SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 49
Hôm 23/1/2015, Tòa Thánh đã phổ biến Sứ điệp Ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 49, với tựa đề “Tương giao gia đình: nơi ưu việt cho cuộc gặp gỡ trong tình yêu thương nhưng không”. Trong sứ điệp này Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh “gia đình là nơi đầu tiên ta học biết tương giao/truyền thông”, và ngài mời gọi trở về với gia đình để học biết truyền thông cách đích thực và nhân bản hơn. Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng không có gia đình hoàn hảo, và vì thế đừng sợ những khiếm khuyết trong gia đình, nhưng hãy học đối diện với chúng cách xây dựng. Đối với Đức Thánh Cha, bảo vệ gia đình không phải là “bảo vệ quá khứ”, nhưng “chúng ta kiên nhẫn và tin tưởng làm việc trong mọi nơi chốn mà chúng ta đang sống giữa đời thường, để xây dựng tương lai”. Ngài cũng lưu ý một thế giới truyền thông cần phù hợp với phẩm giá con người và công ích. Các phương tiện truyền thông như thế cần tránh trở nên một trở ngại cho những mối tương quan liên vị, nhưng là tạo điều kiện cho chúng trong gia đình và xã hội.
Tương giao gia đình: nơi ưu việt cho cuộc gặp gỡ trong tình yêu thương nhưng không
Chủ đề về gia đình nằm ở trung tâm của suy tư sâu xa của Giáo Hội và của tiến trình hội nghị bao gồm hai Thượng hội đồng, một ngoại thường – vừa được thực hiện – và một thông thường, được triệu tập vào tháng Mười sắp đến. Trong khung cảnh này, đối với tôi, thật là thích hợp việc gia đình là điểm quy chiếu của chủ đề Ngày thế giới truyền thông xã hội sắp đến. Vả lại, gia đình là nơi đầu tiên ta học biết tương giao/truyền thông. Trở lại với thời điểm nguyên thủy này có thể giúp chúng ta làm cho truyền thông trở nên đích thực và nhân bản hơn, cũng như xem xét gia đình theo một quan điểm mới.
Chúng ta có thể cảm hứng từ hình ảnh Đức Maria thăm viếng bà Êlisabeth trong Tin Mừng (Lc 1, 39-56). “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (c. 41-42).
Trước tiên, đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy việc truyền thông như là một cuộc đối thoại được liên kết với ngôn ngữ thân xác. Quả thế, câu trả lời đầu tiên cho lời chào của Đức Maria, đó chính là hài nhi mang lại khi nhảy mừng trong cung lòng bà Êlisabeth. Cách nào đó, hớn hở vì niềm vui gặp gỡ là nguyên mẫu và là biểu tượng của mọi cuộc tương giao/ truyền thông (communication) khác mà chúng ta học biết ngay trước khi chào đời. Cung lòng đón tiếp chúng ta là “trường học” tương giao đầu tiên, được làm nên bởi việc lắng nghe và tiếp xúc thể lý, nơi mà chúng ta bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài trong một môi trường được bảo vệ và với nhịp đập trấn an của trái tim người mẹ. Cuộc gặp gỡ này giữa hai con người vừa thân mật và cả xa lạ với nhau, một cuộc gặp gỡ đầy những hứa hẹn, là kinh nghiệm tương giao đầu tiên của chúng ta. Và đó là một kinh nghiệm vốn nối kết tất cả chúng ta, bởi vì mỗi người chúng ta đều được một người mẹ sinh ra.
Ngay cả sau khi sinh ra, theo một nghĩa nào đó, chúng ta vẫn ở trong “cung lòng” là gia đình. Một cung lòng được hình thành nên bởi những ngôi vị khác nhau, trong tương quan: gia đình là “nơi mà chúng ta học biết sống chung trong sự khác biệt” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 66). Những khác biệt về giống và thế hệ, vốn tương giao trước hết để đón tiếp lẫn nhau, vì có một mối liên hệ giữa chúng. Và tầm mức của những mối quan hệ này càng rộng rãi, tuổi tác càng khác biệt, thì khung cảnh sống của chúng ta càng phong phú. Đó chính là mối liên hệ vốn là nền tảng của lời nói, mà đến lượt nó, lại củng cố cho mối liên hệ. Chúng ta không phát minh ra từ ngữ: chúng ta có thể sử dụng chúng bởi vì chúng ta đã lãnh nhận chúng. Chính trong gia đình mà ta học biết nói trong “ngôn ngữ mẹ đẻ”, tức là ngôn ngữ của tổ tiên chúng ta (x. 2Mc 7,25.27). Trong gia đình ta ý thức rằng có những người khác đã đi trước chúng ta, họ đã đặt chúng ta trong điều kiện hiện hữu và, đến lượt chúng ta, có thể sinh ra sự sống và làm điều gì đó tốt lành đẹp đẽ. Chúng ta có thể trao ban bởi vì chúng ta đã lãnh nhận, và vòng tròn đạo hạnh này nằm ở trung tâm của khả năng của gia đình tự thông truyền và thông truyền; và, cách chung chung hơn, đó là khuôn mẫu của mọi tương giao.
Kinh nghiệm về mối liên hệ “đi trước” chúng ta cũng biến gia đình thành khung cảnh trong đó được thông truyền hình thức căn bản của tương giao/truyền thông này là kinh nguyện. Khi người mẹ hay người cha ru con ngủ, rất thường họ phó dâng con cho Chúa, để ngài gìn giữ chúng; và khi chúng lớn hơn một chút, họ cùng nhau đọc kinh với con cái qua những lời kinh đơn sơ, cũng thương nhớ đến những người khác, các ông bà, những thành viên khác của gia đình, các bệnh nhân và những người đau khổ, đến tất cả những người cần đến sự nâng đỡ của Thiên Chúa nhất. Do đó, trong gia đình, đa số trong chúng ta đã học biết chiều kích tôn giáo của tương giao/truyền thông, mà, trong Kitô giáo, là tròn đầy tình yêu, tinh yếu của Thiên Chúa, Đấng tự hiến mình cho chúng ta và chúng ta trao ban cho người khác.
Chính trong gia đình mà chủ yếu được phát triển khả năng hiểu biết nhau, nâng đỡ nhau, đồng hành, đọc hiểu những cái nhìn và những thinh lặng, cười và khóc với nhau, giữa những người vốn không chọn lựa nhau nhưng rất quan trọng đối với nhau; điều đó làm cho chúng ta hiểu đâu thực sự là sự tương giao như là khám phá và xây dựng sự gần gũi. Giảm thiểu những khoảng cách, gặp gỡ và đón tiếp nhau là một lý do biết ơn và vui mừng: từ lời chào của Đức Maria và từ sự nhảy mừng của hài nhi đã cất lên lời chúc phúc của bà Êlisabeth, kèm theo sau là Thánh ca Magnificat rất đẹp, trong đó Đức Maria ca ngợi kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trên Mẹ và trên dân của Người. Từ một tiếng “xin vâng” được thốt lên trong đức tin đã có những hệ quả vốn vượt xa chính chúng ta và được lan rộng khắp thế giới. “Viếng thăm” có nghĩa là mở những cánh cửa, chứ không rút về trong những căn hộ của mình, đi ra, đi đến với người khác. Như thế, gia đình thật sống động nếu nó hít thở bằng cách mở ra xa hơn chính mình, và các gia đình làm như thế có thể thông truyền sứ điệp sự sống và hiệp thông của mình, có thể mang lại an ủi và hy vọng cho các gia đình bị tổn thương hơn và làm cho chính Giáo Hội, vốn là gia đình của các gia đình, được tăng trưởng.
Hơn tất cả gì khác, gia đình là nơi mà, khi chung sống giữa đời thường, ta cảm nghiệm những giới hạn của nó và của người khác, cảm nghiệm về những vấn đề lớn nhỏ của cuộc chung sống, về sự hiểu biết lẫn nhau. Gia đình hoàn hảo không tồn tại, nhưng chúng ta không được sợ sự khiếm khuyết, sự mỏng giòn, thậm chí là những xung đột; cần phải học đương đầu với chúng cách xây dựng. Như thế gia đình nơi chúng ta yêu thương nhau bất chấp những giới hạn và tội lỗi, trở nên một trường học tha thứ. Sự tha thứ là một tương giao năng động, một tương giao hao mòn và đổ vỡ và, xuyên qua sự hối cải được tỏ bày và đón nhận, có thể được thắt chặt lại và giúp lớn lên. Một đứa con mà, trong gia đình, học biết lắng nghe người khác, nói năng cách tôn trọng, khi diễn tả quan điểm của mình mà không phủ nhận quan điểm của người khác, sẽ là một người xây dựng đối thoại và hòa giải trong xã hội.
Về những giới hạn và tương giao, các gia đình có những người con đang chịu một hay nhiều khuyết tật sẽ có nhiều điều dạy dỗ chúng ta. Việc khiếm khuyết thần kinh, giác quan hay trí tuệ, luôn bao hàm cám dỗ khép kín; nhưng nó có thể trở nên, nhờ tình thương của cha mẹ, của anh chị em và của những người bạn khác, một khích lệ mở ra, chia sẻ, tương giao với mọi người; và nó có thể giúp đỡ trường học, giáo xứ, các hội đoàn trở nên đón tiếp hơn đối với mọi người, không loại trừ ai.
Tiếp đến, trong một thế giới mà người ta thường nguyền rủa, nói xấu, gieo rắc bất hòa, nơi mà thói ngồi lê đôi mách làm ô nhiễm môi trường nhân bản của chúng ta, thì gia đình có thể là một trường học về mối tương giao như một phúc lành. Và điều này, ngay cả ở nơi mà dường như lòng hận thù và bạo lực thường thắng thế, khi các gia đình bị chia rẽ bởi những bức tường bằng đá hay bằng những bức tường thành kiến và oán giận không ít bất khả xuyên thấu hơn, thì hẳn có những lý do đúng đắn để nói “bây giờ đủ rồi”; trên thực tế, chúc lành thay vì nguyền rủa, viếng thăm thay vì vứt bỏ, đón tiếp thay vì đánh đấm là phương tiện duy nhất phá vỡ vòng xoắn của sự dữ, để chứng tỏ rằng điều thiện là luôn khả thể và để giáo dục con cái về tình huynh đệ.
Ngày nay, các phương tiên truyền thông hiện đại hơn, mà đặc biệt đối với giới trẻ từ nay không thể thiếu, có thể hoàn toàn gây trở ngại cũng như nâng đỡ mối tương giao trong gia đình và giữa các gia đình này. Chúng có thể gây trở ngại cho việc tương giao nếu chúng trở thành một phương tiện trốn tránh việc lắng nghe, tách mình khỏi sự hiện diện thể lý, với việc đổ đầy ứ mỗi khoảnh khắc thinh lặng và nghỉ ngơi, quên học biết rằng “sự thinh lặng là thành phần của việc truyền thông và không có nó thì không có lời nói phong phú ý nghĩa nào có thể có được” (Bênêđíctô XVI, Sứ điệp Ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 46, 24.1.2012). Chúng có thể tạo điều kiện cho việc tương giao nếu chúng giúp nói và chia sẻ, tiếp xúc với những người ở xa, cám ơn và xin tha thứ, luôn làm cho việc gặp gỡ lại trở nên khả thi. Tái khám phá mỗi ngày trọng tâm là việc gặp gỡ này, “khởi đầu sinh động” này, chúng ta sẽ biết định hướng mối tương quan của chúng ta với sự trợ giúp của các công nghệ kỹ thuật, hơn là để chúng lèo lái chúng ta. Cũng trong lãnh vực này, các bậc cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên. Nhưng không được để họ một mình; cộng đồng Kitô hữu được mời gọi ở bên cạnh họ để họ biết dạy dỗ cho con cái sống trong một thế giới truyền thông, phù hợp với các tiêu chí về phẩm giá nhân vị và về công ích.
Thách đố đối với chúng ta ngày nay do đó là tái học nói, không chỉ đưa ra và tiêu thụ thông tin. Chính trong đường hướng này mà những phương tiện mạnh mẽ và quý giá của truyền thông hiện đại thúc đẩy chúng ta. Thông tin là quan trọng, nhưng nó không đủ, bởi vì nó quá thương đơn giản hóa, đối lập những khác biệt và những cái nhìn đa dạng khích bác cho người này đúng người kia có lý, thay vì khích lệ một cái nhìn cùng nhau.
Như thế, rốt cục, gia đình không phải là một đồ vật trên đó người ta thông truyền những ý kiến, hay một mảnh đất mà người ta phó mặc cho những cuộc chiến ý thức hệ, nhưng là một nơi người ta học tương giao trong sự gần gũi, và gia đình là một chủ thể tương giao, “một cộng đồng tương giao”. Một cộng đồng vốn biết đồng hành, cử hành và làm trổ sinh hoa trái. Theo nghĩa này, Có thể tái lập một cái nhìn có khả năng nhận ra rằng gia đình tiếp tục là một nguồn trông cậy lớn lao, chứ không chỉ là một vấn đề hay một thể chế đang khủng hoảng. Các phương tiện truyền thông có khuynh hướng đôi khi trình bày gia đình như thể đó là một khuôn mẫu trừu tượng phải chấp nhận hay chối bỏ, bảo vệ hay tấn công, chứ không phải là một thực tại cụ thể để sống; hay như thể đó là một ý thức hệ chống đối nhau, hơn là nơi chốn mà tất cả chúng ta học biết tương giao trong tình yêu lãnh nhận và cho đi là thế nào. Nói có nghĩa là hiểu rõ rằng cuộc sống của chúng ta được dệt nên trong một thực thể thống nhất, mà những tiếng nói thi đa dạng và mỗi người là bất khả thay thế.
Gia đình đẹp nhất, diễn viên chính chứ không phải vấn nạn, là gia đình biết thông truyền, khởi đi từ chứng tá của mình, vẻ đẹp và sự phong phú của mối tương quan giữa người nam và người nữ, và giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta không chiến đấu để bảo vệ quá khứ, nhưng chúng ta kiên nhẫn và tin tưởng làm việc trong mọi nơi chốn mà chúng ta đang sống giữa đời thường, để xây dựng tương lai.
Vatican, ngày 23 tháng 01 năm 2015
Hôm trước ngày lễ thánh Phanxicô Salê
Giáo hoàng Phanxicô
——-
Tý Linh chuyển ngữ
theo bản tiếng Pháp
Tags: Phanxicô-I, Truyền-thông-internet
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM ĐỐC ĐẠI CHỦNG VIỆN VÀ TIỀN CHỦNG VIỆN CỦA PHÁP : ĐỪNG TẠO RA NHỮNG BẢN SAO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 2025: CHIA SẺ NIỀM HY VỌNG TRONG LÒNG ANH CHỊ EM MỘT CÁCH HIỀN HÒA
- PHỎNG VẤN ĐHY KOOVAKAD, NGƯỜI VỪA ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM TỔNG TRƯỞNG BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC