SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2017 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là một khởi đầu mới, một hành trình dẫn đến một đích điểm chắc chắn: lễ Phục Sinh, cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết. Vào thời gian này, chúng ta luôn luôn đưa ra một lời mời gọi cấp bách hoán cải: Kitô hữu được mời gọi “hết lòng” (Je 2, 12) trở về với Thiên Chúa để không bằng lòng với một cuộc sống xoàng xĩnh, nhưng lớn lên trong tình bằng hữu với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn trung thành không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì ngay khi chúng ta phạm tội, Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài và, qua sự chờ đợi này, Ngài biểu lộ ý muốn tha thứ của mình (x. Bài giảng ngày 8/1/2016).
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để tăng cường đời sống tâm linh nhờ những phương thế thiêng liêng mà Giáo Hội đề ra cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Ở nền tảng của tất cả có Lời Chúa, mà chúng ta được mời gọi lắng nghe và suy niệm cách đều đặn hơn nữa vào thời gian này. Ở đây, tôi xin dừng lại cách riêng ở dụ ngôn người phú hộ giàu có và người nghèo Ladarô (x. Lc 16, 19-31). Chúng ta hãy để cho trình thuật rất quan trọng này gợi hứng chúng ta, mà khi khuyến khích chúng ta có một sự hoán cải chân thành, nó mang lại cho chúng ta chìa khóa để hiểu làm thế nào hành động để đạt tới hạnh phúc đích thực và sự sống đời đời.
- Tha nhân là một hồng ân
Dụ ngôn bắt đầu với việc trình bày hai nhân vật chính ; thế nhưng người nghèo được mô tả cách chi tiết hơn : ông sống trong một hoàn cảnh tuyệt vọng và không có sức để đứng dậy, ông nằm ở trước cửa nhà của người phú hộ và ăn những mẩu vụn bánh rơi xuống từ bàn ăn của ông ta, thân thể của ông thì đầy ghẻ chốc mà chó đến liếm (x. cc. 20-21). Bởi thế, đó là một bức tranh tối, và người đó thật hèn hạ và nhục nhã.
Khung cảnh còn xuất hiện bi thảm hơn nữa nếu người ta cho rằng người nghèo được gọi là Ladarô : một danh xưng chất chứa nhiều hứa hẹn, vốn có nghĩa đen là « Thiên Chúa đến cứu giúp ». Như thế, nhân vật này vẫn là vô danh, nhưng ông có những nét rất rõ ràng ; ông được giới thiệu như là một cá nhân với lịch sử cá nhân của mình. Cho dầu ông là vô hình truớc mắt của người phú hộ, thì thế nhưng chúng ta lại tỏ ra biết đến và hầu như thân quen với ông, ông trở nên một khuôn mặt; và, như thế, một hồng ân, một sự giàu có vô giá, một con người được muốn, được yêu mến, mà Thiên Chúa nhớ đến, cho dù thân phận cụ thể của ông là thân phận của một thứ cặn bã của nhân loại (x. Bài giảng ngày 8/1/2016).
Ladarô dạy cho chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Mối tương quan đúng đắn đối với người khác hệ tại ở chỗ nhận ra giá trị của họ cách biết ơn. Như thế, người nghèo trước cửa nhà ông phú hộ không phải là một chướng ngại nhưng là một lời mời gọi chúng ta hoán cải và thay đổi cuộc sống. Lời mời gọi đầu tiên mà dụ ngôn này nói với chúng ta là hãy mở cửa tâm hồn chúng ta cho tha nhân vì mọi nhân vị đều là một hồng ân, người hàng xóm của chúng ta cũng như người nghèo mà chúng ta không biết đến. Mùa Chay là một thời gian thuận tiện để mở cánh cửa cho những ai nghèo túng và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người chúng ta gặp họ như thế trên những nẻo đường của mình. Mọi cuộc sống đến gặp gỡ chúng ta đều là một hồng ân và đáng được đón tiếp, tôn trọng, yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta mở đôi mắt để đón tiếp cuộc sống và yêu mến cuộc sống, nhất là khi nó yếu hèn. Nhưng để có thể làm như thế, điều cần thiết là cũng biết nghiêm túc xem những gì mà Thiên Chúa cho chúng ta biết về người phú hộ.
- Tội lỗi làm cho chúng ta mù quáng
Dụ ngôn làm nổi bật cách tàn nhẫn những mâu thuẫn nơi người phú hộ (x. c. 19). Trái ngược với người nghèo Ladarô, nhân vật này không có tên, ông ta chỉ được gọi là « phú hộ ». Sự giàu có của ông được biểu lộ trong cách ăn bận quá xa hoa. Quả thế, vải tía là rất quý giá, hơn bạc hay vàng, vì thế nó được dành cho các thần linh (x. Gr 10,9) và cho vua chúa (x. Tp 8, 26). Vải lanh mịn mang lại cho dáng đi một đặc tính hầu như thánh thiêng. Tóm lại, sự giàu sang của ông phú hộ này là càng quá nhiều hơn nữa vì nó được phô trương mọi ngày, theo thói quen thường ngày : « mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình » (c. 19). Cách bi thảm hơn, người ta nhận thấy nơi ông ta sự biến chất của tội lỗi dược biểu lộ trong ba thời điểm liên tiếp : yêu tiền bạc, hư danh và kiêu ngạo (x. Bài giảng ngày 20/9/2013).
Theo thánh Phaolô Tông đồ, « cội rễ của mọi sự dữ đó là lòng yêu mến tiền bạc » (1Tm 6, 10). Nó là nguyên nhân chính của sự biến chất và là nguồn cội của sự ghen tương, tranh chấp và nghi ngờ. Tiền bạc có thể thống trị chúng ta và do đó trở thành một ngẫu tượng bạo chúa (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, số 55). Thay vì là một dụng cụ phục vụ chúng ta để thực thi điều thiện và thể hiện tình liên đới đối với tha nhân, thì tiền bạc có thể làm cho chúng ta cũng như toàn thế giới trở thành những kẻ nô lệ cho một thứ lô-gíc ích kỷ vốn không dành chỗ cho tình yêu và gây cản trở cho hòa bình.
Tiếp đến, dụ ngôn cho chúng ta thấy rằng sự tham lam tiền của làm cho người phú hộ thành kẻ hư danh. Nhân cách của ông được thể hiện trong những dáng vẻ bề ngoài, trong sự kiện cho người khác thấy những gì ông có thể làm. Nhưng vẻ bề ngoài che đậy sự trống rỗng nội tâm. Cuộc sống của ông ta vẫn là tù nhân của vẻ bề ngoài, của chiều kích hời hợt và phù du hơn của cuộc sống (x. nt., số 62).
Cấp độ thấp nhất của sự suy sút đạo đức này là thói kiêu ngạo. Ông phú hộ ăn bận như một ông vua, ông ta nhại lại dáng vẻ của một vị thần, mà quên đi mình chỉ là một người phải chết. Đối với người biến chất vì tham lam của cải, chỉ có cái tôi của riêng mình và đó là lý do mà những người xung quanh họ không phải là đối tượng của cái nhìn của họ. Do đó, hoa trái của việc quyến luyến với tiền bạc là một thứ mù quáng : kẻ giàu không nhìn thấy kẻ nghèo đang đói khát, đầy ghẻ chốc và bị lả đi trong sự nhục nhã của mình.
Khi nhìn vào nhân vật này, chúng ta hiểu tại sao Tin Mừng cứng rắn như thế trong việc kết án lòng tham lam tiền bạc của ông ta : « Không ai có thể làm tôi hai chủ : hoặc nó sẽ ghét chủ này mà yêu mến chủ kia, hoặc nó sẽ quyến luyến với chủ này mà khinh chủ nọ » (Mt 6, 24).
- Lời Chúa là một hồng ân
Tin Mừng về người phú hộ và người nghèo Ladarô giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho lễ Phục Sinh sắp đến. Phụng vụ thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta sống một kinh nghiệm tương tự với kinh nghiệm mà người phú hộ đã có theo cách cực kỳ bi thảm. Linh mục, khi xức tro trên đầu, lặp đi lặp lại lời này : « Ngươi hãy nhớ ngươi là tro bụi và người sẽ trở về với bụi tro ». Quả thế, ông phú hộ và người nghèo cả hai đều chết và phần dài nhất của trình thuật của dụ ngôn chuyển sang thế giới bên kia. Hai nhân vật đột ngột nhận thấy rằng « chúng ta không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng có thể mang gì ra được » (1Tm 6, 7).
Cái nhìn của chúng ta cũng hướng về thế giới bên kia, nơi ông phú hộ đối thoại với Tổ phụ Abraham mà ông gọi là « Cha » (Lc 16, 24 ; 27), điều đó cho thấy rằng ông thuộc về dân Thiên Chúa. Chi tiết này làm cho cuộc sống của ông còn mâu thuẫn hơn nữa vì, cho tới giờ, không có điều gì được nói về mối tương quan của ông với Thiên Chúa. Quả thế, trong cuộc sống của ông, không có chỗ cho Thiên Chúa, vì chính ông đã là thiên chúa của bản thân ông.
Chỉ trong sự đảo ngược ở thế giới bên kia mà ông phú hộ nhận ra Ladarô và ông muốn người nghèo này làm vơi đau khổ của ông bằng một giọt nước. Những cử chỉ được đòi hỏi với Ladarô cũng tương tự với những cử chỉ mà ông phú hộ hẳn đã có thể thực hiện mà ông đã không bao giờ thực hiện. Tuy nhiên, Abraham giải thích cho ông rằng « suốt đời ngươi, ngươi đã nhận phần phước của ngươi rồi, còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh ; bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn ngươi thì phải chịu khốn khổ » (c. 25). Thế giới bên kia tái lập một sự công bình nào đó và những bất hạnh của cuộc đời được đền bù bởi sự lành.
Dụ ngôn đòi hỏi một chiều kích rộng lớn hơn và vì thế mang lại một sứ điệp cho mọi Kitô hữu. Quả thế, ông phú hộ, người đang còn những anh em còn sống, đã xin Abraham sai Ladarô đến cảnh báo họ ; nhưng Abraham đáp lại : « Họ đã có Môisê và các Ngôn sứ ; họ hãy lắng nghe các vị đó » (c. 29). Và trước sự phản bác của ông phú hộ, Abraham nói thêm : « Môisê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu » (c. 31).
Như thế, vấn đề thực sự của ông phú hộ đã rõ : cội rễ của những xấu xa của ông ở chỗ ông không lắng nghe Lời Chúa ; điều này đã dẫn ông đến chỗ không còn yêu mến Thiên Chúa nữa và do đó khinh thường tha nhân. Lời Chúa là một sức mạnh sống động, có khả năng khơi lên cuộc hoán cải nơi tâm hồn của con người và một lần nữa hướng người ta đến cùng Thiên Chúa. Khép kín lòng mình trước hồng ân của Thiên Chúa đang nói với chúng ta sẽ có hệ quả là khép lòng mình trước hồng ân của người anh em.
Anh chị em thân mến, Mùa Chay là một thời gian thuận tiện để canh tân bản thân trong sự gặp gỡ với Chúa Kitô sống động trong Lời của Ngài, trong các Bí tích của Ngài và nơi tha nhân. Trong suốt 40 ngày sống trong hoang địa, Chúa, Đấng chiến thắng những cạm bẫy của Tên Cám Dỗ, đã cho chúng ta thấy con đường phải theo. Xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta thực thi một con đường hoán cải đích thực để tái khám phá hồng ân của Lời Chúa, được thanh tẩy khỏi tội lỗi vốn làm cho chúng ta mù quáng và phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi những anh chị em nghèo khổ. Tôi khuyến khích các tín hữu biểu lộ sự canh tân thiêng liêng này bằng việc cũng tham dự vào những chiến dịch Mùa Chay được nhiều tổ chức của Giáo Hội cổ võ nhằm làm tăng trưởng nền văn hóa gặp gỡ giữa lòng một gia đình nhân loại duy nhất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để khi tham dự vào cuộc chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta biết mở những cánh cửa của chúng ta cho những người yếu đuối và nghèo khổ. Như thế, chúng ta có thể sống và làm chứng trọn vẹn cho niềm vui phục sinh.
Vaticna, ngay 18 tháng 10 năm 2016
Lễ thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng
Phanxicô
Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp
Cha Augustinô Hồ văn Quý một lần đến Paris
Tags: bác ái-liên đới, Mùa-Chay, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 2025: CHIA SẺ NIỀM HY VỌNG TRONG LÒNG ANH CHỊ EM MỘT CÁCH HIỀN HÒA
- PHỎNG VẤN ĐHY KOOVAKAD, NGƯỜI VỪA ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM TỔNG TRƯỞNG BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?