SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
Trong Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 39 sẽ được cử hành vào ngày 24/11/2024, Đức Phanxicô mời gọi giới trẻ tự vấn về việc họ xây dựng cuộc sống của họ trên những niềm hy vọng nào và đồng thời khuyến khích giới trẻ hãy lên đường và sống cuộc hành hương đời mình, không phải trên những hy vọng sai lầm, nhưng nơi “ánh sáng Tin Mừng của Chúa Kitô”. Ngài cũng mời gọi các bạn trẻ đến Rôma vào Năm Thánh 2025, để “cảm nghiệm được vòng tay ôm ấp của Thiên Chúa thương xót, sự tha thứ của Ngài, sự tha thứ cho tất cả những “món nợ nội tâm” của chúng ta, như truyền thống của các Năm Thánh trong Kinh Thánh thực hiện”. Cũng hướng đến Năm Thánh 2025, ngài đặc biệt mời gọi giới trẻ, thay vì những “tấm hình selfies” hoặc “nhìn và đánh giá thế giới đằng sau màn hình”, hãy đi vào “cuộc hành trình nội tâm”, bằng cách ở lại trong Chúa Kitô, “Cửa cứu độ” để loan báo niềm hy vọng cho mọi người. Một hành trình như vậy sẽ có những mệt mỏi, thách thức, nhưng Đức Thánh Cha tuyên bố : “Cha thích sự mệt mỏi của những người đang bước đi hơn là sự buồn chán của những người đứng yên và không muốn bước đi! ”.
Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha :
24/11/2024
Những người đặt niềm hy vọng nơi Chúa sẽ tiến bước không mệt mỏi (x. Is 40, 31)
Các bạn trẻ thân mến !
Năm ngoái, chúng ta đã bắt đầu bước đi trên con đường hy vọng hướng tới Đại Năm Thánh bằng cách suy tư về câu nói của Thánh Phaolô “Vui mừng trong hy vọng” (x. Rm 12, 12). Chính để chuẩn bị cho cuộc hành hương Năm Thánh 2025 mà năm nay chúng ta để cho mình được truyền cảm hứng bởi ngôn sứ Isaia, người đã nói: “Những người đặt niềm hy vọng nơi Chúa […] sẽ bước đi không mệt mỏi” (Is 40, 31). Cách diễn đạt này được lấy từ Sách An Ủi (Is 40-55), công bố việc chấm dứt cuộc lưu đày của dân Israel ở Babylon và khởi đầu một giai đoạn hy vọng và tái sinh mới cho dân Thiên Chúa, những người có thể trở về quê hương của mình nhờ một “con đường” mới mà, trong lịch sử, Chúa đã mở ra cho con cái của Ngài (x. Is 40, 3).
Ngày nay cũng vậy, chúng ta đang sống trong một thời đại được đánh dấu bằng những hoàn cảnh bi thảm tạo ra sự tuyệt vọng và ngăn cản chúng ta xem xét tương lai với một tinh thần thanh thản: thảm kịch chiến tranh, bất công xã hội, bất bình đẳng, nạn đói, sự khai thác con người và công trình tạo dựng. Thông thường, những người phải trả giá đắt nhất, đó là các con, những người trẻ cảm thấy tương lai bấp bênh và không tìm ra lối thoát chắc chắn cho ước mơ của mình, từ đó có nguy cơ sống không có hy vọng, tù nhân của sự buồn chán và u sầu, đôi khi bị cuốn vào ảo tưởng về sự phạm luật và những thực tại mang tính hủy diệt (cf. Sắc chỉ Spes non confundit, số 12). Các bạn thân mến, đó là lý do tại sao cha muốn lời loan báo về niềm hy vọng cũng đến với các con, như đã đến với dân Israel ở Babylon: ngay cả ngày nay, Chúa cũng mở ra một con đường trước mặt các con và Ngài mời gọi các con đi qua đó với niềm vui và hy vọng.
- Cuộc hành hương của cuộc sống và những thách đố của nó
Ngôn sứ Isaia nói tiên tri về việc “tiến bước không mệt mỏi”. Vậy chúng ta hãy suy nghĩ về hai khía cạnh này: tiến bước và mệt mỏi.
Cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành hương, một hành trình thúc đẩy chúng ta vượt qua chính mình, một hành trình tìm kiếm hạnh phúc; và đặc biệt, đời sống Kitô hữu là một cuộc hành hương hướng về Thiên Chúa, là ơn cứu độ và sự viên mãn của mọi điều tốt lành. Những mục tiêu, những thành tựu và những thành công trên suốt đường đi, dù chỉ là vật chất, vẫn khiến chúng ta khao khát sau giây phút thỏa mãn ban đầu, khao khát một ý nghĩa sâu xa hơn. Thật vậy, chúng không hoàn toàn lấp đầy tâm hồn chúng ta vì chúng ta được tạo dựng bởi Đấng vô hạn. Vì vậy, khát vọng siêu việt nằm trong chúng ta, mối quan tâm thường xuyên để hiện thực hóa những khát vọng lớn hơn, để hướng tới cái “hơn nữa”. Đây là lý do tại sao, như cha đã nói với các con nhiều lần, “nhìn cuộc đời từ ban công” đối với các con là những người trẻ thì không đủ.
Tuy nhiên, mặc dù chúng ta bắt đầu cuộc hành trình của mình với sự nhiệt tình, nhưng sớm hay muộn cuối cùng chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi là điều bình thường. Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây lo lắng và mệt mỏi nội tâm là những áp lực xã hội thúc đẩy chúng ta đạt được một số chuẩn mực thành công trong trường học, công việc và cuộc sống cá nhân. Điều này tạo ra nỗi buồn vì chúng ta sống trong nỗi thống khổ của một não trạng duy hoạt động trống rỗng khiến chúng ta lấp đầy ngày của mình với hàng ngàn thứ, và mặc dù vậy, chúng ta vẫn có cảm giác không bao giờ làm đủ và không bao giờ xứng tầm. Sự mệt mỏi này thường đi kèm với sự buồn chán. Đó là trạng thái lãnh đạm và bất mãn của những người không tiến bước, không quyết định, không lựa chọn, không bao giờ chấp nhận rủi ro và thích ở trong vùng tiện nghi, khép kín nơi chính mình, đồng thời nhìn và đánh giá thế giới đằng sau một màn hình, mà không bao giờ “chịu bẩn tay mình” với những vấn đề, với người khác, với cuộc sống. Sự mệt mỏi này giống như một lớp xi măng khiến chân chúng ta bị mắc kẹt và cuối cùng trở nên cứng lại, đè nặng chúng ta, làm chúng ta tê liệt và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Cha thích sự mệt mỏi của những người đang bước đi hơn là sự buồn chán của những người đứng yên và không muốn bước đi!
Nghịch lý thay, giải pháp cho sự mệt mỏi không phải là ngồi yên để nghỉ ngơi. Đúng hơn, nó hệ tại việc lên đường và trở thành những người hành hương hy vọng. Đây là lời mời gọi của cha dành cho các con: hãy tiến bước trong niềm hy vọng! Niềm hy vọng vượt qua mọi mệt mỏi, mọi khủng hoảng và mọi lo lắng, mang lại cho chúng ta động lực mạnh mẽ để tiến về phía trước, bởi vì nó là món quà mà chúng ta nhận được từ chính Thiên Chúa: Ngài lấp đầy thời gian của chúng ta bằng ý nghĩa, Ngài soi sáng cho chúng ta trên đường đi, Ngài chỉ cho chúng ta phương hướng và mục đích của cuộc sống. Thánh Phaolô Tông đồ đã sử dụng hình ảnh vận động viên chạy trong sân vận động để nhận phần thưởng chiến thắng (x. 1 Cr 9, 24). Những ai đã từng tham gia một cuộc thi đấu thể thao – không phải với tư cách khán giả mà với tư cách là nhân vật chính – đều biết rõ sức mạnh nội tâm cần có để về đích. Niềm hy vọng chính là một sức mạnh mới mà Thiên Chúa thổi vào chúng ta, giúp chúng ta kiên trì trong cuộc đua, mang lại cho chúng ta một “tầm nhìn dài hạn” để vượt qua những khó khăn của hiện tại và hướng chúng ta đến một mục đích cụ thể: hiệp thông với Thiên Chúa và sự sống sung mãn vĩnh cửu. Nếu có một mục đích cao đẹp, nếu cuộc sống không đi đến hư vô, nếu không có điều gì tôi mơ ước, dự phóng và đạt được bị mất đi, thì thật đáng để tiến bước và đổ mồ hôi, vượt qua trở ngại và đối mặt với mệt mỏi, bởi vì phần thưởng cuối cùng thật tuyệt vời!
- Những người hành hương trong sa mạc
Trong cuộc hành hương của cuộc đời, chắc chắn có những thách thức phải vượt qua. Vào thời cổ đại, trong những chuyến hành hương dài ngày, người ta phải đối mặt với những thay đổi về mùa và khí hậu, băng qua những đồng cỏ dễ chịu và những khu rừng mát mẻ, cũng như những ngọn núi phủ tuyết và những sa mạc nóng như thiêu. Tương tự như vậy đối với các tín hữu, cuộc hành hương của một đời người và cuộc hành trình hướng về một đích đến xa xôi luôn mệt mỏi, giống như cuộc hành trình băng qua sa mạc để về Đất Hứa đối với dân Israel.
Tất cả các con cũng như vậy. Ngay cả đối với những người đã nhận được hồng ân đức tin, cũng có những giây phút hạnh phúc khi Thiên Chúa hiện diện và các con cảm thấy Ngài ở gần; và những lần khác các con đã cảm nghiệm sa mạc. Có thể xảy ra rằng sự nhiệt tình ban đầu trong học tập hoặc làm việc, hoặc động lực bước theo Chúa Kitô – dù trong hôn nhân, thiên chức linh mục hay đời sống thánh hiến – được theo sau bởi những thời điểm khủng hoảng khiến cuộc sống giống với một bước đi khó khăn trong sa mạc. Tuy nhiên, những thời điểm khủng hoảng này không phải là những thời điểm lãng phí hay vô ích, nhưng chúng có thể là những cơ hội quan trọng để phát triển. Đây là thời gian thanh luyện niềm hy vọng! Thực vậy, trong các cuộc khủng hoảng, nhiều “niềm hy vọng” sai lầm, những “hy vọng quá nhỏ bé đối với trái tim chúng ta”, đã thất bại. Chúng bị vạch trần và do đó chúng ta vẫn trần trụi, đối mặt với chính mình và những vấn đề cơ bản của cuộc sống, vượt lên trên mọi ảo tưởng. Và vào lúc đó, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: tôi xây dựng cuộc sống của tôi trên những niềm hy vọng nào? Chúng là chân thật hay chúng là ảo tưởng?
Trong những thời điểm này, Chúa không bỏ rơi chúng ta, Ngài đến gần chúng ta như một người Cha và luôn ban cho chúng ta bánh ăn phục hồi sức lực và đưa chúng ta lên đường. Chúng ta hãy nhớ rằng Ngài đã ban manna cho dân trong sa mạc (x. Xh 16) và Ngài đã hai lần ban bánh và nước cho ngôn sứ Êlia mệt mỏi và chán nản để ông có thể bước đi “bốn mươi ngày bốn mươi đêm cho đến núi Horeb, núi của Thiên Chúa” (1 V 19, 8). Trong những câu chuyện Thánh Kinh này, đức tin của Giáo hội đã nhìn thấy những hình ảnh tiên trưng về món quà quý giá là Bí tích Thánh Thể, manna đích thực và của ăn đàng đích thực mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để hỗ trợ chúng ta trên hành trình của mình. Như Chân phước Carlo Acutis đã nói, Bí tích Thánh Thể là con đường dẫn tới thiên đàng. Một chàng trai trẻ đã biến Bí tích Thánh Thể thành nơi gặp gỡ quan trọng nhất hằng ngày của mình! Như thế, hiệp nhất mật thiết với Chúa, chúng ta tiến bước không mệt mỏi vì Ngài bước đi với chúng ta (x. Mt 28, 20). Cha mời gọi các con khám phá lại món quà tuyệt vời của Bí tích Thánh Thể!
Trong những thời điểm mệt mỏi không thể tránh khỏi của cuộc hành hương trên thế giới này, chúng ta hãy học cách nghỉ ngơi như Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. Người khuyên các môn đệ hãy nghỉ ngơi sau khi trở về từ sứ mạng truyền giáo (x. Mc 6, 31), Người biết nhu cầu của các con về việc nghỉ ngơi thể xác, thời gian giải trí để vui chơi cùng bạn bè, chơi thể thao và thậm chí cả ngủ nghỉ. Nhưng có một sự nghỉ ngơi sâu xa hơn, sự nghỉ ngơi của tâm hồn mà nhiều người tìm kiếm, nhưng ít người tìm thấy, và chỉ tìm thấy được trong Chúa Kitô. Hãy biết rằng mọi mệt mỏi nội tâm đều có thể tìm được sự khuây khỏa nơi Chúa, Đấng nói với các con: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Khi sự mệt mỏi của cuộc hành trình đè nặng lên các con, hãy trở về với Chúa Giêsu, hãy học cách nghỉ ngơi trong Người và ở lại trong Người bởi vì “Những ai trông cậy vào Chúa […] sẽ tiến bước không mệt mỏi” (Is 40, 31).
- Từ khách du lịch đến người hành hương
Các bạn trẻ thân mến, lời mời gọi của cha dành cho các con là hãy lên đường để khám phá cuộc sống, theo những dấu chân của tình yêu, để tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa. Nhưng điều cha khuyên các con, đó là hãy lên đường không phải như những khách du lịch đơn thuần, nhưng như những người hành hương. Cuộc tiến bước của các con không nên chỉ đơn giản là đi qua những nơi chốn của cuộc sống một cách hời hợt, mà không nắm bắt được vẻ đẹp của những gì các con gặp phải, không khám phá ý nghĩa của những con đường đã đi, ghi lại những khoảnh khắc phù du, những trải nghiệm thoáng qua để ghi lại trong một bức ảnh selfie. Đây là những gì khách du lịch làm. Trái lại, người hành hương hoàn toàn đắm mình vào những nơi mình gặp, làm cho chúng lên tiếng, hòa nhập chúng vào cuộc tìm kiếm hạnh phúc của mình. Vì thế, cuộc hành hương Năm Thánh muốn trở thành một dấu chỉ của cuộc hành trình nội tâm mà tất cả chúng ta được mời gọi thực hiện, để đạt đến đích điểm cuối cùng.
Chính trong tâm trạng này mà tất cả chúng ta đang chuẩn bị cho Năm Thánh. Cha hy vọng rằng nhiều người trong các con sẽ có thể đến Rôma trong cuộc hành hương để đi qua các Cửa Thánh. Tuy nhiên, đối với tất cả mọi người, sẽ có cơ hội thực hiện cuộc hành hương này nơi các Giáo hội địa phương, để khám phá lại nhiều đền thánh địa phương vốn gìn giữ đức tin và lòng đạo đức của dân thánh và trung thành của Thiên Chúa. Cha hy vọng rằng cuộc hành hương năm thánh này đối với mỗi người chúng ta sẽ trở thành “một khoảnh khắc sống động và gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, là “Cửa cứu độ” (Sắc chỉ Spes non confundit, số 1). Cha mời gọi các con sống nó với ba thái độ căn bản: tạ ơn, để tâm hồn các con mở ra ca ngợi những hồng ân đã nhận được, trước hết là hồng ân sự sống; tìm kiếm, để con đường của các con thể hiện ước muốn liên tục tìm kiếm Chúa và không dập tắt cơn khát của tâm hồn các con; cuối cùng là sám hối, giúp chúng ta nhìn vào bên trong mình, nhận ra những con đường xấu và những lựa chọn sai lầm mà đôi khi chúng ta thực hiện, và quay về với Chúa và về với ánh sáng Tin Mừng của Người.
- Những người hành hương hy vọng vì sứ mạng
Cha để lại cho các con thêm một hình ảnh gợi ý cho chuyến hành trình của các con. Để đến Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma, các con băng qua quảng trường được bao quanh bởi hàng cột do kiến trúc sư và nhà điêu khắc vĩ đại Gian Lorenzo Bernini tạo ra. Hàng cột, nói chung, giống như một cái ôm vĩ đại: chúng là hai vòng tay rộng mở của Giáo hội, mẹ của chúng ta, chào đón tất cả con cái của mình! Trong Năm Thánh về Niềm Hy Vọng sắp tới này, cha mời gọi tất cả các con hãy cảm nghiệm vòng tay ôm của Thiên Chúa thương xót, sự tha thứ của Ngài, sự tha thứ cho tất cả “những món nợ nội tâm” của chúng ta, như truyền thống của các Năm Thánh trong Kinh Thánh. Được Thiên Chúa chào đón như thế và được tái sinh trong Ngài, các con cũng trở thành vòng tay rộng mở cho nhiều bạn bè và những người cùng thời với các con, những người đang cần cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa Cha, qua sự chào đón của các con. Chớ gì mỗi người trong các con hãy cho đi “dù chỉ một nụ cười, một cử chỉ tình bạn, một cái nhìn huynh đệ, một sự lắng nghe chân thành, một sự phục vụ nhưng không, biết rằng, trong Thánh Thần của Chúa Giêsu, điều này có thể trở thành hạt giống hy vọng phong nhiêu cho những ai đón nhận nó.” (ibid., số 18), nhờ đó trở thành những nhà truyền giáo không mệt mỏi của niềm vui.
Khi chúng ta tiến bước, chúng ta hãy ngước mắt lên với cái nhìn đức tin hướng về các vị thánh đã đi trước chúng ta trên đường đời, các ngài đã đạt được mục đích và mang lại cho chúng ta chứng từ đầy khích lệ: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4, 7-8). Gương sáng của các thánh nam nữ thu hút và nâng đỡ chúng ta.
Hãy can đảm lên ! Cha mang tất cả các con trong trái tim mình và cha phó thác cuộc hành trình của mỗi người trong các con cho Đức Trinh Nữ Maria, để, noi gương Mẹ, các con biết kiên nhẫn và tin tưởng chờ đợi điều các con hy vọng, luôn tiến bước như những người hành hương của niềm hy vọng và tình yêu.
Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 29 tháng 8 năm 2024, Lễ nhớ cuộc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả.
PHANXICÔ
——————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vaticna.va)
Tags: Giới trẻ, năm thánh 2025, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO