SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 33 TN C

Written by xbvn on Tháng Mười Một 15th, 2013. Posted in Mai Tá, Năm C

“Đống gạch vụn chất trong lò ngôn ngữ,”

“Đò phù sa theo nước nhuộm xanh đồng.”

(dẫn từ thơ Trầm Mặc Thiên Thu)

Lc 21: 5-19

            Gạch vụn một đống, không chỉ có ở ngôn ngữ mới hôm nay. Đồng xanh nước nhuộm, cũng đã từng có ở trình thuật, rất lâu rày.

            Trình thuật, nay thánh Luca lại đã mô tả cảnh Đền Giêrusalem trở thành gạch vụn, tưởng chừng như thơ. Thơ sầu hận, ngày nguyệt tận, đâu nào tả ngày thế tận mà về ngày tàn của đền thánh rất Giêrusalem. Với người Do thái, Đền thờ là chốn thánh rất tột bực ở địa cầu; là: chốn Chúa tiếp cận với dân con Ngài hằng trân trọng.

            Về Đền thánh, người Do thái có tất cả đến ba ngôi đền được xây xong rồi bị phá do những con người bất ưng, thù hận gây nên. Đền thờ ban đầu, do vua Salômôn xây, đã bị phá hủy vào năm 587 trước khi dân con lưu đày trở về từ Babylon. Đền thứ hai, lại được người Do thái xây sau ngày trở về, để nối kết mọi người đến mà thờ phượng Gievê, Đức Chúa. Đền thứ ba, do Hêrôđê xây tuy chưa hoàn tất vào thời Chúa sống nhưng vẫn lộng lấy, dát vàng thật tráng lệ.

            Sống vào thời của Chúa, chẳng cần sắc sảo/tinh khôn cũng có thể đoán được rằng đền thờ này lại sẽ bị phá hủy cùng với thành Giêrusalem đi theo đó. Lúc ấy, người La Mã kiểm soát khắp mọi nơi chốn. Họ lại là người tàn bạo, dữ dằn nên sẽ không nương tay tàn phá những đền đài hoặc thành phố do họ chiếm, nếu chống đối. Giả như người Do thái lại tìm cách chống cự người La Mã, thì thế giới của dinh thự, hoặc đền đài cũng bị triệt tiêu.

            Dân con của Chúa vốn dĩ luôn hy vọng/nguyện cầu sao cho triều đại đế quốc La Mã thống trị mọi người mau chấm dứt. Họ mơ ước ngày ấy cũng sẽ là ngày thế giới bị tận tuyệt. Và bỗng nhiên, ngôn sứ giả mạo như Theudas và 400 người đi theo đã nổi lên ở nhiều nơi khiến người La Mã đã phải ra tay  tiêu diệt cho tận tuyệt. Tình trạng chính trị lại càng hỗn loạn. Thiên tai, động đất, mất mùa cứ thế xảy ra. Và, dân con cứ nguyện cầu Chúa ra tay can thiệp giúp người Do thái chiến thắng đám quân tham tàn, giống giòng La Mã.

            Và, vào năm 70, đền thờ của người Do thái lại đã bị quân La Mã triệt hạ, không thương tiếc. 6000 dân con Do thái đã quanh quẩn khu vực đền thờ khi thành Giêrusalem bị đoàn quân của Titus trấn giữ, và toàn bộ người dân vô tội đã thiệt mạng. Và đền thờ từ ngày ấy đến nay như thế, chẳng bao giờ được xây dựng lại suốt 20 thế kỷ. Ngày nay, duy nhất chỉ một tường thành trơ trụi còn trơ lại để người Do thái và người đạo khác đến nguyện cầu Đấng Thiên Sai sẽ tái lâm, gầy dựng lại từ đầu.

            Trình thuật hôm nay được viết vào năm 90 sau Công nguyên, phần lớn các sự kiện như thế đã xảy đến. Thánh sử Luca cũng đã viết về những lời tiên đoán đặt lên môi miệng của Chúa, vì thánh-nhân đã thấy toàn bộ sự việc tàn phá đã xảy ra như trước mắt. Và, thánh-nhân đã sử dụng văn phong phổ biến vào thời đó, vẫn được gọi là thể văn “cánh chung luận”, rất tận thế.

            Cánh chung luận, là một thể loại văn chương nhằm tỏ lộ còn gọi là “mặc khải” những điều rất bí mật chưa từng được gửi đến cho ai hết. Cánh chung, là ý nghĩa chỉ về những ngày sau hết của thế giới gian trần, tức ngày “thế tận” của vũ trụ. Người Do thái vào thế kỷ đầu cứ nghĩa rằng thời hiện tại vẫn ở trong tay ác thần/sự dữ quyết đè nén, bách hại cộng đồng người công chính, chứ không chỉ mỗi người La Mã thôi.

            Toàn bộ thế giới tạm bợ sẽ chấm dứt rất chóng trong một tai hoạ khủng khiếp hơn cả đám cháy khắp hoàn cầu. Dân con mọi người đều đã nguyện cầu cho ác thần sự dữ biến mất trong trận chiến cuối cùng, vào khi đó kẻ gian ác sẽ bị trừng phạt, giết chết đến triệt hạ. Và khi ấy, người công chính sẽ trỗi dậy vào cuộc sống vinh quang, không còn âu sầu, đau đớn bởi kỷ nguyên mới được Chúa cho khởi đầu từ lúc ấy. Dĩ nhiên, chuyện này đến nay vẫn chưa xảy đến, nhưng đó vẫn là niềm hy vọng trong sáng như lời tiên tri ta sẽ thắng vào ngày rất gần.

            Sử dụng biểu tượng, người viết trình bày ngày tàn của thế giới đền đài cùng với hy vọng kết tận thế giới thống trị của người La Mã, thế giới của sự dữ và khởi đầu một thế giới mới được Chúa phú ban cho ta như một bí mật này được mặc khải cho ta.

            Rõ ràng là, tác giả trình thuật muốn mọi người đọc trình thuật này không nên hiểu theo nghĩa đen. Bởi ta thật chẳng biết trình thuật có ý nói về ngày cùng tận của vũ trụ vạn vật không. Cũng chẳng rõ, lịch sử diễn tiến thế nào, hoặc giả như người Do thái và Kitô-hữu cuối cùng có được sống an bình vào thời sau hết hay không. Bởi, nếu đọc và hiểu các đoạn trình thuật như thế hoàn toàn theo nghĩa đen, ta sẽ có vài ý tưởng rất ngộ nghĩa, lạ kỳ. Thành thử, chẳng nên coi đó như mục đích tác giả muốn viết theo nghĩa thực tế rất đen ngòm; nhưng, hãy tìm xem thông-điệp ở trình thuật nói gì về sự sống ở đây, và thời này.

            Điều mà thánh-sử Luca muốn nói đến, là: ta hãy có động thái đổi thay hướng về cuộc sống ngay lúc này. Thay đổi động-thái, là: hãy cứ hy vọng và kiên trì bền bỉ ở nơi đó và làm những gì có thể làm được. “Sự kiện chính” sẽ xảy ra không phải trong tương lai, trên “thiên quốc” mà ta sẽ có tất cả những gì mình cần đến ngay ở đây, nếu muốn và nếu mình thực sự làm điều gì cho sự kiện đó. Nếu ta sống như thế ngay ở đây, bây giờ, thì “tương lai” và “thiên quốc” cũng sẽ đến với ta.

            Làm chút gì như thế, tức: hoạt động nhằm đổi thay xã hội mình sống. Thông điệp được thánh-sử gửi, là: cố sống hết mình hầu đổi thay xã hội, cho tốt đẹp. Chỉ bằng cách đó, ta mới có thể thay đổi được xã hội, dù rất ít. Ít, nhưng cũng đem lại cho thế giới một ý nghĩa về công bằng khiến xã hội được công bằng hơn để người sống thẳng thắn, có kết quả. Điều quan trọng là sống sao cho công bằng, biết tôn trọng luân thường đạo lý cho người nghèo và có ý thức trực tiếp về họ. Điều đó đòi mọi người biết cảm thông mà đi vào hành động, ngay lập tức.

            Điều ta cần đổi thay thế giới này, bây giờ là đặc biệt những ai lâu nay sở hữu thế giới đã đổ vỡ. Hiện đang có những người, không chỉ nghèo về vật chất thôi, mà cả những người cảm thấy thế giới của họ đang tan tành, gẫy đổ. Họ mất nhà, mất cả tiền bạc cũng như bạn bè người thân, mất cả công ăn việc làm, niềm tự tin và lòng tự trọng nữa. Họ thấy mình bị bỏ rơi khỏi thế giới trong khi người khác lại cứ sống ăn trên ngồi chốc, nhờ vào mồ hôi nước mặt của người nghèo hèn. Chúa đến, mang đến cho họ niềm hy vọng thấy được đường lối sống tốt đẹp hơn, tức: sống cho mọi người, ngay ở đây, bây giờ để mọi người đến với nhau bằng tình yêu không hạn chế.

            Trình thuật hôm nay cốt mang đến cho mọi người niềm hy vọng để sống. Sống có thay đổi và làm một chút gì đó cho mọi người. Quả là khi xưa Hội thánh ta lại quá nhấn mạng đến mục tiêu và chú trọng mỗi chuyện làm gì để lên được thiên đàng thẳng cánh, chứ không làm nhiều cho cuộc sống dưới thế này. Nếu ta thương yêu giùm giúp lẫn nhau và giúp người khác sống cho ra sống, thì việc “lên thiên đàng thẳng cánh” sẽ là tự chăm lo cho ta và mọi người. Có như thế, ta mới sẵn sàng để sống ở nơi đó, cách thoải mái.

            Trong tâm tình cảm nhận được sự thể như thế, cũng nên trở về ngâm lại vần thơ bỏ dở, rằng:

  “Đống gạch vụn chất trong lò ngôn ngữ,”

 “Đò phù sa theo nước nhuộm xanh đồng.

Triệu tinh cầu lấp lánh giữa tầng không,

Thập loại chúng sinh trong ba ngàn thế giới.

Chữ của ta có niềm vui rất mới,

Có nỗi buồn đọng lại tự thiên thu

Có lời ru trong khúc hát căm thù

Có tiếng thét trong bài ca hoan lạc.”

(Trầm Mặc Thiên Thu – Tôi Không Phải Là Thi Sĩ)

             Lời ru hay tiếng thét, trong đống gạch vụn đổ vỡ ngày thế tận, vẫn không là nỗi buồn đọng lại tự thiên thu. Nhưng, vẫn mang nhiều hy vọng về niềm vui rất mới, chốn thiên đường bay thẳng cánh. Ở đây. Bây giờ.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh   

Mai Tá lược dịch

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30