SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO DIỄN ĐÀN VỀ NĂM GIA ĐÌNH AMORIS LAETITIA
Đức Phanxicô khuyến khích các đôi bạn làm chứng bằng cuộc sống cụ thể của họ rằng “tình yêu mãi mãi là điều khả thi », trong sứ điệp video gởi cho Diễn đàn trực tuyến do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự Sống tổ chức từ 9-12/6/2021. Ngài cũng kêu gọi các Giáo hội địa phương gần gũi với các gia đình.
Sự kiện này có tựa đề « Chúng ta đang ở đâu trong việc áp dụng Tông huấn Amoris laetitia ? », diễn ra trong khuôn khổ Năm « Gia đình Amoris laetitia ». « Để mang tình yêu của Thiên Chúa cho các gia đình và các bạn trẻ sẽ xây dựng gia đình mai ngày, chúng ta cần sự trợ giúp của chính các gia đình, kinh nghiệm sống cụ thể của họ về cuộc sống nhân sinh và hiệp thông », Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Đức Thánh Cha cũng lấy làm tiếc vì « biết bao gia đình không ý thức về ân huệ lớn lao mà họ đã lãnh nhận được nơi Bí tích, dấu chỉ hữu hiệu của sự hiện diện của Chúa Kitô đang đồng hành với từng khoảnh khắc của cuộc sống của họ ». Vì thế, ngài kêu gọi : « Cần phải có một nỗ lực đặc biệt để đào tạo các giáo dân, cách riêng các vợ chồng và gia đình, để họ hiểu tốt hơn tầm quan trọng của sự dấn thân của họ trong Giáo hội, tức là ý thức về sứ mạng đến từ hôn nhân và gia đình. »
Dưới đây là toàn văn sứ điệp :
Anh em Giám mục thân mến,
Anh chị em thân mến,
Tôi ngỏ lời với anh chị em nhân dịp Diễn đàn được Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự Sống tổ chức, 5 năm sau khi ban hành Tông huấn Amoris laetitia. Tôi cảm ơn Bộ đã có sáng kiến này, bất chấp những khó khăn thực tế do đại dịch. Và tôi biết ơn tất cả anh chị em đã đáp lại lời mời gọi: các vị đại diện từ các Văn phòng về gia đình của hơn 60 Hội đồng Giám mục và hơn 30 phong trào quốc tế hôm nay hiện diện nơi đây, liên kết trong cuộc gặp gỡ này.
Trong toàn cảnh các sáng kiến quan trọng nhất của Năm “Gia đình Amoris laetitia”, Diễn đàn biểu lộ một thời điểm đối thoại quan trọng giữa Tòa Thánh, các Hội đồng Giám mục, các phong trào và các hiệp hội gia đình. Chúa Thánh Thần biến nó thành một thời điểm phong nhiêu cho Giáo hội, cho các mục tử và giáo dân, để chúng ta lắng nghe những nhu cầu cụ thể của các gia đình và giúp đỡ lẫn nhau khởi động những tiến trình cần thiết để canh tân việc rao giảng của Giáo hội.
Câu hỏi mà anh chị em đặt ra – “Chúng ta đang ở đâu trong việc áp dụng Tông huấn Amoris laetitia?” – muốn khuyến khích việc thực hiện sự phân định phong nhiêu của Giáo hội về phong cách và những mục đích của việc mục vụ gia đình trong viễn ảnh tân Phúc Âm hóa. Tông huấn Amoris laetitia là hoa trái của sự suy tư sâu xa của Thượng hội đồng về hôn nhân và gia đình và như thế, đòi hỏi một công việc kiên nhẫn vận dụng và một sự hoán cải sứ mạng. Diễn đàn này diễn ra trong sự liên tục với con đường của Thượng hội đồng, vốn phải có thể được cụ thể hóa nơi các Giáo hội địa phương và đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ trách nhiệm, khả năng phân định và sự sẵn sàng gần gũi các gia đình.
Giữa những khó khăn do đại dịch gây ra, “phá vỡ đời sống gia đình và sự hiệp thông sự sống và tình yêu thâm sâu” (1), ngày nay hơn bao giờ hết gia đình tỏ ra là dấu chỉ thời đại, và Giáo hội được mời gọi trước hết chăm chú lắng nghe các gia đình và đồng thời bao hàm họ như là những chủ thể của việc mục vụ. Cần phải gạt sang một bên mọi “lời rao giảng thuần túy lý thuyết và xa rời với những vấn đề hiện thực của con người” (2), cũng như ý tưởng rằng việc loan báo Tin Mừng được dành riêng cho một nhóm tinh hoa mục vụ. Mọi người chịu phép rửa “đều là chủ thể tích cực của việc loan báo Tin Mừng” (3). Để mang tình yêu của Thiên Chúa cho các gia đình và các bạn trẻ sẽ xây dựng gia đình mai ngày, chúng ta cần sự trợ giúp của chính các gia đình, kinh nghiệm cụ thể của họ về đời sống nhân bản và hiệp thông. Chúng ta cần đến các đôi vợ chồng bên cạnh các mục tử, để bước đi cùng với các gia đình khác, để giúp đỡ những ai yếu đuối hơn, để loan báo rằng, ngay cả trong những khó khăn, Chúa Kitô vẫn hiện diện trong Bí tích Hôn Phối để trao ban sự dịu dàng, sự kiên nhẫn và niềm hy vọng cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Đối với các bạn trẻ, thật quan trọng biết bao việc họ nhận thấy tình yêu của Chúa Kitô sống động và hiện diện nơi tình yêu vợ chồng, vốn làm chứng bằng cuộc sống cụ thể của họ rằng tình yêu mãi mãi là điều khả thi!
Như đôi vợ chồng Aquila và Priscille đã là những người cộng tác quý báu của thánh Phaolô trong sứ mạng của ngài, thì cũng thế ngày nay nhiều đôi bạn và ngay cả toàn thể các gia đình với con cái (4) có thể là những chứng nhân hợp thức để đồng hành với các gia đình, làm thành cộng đoàn, gieo vãi hạt giống hiệp thông giữa các dân nước vốn lãnh nhận việc loan báo Tin Mừng đầu tiên, và đồng thời đóng góp cách quyết định vào việc loan báo Tin Mừng.
Hôn nhân, cũng như thiên chức linh mục, nhằm “xây dựng dân Thiên Chúa” (5) và giao phó cho các vợ chồng một sứ mạng đặc biệt trong việc xây dựng Giáo hội. Gia đình là “Giáo hội tại gia” (6), nơi mà sự diện bí tích của Chúa Kitô đang hành động giữa các vợ chồng và các bậc cha mẹ và con cái của họ. Theo nghĩa này, “tình yêu được sống trong gia đình là một sức mạnh liên lỉ cho đời sống của Giáo hội” (7), một Giáo hội liên lỉ được làm phong phú bằng đời sống của tất cả các Giáo hội tại gia. Do đó, nhờ Bí tích Hôn Phối, mỗi gia đình hoàn toàn trở nên một thiện ích cho Giáo hội (8).
Do đó, trách nhiệm đối với sứ mạng mời gọi các vợ chồng và các thừa tác viên chức thánh, đặc biệt là các Giám mục, cộng tác cách phong nhiêu vào việc chăm lo và bảo vệ các Gia đình tại gia. Các mục tử chúng ta phải để cho Chúa Thánh Thần soi sáng, để lời loan báo cứu độ này được thể hiện từ phía các đôi bạn đang sống, đang sẵn sàng, nhưng chưa được mời gọi (9). Trái lại, nếu chúng ta mời gọi họ làm việc với chúng ta, nếu chúng ta dành chỗ cho họ, thì họ có thể đóng góp vào việc xây dựng tấm vải Giáo hội. Như sợi ngang và sợi dọc của nam và nữ, trong sự bổ túc của họ, kết hợp với nhau để hình thành tấm thảm của gia đình, thì cách tương tự, các Bí tích Truyền Chức Thánh và Hôn Phối cả hai đều cần thiết để xây dựng Giáo hội, “gia đình của các gia đình” này. Như thế, chúng ta có thể có một nền mục vụ gia đình trong đó người ta có thể hoàn toàn hít thở tinh thần hiệp thông Giáo hội. Sự hiệp thông này “được biểu lộ […] như là một sự hiệp thông “hữu cơ”, tương tự với sự hiệp thông của một thân xác sống động […], qủa thế, nó được đặc trưng bởi sự hiện diện đồng thời của tính đa dạng và sự bổ túc của các ơn gọi và hoàn cảnh sống” (10).
Vì thế, tôi mời gọi anh chị em lấy lại Amoris laetitia để xác định, trong số các ưu tiên mục vụ được chỉ ra trong đó, những ưu tiên tương hợp nhất với những đòi hỏi cụ thể của mỗi Giáo hội địa phương và theo đuổi chúng cách sáng tạo và với nhiệt huyết truyền giáo. Trong suốt thời gian đại dịch, Chúa đã cho chúng ta cơ hội suy nghĩ lại không chỉ những nhu cầu và những ưu tiên, nhưng còn cả phong cách và cách thức mà chúng ta hoạch định và thực hiện sự dấn thân mục vụ của chúng ta. Trong đường hướng giá trị chương trình của Tông huấn Evangelii gaudium và của chương trình mục vụ cụ thể được Amoris laetitia vạch ra cho việc mục vụ gia đình, “tôi hy vọng rằng tất cả các cộng đoàn sẽ làm sao để vận dụng các phương tiện cần thiết để tiến bộ trên con đường hoán cải mục vụ và truyền giáo, mà không thể để mọi sự như chúng là” (11).
Cần phải có một nỗ lực đặc biệt để đào tạo các giáo dân, cách riêng các vợ chồng và gia đình, để họ hiểu tốt hơn tầm quan trọng của sự dấn thân của họ trong Giáo hội, tức là ý thức về sứ mạng đến từ hôn nhân và gia đình. Biết bao gia đình không ý thức về ân huệ lớn lao mà họ đã lãnh nhận được nơi Bí tích, dấu chỉ hữu hiệu của sự hiện diện của Chúa Kitô đang đồng hành với từng khoảnh khắc của cuộc sống của họ. Khi một gia đình khám phá trọn vẹn ân huệ này, thì họ cảm thấy ước muốn chia sẻ với các gia đình khác, để niềm vui gặp gỡ với Chúa hướng tới chỗ được lan rộng và tạo nên sự hiệp thông hơn nữa, gia đình vốn sẵn là truyền giáo (12).
Hành trình được thực hiện với các Thượng hội đồng về gia đình đã giúp đỡ Giáo hội làm nổi lên nhiều thách đố cụ thể mà các gia đình đang sống : những áp lực ý thức hệ cản trở tiến trình giáo dục, những vấn đề tương quan, sự nghèo khổ vật chất và tinh thần và, tự sâu xa, bao nhiêu cô đơn do sự khó khăn nhận biết Thiên Chúa trong đời sống của mình. Một số thách đố này vẫn còn phải đương đầu và đòi hỏi một sự nhiệt huyết mục vụ mới mẻ trong một số lãnh vực đặc biệt : tôi nghĩ đến việc chuẩn bị hôn nhân, việc đồng hành các đôi vợ chồng trẻ, việc giáo dục, quan tâm đến người cao tuổi, đến sự gần gũi vơi các gia đình bị tổn thương hay các gia đình mà, trong một cuộc kết hợp mới, ao ước sống trọn vẹn kinh nghiệm Kitô hữu.
Vì thế, tôi mong ước những ngày làm việc này sẽ là cơ hội tốt để chia sẻ các ý tưởng và những kinh nghiệm mục vụ ; và cũng để tạo ra một mạng lưới mà, trong sự bổ túc của các ơn gọi và các bậc sống, trong một tinh thần cộng tác và hiệp thông Giáo hội, có thể loan báo Tin Mừng về gia đình theo cách thức hữu hiệu nhất, đồng thời đáp lại những dấu chỉ của thời đại.
Tôi phó thác anh chị em cho sự cầu bàu của Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, và thánh Giuse, để ân sủng của Thiên Chúa làm trổ sinh hoa trái sự dấn thân của anh chị em vì lợi ích của các gia đình hôm nay và mai ngày. Tôi ban phép lành cho anh chị em và chúc anh chị em làm việc tốt đẹp và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
———————————-
(1). Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui của Tình yêu) (AL), 19.
(2). AL, 201.
(3). Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui của Tin Mừng) (24 /11/ 2013), 120.
(4). x. Thánh Gioan-Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio (Đời sống chung gia đình) (22 /11/ 1981), 50.
(5). Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số. 1534.
(6). Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11.
(7). AL, 88.
(8). x. ibid., 87.
(9). x. Diễn văn khai mạc Năm Tư Pháp của Tòa Thượng Thẩm Rôma , 25/1/ 2020.
(10). Thánh Gioan-Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici (Kitô hữu giáo dân) (30 décembre 1988), 20.
(11). Tông huấn Evangelii gaudium, 25.
(12). x. ibid., 23.
—————-
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
Familles : le pape invite à témoigner « que l’amour pour toujours est possible »
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS