SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI LẦN THỨ 60 (2023) : ƠN GỌI : ÂN SỦNG VÀ SỨ MẠNG

Written by xbvn on Tháng Tư 26th, 2023. Posted in Giáo dân, Linh mục, Ơn gọi, Sứ điệp, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi lần thứ 60, được cử hành vào Chúa Nhật IV Phục Sinh (30/4/2023), Đức Phanxicô mời gọi « suy nghĩ và cầu nguyện bằng cách được hướng dẫn bởi chủ đề « Ơn gọi : ân sủng và sứ mạng » », để tái khám phá ơn gọi là « một ân sủng, một hồng ân nhưng không, và đồng thời là một sự dấn thân ra đi » loan báo Tin Mừng.

Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các ơn gọi Kitô hữu (hôn nhân và tu trì) rằng « « trọng tâm » của ơn gọi Kitô hữu : noi gương Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ », và cuộc đời của mỗi người là « một sứ mạng », một sứ mạng, phát xuất từ hồng ân nhưng không và yêu thương của Thiên Chúa, khiến chúng ta « hân hoan làm chứng, trong mọi hoàn cảnh, bằng thái độ và lời nói, về những gì chúng ta đang sống bằng cách ở với Chúa Giêsu và trong cộng đoàn của Ngài là Giáo hội. Nó được thể hiện qua những công việc thương xót về thể xác và tinh thần, qua một phong cách sống đón tiếp và hiền lành, có khả năng gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng, ngược dòng với nền văn hóa vứt bỏ và dửng dưng ».

Ngài nhấn mạnh « cấu trúc căn bản » của ơn gọi Kitô hữu, một ơn gọi “trao hiến chính mình trong tình yêu” này, đó là « Thiên Chúa yêu thương mời gọi và chúng ta, với lòng biết ơn, yêu thương đáp trả ». Và lời đáp trả này được thực hiện « cùng nhau » trong Giáo hội, vốn « là một bản giao hưởng ơn gọi, với tất cả các ơn gọi được hợp nhất và khác biệt trong sự hài hòa và cùng nhau « đi ra » để chiếu tỏa trên thế giới sự sống mới của Nước Thiên Chúa ».

Dưới đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha :

Ơn gọi : ân sủng và sứ mạng

Anh chị em thân mến, các bạn trẻ thân mến !

Đây là lần thứ sáu mươi chúng ta cử hành Ngày Thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi, được thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập vào năm 1964, trong Công đồng đại kết Vatican II. Sáng kiến đầy quan phòng này nhằm giúp đỡ các thành phần của Dân Thiên Chúa, cách cá nhân và trong cộng đoàn, đáp lại tiếng gọi và sứ mạng mà Chúa giao phó cho mỗi người trong thế giới hôm nay, với những vết thương và hy vọng của nó, những thách thức của nó, những thành công của nó.

Năm nay, tôi muốn đề nghị với anh chị em suy nghĩ và cầu nguyện bằng cách được hướng dẫn bởi chủ đề « Ơn gọi : ân sủng và sứ mạng ». Đó là một cơ hội quý báu để tái khám phá một cách ngạc nhiên thán phục rằng tiếng gọi của Chúa là một ân sủng, một hồng ân nhưng không, và đồng thời đó là một sự dấn thân ra đi, đi ra để mang lại Tin Mừng. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho đức tin, một đức tin vốn liên kết chặt chẽ với sự sống của ân sủng, qua các Bí tích, sự hiệp thông Giáo hội, và hoạt động tông đồ trong thế giới. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, người Kitô hữu để cho mình được chất vấn bởi các vùng ngoại vi hiện sinh, và nhạy cảm với những bi kịch của nhân loại, bằng cách luôn ghi nhớ rằng sứ mạng là công trình của Thiên Chúa và nó không được thực hiện một mình, nhưng trong sự hiệp thông Giáo hội, với anh chị em của mình, được hướng dẫn bởi các chủ chăn. Vì đó đã luôn và sẽ luôn là ước mơ của Thiên Chúa : rằng chúng ta sống với Người trong sự hiệp thông yêu thương.

« Được chọn trước cả khi tạo thành vũ trụ »

Thánh Phaolô Tông đồ mở ra trước mắt chúng ta một chân trời tuyệt vời : Chúa Cha « trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô » (Êp 1, 4-5). Đó là những lời cho phép chúng ta nhìn cuộc sống theo ý nghĩa tròn đầy của nó : Thiên Chúa « cưu mang » chúng ta theo hình ảnh và giống như Người và muốn chúng ta trở thành con cái của Người : chúng ta đã được tạo dựng bởi Tình Yêu, bởi tình yêu và với tình yêu, và chúng ta được tạo dựng để yêu thương.

Trong suốt cuộc đời chúng ta, ơn gọi này, được ghi khắc trong từng thớ thịt của con người chúng ta và mang bí quyết hạnh phúc, đã đến với chúng ta, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, theo một cách luôn luôn mới lẻ, đã soi sáng trí khôn của chúng ta, mang lại sức mạnh cho ý chí của chúng ta, làm cho chúng ta kinh ngạc và nung đốt lòng chúng ta. Đôi khi, thậm chí tác động này xảy đến cách bất ngờ. Đó là trường hợp của tôi vào ngày 21/9/1953, khi trên đường đến buổi lễ hằng năm của các sinh viên, tôi đã cảm thấy nhu cầu vào một nhà thờ và xưng tội. Ngày hôm đó đã thay đổi đời tôi và hình thành nó theo cách kéo dài cho đến ngày nay. Nhưng lời mời gọi của Thiên Chúa đến chỗ trao hiến chính mình được thực hiện dần dần, thông qua một hành trình : lúc tiếp xúc vởi một hoàn cảnh nghèo khổ, trong lúc cầu nguyện, nhờ một chứng tá rõ ràng về Tin Mừng, qua một bài đọc khiến tâm trí chúng ta được mở ra, khi chúng ta lắng nghe một đoạn Lời Chúa và chúng ta cảm thấy rằng Lời đó được nói với chúng ta, trong lời khuyên của một người anh em hay của một người chị em đang đồng hành với chúng ta, trong thời gian bệnh tật hay tang tóc…Trí tưởng tượng của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta, là vô tận.

Và sáng kiến và hồng ân nhưng không của Người chờ đợi lời đáp trả của chúng ta. Ơn gọi là « sự đan xen giữa sự chọn lựa của Thiên Chúa và sự tự do của con người » (1). Đó là một mối tương quan năng động và kích thích vốn có Thiên Chúa và trái tim của con người là những người đối thoại. Như thế, hồng ân ơn gọi giống như một hạt giống thần linh nảy mầm trên mảnh đất cuộc đời chúng ta, mở chúng ta ra với Thiên Chúa và tha nhân để chia sẻ với họ kho tàng mà chúng ta đã tìm thấy. Đó là cấu trúc căn bản của những gì chúng ta hiểu là ơn gọi : Thiên Chúa yêu thương mời gọi và chúng ta, với lòng biết ơn, yêu thương đáp trả. Chúng ta khám phá mình là những người con được yêu thương bởi cùng một người Cha và chúng ta nhìn nhận nhau là anh chị em. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, khi cuối cùng đã « nhìn thấy » cách rõ ràng thực tại này, đã thốt lên : « Cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con ! Ơn gọi của con, đó là Tình Yêu ! Vâng, con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Giáo hội […]. Giữa lòng Giáo hội, Mẹ của con, con sẽ là Tình Yêu » (2).

« Tôi là một sứ mạng trên trái đất này »

Như đã nói, tiếng gọi của Thiên Chúa bao gồm việc sai đi. Không có ơn gọi mà không có sứ mạng. Và không có hạnh phúc hay sự thể hiện trọn vẹn chính mình mà không mang đến cho tha nhân sự sống mới mà chúng ta đã tìm thấy. Tiếng gọi của Thiên Chúa đến với tình yêu là một kinh nghiệm vốn không thể bị giảm thiểu thành thinh lặng. Thánh Phaolô đã thốt lên : « Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng » (1Cr 9, 16). Và Thứ thứ nhất của thánh Gioan bằng đầu như thế này : Điều chúng tôi đã nghe, đã thấy, đã chiêm ngưỡng và chạm đến, tức là Ngôi Lời nhập thể, thì chúng tôi cũng loan báo cho anh chị em để niềm vui của chúng tôi được trọn vẹn (x. 1, 1-4).

Cách đây 5 năm, trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, tôi đã nói với mỗi người được rửa tội như sau : « Cả bạn nữa, bạn cũng phải coi cả cuộc đời mình như một sứ mạng » (số 23). Vâng, bởi vì mỗi người chúng ta, không trừ một ai, đều có thể nói : « Tôi là một sứ mạng trên trái đất này, và đó là lý do tại sao tôi có mặt trong thế giới này » (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 273).

Sứ mạng chung của mọi Kitô hữu là hân hoan làm chứng, trong mọi hoàn cảnh, bằng thái độ và lời nói, về những gì chúng ta đang sống bằng cách ở với Chúa Giêsu và trong cộng đoàn của Ngài là Giáo hội. Nó được thể hiện qua những công việc thương xót về thể xác và tinh thần, qua một phong cách sống đón tiếp và hiền lành, có khả năng gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng, ngược dòng với nền văn hóa vứt bỏ và dửng dưng. Trở nên người thận cận, như người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10, 25-37), cho phép chúng ta hiểu được « trọng tâm » của ơn gọi Kitô hữu : noi gương Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10, 45).

Hoạt động truyền giáo này không đơn thuần phát xuất từ khả năng, ý hướng hay kế hoạc của chúng ta, cũng không phải từ ý chí của chúng ta, thậm chí cũng không phải từ nỗ lực thực hành các nhân đức của chúng ta, nhưng từ một kinh nghiệm sâu xa với Chúa Giêsu. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân cho một Đấng, một Cuộc Sống, và điều đó biến chúng ta trở thành « những tông đồ ». Chính như thế mà chúng ta nhận ra mình « được ghi dấu bởi sứ mạng soi sáng, chúc lành, làm sinh động, đỡ nâng, chữa lành, giải thoát này » (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 273).

Hai môn đệ trên đường về làng Emmaus là một hình ảnh Tin Mừng về kinh nghiệm này. Sau khi họ gặp được Chúa Giêsu phục sinh, họ đã thổ lộ với nhau : « Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ? » (Lc 24, 32). Nơi họ, chúng ta có thể thấy ý nghĩa của việc có « một trái tim cháy bỏng và đôi chân bước đi » (3). Đó là những gì tôi cũng mong muốn cho Ngày Quốc tế Giới Trẻ sắp đến ở Lisbon, mà tôi hân hoan chờ đợi và khẩu hiệu của Ngày đó là : « Maria vội vã lên đường » (Lc 1, 39). Ước gì mỗi người cảm thấy được mời gọi chỗi dậy và vội vã lên đường, với một trái tim hăng hái !

Được kêu gọi cùng nhau : được triệu tập

Thánh sử Máccô kể lại giây phút Chúa Giêsu kêu gọi mười hai môn đệ đến với Ngài, tên của mỗi người. Ngài thiết lập họ để họ ở với Ngài và để sai họ đi rao giảng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ (x. Mc 3, 13-15). Như thế, Chúa đã đặt nền móng cho Cộng đoàn mới của mình. Nhóm Mười Hai là những người đến từ các tầng lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau, không thuộc về những hạng người quan trọng nhất. Tiếp đến, các sách Tin Mừng kể cho chúng ta về những ơn gọi khác, như ơn gọi của 72 môn đệ mà Chúa Giêsu đã sai đi từng hai người một (x. Lc 10, 1).

Giáo hội chính là « Ekklesía », thuật ngữ tiếng Hy Lạp có nghĩa là « tập hợp những người được kêu gọi, được triệu tập », để hình thành cộng đoàn các môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu-Kitô, dấn thân sống tình yêu của Ngài giữa họ (x. Ga 13, 34 ; 15, 12) và lan tỏa tình yêu đó cho mọi người, để Nước Thiên Chúa ngự trị.

Trong Giáo hội, tất cả chúng ta đều là những người phục vụ, tùy theo những ơn gọi, những đặc sủng và những thừa tác vụ khác nhau. Ơn gọi trao hiến chính mình trong tình yêu, chung cho mọi người, được biểu lộ và cụ thể hóa nơi đời sống của các Kitô hữu giáo dân, nam cũng như nữ, dấn thân trong việc xây dựng gia đình như một tiểu Giáo hội tại gia và trong việc canh tân các môi trường khác nhau của xã hội với men của Tin Mừng ;  nơi chứng tá của những người sống đời thánh hiến, hoàn toàn được hiến dâng cho Thiên Chúa vì anh chị em của mình như một lời ngôn sứ về Nước Thiên Chúa ; nơi các thừa tác viên chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục) để phục vụ cho Lời Chúa, cho việc cầu nguyện và hiệp thông của dân thánh của Thiên Chúa. Chỉ trong mối tương quan với tất cả các ơn gọi khác mà mỗi ơn gọi đặc thù trong Giáo hội mới được biểu lộ cách trọn vẹn với sự thật và sự phong phú của chính mình. Theo nghĩa này, Giáo hội là một bản giao hưởng ơn gọi, với tất cả các ơn gọi được hợp nhất và khác biệt trong sự hài hòa và cùng nhau « đi ra » để chiếu tỏa trên thế giới sự sống mới của Nước Thiên Chúa.

Ân sủng và sứ mạng : hồng ân và sự dấn thân

Anh chị em thân mến, ơn gọi là một hồng ân và là một trách nhiệm, một nguồn sống mới và vui tươi đích thực. Ước gì các sáng kiến cầu nguyện và hoạt động liên quan đến Ngày này củng cố ý thức ơn gọi trong các gia đình chúng ta, trong các cộng đoàn giáo xứ và trong các cộng đoàn đời sống thánh hiến, trong các hiệp hội và phong trào trong Giáo hội. Ước gì Thánh Thần của Chúa Phục Sinh kéo chúng ta ra khỏi sự lãnh đạm và ban cho chúng ta sự cảm thông và đồng cảm, để chúng ta có thể sống mỗi ngày được tái sinh như con cái của Thiên Chúa Tình Yêu (x. 1Ga 4, 16) và, đến lượt chúng ta, trở thành những người phát sinh tình yêu : có khả năng mang lại sự sống khắp mọi nơi, đặc biệt là những nơi có sự loại trừ và khai thác bóc lột, có sự nghèo khổ và chết chóc. Để những không gian yêu thương được mở rộng (4) và để Thiên Chúa ngày càng ngự trị trong thế giới này.

Ước gì lời cầu nguyện do thánh Phaolô VI sáng tác cho Ngày Thế giới các ơn gọi lần thứ nhất, ngày 11/4/1964, đồng hành với chúng ta trên con đường này :

« Lạy Chúa Giêsu, vị Mục Tử tuyệt vời của các tâm hồn, Đấng đã kêu gọi các Tông đồ trở thành những ngư phủ lưới người, xin tiếp tục thu hút đến với Chúa những tâm hồn nhiệt thành và quảng đại của những người trẻ, để biến họ thành môn đệ và thừa tác viên của Chúa ; xin làm cho họ tham dự vào sự khao khát của Chúa về Ơn cứu độ phổ quát, […] xin mở ra cho họ những chân trời của toàn thế giới, […] để, khi đáp lại tiếng gọi của Chúa, họ nối dài sứ mạng của Chúa trên trần gian này, xây dựng Nhiệm Thể của Chúa là Giáo hội, và trở nên « muối cho đời», « ánh sáng cho trần gian » (Mt 5, 13) ».

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và che chở anh chị em. Với phép lành của tôi.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 30 tháng 4 năm 2023, Chúa Nhật IV Phục Sinh.

—————————————-

(1) Văn kiện chung kết của Đại hội đồng thường kỳ của Thượng hội đồng Giám mục (2018), Giới trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi, số 78.

(2) Thủ bản B, được viết trong lần tĩnh tâm cuối cùng của thánh nữ (tháng 9/1896): Oeuvres completes, Paris  1992,  p. 226.

(3) xem Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 97 (6/1/2023).  

(4) « Dilatentur spatia caritatis»: Saint Augustin, Sermon 69: PL 5, 440.441.

——————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31