THIÊN CHÚA Ở ĐÂU TRONG TRẬN ĐỘNG ĐẤT ?

Written by xbvn on Tháng Hai 17th, 2023. Posted in Giáo lý, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thánh Kinh, Thế Giới, Tý Linh

Mỗi thảm họa đều dẫn đên một loạt những nghi ngờ : Thiên Chúa không thể ngăn chặn nó sao ? Làm sao còn có thể tin vào sự hiện diện tích cực của một Thiên Chúa mà chúng ta gọi là « tình yêu » và toàn năng ? Cha Marcel Domergue, s.j, tra vấn Thánh Kinh để giúp chúng ta đương đầu với vấn đề không thể tránh khỏi này.

« Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong ; vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu ». Sách Khôn Ngoan (1, 13-14) diễn tả như thế, và Tân Ước sẽ mang lại tất cả ý nghĩa của nó cho trực giác nền tảng này. Chẳng hạn, Chúa Kitô, Đấng mà Thiên Chúa được mạc khải, sẽ xuất hiện như một nhà trị liệu, kẻ thù của những gì làm tổn hại đến con người, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thánh Phaolô sẽ lặp lại điều đó bằng những lời khác : Chúa Giêsu được suy tôn trên mọi quyền thần và quản thần đang chống lại chúng ta, và « thù địch cuối cùng mà Ngài tiêu diệt là sự chết » (x. 1 Cr 15, 24-25). Đến độ thánh Phaolô có thể ca ngợi, ở cuối chương 15 này : « Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng. Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? ».

Chúng ta sẽ nói lại về cuộc chiến thắng trên sự chết này. Bây giờ, chúng ta hãy lưu tâm đến niềm xác tín vốn chi phối tất cả hình ảnh mà chúng ta có về Thiên Chúa này: Thiên Chúa không can dự vào bất kỳ nguyên nhân nào gây ra sự đau khổ và cái chết của chúng ta. Ngài « vô tội » trước tất cả những gì đang làm chúng ta đau đớn. Chúng ta hãy lặp lại điều này : không chỉ vô tội, mà còn là thù địch của những bất hạnh của chúng ta, như các hành động của Chúa Kitô cho thấy.

Tại sao trở lại với niềm xác tín này ? Đó là bởi vì các biến cố đánh dấu lịch sử của chúng ta có thể làm xáo trộn những xác tín này của chúng ta và mời gọi chúng ta đổi mới suy tư của mình. Như thế, đối với các trận động đất gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria : làm thế nào còn có thể tin vào sự hiện hiện tích cực của một vị Thiên Chúa mà chúng ta gọi là Tình Yêu và Toàn Năng ?

Những bất hạnh của chúng ta không phải là sự trừng phạt hay thử thách

Vấn đề không hề mới : nó ám ảnh nhiều Thánh vịnh ; chúng ta tìm thấy nó xuyên suốt sách Gióp ; nó có những điểm nhấn mới trong sách Giảng viên. Tuy nhiên, Thánh Kinh không bao giờ kết luận : « bởi đó không có Thiên Chúa » ; nó vẫn còn đó trước vấn đề, mầu nhiệm, và kết luận của sách Gióp được tóm tắt bằng một lời mời gọi đừng tìm cách hiểu. Chưa : về điều đó, cần phải chờ đợi Chúa Kitô ; và câu trả lời mà Ngài sẽ mang lại bằng cách dâng hiến chính mạng sống mình là rất khó để thừa nhận rằng nó vẫn còn chưa thấm vào tâm trí chúng ta. Tại sao đau khổ và sự chết ?

Tôi sẽ chỉ giữ lại hai cách giải thích cổ điển : đau khổ là một hình phạt và đau khổ là một thử thách. Chúng không phải là không có những tham chiếu Thánh Kinh, những gì cho thấy rõ rằng các Sách thánh của chúng ta giống như những chặng đường tạm thời trên con đường dài dẫn đến chân lý, con đường lưu tâm đến và khiến chúng ta vượt qua mọi ảo tưởng của chúng ta về Đấng mà chúng ta gọi là Thiên Chúa. Đúng theo lẽ, lời cuối cùng sẽ chỉ được đưa ra vào lúc tận cùng, khi « Chiên Con bị sát tế » (Chúa Kitô trong lễ Vượt Qua của Ngài) sẽ là người duy nhất xứng đáng phá vỡ bảy ấn của Cuốn Sách để cho thấy ý nghĩa của nó (Khải huyền 5).

Những người trong Thánh Kinh trước tiên đã nghĩ rằng những bất hạnh của chúng ta là những hình phạt vì lỗi lầm của chúng ta, vì một nền công lý thần linh đòi hỏi phải được thỏa mãn. Sách Gióp chống lại lối suy nghĩ này : đây là một người công chính (ông Gióp), người biết số phận phải dành cho kẻ có tội. Do đó, sự đau khổ này không phải là một hình phạt ; và về điểm này Thiên Chúa đồng ý với ông Gióp (42, 7). Tuy nhiên, mầu nhiệm vẫn hoàn toàn còn đó. Chúng ta có thể thêm vào hồ sơ này Luca 13, 1-5, trong đó Chúa Giêsu  giải thích rằng những người Galilê bị Philatô tàn sát không có tội hơn những người khác, và những người bị tháp Silôê đè bẹp không có tội hơn những cư dân khác của Giêrusalem. Bản văn thú vị, vì chúng ta tìm thấy ở đó một bất hạnh đến từ sự tự do của con người (quyết định của Philatô) và một bất hạnh đến từ những hoàn cảnh không lường trước được (sự sụp đổ của ngọn tháp). Các trại tử thần và sóng thần. Chúng ta cũng hãy trích dẫn Ga 9, 1-3 trong đó sự mù lòa của người mù khi mới sinh không phải do lỗi của anh ta, cũng không do lỗi của cha mẹ anh ta. Vì thế, không có sự báo thù thần linh.

Như thế, những bất hạnh của chúng ta có phải là những thử thách do Thiên Chúa gởi đến ?

Chủ đề này được tìm thấy ngay cả trong Tân Ước. Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta đau khổ để đo lường đức tin của chúng ta, để xem những gì ẩn sâu trong chúng ta. Để ngắn gọn, chúng ta hãy lưu ý hai điều. Trước tiên, nếu có thử thách, thì nó không bao giờ đi đến cái chết ; nó có tính sư phạm và phải thúc đẩy sự tăng trưởng. Tiếp đến, những gì thử thách con người, đó là ân huệ nhận được hơn là sự bất hạnh. Chẳng hạn, manna, trong sách Xuất Hành chương 16, được trình bày là « bánh thử thách ». Nói rằng tất cả những gì xảy đến với chúng ta đều thử thách chúng ta, cho phép chúng ta đo lường đức tin, đức cậy, đức mến của chúng ta, nhưng điều đó không hề ngụ ý rằng những gì thử thách chúng ta như thế là do « Chúa gởi đến ».

Những lối giải thích về sự bất hạnh này dựa trên hư cấu về một Thiên Chúa quyết định tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống của chúng ta, về một Thiên Chúa tạo nên lịch sử. Chúng ta sẽ không trở lại với lời phê phán về lối quan niệm ấu trĩ này về « Đấng quan phòng ». Vì thế, câu hỏi vẫn là : những điều xấu xa mà  chúng ta phải chịu đến từ đâu ?

 Trong một vũ trụ xung đột

Rất thường, Thánh Kinh đề cao mối liên hệ chặt chẽ giữa bất hạnh và tội lỗi. Có phải chúng ta sẽ lại rơi vào huyền thoại về sự bất hạnh là hình phạt ? Không nhất thiết, cho dù các bản văn  của chúng ta đôi khi gần với lối giải thích không thể bảo vệ được này. Để hiểu mối liên hệ giữa bất hạnh và tội lỗi, cần phải đọc lại ba chương đầu tiên của sách Sáng Thế Ký. Những gì đến từ bàn tay của Thiên Chúa là một vũ trụ an bình. Tất cả mọi người đều không ăn thịt động vật : người ta không cần giết để sống (chương 1). Động vật phải tùng phục con người vì con người đặt tên cho chúng. Thiên nhiên rất nhân từ ; nó ban hoa trái của nó mà không có vấn đề gì. Tội lỗi xảy đến, nó được trình bày như một sự nghi ngờ, một sự ngờ vực đối với quyền năng làm cho chúng ta hiện hữu. Vì thế, chúng ta bước vào một vũ trụ xung đột. Chúng ta hãy lướt qua các chi tiết và chỉ nhận xét rằng nhân loại được Thiên Chúa tạo dựng là một như Thiên Chúa là Một. Sự hiệp nhất tình yêu : nó là kết quả của việc thuộc về nhau của người nam và người nữ. Khi sự ngờ vực len lỏi vào, sự hiệp nhất tan vỡ, con người xâu xé nhau : « Xương bởi xương tôi và  thịt bởi thịt tôi » trở thành « người đàn bà Ngài cho ở với con », một công thức buộc tội cả người phụ nữ và Thiên Chúa, nói cách khác là Người Khác. Cuộc xung đột nam-nữ dẫn đến sự thống trị của người nam trên người nữ, sự thống trị không loại trừ dục vọng mà tác giả Thánh Kinh nhận thấy trong xã hội mình đang sống và ông gán cho tội lỗi (3, 16). Cuộc xung đột nam-nữ được them vào cuộc xung đột giữa con người – thiên nhiên : đất đai sẽ trở thành một sa mạc sinh ra gai góc ; lao động sẽ khó nhọc và đất đai cuối cùng sẽ lấy lại sự sống của con người.

Ở chương 4, một cuộc xung đột khác nổi lên, khiến con người chống lại con người. Cain và Abel mở màn cho loạt bạo lực huynh đệ tương tàn vốn ghi dấu trong Thánh Kinh. Cho đến tận hình ảnh cuối cùng về sự thù địch giữa Do Thái và ngoại giáo, vốn sẽ chỉ tìm thấy giải pháp trong Chúa Kitô là « sự bình an của chúng ta », khi những kẻ thù địch sẽ trở thành một dân tộc duy nhất. Thánh Phaolô sẽ viết : không còn Do Thái hay Hy Lạp ; nam hay nữ nữa. Trong Thư Rôma 8, 19-22, thiên nhiên cũng trông mong giờ hòa giải của nó, trong sự đau đớn như sắp sinh nở. Cho đến lúc đó, chúng ta không thể trông cậy vào lòng nhân từ hoàn toàn từ phía con người hay từ phía thiên nhiên. Chúng ta hãy nhắc lại rằng sự mâu thuẫn này giữa con người và môi trường của họ, đối với Thánh Kinh, không phải là một sự trừng phạt của Thiên Chúa. Nó là thành quả độc hại của một sự bất đồng cơ bản giữa tự do và sự thật của chúng ta.

Và Thiên Chúa, trong tất cả những điều đó ?

Ngài luôn là sức mạnh sáng tạo cư ngụ trong chúng ta, nhưng không thể thành công mà không có sự đồng thuận cảu chúng ta. Mọi thứ đều được xây dựng trên lôgíc của giao ước, và chính qua chúng ta là sức mạnh của Thiên Chúa có thể được thực hiện. Thiên Chúa không muốn và cũng không cho phép những thảm họa giáng xuống chúng ta. Chúng xảy ra vừa chống lại Ngài vừa chống lại chúng ta. Trên thập giá, chúng ta học biết được rằng Ngài không phải là tác giả mà là nạn nhân của sự gian ác của chúng ta. Thiên Chúa đã ở đâu khi các trận động đất xảy ra ? Dĩ nhiên, trong các nạn nhân của động đất.

Vẫn còn câu hỏi « tại sao ». Tại sao sự ngờ vực của con người lại đầu độc toàn thể vũ trụ bằng một loại hiệu ứng hồi tố khiến nó sinh hoa kết quả ngay cả trước khi con người xuất hiện ? Chúng ta sẽ trả lời rằng toàn thể công trình tạo dựng, từ yếu tố đầu tiên, trong dự án là thuộc về con người. Rất tốt, nhưng tại sao ? Và tại sao có sự dữ ?

Học thuyết lâu đời về tội nguyên tổ không còn có thể bảo vệ được nữa. Sáng Thế Ký chương 3 không kể cho chúng ta về cuộc phiêu lưu của « tổ tiên cha mẹ đầu tiên » của chúng ta nhưng, theo ngôn ngữ huyền thoại, về một sự khước từ vốn được tìm thấy nơi tất cả mọi người thuộc mọi thời đại. Đó là « con người cũ » mà thánh Phaolô nói đến, con người mà từ đó chúng ta khởi đi để đạt tới một nhân loại đích thực. Chúng ta hãy đọc lại 1Cr 15, 44-49. Trên hành trình hướng đến con người mới, con người của công trình tạo dựng được hoàn thành, mọi đau khổ của chúng ta trở thành cơn đau sinh đẻ.

Không ai có thể trả lời cách thỏa đáng về vấn đề sự dữ

Có lẽ chúng ta ở đây đang đứng trước cái cây biết lành biết dữ mà trái không thể đạt tới và bị cấm. Chúa Kitô không đưa ra lời giải thích nào. Chắc chắn, trong Rm 5, 12-19, thánh Phaolô liên kết sự dữ với tội lỗi của Ađam, nhưng từ câu 14 chúng ta đọc thấy rằng Ađam chỉ là một « hình bóng » của Đấng phải đến là Chúa Kitô. Nếu các bản văn của chúng ta không cho chúng ta biết những bất hạnh của chúng ta đến từ đâu, thì chúng mạc khải cho chúng ta rằng trước tiên chúng tác động đến Thiên Chúa và Ngài đến chia sẻ với chúng ta số phận mà chúng ta tin rằng từ lâu đã dành cho những kẻ tội lỗi. Chúng ta học biết được rằng chúng ta không phải là những người duy nhất trên các con đường, vốn thường đau đớn, mà cuộc sống áp đặt lên chúng ta. « Thiên Chúa ở cùng chúng ta », cho đến tận cùng trên thập giá của chúng ta, đó là thông điệp. Cách diễn tả này cũng đóng khung Tin Mừng theo thánh Matthêu (1,23 và 28,20). Tuy nhiên, Thiên Chúa không bằng lòng ở với chúng ta trong điều tồi tệ nhất : Ngài liên kết với chúng ta ở đó để giải thoát chúng ta khỏi đó. Ngài đi xuống địa ngục của chúng ta để mở ra cho chúng ta một lối đi dẫn đến sự sống. Đến độ « Thiên Chúa ở cùng chúng ta » được hoàn thành trong « chúng ta ở cùng Thiên Chúa ».

————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30