SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO MÙA CHAY 2023: KHỔ CHẾ MÙA CHAY VÀ HÀNH TRÌNH HIỆP HÀNH ĐỀU NHẮM ĐẾN SỰ BIẾN ĐỔI

Written by xbvn on Tháng Hai 17th, 2023. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Sứ điệp, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Hôm 17/2/2023, Sứ điệp Mùa Chay 2023 đã được công bố. Trong Sứ điệp này, Đức Thánh Cha Phanxicô dựa vào đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu Biến Hình để cho thấy « mối tương quan tồn tại giữa khổ chế Mùa Chay và kinh nghiệm hiệp hành ». Cả hai hành trình này đều nhắm đến sự biến đổi cá nhân và Giáo hội. Đặc biệt, ngài đề nghị « hai “con đường” phải theo để lên núi cùng với Chúa Giêsu và đạt đến đích cùng với Ngài » trong Mùa Chay này : đó là lắng nghe Chúa Giêsu và sống cuộc thương khó và thập giá của Ngài trong thực tại hằng ngày với đức tin, đức cậy và đức mến, « để trở thành những người kiến tạo tình hiệp hành trong đời sống thường ngày nơi các cộng đoàn của chúng ta ».

Dưới đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha :

Khổ chế Mùa Chay, hành trình hiệp hành

Anh chị em thân mến !

Các Tin Mừng theo thánh Matthêu, Marcô và Luca đều khớp nhau khi kể lại tình tiết về cuộc Biến Hình của Chúa Giêsu. Trong biến cố này, chúng ta thấy câu trả lời của Chúa cho sự thiếu hiểu biết của các môn đệ đối với Ngài. Quả thế, trước đó không lâu, đã xảy ra tranh cãi nghiêm trọng giữa Thầy và ông Simon Phêrô, người sau khi đã tuyên xưng đức tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, đã gạt bỏ lời loan báo của Ngài về cuộc thương khó và thập giá.  Chúa Giêsu đã quở trách ông cách mạnh mẽ: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23). Và thế rồi “sáu ngày sau Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17, 1).

Bài Tin Mừng về cuộc Biến Hình được công bố hằng năm, vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Quả thế, trong suốt thời gian phụng vụ này, Chúa đem chúng ta đi với Ngài và đưa chúng ta lánh riêng ra một nơi. Cho dù các hoạt động bình thường của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải ở lại những nơi quen thuộc, sống một cuộc sống hằng ngày thường lặp đi lặp lại và đôi khi nhàm chán, nhưng trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi lên “núi cao” với Chúa Giêsu, để sống một kinh nghiệm khổ chế đặc biệt cùng với Dân thánh của Thiên Chúa.

Khổ chế Mùa Chay là một nỗ lực, luôn được Ân Sủng thúc đẩy, để vượt qua sự thiếu lòng tin và sự kháng cự của chúng ta trong việc bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Chính là điều mà Phêrô và các môn đệ khác cần đến. Để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về Thầy, để hiểu và đón nhận cách sâu xa mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện trong sự trao hiến hoàn toàn chính mình bằng tình yêu, cần phải để cho bản thân được Ngài đưa riêng ra một nơi và lên núi cao, tách mình khỏi những điều tầm thường và phù vân. Cần phải lên đường, một con đường lên núi, đòi hỏi nỗ lực, hy sinh, tập trung, như một chuyến du ngoạn trên núi. Những điều kiện này cũng rất quan trọng đối với con đường hiệp hành mà  chúng ta đã dấn thân, với tư cách là Giáo hội. Sẽ rất tốt cho chúng ta khi suy nghĩ về mối tương quan tồn tại giữa khổ chế Mùa Chay và kinh nghiệm hiệp hành.

 

Đối với cuộc “tĩnh tâm” trên núi Tabor này, Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ, được chọn để làm chứng cho một biến cố độc nhất vô nhị. Ngài muốn kinh nghiệm ân sủng này không đơn độc, nhưng được chia sẻ, như tất cả đời sống đức tin của chúng ta cũng như thế. Chúa Giêsu, chúng ta phải cùng nhau bước theo Ngài. Và chính cùng với nhau, với tư cách là một Giáo hội lữ hành trong thời gian, mà chúng ta sống Năm Phụng vụ, và Mùa Chay ở trong Năm Phụng vụ này, bằng cách bước đi cùng với những người mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta như những người bạn đồng hành. Tương tự với việc Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài lên núi Tabor, chúng ta có thể nói rằng hành trình Mùa Chay của chúng ta là “hiệp hành”, vì chúng ta cùng nhau thực hiện nó trên cùng một con đường, các môn đệ của một vị Thầy duy nhất. Hơn nữa, chúng ta biết rằng chính Ngài là Đường, và do đó, dù trong hành trình phụng vụ hay trong hành trình của Thượng hội đồng, Giáo hội không làm gì khác hơn là đi vào mầu nhiệm của Chúa Kitô Cứu Độ cách sâu xa và trọn vẹn hơn nữa.

Và chúng ta đến cao điểm. Bài Tin Mừng kể rằng Chúa Giêsu “biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Đó là “đỉnh điểm”, là mục đích của hành trình. Kết thúc việc lên núi, khi họ ở trên núi với Chúa Giêsu, ba môn đệ được ơn nhìn thấy Ngài trong vinh quang, chói lọi ánh sáng siêu nhiên, không đến từ bên ngoài, nhưng tỏa ra từ chính Ngài. Vẻ đẹp thần linh của thị kiến này vượt trội hơn tất cả sự mệt mỏi mà các môn đệ đã có thể tích tụ để lên núi Tabor. Như đối với bất kỳ cuộc du ngoạn đòi hỏi nào trên núi, khi leo lên, cần phải giữ cái nhìn chăm chú vào con đường; nhưng bức tranh toàn cảnh mở ra ở cuối hành trình sẽ gây ngạc nhiên và đền bù bằng sự kỳ diệu của nó. Tiến trình hiệp hành cũng thường tỏ ra gay go và đôi khi chúng ta có thể nản lòng. Nhưng những gì chờ đợi chúng ta ở cuối hành trình chắc chắn là điều gì đó kỳ diệu và đáng ngạc nhiên, vốn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn của Thiên Chúa và sứ mạng của chúng ta trong việc phụng sự Vương quốc của Ngài.

Kinh nghiệm của các môn đệ trên núi Tabor còn phong phú hơn khi, bên cạnh Chúa Giêsu biến hình, xuất hiện Môisê và Êlia là hiện thân của Lề luật và các Ngôn sứ (x. Mt 17, 3). Sự mới mẻ của Chúa Kitô là sự hoàn tất Giao Ước Cũ và các lời hứa; nó không thể tách rời với lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài và cho thấy ý nghĩa sâu xa của nó. Cũng thế, tiến trình hiệp hành bén rễ trong truyền thống của Giáo hội và, đồng thời, mở ra cho sự mới mẻ. Truyền thống là nguồn cảm hứng để tìm kiếm những con đường mới mẻ, bằng cách tránh những cám dỗ đối lập của sự bất động và thử nghiệm ngẫu hứng.

Hành trình khổ chế của Mùa Chay, cũng như hành trình hiệp hành, cả hai đều có mục tiêu là sự biến đổi, cá nhân và Giáo hội. Một sự biến đổi mà, trong hai trường hợp, đều tìm thấy khuôn mẫu của nó nơi sự biến đổi của Chúa Giêsu và được thực hiện nhờ ân sủng của mầu nhiệm Vượt qua của Ngài. Để sự biến đổi này có thể được thực hiện nơi chúng ta trong năm nay, tôi muốn đề nghị hai “con đường” phải theo để lên núi cùng với Chúa Giêsu và đạt đến đích cùng với Ngài.

Con đường thứ nhất quy chiếu đến mệnh lệnh mà Chúa Cha nói với các môn đệ trên núi Tabor, khi họ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình. Từ trong đám mây có tiếng nói: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài” (Mt 17, 5). Do đó, chỉ dẫn đầu tiên là rất rõ ràng: lắng nghe Chúa Giêsu. Mùa Chay là một thời gian ân sủng trong chừng mực chúng ta lắng nghe Đấng đang nói. Và Ngài nói với chúng ta như thế nào? Trước tiên trong Lời Chúa mà Giáo hội mang lại cho chúng ta trong Phụng vụ: đừng để Lời Chúa rơi vào trống rỗng. Nếu chúng ta không thể luôn tham dự thánh lễ, chúng ta hãy đọc các Bài đọc Thánh Kinh hằng ngày, kể cả với sự trợ giúp của Internet. Ngoài Thánh Kinh, Chúa còn nói với chúng ta qua các anh chị em, nhất là qua những khuôn mặt và những câu chuyện của những người cần được giúp đỡ. Nhưng tôi cũng muốn thêm vào một khía cạnh khác, rất quan trọng trong tiến trình hiệp hành: lắng nghe Chúa Kitô cũng ngang qua việc lắng nghe anh chị em trong Giáo hội, việc lắng nghe hỗ tương này là mục tiêu chính trong một số giai đoạn, nhưng, dù sao đi nữa, vẫn luôn là điều không thể thiếu trong phương pháp và phong cách của một Giáo hội hiệp hành.

Khi nghe tiếng Chúa Cha, “các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ, Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi” (Mt 17, 6-8). Đó là chỉ dẫn thứ hai cho Mùa Chay này: đừng ẩn náu trong một thứ tình cảm tôn giáo được tạo nên từ những sự kiện phi thường, những kinh nghiệm gợi cảm, vì sợ phải đối mặt với thực tại bằng những nỗ lực hằng ngày, những khó khăn và những mâu thuẫn của nó. Ánh sáng mà Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ là sự tiên báo về vinh quang phục sinh, vốn cần phải hướng tới, bằng cách bước theo “chỉ một mình Ngài”. Mùa Chay hướng đến Lễ Phục Sinh: cuộc “tĩnh tâm” không phải là một mục đích tự tại, nhưng nó chuẩn bị chúng ta sống cuộc thương khó và thập giá trong đức tin, đức cậy và đức mến, để đạt tới sự phục sinh. Cũng thế, hành trình hiệp hành cũng không được làm cho chúng ta tin rằng chúng ta đã đến đích khi Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng về một số kinh nghiệm hiệp thông mạnh mẽ. Ở đó một lần nữa, Chúa lặp lại với chúng ta: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!”. Chúng ta hãy xuống lại đồng bằng và ước gì ân sủng mà chúng ta sẽ trải nghiệm nâng đỡ chúng ta để trở thành những người kiến tạo tình hiệp hành trong đời sống thường ngày nơi các cộng đoàn của chúng ta.

Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta sống Mùa Chay này trong sự khổ chế với Chúa Giêsu, để cảm nghiệm được vẻ huy hoàng thần linh của Ngài và, như thế được củng cố trong đức tin, cùng nhau tiếp tục hành trình cùng với Ngài, là vinh quang của dân Ngài và ánh sáng cho mọi dân tộc.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 25 tháng 01 năm 2023, Lễ thánh Phaolô trở lại.

PHANXICÔ

———————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: Vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Ba 2024
H B T N S B C
« Th2    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31