VỀ SỰ THA TỘI

Written by xbvn on Tháng Mười Một 15th, 2013. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Xuân Tịnh

“Sự công bố long trọng nầy làm nổi bật sự quan trọng của Bí tích Rửa Tội và xác định căn tính của chúng ta là con cái của Thiên Chúa”

Đây là bài giáo lý tiếp theo của Đức Thánh Cha Phanxicô về Kinh Tin Kính trong Năm Đức Tin tại buổi tiếp kiến chung hôm 13.11.2013 được tổ chức ở quảng trường Thánh Phêrô:

***

Anh chị em thân mến,

Trong Kinh Tin Kính, mà qua đó mỗi Chúa Nhật chúng ta thể hiện việc tuyên xưng đức tin của chúng ta, chúng ta xác định: “Tôi tin có một Phép Rửa để tha tội.” Đó là sự đề cập rõ ràng duy nhất đến một Bí tích trong Kinh Tin Kính. Quả thật Phép Rửa Tội là “cánh cửa” của Đức Tin và của đời sống Kitô hữu. Chúa Giêsu phục sinh đã để lại nhiệm vụ nầy cho các tông đồ: “Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu rỗi” (Mc 16,15-16). Nhiệm vụ của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng và tha tội qua phép rửa tội. Nhưng chúng ta hãy quay trở lại lời của Kinh Tin Kính. Câu văn có thể được chia làm 3 điểm: “Tôi tin” ; “một Phép Rửa”; “để tha tội”.

“Tôi tin.” Điều nầy có nghĩa là gì? Đây là một thuật ngữ long trọng cho thấy tầm quan trọng lớn lao của đối tượng, đó là Phép Rửa Tội. Thật vậy, bằng cách công bố những chữ nầy chúng ta xác định căn tính đích thực của chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, Phép Rửa Tội là thẻ căn cước của những người con cái Thiên Chúa, giấy chứng sinh của họ, đó là giấy khai sinh của Giáo Hội. Tất cả các bạn đều biết ngày mình được sinh ra và mừng sinh nhật đó, đúng không? Chúng ta tất cả đều mừng ngày sinh nhật. Tôi sẽ hỏi các bạn một câu hỏi mà tôi đã hỏi những lần trước rồi, nhưng tôi sẽ hỏi lại: Ai trong các bạn nhớ ngày rửa tội của mình? Xin đưa tay lên: có rất ít (và tôi sẽ không hỏi các giám mục để khỏi làm họ bối rối…). Nhưng chúng ta hãy thực hiện việc nầy: hôm nay, khi trở về nhà các bạn hãy hỏi xem mình được rửa tội ngày nào, hãy tìm kiếm, bởi vì đây là ngày sinh thứ hai của các bạn. Ngày sinh thứ nhất là khi các bạn được sinh vào đời và ngày sinh thứ hai là khi các bạn được sinh ra trong Giáo Hội. Các bạn sẽ làm việc nầy chứ? Đây là việc làm ở nhà: tìm ngày mà bạn được sinh ra trong Giáo Hội và cám ơn Chúa vì vào ngày Rửa Tội của bạn những cánh cửa của Giáo Hội được mở ra cho bạn. Đồng thời, Phép Rửa Tội cũng nối kết với đức tin của chúng ta trong việc tha tội. Thật ra, Bí tích Hòa giải hay xưng tội thì giống như một “Phép Rửa thứ hai”, vốn luôn liên quan đến phép rửa thứ nhất để củng cố và làm nó mới mẻ. Trong nghĩa nầy ngày Rửa Tội của chúng ta là điểm xuất phát của một hành trình biến đổi kéo dài suốt cuộc đời chúng ta và nó được nâng đỡ liên tục bằng Bí tích Giao hòa. Hãy suy nghĩ về điều nầy: khi chúng ta đi xưng thú những yếu đuối của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, chúng ta đang cầu xin sự tha thứ của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta cũng đi làm mới lại Phép Rửa Tội của chúng ta bằng sự tha thứ nầy. Và điều nầy thật đẹp, nó giống như mừng ngày Rửa Tội của bạn mỗi khi xưng tội. Do đó, việc xưng tội không phải là bị ngồi trong phòng tra tấn, mà là một ngày mừng lễ. Việc xưng tội thì dành cho người đã được rửa tội! Để giữ sạch chiếc áo trắng phẩm giá Kitô hữu của chúng ta!

Yếu tố thứ hai: “một Phép Rửa Tội”. Chữ nầy gợi nhớ lời của Thánh Phaolô: “một Chúa, một đức tin, một Phép Rửa” (Ep 4,5). Chữ “rửa tội” theo nghĩa đen có nghĩa là “dìm vào”, và quả thật, Bí tích nầy thiết lập một sự dìm vào cách thiêng liêng trong cái chết của Đức Kitô, từ đó chúng ta được nâng lên với Ngài như những tạo vật mới (x. Rm 6,4). Đây là một sự tẩy xóa của việc tái sinh và chiếu soi. Tái sinh vì nó đem lại sự sinh ra từ nước và Thánh Thần mà không có nó không ai có thể vào Nước Trời (x. Ga 3,5). Chiếu soi bởi vì, qua Phép Rửa Tội, con người được tràn đầy ân sủng của Đức Kitô, “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9) và xua đuổi bóng tối của tội lỗi. Vì lý do nầy, trong nghi thức Rửa Tội, bậc cha mẹ được trao cho một cây nến thắp sáng, để biểu thị cho sự chiếu soi nầy; Phép Rửa Tội chiếu soi chúng ta từ bên trong bằng ánh sáng của Chúa Giêsu. Trong hiệu quả của ân sủng nầy; người chịu phép rửa tội được kêu mời chính mình trở nên “ánh sáng” –ánh sáng đức tin mà họ đã lãnh nhận, cho anh chị em của mình, đặc biệt cho những người đang còn trong bóng tối và không cảm nhận được những tia sáng le lói phía chân trời cuộc sống của họ.

Chúng ta hãy tự hỏi mình: có phải Phép Rửa Tội đối với tôi là một sự kiện trong quá khứ, bị tách riêng ra trong một ngày nào đó, điều mà bạn sẽ truy tìm hôm nay, hay là một thực tại sống động, vốn liên quan đến hiện tại của tôi trong từng giây phút? Bạn có cảm thấy mạnh mẽ, với sức mạnh được Chúa Kitô trao ban bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài không? Hay bạn cảm thấy bại trận mà không có sức mạnh nào. Bạn có cảm thấy được chiếu sáng, bằng ánh sáng đến từ Chúa Kitô không? Bạn có phải là một người nam hay người nữ của ánh sáng không? Hay là một con người của bóng tối, không có ánh sáng của Chúa Giêsu? Bạn phải mang ân sủng của Phép Rửa Tội, đó là một quà tặng, và trở nên ánh sáng cho tất cả mọi người!

Cuối cùng, một đề cập vắn gọn cho yếu tố thứ ba: “để tha tội”. Trong Bí tích Rửa Tội tất cả mọi tội lỗi đều được tha, tội nguyên tổ và tội mình làm, cũng như mọi hình phạt của tội lỗi. Với phép Rửa Tội cánh cửa mở ra cho một sự mới mẻ thực sự của đời sống mà không bị đè bẹp bởi sức nặng của một quá khứ tiêu cực, nhưng nay lại cảm nhận được vẻ đẹp và sự tốt lành của Nước Trời. Đây là một sự can thiệp mạnh mẽ của lòng thương xót Chúa trong đời sống chúng ta, để cứu rỗi chúng ta. Sự can thiệp cứu độ nầy không lấy đi sự yếu đuối khỏi bản tính con người của chúng ta –chúng ta tất cả đều yếu đuối và tất cả đều là người tội lỗi -; và nó không lấy đi trách nhiệm phải cầu xin sự tha thứ mỗi lần chúng ta lầm lỗi! Tôi không thể được rửa tội thêm nhiều lần, nhưng tôi có thể tự xưng thú và làm mới lại ân sủng của phép Rửa Tội. Đó như thể là tôi thực hiện một phép Rửa thứ hai. Chúa Giêsu rất tốt lành và Ngài không bao giờ mệt mỏi việc tha thứ cho chúng ta. Ngay cả khi cánh cửa mà phép Rửa Tội đã mở ra để vào trong Giáo Hội bị đóng lại một chút vì sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, phép Giải tội lại mở nó ra, bởi vì nó giống như một phép Rửa Tội thứ hai tha thứ cho chúng ta tất cả và chiếu sáng chúng ta để đi về phía trước với ánh sáng của Chúa. Chúng ta hãy đi về phía trước, hân hoan vui sướng, vì cuộc đời được sống với niềm vui của Chúa Giêsu Kitô; và đây là một hồng ân của Chúa.

XT  (theo ZENIT)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30