SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI NHÂN NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN 2013

Written by xbvn on Tháng Một 9th, 2013. Posted in Nhân bản, Sứ điệp, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy » (Lc 10,37)

Anh chị em thân mến !

1. Ngày 11.2.2013, ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, chúng ta sẽ long trọng cử hành Ngày quốc tế bệnh nhân lần thứ XXI tại Đền Thánh Đức Mẹ Altötting. Đối với các bệnh nhân, các nhân viên y tế, các Kitô hữu và tất cả những người thiện chí, ngày này là “một thời gian mãnh liệt cầu nguyện, chia sẻ, hiệp dâng đau khổ vì lợi ích của Giáo Hội và là một lời mời gọi mọi người nhận ra Thánh Nhan  Chúa Kitô nơi những nét mặt của người anh em bệnh tật, Đấng mà, qua sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của mình, đã thực hiện ơn cứu độ của nhân loại” (Gioan-Phaolô II, Thư thiết lập Ngày quốc tế bệnh nhân, 13.5.1992, số 3). Anh chị em bệnh nhân thân mến, trong khung cảnh này, tôi đặc biệt cảm thấy gần gũi với mỗi người trong anh chị em mà, ở những nơi cứu tế và săn sóc hay ở nhà, đang sống một thời điểm thử thách khó khăn do bệnh tật và sự đau đớn. Ước gì những lời an ủi của các Nghị Phụ của Công đồng chung Vatican II đạt tới hết mọi người: “Anh chị em không bị bỏ rơi cũng không vô dụng: anh chị em là những người được Chúa Kitô kêu gọi, là hình ảnh trong suốt của Ngài” (Sứ điệp gửi người nghèo, bệnh tật và đau khổ).

2. Để đồng hành với anh chị em trong cuộc hành hương thiêng liêng mà từ Lộ Đức, là nơi và biểu tượng niềm hy vọng và của ân sủng, dẫn chúng ta đến Đền Thánh Altötting, tôi xin đề nghị cho anh chị em suy tư về hình ảnh biểu trưng của người Samaritanô Nhân Hậu (x. Lc 10, 25-37).  Dụ ngôn Tin Mừng được thánh Luca tường thuật nằm trong một loạt những hình ảnh và trình thuật về cuộc sống thường ngày, qua đó Chúa Giêsu muốn giúp cho hiểu tình yêu sâu xa của Thiên Chúa đối với mỗi người, đặc biệt khi sống trong hoàn cảnh bệnh tật và đau khổ. Nhưng, đồng thời, bằng những lời kết thúc dụ ngôn người Samaritanô Nhân Hậu, « Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy » (Lc 10,37), Chúa đã chỉ ra đâu là thái độ mà mỗi một môn đệ của Ngài cần phải có đối với người khác, cách riêng nếu họ cần sự săn sóc. Vì thế, nó hệ tại múc lấy nơi tình yêu vô tận của Thiên Chúa, xuyên qua một mối tương quan thân mật với Ngài trong đời sống cầu nguyện, trong sức mạnh hằng ngày sống một sự quan tâm cụ thể, như người Samaritanô Nhân Hậu, đối với người bị tổn thương trong thân xác và tâm trí, người cần sự giúp đỡ, ngay cả khi họ vô danh và túng thiếu. Điều đó có giá trị không chỉ đối với những người lo việc mục vụ y tế, nhưng đối với hết mọi người và với cả chính bệnh nhân vốn sống thân phận của mình trong một viễn ảnh đức tin: “Không phải việc tránh né đau khổ, chạy trốn trước nỗi đau đớn mà con người được chữa lành, nhưng là khả năng chấp nhận những nỗi gian truân đau khổ và trưởng thành nhờ chúng, khả năng tìm thấy ở đó một ý nghĩa nhờ sự kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ bằng một tình yêu bao la” (Thông điệp Spe salvi, số 37).

3. Nhiều Nghị Phụ đã nhìn thấy chính Chúa Giêsu nơi hình ảnh của người Samaritanô Nhân Hậu, và nơi người bị rơi vào tay kẻ cướp, A-đam, Nhân Loại lầm lạc và bị tổn thương do tội lỗi của mình (Origene, Bài giảng về Tin Mừng Luca XXXIV, 1-9 ; Ambroise, Chú giải Tin Mừng Luca, 71-84 ; Augustin, Bài giảng 171). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng hiện tại hóa tình yêu của Chúa Cha, tình yêu trung tín, vĩnh cửu, không giới hạn, ngăn cách. Nhưng Chúa Giêsu cũng là Đấng “trút bỏ” “chiếc áo thần linh” của Ngài, hạ mình từ “thân phận” Thiên Chúa, để mang lấy hình dáng con người (Pl 2, 6-8), và đến gần với nỗi đau khổ của con người, xuống tận âm ty, như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính, và mang lại hy vọng và ánh sáng. Ngài không khư khư giữ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, địa vị Thiên Chúa (x. Pl 2,6), nhưng, đầy lòng thương xót, Ngài nghiêng mình xuống vực thẳm đau khổ của nhân sinh, để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng.

4. Năm Đức Tin mà chúng ta đang sống là một cơ hội thuận lợi để tăng cường đức ái phục vụ trong các cộng đoàn giáo hội của chúng ta, để mỗi người trở thành một người samaritanô cho người khác, cho người sống bên cạnh chúng ta. Trong mục đích này, tôi muốn nhắc lại một vài hình ảnh, trong vô số hình ảnh của lịch sử Giáo Hội, vốn đã giúp các bệnh nhân làm tăng giá trị của đau khổ trên bình diện nhân bản và thiêng liêng, để họ trở nên một gương mẫu và một sự thúc đẩy. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan, “chuyên viên về khoa học tình yêu (scientia amoris) (Gioan-Phaolô II, Tông thư Ngàn năm mới đang đến, số. 42), đã biết sống “kết hiệp sâu xa với cuộc Thương khó của Chúa Giêsu”, sống bệnh tật vốn sẽ dẫn đưa Chị “đến cái chết xuyên qua những nỗi đau khổ lớn lao” (Bênêđíctô XVI, Buổi tiếp kiến chung, ngày 6.4.2011). Đấng Đáng kính Luigi Novarese, mà ngày nay nhiều người vẫn còn giữ kỷ niệm sống động, đã cảm thấy cách đặc biệt trong việc thực thi thừa tác vụ của mình, tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho và với các bệnh nhân và những người đau khổ, mà ngài thường đồng hành tại các Đền thánh Đức Mẹ, cách riêng ở hang đá Lộ Đức. Được đức ái thúc đẩy hướng đến tha nhân, Raoul Follereau đã hiến dâng đời mình để săn sóc những người bị mắc bệnh Hansen (phong cùi), cho đến tận những nơi hẻo lánh nhất của hành tinh, đồng thời cùng với người khác ông đã cổ võ Ngày quốc tế chống bệnh Phong cùi. Chân phước Têrêsa Calcutta đã luôn bắt đầu ngày sống của mình bằng việc gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, để tiếp đến xuống đường với tràng chuỗi Mân Côi trong tay để gặp gỡ và phục vụ Chúa đang hiện diện nơi những người đau khổ, đặc biệt những ai “không được muốn, không được yêu thương, không được săn sóc”. Thánh Anna Schäffer de Mindelstetten cũng biết kết hợp cách mẫu mực những đau khổ của mình với những đau khổ của Chúa Kitô: “Phòng bệnh được biến thành phòng tu và sự đau khổ thành phục vụ truyền giáo…Được củng cố bởi việc rước lễ hằng ngày, thánh nữ đã trở thành một người cầu bầu không biết mệt mỏi bằng lời cầu nguyện, và thành một mẫu gương của tình yêu của Thiên Chúa đối với nhiều người đang tìm kiếm lời khuyên” (Bài giảng ngày lễ phong thánh, 21.10.2012). Trong Tin Mừng, nổi bật lên hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria đã bước theo người Con đau khổ của mình cho đến hy tế tối cao trên đồi Golgotha. Mẹ không bao giờ mất đi niềm hy vọng vào sự chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ, đau khổ và cái chết, và Mẹ biết đón nhận Con Thiên Chúa giáng sinh nơi hang đá Bêlem và chết trên thập giá, bằng chính tình từ mẫu đầy niềm tin và tình yêu. Sự vững tin của Mẹ vào quyền năng của Thiên Chúa được chiếu sáng bởi sự Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng mang lại niềm hy vọng cho những ai đang sống trong đau khổ và đổi mới niềm xác tín về sự gần gũi và sự an ủi của Chúa.

5. Sau cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và sự khích lệ của tôi đến các tổ chức y tế Công giáo và chính xã hội dân sự, đến các giáo phận, các cộng đoàn Kitô hữu, các dòng tu đang dấn thân trong việc mục vụ y tế, đến các hiệp hội của các nhân viên y tế và thiện nguyện. Ước gì có thể lớn lên trong mọi người ý thức rằng “khi tiếp đón cách yêu thương và quảng đại mọi cuộc sống con người, nhất là khi nó yếu đau và bệnh tật, ngày nay Giáo Hội đang sống một thời điểm quan trọng của sứ mạng của mình” (Gioan-Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, số. 38).

Tôi phó thác Ngày quốc tế Bệnh nhân lần thứ XXI này cho sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đầy Ân Sủng được tôn kính ở Altötting, để Mẹ luôn đồng hành với nhân loại khổ đau, đang tìm kiếm sự an ủi và niềm hy vọng vững chắc ; xin Mẹ giúp đỡ tất cả những ai đang dấn thân trong sứ vụ tông đồ của lòng thương xót trở nên những người samaritanô nhân hậu cho anh chị em của mình đang gặp thử thách bởi bệnh tật và nỗi thống khổ. Tôi hết lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.

Vatican, ngày 2 tháng Giêng năm 2013.

Bênêđíctô XVI

Tý Linh chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp.

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31