năm 2019).

Anh chị em thân mến, trong Ngày dành riêng cho những người di cư và tỵ nạn, chúng ta hãy hiệp nhất cầu nguyện cho tất cả những người đã phải rời bỏ quê hương của mình để tìm kiếm những điều kiện sống xứng đáng. Chúng ta hãy cảm thấy rằng chúng ta đang bước đi cùng với họ, cùng nhau thực hiện một “cuộc hiệp hành” và phó thác tất cả họ, cũng như Đại hội Thượng hội đồng sắp tới, “cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn và niềm an ủi trên con đường của dân trung tín của Thiên Chúa” (Báo cáo tổng hợp, Tiếp tục hành trình).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng

chúng con là Giáo hội lữ hành của Chúa

đang tiến về Nước Trời.

Mỗi người chúng con đang sống ở đất nước của mình

nhưng như thể chúng con là khách lạ.

Mọi mảnh đất xa lạ đều là quê hương của chúng con,

nhưng mọi quê hương đều là một mảnh đất xa lạ đối với chúng con.

Chúng con đang sống trên trái đất này,

nhưng chúng con là những công dân của Nước Trời.

Xin đừng để chúng con trở thành chủ sở hữu

của phần đất thế giới này

mà Chúa đã ban cho chúng con như một nơi ở tạm thời.

Xin giúp chúng con không bao giờ ngừng tiến bước,

với anh chị em di dân của chúng con

hướng về nơi ở vĩnh cửu mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng con.

Xin Chúa mở rộng đôi mắt và trái tim của chúng con

để mỗi cuộc gặp gỡ với những người cần giúp đỡ

đều trở thành một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Con của Chúa và là Chúa của chúng con.

Amen.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 5 năm 2024, Lễ nhớ Đức Maria Phù hộ các giáo hữu

PHANXICÔ

————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Sáu 2024
H B T N S B C
« Th5    
  1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28 29 30