SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 55: « « HÃY ĐẾN MÀ XEM » (Ga 1, 46). TRUYỀN THÔNG BẰNG CÁCH GẶP GỠ MỌI NGƯỜI Ở NƠI VÀ NHƯ HỌ LÀ »
Anh chị em thân mến,
Lời mời gọi “hãy đến mà xem”, vốn đi theo những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc đầu tiên của Chúa Giêsu với các môn đệ, cũng là tiến trình của mọi cuộc truyền thông đích thực của con người. Để kể lại chân lý của cuộc sống vốn trở thành lịch sử (x. Sứ điệp Ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 54, 24/1/2020), cần phải ra khỏi lối suy nghĩ đơn giản “biết rồi” và bắt đầu lên đường, đi gặp, ở với người ta, lắng nghe họ, ghi nhận các gợi ý của thực tại vốn sẽ luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng khía cạnh này hay khía cạnh khác của nó. Chân phước Manuel Lozano Garrido (1) đã khuyên các phóng viên đồng nghiệp của mình: “Hãy mở mắt ngạc nhiên thán phục trước những gì bạn sẽ thấy, và để đôi bàn tay bạn được đổ đầy nhựa sống tươi mát, để khi người khác đọc bạn, họ sẽ chạm đến điều kỳ diệu hồi hộp của cuộc sống”. Vì thế, năm nay, tôi muốn dành Sứ điệp cho lời kêu gọi “đến mà xem”, như là gợi ý cho mọi lối biểu thị truyền thông nào muốn trong sáng và trung thực: trong việc soạn thảo một nhật báo cũng như trong thế giới internet, trong lời rao giảng thường ngày của Giáo hội cũng như trong truyền thông chính trị hay xã hội. “Hãy đến mà xem” là cách thức mà đức tin Kitô giáo đã được thông truyền, từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên bên bờ sông Gio-đan và bên biển hồ Galilê.
Sử dụng đế giày
Chúng ta hãy nghĩ đến chủ đề lớn về thông tin. Từ lâu những tiếng nói có hiểu biết đã không hài lòng về nguy cơ xuất hiện trên “các nhật báo photocopy” hay nơi các thông tin, trên truyền hình hay truyền thanh, và các trang internet về cơ bản giống y nhau, nơi mà thể loại điều tra và tường thuật mất đi chỗ đứng và chất lượng vì lợi ích của thông tin chế sẵn, “đến từ trên”, tự quy chiếu, luôn kém thành công trong việc ngăn chặn chân lý của sự vật và cuộc sống cụ thể của con người, và không còn biết nắm bắt các hiện tượng xã hội nghiêm trọng nhất, cũng như các năng lượng tích cực đến từ nền tảng của xã hội. Cuộc khủng hoảng xuất bản có nguy cơ dẫn đến một thông tin được bịa ra trong các tòa soạn, trước máy tính, màn hình của các hãng thông tấn, trên mạng xã hội, mà không bao giờ ra ngoài đường, không còn “sử dụng đế giày” nữa, không gặp gỡ người ta để tìm kiếm những câu chuyện hay xác minh trực tiếp một số hoàn cảnh. Nếu chúng ta không đi ra gặp gỡ, thì chúng ta vẫn là những khán giả bên ngoài, bất chấp những đổi mới công nghệ vốn có khả năng đặt chúng ta trước một thực tại khuếch đại trong đó xem ra chúng ta bị đắm chìm. Mọi dụng cụ chỉ hữu ích và quý báu nếu nó thúc đẩy chúng ta đi và xem những thứ mà nếu không chúng ta không thể biết, nếu nó tạo ra một mạng lưới kiến thức mà nếu không sẽ không truyền đi, nếu nó cho phép những cuộc gặp gỡ mà nếu không sẽ không diễn ra.
Những chi tiết thời sự này trong Tin Mừng
Trả lời cho các môn đệ đầu tiên muốn biết Ngài, sau phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa nói: “Hãy đến mà xem” (Ga 1, 39), mời gọi họ sống tương quan với Ngài. Hơn nửa thế kỷ sau, khi Gioan, rất già rồi, đã viết Tin Mừng của mình, ông nhắc lại một số chi tiết “thời sự” vốn cho thấy sự hiện diện tại chỗ của ông, và tác động mà kinh nghiệm này đã diễn ra trong đời ông: “Lúc đó khoảng giờ thứ mười”, ông nhấn mạnh, tức khoảng bốn giờ chiều (x. c.39). Gioan kể tiếp, hôm sau, Philipphê cho Nathanaen biết về cuộc gặp gỡ của mình với Đấng Mêsia. Bạn của ông là một người hoài nghi. “Từ Nazarét, có cái gì là hay được?”. Philipphê không tìm cách chinh phục ông ta bằng lý lẽ: “Hãy đến mà xem”, Philipphê nói với ông (x. cc. 45-46). Nathanaen đã đến và thấy, và từ giây phút đó, đời sống của ông thay đổi. Đức tin Kitô giáo bắt đầu như thế. Và nó được thông truyền như thế: như một sự hiểu biết trực tiếp, nảy sinh từ kinh nghiệm, chứ không phải bằng tin đồn. “Không còn phải vì lời chị kể mà mà chúng tôi tin; chính chúng tôi đã nghe Ngài”, dân chúng nói với người phụ nữ Samari, sau khi Chúa Giêsu dừng lại nơi làng của họ (x. Ga 4, 39-42). “Hãy đến mà xem” là phương pháp đơn giản nhất để biết một thực tại. Đó là xác minh trung thực nhất của mọi lời loan báo, bởi vì để biết, cần phải gặp gỡ, cho phép người trước mặt tôi nói với tôi, để cho chứng ta của họ đến với tôi.
Cám ơn sự dũng cảm của nhiều phóng viên
Báo chí cũng thế, xét như là một tường thuật về thực tại, đòi hỏi khả năng đi đến nơi mà không ai đến: một sự di chuyển và một ước muốn nhìn thấy. Một sự tò mò, một sự mở ra, một đam mê. Chúng ta phải nói cám ơn về sự dũng cảm và sự dấn thân của nhiều chuyên viên – phóng viên, người quay phim, người dựng phim, đạo diễn, những người thường làm việc với rủi ro lớn – nếu ngày nay chúng ta biết, chẳng hạn, điều kiện khó khăn của thiểu số bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới; nếu nhiều hành vi lạm dụng và bất công chống lại người nghèo và chống lại công trình tạo dựng đã được tố giác; nếu nhiều cuộc chiến bị lãng quên đã được kể lại. Đó sẽ là một sự mất mát không chỉ cho thông tin, mà còn cho toàn thể xã hội và cho nền dân chủ nếu những tiếng nói này biến mất: một sự nghèo nàn cho nhân loại chúng ta.
Nhiều thực tại trên hành tinh, còn hơn thế nữa trong thời đại dịch này, gởi đến thế giới truyền thông lời mời gọi “hãy đến mà xem”. Có nguy cơ kể lại cơn đại dịch, và cũng thế mỗi cuộc khủng hoảng, duy chỉ với đôi mắt của thế giới giàu có hơn, giữ một “tính toán nước đôi”. Chúng ta hãy nghĩ đến vấn đề vắc-xin, cũng như vấn đề chữa trị y tế nói chung, có nguy cơ loại trừ người dân nghèo nhất. Ai sẽ kể cho chúng ta sự chờ đợi được chữa trị nới các làng quê nghèo nhất của Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi? Do đó, sự khác biết xã hội và kinh tế trên bình diện hành tinh có nguy cơ làm rõ thứ tự của việc phân phối vắc-xin chống covid; với người nghèo luôn là sau chót, và quyền được chăm sóc sức khỏe cho mọi người được khẳng định trên nguyên tắc, bị tước bỏ giá trị thực của nó. Nhưng cũng trong thế giới của những người may mắn, bi kịch xã hội của các gia đình đã vốn nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo khổ vẫn còn ẩn giấu phần lớn: những người mà, vượt qua sự xấu hổ, xếp hàng trước trung tâm Caritas để nhận gói lương thực thật đau khổ, và không gây nhiều tiếng ồn.
Cơ hội và nguy cơ của internet
Mạng, với vô số biệu hiện xã hội, có thể nhân rộng khả năng tường thuật và chia sẻ : nhiều cái nhìn bổ sung mở ra thế giới, một luồng hình ảnh và chứng từ liên lỉ. Công nghệ kỹ thuật số cho chúng ta khả năng thông tin trực tiếp và nhanh chóng, đôi khi rất hữu ích : chúng ta hãy nghĩ đến một số hoàn cảnh cấp bách nhân đó các tin tức đầu tiên, và cũng là những truyền thông phục vụ đầu tiên cho dân chúng, được loan truyền chính trên internet. Đó là một dụng cụ tuyệt vời làm cho hết thảy chúng ta có trách nhiệm với tư cách là người sử dụng và thụ hưởng. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng trở thành chứng nhân cho những biến cố, mà nếu không sẽ bị các phương tiện truyền thông truyền thống bỏ qua, (có tiềm năng) mang lại sự đóng góp công dân của chúng ta, làm nổi bật nhiều câu chuyện hơn, đặc biệt là những câu chuyện tích cực. Nhờ internet, chúng ta có khả năng kể lại những gì chúng ta thấy, những gì diễn ra trước mắt chúng ta, chia sẻ những chứng tá.
Nhưng mọi người bây giờ cũng ý thức được những rủi ro của truyền thông xã hội bị mất đi những xác thực. Từ lâu, chúng ta đã biết rằng những tin tức, và thậm chí những hình ảnh, là dễ dàng bị thao túng vì hàng ngàn lý do, thậm chí đôi khi chỉ bởi lòng say mê bản thân xoàng xĩnh. Ý thức phê bình này thúc đẩy chúng ta không coi dụng cụ này là ma quỷ, nhưng đưa đến một khả năng phân định lớn hơn và một ý thức trách nhiệm chín chắn hơn, cả khi những nội dung này được phổ biến lẫn khi chúng được tiếp nhận. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về truyền thông mà chúng ta thực hiện, về những thông tin mà chúng ta đưa ra, về sự kiểm soát mà chúng ta có thể thực thi cùng nhau đối với nhưng tin giả, bằng cách vạch trần chúng. Hết thảy chúng ta đều được mời gọi làm chứng cho chân lý : ra đi, gặp thấy và chia sẻ.
Không gì thay thế sự kiện tận mắt nhìn thấy
Trong truyền thông, không gì có thể hoàn toàn thay thế sự kiện tận mắt nhìn thấy. Một số điều chỉ có thể được biết bằng cách trải nghiệm. Quả thế, ta không thông truyền chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng ánh mắt, bằng giọng nói, bằng cử chỉ. Sức lôi cuốn của Chúa Giêsu đối với những người gặp Ngài tùy thuộc vào chân lý của lời rao giảng của Ngài, nhưng hiệu quả của những gì Ngài nói thì không thể tách rời với cái nhìn của Ngài, lối hành xử của Ngài, và thậm chí là sự thinh lặng của Ngài. Các môn đệ không chỉ nghe lời Ngài, nhưng họ còn nhìn Ngài nói. Quả thế, nơi Ngài – Ngôi Lời nhập thể – Lời đã trở thành Khuôn Mặt, Thiên Chúa vô hình đã tỏ cho người ta thấy, nghe và chạm đến, như chính Gioan đã viết (x. 1Ga 1, 1-3). Lời chỉ hiệu quả nếu nó được « thấy », nếu nó làm cho chúng ta tham dự vào một kinh nghiệm, một cuộc đối thoại. Chính vì lý do này mà « hãy đến mà xem » đã và đang là điều thiết yếu.
Chúng ta hãy nghĩ xem cũng có bao nhiêu tài hùng biện trống rỗng vào thời đại chúng ta ở nơi đời sống công cộng, trong thương mại cũng như trong chính trị. « Ông ấy biết nói đến vô tận mà không nói gì cả. Điều tốt trong tất cả các diễn văn của ông ấy là như hai hạt lúa mì ẩn giấu trong hai đấu cám. Người ta tìm kiếm chúng suốt ngày trước khi tìm thấy chúng, và khi người ta có chúng, thì chúng không đáng để người ta đã vất vả như thế » (2). Những lời lẽ đay nghiến của nhà viết kịch người Anh cũng có giá trị cho chúng ta, những người truyền thông Kitô hữu. Tin mừng của Phúc Âm đã được lan truyền trên thế giới nhờ những cuộc gặp gỡ giữa người với người, từ trái tim đến đến tim. Những người nam và người nữ đã chấp nhận cùng chính lời mời gọi, « Hãy đến mà xem », và đã được đánh động bởi một sự « thặng dư » tình người vốn lộ ra nơi ánh mắt, nơi lời nói và nơi những cử chỉ của những người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Mọi dụng cụ đều quan trọng, và nhà truyền thông vĩ đại tên là Phaolô thành Tarsô chắc hẳn có thể sử dụng bưu điện và các thư tín xã hội. Nhưng chính đức tin của ngài, niềm hy vọng của ngài và đức ái của ngài mới gây ấn tượng nơi những người đương thời là những người đã nghe ngài giảng và đã có cơ hội trải qua thời gian với ngài, thấy ngài trong một cuộc hội họp hay một cuộc nói chuyện cá nhân. Khi thấy ngài hành động ở những nơi ngài ở, họ đã công nhận sự loan báo về ơn cứu độ mà ngài là người loan truyền nhờ ân sủng của Thiên Chúa đã là đích thực và phong nhiêu như thế nào cho cuộc sống. Và ngay cả ở đâu cộng tác viên này của Thiên Chúa không thể được gặp đích thân, thì cách sống của ngài trong Chúa Kitô đã được làm chứng bởi các môn đệ mà ngài đã sai đi (x. 1Cr 4, 17).
« Trong tay chúng tôi có những cuốn sách, trong mắt chúng tôi có các sự kiện », thánh Augustinô đã khẳng đinh như thế, khuyến khích xác thực trong thực tế sự ứng nghiệm các lời tiên tri trong Thánh Kinh. Như thế, ngày nay Tin Mừng được tái hiện một lần nữa, mỗi lần chúng ta đón nhận chứng tá trong sáng của những người mà đời sống của họ đã được thay đổi nhờ sự gặp gỡ với Chúa Giêsu. Từ hơn hai ngàn năm nay, chính một loạt các cuộc gặp gỡ mà thông truyền cho chúng ta sự say mê của cuộc mạo hiểm Kitô giáo. Vì thế thách đố đang chờ đợi chúng ta là truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người ở đâu và như họ là.
Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con ra khỏi chính mình,
và bước đi tìm kiếm chân lý.
Xin dạy cho chúng con ra đi và gặp thấy,
xin dạy cho chúng con lắng nghe,
không có thành kiến,
không có những kết luận hấp tấp.
Xin dạy cho chúng con đi đến nơi đâu không ai muốn đến,
dành thời gian để hiểu,
quan tâm đến điều thiết yếu,
đừng để mình bị phân tâm bởi cái dư thừa,
phân biệt vẻ bề ngoài lừa dối với chân lý.
Xin ban cho chúng con ơn nhận ra những nơi cư ngụ của Chúa trên thế giới
và trung thực kể lại những gì chúng con đã gặp thấy.
Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 23/1/2021, ngày áp lễ nhớ thánh Phanxicô thành Salê.
PHANXICÔ
(Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp)
_______________________
Chú thích
(1) Phóng viên người Tây Ban Nha, sinh năm 1920 và mất năm 1971, được phong chân phước vào năm 2010.
(2) W. Shakespeare, Nhà lái buôn thành Venise, Hồi I, Cảnh I.
(3) Bài giảng 360/B, 20.
Tags: Truyền-thông-internet
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM ĐỐC ĐẠI CHỦNG VIỆN VÀ TIỀN CHỦNG VIỆN CỦA PHÁP : ĐỪNG TẠO RA NHỮNG BẢN SAO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 2025: CHIA SẺ NIỀM HY VỌNG TRONG LÒNG ANH CHỊ EM MỘT CÁCH HIỀN HÒA
- PHỎNG VẤN ĐHY KOOVAKAD, NGƯỜI VỪA ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM TỔNG TRƯỞNG BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC